George Weigel là một học sinh trung học ở Baltimore khi Công đồng Vatican II kết thúc. Đời sống đức tin của người Công Giáo ở Hoa Kỳ nhanh chóng bị đảo lộn khi các mục tử và thần học gia tranh cãi các giáo huấn thực sự của Công đồng về cải cách phụng vụ, kỷ luật Giáo hội và sự tham gia của giáo dân. Nay, trong tháng này, khi Giáo hội kỷ niệm 60 năm ngày khai mạc Công đồng, và Thượng hội đồng về tính đồng nghị năm 2023 sắp tới làm sống lại một cuộc tranh luận thường gay gắt, phân cực về di sản của các nghị phụ, nhà viết tiểu sử giáo hoàng bán chạy nhất đưa ra đánh giá của riêng mình với cuốn: To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II, được Basic Books xuất bản ngày 4 tháng 10.



Trong cuộc trao đổi qua email vào ngày 3 tháng 10 với biên tập viên thâm niên của National Catholic Register, Joan Frawley Desmond, Weigel trả lời các câu hỏi về các chủ đề và lập luận chính trong cuốn sách của mình: Lý do Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng, bản chất của các giáo huấn nền tảng của nó, tại sao các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI đã cung cấp “chìa khóa” riêng của các ngài để giải thích, và những bài học đau đớn của kỷ nguyên hỗn loạn sau công đồng vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay.

Bạn đang học trung học khi Công đồng Vatican II kết thúc và một giai đoạn biến động xảy ra sau đó, từ cuộc bỏ nhà dòng của các nữ tu đến việc băng hoại của Liên Huynh Đoàn Tín lý Kitô giáo (Confraternity of Christian Doctrine) “Thánh lễ dân gian” phổ biến khắp nơi. Sáu mươi năm sau, có vẻ như chúng ta đã nắm bắt tốt hơn, chính xác hơn các giáo huấn của nó - hay có đúng thế không?

Việc tách rời giáo huấn thực sự của Công đồng Vatican II khỏi “tinh thần Công đồng Vatican II” vô định hình (nhìn lại càng thấy giống như Thần khí của thập niên 60, chứ không phải Chúa Thánh Thần!) là một trong những trở ngại chính đối với việc tiếp nhận và thực thi đúng đắn Công đồng Vatican II. Tôi hy vọng bây giờ chúng ta đang ở thời điểm mà Công đồng có thể được “đọc” một cách đúng đắn, qua lăng kính của hai bản văn quan trọng nhất của nó, Hiến chế tín lý về Mạc khải (Dei Verbum) và hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium). Đó là những gì các bộ phận sống của Giáo hội thế giới đang thực hiện.

Tại sao Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII kêu gọi một công đồng mới có thể đào sâu sự hiểu biết về bản thân của Giáo hội, đồng thời tăng cường việc bắt tay với thế giới hiện đại?

Ý định của Đức Gioan XXIII trong việc triệu tập Công đồng Vatican II là làm sống lại đức tin của Giáo hội lấy Chúa Kitô làm tâm điểm để hoán cải thế giới hiện đại. Ngài tin một cách chính xác rằng điều đó sẽ chỉ xảy ra, nhờ một phương pháp mới để thu hút thế giới hiện đại. Và điều này có nghĩa là phải tìm ra một ngôn ngữ truyền giảng Tin Mừng và dạy giáo lý mà thế giới hiện đại có thể “nghe được”. Ngài biết việc này sẽ cần một thời gian và sự thật là chúng ta vẫn đang vật lộn với vấn đề đó - ngay cả khi thế giới hiện đại ngày càng trở nên bất nhất và thế tục một cách hung hãn hơn.

Đồng thời, trong bài diễn văn khai mạc Công đồng, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng đức tin Công Giáo phải được công bố một cách trọn vẹn, như tôi đã nói, một cách mà thế giới hiện đại có thể lắng nghe. Vì vậy, Công đồng thiên về việc “Kitô hóa” thế giới hơn là về việc thay đổi Giáo hội.

Giáo triều Rôma đã tiếp cận những mục tiêu này như thế nào lúc khai mạc Công đồng, và tại sao chủ trương của nó không giành được sự ủng hộ?

