Đức Thánh Cha có thể Tông du Lebanon trong thời gian tới

Sau một công bố của Tổng thống Lebanon, ông Michel Aoun trên tweet, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết khả năng về một chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Xứ sở cây Thông Bá Dương Cedars đang được nghiên cứu.

(Tin Vatican)

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ông Matteo Bruni, cho biết có thể có một chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Lebanon. Tổng thống Aoun hôm thứ Ba đã đăng tải một lời mời ĐTC thăm viếng đất nước của những cây Thông Bá Dương Cedars tại Lebanon.

Văn phòng tổng thống Lebanon cho hay: “Người dân Lebanon đã và đang chờ đợi chuyến thăm này để bày tỏ lòng biết ơn trước sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha, và cảm ơn ngài vì những sáng kiến mà ngài đã thực hiện cho đất nước cũng như những tâm tình cầu nguyện của ngài cho hòa bình và sự ổn định của đất nước.”

Đức Thánh Cha đã tiếp tổng thống Lebanon tại Vatican vào ngày 22 tháng 3 năm nay. Sau cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, Ông Aoun đã gặp gỡ Đức Hồng Y Ngoại trưởng Pietro Parolin, cùng với Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, trưởng thánh bộ Quan hệ với các Quốc gia để bàn về chuyến tông du này.

“Trong các cuộc thảo luận thân mật tại Quốc vụ khanh, tầm quan trọng của mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Tòa thánh và Lebanon, nhân dịp kỷ niệm lần thứ bảy mươi lăm trong năm nay, đã được nhấn mạnh tới,” như một tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết sau những cuộc gặp gỡ. “Sau đó, sự chú ý chuyển sang các vấn đề kinh tế xã hội nghiêm trọng mà đất nước Lebanon đang trải qua, và tình hình của người tị nạn, với hy vọng nhận được trợ giúp của cộng đồng quốc tế, cuộc bầu cử lập pháp sắp tới và những cải cách cần thiết có thể góp phần tăng cường sự chung sống hòa bình giữa các tín hữu của nhiều tôn giáo khác nhau trong xứ sở của cây Thông Bá Dương Cedars. " Cuối cùng, tuyên bố cho biết, "hậu quả thảm khốc của vụ nổ ở cảng Beirut vào ngày 4 tháng 8 năm 2020 đã được đề cập, liên quan đến nhu cầu công lý và sự đền bù dành cho các gia đình nạn nhân."

Mong muốn của Đức Thánh Cha đến thăm Libanon

ĐTC đã nhiều lần bày tỏ ngài mong muốn đến thăm Lebanon. Một năm sau vụ nổ ở cảng Beirut, trong buổi Tiếp kiến chung vào ngày 4 tháng 8, Đức Thánh Cha đã phát biểu: “Các bạn Lebanon thân mến, tôi rất muốn đến thăm các bạn và tôi tiếp tục cầu nguyện cho các bạn, để đất nước Lebanon được vãn hồi hòa bình và chan chứa tình huynh đệ cho toàn bộ vùng Trung Đông”.

Trong năm 2021, vào ngày 1 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức một Ngày Suy niệm và Cầu nguyện chung với các Đại giáo trưởng nước Lebanon. Rồi trên đường trở về sau chuyến tông du Iraq, trong cuộc họp báo trên máy bay với các nhà báo năm ngoái vào ngày 8 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ rằng ngài đã hứa, trong một bức thư gửi cho Đức Hồng Y Bechara Raï, là ngài sẽ thực hiện một chuyến tông du đến Lebanon.

Các Đức Thánh Cha đã đến thăm Lebanon

Một số Đức Thánh Cha đã đến Lebanon trong quá khứ. Thánh Giáo hoàng John Paul II đã đến thăm xứ cây Thông Bá Dương Cedars vào năm 1997; và được tiếp nối bởi Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2012.

Nhưng đáng nhớ là Đức Thánh Giáo Hoàng Paul VI đã dừng chân tại Lebanon vào năm 1964, và ngài là Giáo hoàng đầu tiên đặt chân lên đất Libanon. Thánh Giáo Hoàng Paul VI đã dừng chân một giờ tại phi trường Beirut trên đường bay đến Đại hội Thánh Thể ở Bombay, Ấn Độ. Ngài được Tổng thống Charles Hélou và các nhà chức trách chính trị và tôn giáo chào đón, Đức Phaolô VI đã có một bài diễn văn ngắn bằng tiếng Pháp: “Lebanon - chúng tôi rất hân hạnh được nói điều này ở nơi này – quí quốc giữ vị trí quan yếu trong sự hài hòa giữa nhiều quốc gia,” Đức Thánh Cha nói trong bài phát biểu tại sân bay. “Có thể nói, lịch sử, văn hóa, tính hài hòa an bình của quốc dân quí vị với lòng quý trọng và tình bạn thân thiết dành cho mọi người. Trên tất cả, các truyền thống tôn giáo cổ xưa và đáng kính của quí quốc, đối với chúng tôi, làm cho chúng tôi ngưỡng mộ và biết ơn...” Và Đức Paul VI nói thêm, “Đặc biệt, chúng tôi không thể quên những gì mà đức tin của các cộng đồng Công Giáo ở Li-băng đại diện cho Giáo hội, được thể hiện trong sự đa dạng hài hòa qua các Nghi lễ, trong sự phong phú và đa dạng của các cộng đồng tôn giáo, trong các hoạt động có tính cách tông đồ, giáo dục, văn hóa và từ thiện. ”