1. Một số người Nga nổi tiếng xin nghỉ, từ chối ủng hộ chiến tranh

Việc một quan chức cấp cao của chính phủ Nga từ chức và việc ông ta chạy ra nước ngoài không phải là hành động tự nguyện đầu tiên và duy nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, nhưng đó chắc chắn là một trong những sự kiện nổi bật nhất.

Anatoly Chubais, đặc phái viên của Tổng thống Vladimir Putin tại các tổ chức quốc tế về phát triển bền vững, rất nổi tiếng ở Nga. Ông đã giữ các chức vụ cao trong gần ba thập kỷ, bắt đầu dưới thời Boris Yeltsin, nhà lãnh đạo đầu tiên thời hậu Xô Viết.

Một số nhân vật của công chúng đã lên án cuộc xâm lược Ukraine và rời bỏ chức vụ của họ tại các tổ chức và công ty nhà nước, điều này có thể báo hiệu sự chia rẽ trong hàng ngũ chính thức của Nga về cuộc chiến. Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy sự từ chức đã lọt vào vòng trong của Putin.

Chubais, 66 tuổi, là một trong số ít các nhà cải cách kinh tế thời kỳ 1990 vẫn ở trong chính phủ của Putin và duy trì quan hệ chặt chẽ với các quan chức phương Tây. Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Kể từ ngày 24 tháng 2, khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, chính phủ Nga đã tăng cường áp lực đối với những người chỉ trích trong nước về cuộc xâm lược. Vào ngày 16 tháng 3, Putin cảnh báo rằng ông sẽ thanh trừng Nga khỏi “những kẻ cặn bã và phản bội” mà ông cáo buộc là làm việc bí mật cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Trước tình hình kinh tế suy thoái, nhà lãnh đạo Nga cáo buộc phương Tây muốn tiêu diệt Nga.

Nhiều nhân vật trong giới tinh hoa của Nga đã ra đi sau các phát biểu của Putin.


Source:AP

2. Đức Thánh Cha tiếp các học viên về Bí tích Giải tội

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các cha giải tội đón tiếp, lắng nghe và đồng hành với các hối nhân với tâm tình người cha nhân từ đón người con hoang đàng trở về.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng hôm 25 tháng Ba năm 2022, dành cho các tham dự viên khóa học lần thứ 32 do Tòa Ân giải Tối cao về Bí tích Giải tội và các vấn đề lương tâm, quen gọi là “tòa trong”. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh tòa Ân giải Tối cao, cùng với các chức sắc và chuyên gia của tòa, cũng là các giảng viên trong khóa học. Ngoài ra có các cha giải tội tại bốn Đại vương cung thánh đường ở Roma.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha bày tỏ vui mừng vì con số lớn 800 người, gồm các linh mục và chủng sinh năm cuối tham dự khóa học từ ngày 21 đến ngày 25 tháng Ba, trong số này có 250 người tham dự trực diện. Ngài gọi đó là một dấu hiệu tốt, vì ngày nay một não trạng lan tràn là người ta khó hiểu chiều kích siêu nhiên, và thậm chí còn phủ nhận nó.

Đức Thánh Cha đặc biệt để lại cho các tham dự viên những lời khuyên, qua ba từ chủ yếu là đón tiếp, lắng nghe và đồng hành. Ngài nói:

Việc đón tiếp phải là đặc tính đầu tiên của cha giải tội. “Sự đón tiếp giúp hối nhân đến xưng tội với một tinh thần đúng đắn, không co cụm vào mình và vào tội riêng, nhưng cởi mở đối với tình phụ tử của Thiên Chúa và ân thánh. Đón tiếp là mẫu mực của đức bác ái mục tử mà anh em làm cho trưởng thành trong hành trình huấn luyện tiến đến chức linh mục và phong phú về thành quả đối với hối nhân cũng như chính vị giải tội, người sống tình phụ tử như người cha đối với người con hoang đàng.”