Thái độ thống trị của Giáo triều La Mã vào năm 1953 đã bị chỉ trích bởi một nhà nghiên cứu rất bảo thủ về nó, Đức Cha Giuseppe de Luca, trong một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng tương lai Phaolô VI, tức Đức Cha Giovanni Battista Montini, trong đó Đức Cha de Luca viết, "Trong bầu không khí ngột ngạt đầy ngu đần một cách tâng bốc giả dối và cao ngạo này, có lẽ một tiếng la hét - hỗn loạn nhưng có tính Kitô giáo - sẽ làm được một số điều tốt." Dọn dẹp nội bộ là điều đáng ước mong; những vị giáo phẩm khôn khéo hơn của thời đó biết rõ điều này; và do đó, nỗ lực của giáo triều muốn lèo lái một công đồng ngắn gọn, chỉ biết đóng dấu đã bị bác bỏ ngay trong những ngày đầu tiên của Công đồng Vatican II. Đức Cha Montini có thể đồng ý với Đức Cha de Luca, nhưng ngài cũng biết rằng việc thả xú bắp bị dồn nén lâu ngày sẽ gây ra một cảnh huyên náo; như ngài từng nói với một người bạn vào đêm Đức Gioan XXIII công bố ý định triệu tập một Công đồng, "Cụ già thánh thiện này không biết mình đang lâm vào tình trạng nguy khốn nào."

Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên bố rằng “mối quan tâm lớn nhất” của Công đồng phải là việc trình bày hữu hiệu và đầy đủ hơn về “kho tàng tín lý Kitô giáo thánh thiêng”. Dei Verbum và Lumen Gentium đã giải quyết thách thức này như thế nào?

Dei Verbum đã khẳng định lại một cách mạnh mẽ thực tại và thẩm quyền ràng buộc của Mạc khải Thiên Chúa qua thời gian. Đây chính là điều có vấn đề hiện nay ở Đức: Phải chăng Chúa biết rõ hơn hay chúng ta biết rõ hơn?

Đồng thời, bằng cách khẳng định rằng Mạc khải Thiên Chúa là điều có thật, Dei Verbum đã đưa ra một tuyên bố quan trọng về chúng ta: Chúng ta là những tạo vật được cấu hình để có thể nghe được lời thần linh nói trong lịch sử và rồi được hiện thân trong Con Thiên Chúa Nhập thể. Vì vậy, Dei Verbum đã thách thức khái niệm hạ giá về con người được công bố bởi chủ nghĩa duy tục, hay điều mà Henri de Lubac, một người có ảnh hưởng thần học lớn tại Công đồng Vatican II, đã gọi là “chủ nghĩa nhân bản vô thần”. Lumen Gentium đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm của đời sống và việc công bố của Giáo hội, đồng thời khẳng định rằng, trong Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô trong sứ mệnh trong lịch sử, nhân loại sẽ tìm được câu trả lời cho niềm khao khát của mình về một cộng đồng nhân loại đích thực.

Bạn viết rằng Các Nghị Phụ Công Đồng đã tiếp cận phụng vụ như là “công cụ mạnh mẽ nhất của Giáo Hội để mang men Tin Mừng đến với thế giới nói chung”. Làm thế nào mà viễn kiến đó đã định hình hiến chế về phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, và tại sao nó lại gây ra tranh cãi gay gắt cho đến ngày nay?

Tất cả những người tham gia vào “cuộc chiến phụng vụ” nên đọc Sacrosanctum Concilium; sau đó sẽ hiểu rõ ràng rằng nửa thế kỷ biến động trong phụng vụ là do việc thực thi hiến chế về phụng vụ một cách không thỏa đáng (và còn tệ hơn thế), chứ không phải do hiến chế. Việc "sửa chữa" các vấn đề thực thi này đã được tiến hành tốt cho đến khi Vatican can thiệp gần đây trong Traditionis Custodes, một điều đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn thay vì tốt đẹp hơn.