Thứ hai là lắng nghe. “Thái độ này đòi một nội tâm chú ý, sẵn sàng, kiên nhẫn, từ bỏ những ý tưởng riêng, những khuôn mẫu của mình để mở tâm trí nghe hối nhân. Trong một số cuộc giải tội, nhiều khi ta không cần nói hoặc khuyên bảo gì, nhưng chỉ cần lắng nghe và tha thứ. Lắng nghe là một hình thức yêu thương làm cho người khác cảm thấy mình thực sự được yêu mến. Và bao nhiêu lần, sự xưng tội của hối nhân cũng trở thành một cuộc xét mình đối với cha giải tội!”

Thứ ba là đồng hành. “Cha giải tội không quyết định thay cho tín hữu, không phải là chủ lương tâm của người khác. Cha giải tội chỉ đồng hành, với tất cả sự khôn ngoan, phân định và bác ái, nhìn nhận sự thật và thánh ý Chúa trong kinh nghiệm cụ thể của hối nhân. Cần luôn phân biệt giữa cuộc trao đổi trong tòa giải tội, luôn phải tôn trọng ấn tích bí mật của phép Giải tội, khác với cuộc đối thoại trong sự đồng hành linh hướng, tuy cũng có tính chất kín đáo nhưng dưới một dạng khác.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng cha giải tội luôn phải nhắm đến mục đích phổ quát là ơn gọi nên thánh, và kín đáo đồng hành trong vấn đề này, nghĩa là chăm sóc họ, đồng hành với họ.

3. Tiến Sĩ George Weigel bàn về Ukraine và tham vọng của Putin

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, ông đã có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “On Ukraine”, nghĩa là “Bàn về Ukraine”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Từ nhiều tháng nay, báo chí thế giới đã mô tả các đợt triển khai quân của Nga dọc theo biên giới Ukraine là mũi nhọn của một cuộc xâm lược có thể xảy ra. Tuy nhiên, sự thật là Nga đã xâm lược Ukraine cách đây 7 năm, khi Nga sáp nhập Crimea và “những người đàn ông áo xanh nhỏ bé” của Nga đã châm ngòi cho cuộc chiến ở miền đông Ukraine cướp đi sinh mạng của hơn 14,000 người và hơn một triệu người phải di tản. Dù diễn biến quân sự hiện tại như thế nào, thì một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vẫn chưa phải là “sắp xảy ra”; cuộc xâm lược đó đang diễn ra.

Sự thật đó đã bị che lấp bởi một chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch quy mô lớn của Nga. Vì vậy, có một số sự thật bắt buộc phải được nêu lên.

Sự thật đầu tiên: Đây là cuộc khủng hoảng của Nga, không phải là “cuộc khủng hoảng ở Ukraine”. Cái thường được gọi là “cuộc khủng hoảng Ukraine” hoàn toàn là do nhà độc tài Nga Vladimir Putin đưa ra. Ukraine đã không tạo ra cuộc khủng hoảng này. Hoa Kỳ đã không tạo ra nó, và cả NATO cũng vậy. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đã, đang và sẽ luôn là một liên minh phòng thủ, không còn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga cũng như NATO không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Botswana. Tuyên bố rằng NATO đe dọa Nga là một lời nói dối lớn làm xáo trộn thực tế an ninh ở Trung và Đông Âu: các nước chư hầu cũ của Liên Xô trước đây là Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, Slovakia, Hung Gia Lợi, Rumani, Bảo Gia Lợi, và các nước vùng Baltic là Lithuania, Latvia, Estonia, đã gia nhập NATO vì họ sợ Nga, chứ không phải vì họ có ý định xâm lược Nga. Cơ sở lý luận tương tự giải thích cho việc xin gia nhập NATO của Ukraine.