Gaudium et Spes, hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hiện đại, đã đề xuất một cuộc đối thoại mới với khoa học dựa trên sự thật này là Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi, đã mạc khải phẩm giá thực sự của con người và chính mục đích của lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người Công Giáo tin rằng Giáo hội nên dấn thân đối thoại với thế giới, chứ không phải với ơn thánh hóa của nó.

Đó là một sai lầm, phải không? Và một lần nữa, cuộc khủng hoảng giáo hội ở Đức là thí dụ điển hình cho sai lầm này. “Giáo Hội Thức giấc” ( Church of Woke) sẽ không đưa bất cứ ai đến với Thiên Chúa, bởi vì ý thức hệ thức giấc ngày nay (đặc biệt là ý thức hệ phái tính và sự khuấy động “LGBTQ +”) phủ nhận sự thật của nhân học Kinh thánh: chúng ta là ai, như thế nào và tại sao chúng ta được tạo ra như chúng ta hiện nay là và việc được tạo thành như chúng ta hiện nay là trên thực tế phản ảnh đời sống bên trong của Thiên Chúa Ba Ngôi, một cộng đồng của tình yêu và sự tiếp thu sinh hoa trái, tự hiến.

Công đồng đã xa lìa ngôn ngữ chính xác của Chủ nghĩa Tân Kinh viện để đưa ra một giọng điệu chân thực và đáng hoan nghênh hơn cho phép Giáo hội “vươn tay ra với thế giới… bằng một tấm lòng rộng lượng”. Sự thay đổi này có khuyến khích các diễn giải trái ngược nhau về Công đồng không, và đâu là bài học được rút ra từ đó?

Trong những thập niên trước Công đồng, một số nhà thần học sáng tạo nhất trong Giáo hội đã đề xuất việc “trở về nguồn” để tự hiểu về bản sắc Công Giáo trong Kinh thánh và các Giáo phụ như một phản ứng thích đáng hơn đối với tính phi tôn giáo của chủ nghĩa thế tục hơn là các tam đoạn luận của Tân Kinh viện. Các cuộc luận chiến chống Tân Kinh viện đôi khi đi quá mức; cũng vậy, việc Tân Kinh viện lên án mọi cách tiếp cận mới mẻ đối với kho tàng đức tin như là cái nêm mở đầu cho việc đả phá đức tin theo chủ nghĩa duy hiện đại.

Trong vài thập niên qua, tôi nghĩ chúng ta đã học được điều này: cả hai phương pháp tư duy thần học đều rất cần thiết cho sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội. Có lẽ thí dụ tốt nhất về điều này là thông điệp Veritatis Splendor của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một thông điệp đã kết hợp một cách sáng tạo cả hai cách tiếp cận để phác họa kiến trúc của đời sống luân lý Kitô giáo và ứng dụng mục vụ của nó.

Công đồng đã không được triệu tập để giải quyết một lạc giáo hoặc lên công thức cho một tín điều, và đó là một lý do tại sao Công đồng không cung cấp được "các chìa khóa có thẩm quyền" có thể làm rõ việc thực thi nó cách đúng đắn. Kết quả là, sự biến động xã hội của thời kỳ đó đã trở thành một “chìa khóa” để giải thích. Điều đó có tiếp tục diễn ra hay không?

Không, như tôi giải thích trong To Sanctify the World, “chìa khóa” có thẩm quyền cho Công đồng được cung cấp bởi hai vị vốn tham dự Công đồng, Karol Wojtyla và Joseph Ratzinger, những vị trong tư cách giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, nên được hiểu là một vòng cung liên tục của việc giải thích có thẩm quyền về Công đồng Vatican II. Trong Thượng hội đồng Giám mục bất thường năm 1985, do Đức Gioan Phaolô II triệu tập và được Ratzinger hướng dẫn về phương diện trí thức, Giáo hội đã được trao cho “chìa khóa chính”, có thể nói như thế, để mở cửa vào Công đồng: khái niệm Giáo hội như một sự hiệp thông các môn đệ trong việc truyền giáo.

Vào cuối thế kỷ 20, Dignitatis Humanae, tuyên bố của Công đồng về tự do tôn giáo, đã biến Giáo hội thành một tổ chức bảo vệ nhân quyền hoàn cầu. Tuyên bố đó có tiếp tục truyền cảm hứng cho chứng tá của Giáo hội hay chúng ta đã không thực hiện được lời hứa của nó?