Sự thật thứ hai: Cuộc khủng hoảng được tạo ra một cách giả tạo này, nhằm mục đích gây bất ổn và khuất phục Ukraine, là một trong những biểu hiện cho thấy quyết tâm của Putin trong việc đảo ngược phán quyết của lịch sử trong Chiến tranh Lạnh. Putin đã khá rõ ràng về điều này trong hai mươi năm, và chỉ những kẻ ngu ngốc hoặc những kẻ nhìn qua lăng kính ý thức hệ của “chủ nghĩa bảo thủ quốc gia” mới không hiểu được điều gì đang xảy ra ở đây. Putin, bộ máy cũ của KGB, đang muốn lật ngược chiến thắng của các nền dân chủ non trẻ trước các chế độ chuyên chế lão luyện trong cuộc Cách mạng năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô năm 1991. Mục tiêu chiến lược lớn đó là trọng tâm của liên minh được công bố gần đây giữa Chế độ độc tài tham nhũng của Putin ở Nga và chế độ diệt chủng của Tập Cận Bình ở Trung Quốc - một thông báo mà hai kẻ độc ác này đưa ra ngay trước Thế vận hội Mùa đông. Putin và Tập không muốn gì khác hơn là một sự sắp xếp lại cơ bản các vấn đề thế giới, trong đó các chế độ áp bức của chúng gọi là điều hòa. Trong nỗ lực giành quyền bá chủ toàn cầu của các tên bạo chúa, Ukraine và Đài Loan có vai trò như Áo và Tiệp Khắc vào cuối những năm 1930: Nếu họ rơi vào tay các chế độ bạo chúa, những nước khác sẽ lần lượt theo sau.

Sự thật thứ ba: Sự xâm lược đang diễn ra ở Ukraine của Nga được tạo ra bởi một sự trình bày sai lầm về lịch sử, bao gồm cả lịch sử Kitô giáo. Tuyên bố của Putin rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự được củng cố bởi một Lời nói dối lớn khác: rằng Nga là người thừa kế duy nhất của lễ rửa tội của người Slav ở phía đông vào năm 988, và do đó, là người bảo vệ hợp pháp duy nhất cho những gì các nhà tư tưởng và các nhà biện hộ của Putin gọi là Russkiy mir, hay “Thế giới Nga.” Tuy nhiên, Ukraine, các cộng đồng Chính thống giáo và Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ít nhất cũng có các tuyên bố mạnh mẽ về quyền gia sản lịch sử đó như Nga và Nhà thờ Chính thống Nga. Sự hồi sinh của chủ nghĩa đế quốc Nga ngày nay có lẽ không phải là điều đáng ngạc nhiên; thói quen cũ khó thay đổi. Nhưng vai trò của Giáo Hội Chính thống Nga, gọi tắt là ROC, trong việc hỗ trợ mưu toan làm sai lệch lịch sử của Putin và các thiết kế đế chế mới của hắn đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sự nghiệp của Chúa Kitô ở một đất nước đang phục hồi sau sự tàn phá của chủ nghĩa vô thần do nhà nước bảo trợ. Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban đại kết của ROC, gần đây đã nhận được từ Tổng thống Putin “Huân chương của Thánh Alexander Nevsky” vì những “đóng góp to lớn trong việc phát triển các mối quan hệ quốc tế và giữa các hệ phái Kitô”. Lý do của giải thưởng có thể được đọc một cách trung thực hơn là thế này: “vì những dịch vụ cho nhà nước Nga và chế độ Điện Cẩm Linh hiện tại”.

Sự thật thứ tư: Sự gây hấn của Nga ở Ukraine nhằm vào tất cả mọi người, kể cả trẻ em. Cuộc chiến hỗn hợp của Nga chống lại nền dân chủ Ukraine đã bao gồm khoảng 1,000 lời đe dọa đánh bom giả đã làm các trường học trên khắp Ukraine phải đóng cửa kể từ đầu năm - cao gấp 10 lần so với tỷ lệ đe dọa đánh bom giả vào năm 2020 và 2021. Loại người nào lại cố tình khiến hàng trăm nghìn trẻ em và cha mẹ của chúng khiếp sợ trong nỗ lực gây bất ổn cho một người hàng xóm hiền hòa không đe dọa? Kẻ đã sát hại Boris Nemtsov và đầu độc Alexei Novotny, kẻ can thiệp vào cuộc bầu cử của các quốc gia khác, và kẻ nói dối nơi công cộng với sự trơ trẽn có thể khiến Joachim von Ribbentrop phải đỏ mặt.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã làm việc rất hiệu quả để xây dựng lại xã hội dân sự ở Ukraine ngày nay, đã yêu cầu đồng bào Công Giáo ủng hộ bằng lời cầu nguyện. Giáo Hội can đảm đó rất xứng đáng và không chỉ người Ukraine đang mắc nợ Giáo Hội ấy.