Triều giáo hoàng hiện tại chắc chắn đã không hiểu được ý nghĩa của tuyên bố về tự do tôn giáo - cũng như các giới hạn của quyền lực nhà nước - trong chính sách Trung Quốc của mình và trong cách tiếp cận dường như thỏa hiệp với các chế độ độc tài chống Công Giáo ở Cuba, Nicaragua, Venezuela và những nơi khác. Tuy nhiên, những người Công Giáo từ chối sống dưới chế độ chuyên chế vẫn tiếp tục được truyền cảm hứng bởi tuyên bố; Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine có lẽ là thí dụ điển hình nhất về điều này vào lúc này.

Cuộc chiến về cách giải thích đúng đắn đối với Công đồng được tiến hành bởi những nhà cải cách thần học, những người không đồng ý về việc liệu các giáo huấn của Công đồng có tạo nên sự đoạn tuyệt đối với Truyền thống hay không. Ngày nay, khi Giáo hội chuẩn bị cho Thượng hội đồng về Tính Đồng nghị năm 2023, các chiến tuyến đã thay đổi, với các nhà cải cách được cho là đang tìm cách sửa đổi kỷ luật của Giáo hội và “các nhà đại cấp tiến” đang kêu gọi một mô hình Giáo hội hoàn toàn mới. Bạn nghĩ sao?

Vì chưa ai có thể định nghĩa "tính đồng nghị" một cách chính xác ra sao, nên thật khó để biết được điều Thượng hội đồng năm 2023 sẽ đạt được. Nhưng nếu nó phản ảnh sự mơ hồ hỗn độn của “Con đường Đồng nghị” Đức, thì thượng hội đồng năm 2023 sẽ đặt ra những trở ngại hơn nữa trong sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội. Bạn không thể truyền giảng Tin Mừng bằng Catholic Lite [Công Giáo nhẹ nhõm], bởi vì Catholic Lite chắc chắn sẽ bị phân hủy thành Catholic Zero [không còn là Công Giáo].

Bạn tin rằng Công đồng đã giúp đặt nền móng cho cả sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản châu Âu và sự phát triển bùng nổ của Công Giáo ở châu Phi cận Sahara. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt?

Tuyên bố về quyền tự do tôn giáo đã tạo sức mạnh cho cuộc cách mạng nhân quyền Công Giáo ở Đông-Trung Âu và tạo cơ sở cho Đức Gioan-Phaolô II tiến hành chiến dịch táo bạo của mình cho tự do của các dân tộc mà chúng ta thường gọi là “các quốc gia bị giam cầm”.

Lời Công đồng mời gọi Giáo hội tái phục hồi bản chất truyền giáo của mình và việc Công đồng tách Giáo hội ra khỏi quyền lực nhà nước (và do đó khỏi chủ nghĩa thực dân), là điều chủ yếu trong việc đặt nền móng cho sự phát triển to lớn của Giáo hội ở châu Phi cận Sahara.

Như bạn nói, nếu phải mất một thế kỷ để Giáo hội sống trọn vẹn các giáo huấn của Công đồng Trent, thì liệu chúng ta có cần thêm thời gian để tiếp thu đúng đắn các giáo huấn của Công đồng Vatican II không? Điều gì mang lại cho bạn hy vọng?

Các bộ phận sống động của Giáo hội thế giới ngày nay là những bộ phận đã chấp nhận cách giải thích có thẩm quyền của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI về Công đồng như một lời kêu gọi truyền giảng Tin Mừng trong tính viên mãn của đức tin Công Giáo. Đó là sự kiện thực nghiệm. Và sự kiện song song là những phần đang hấp hối của Giáo hội thế giới là những phần tiếp tục cố gắng làm cho ảo tưởng Công Giáo Nhẹ Nhõm hoạt động được – một điều không xảy ra, ở bất cứ nơi nào.

Nếu Thượng hội đồng năm 2023 không bắt đầu từ hai sự kiện thực nghiệm đó, thì nó sẽ không đúng với tinh thần và giáo huấn đích thực của Công đồng Vatican II.