Đức Thánh Cha nói qua người nghèo, chúng ta khám phá ra khuôn mặt thật của Chúa Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố sứ điệp Ngày Thế giới về Người nghèo lần thứ năm trong đó ĐTC nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc hoán cải và cách tiếp cận, nhằm chống lại những hình thức nghèo đói mới trên thế giới và thúc đẩy sự tự do cần thiết để sống một cuộc sống sung mãn tùy theo khả năng của mỗi người.

(Tin Vatican)

Chủ đề của Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ năm là “Người nghèo mà bạn sẽ luôn có bên mình” được trích từ phúc âm thánh Marcô. Đức Thánh Cha Phanxicô công bố thông điệp cho lễ kỷ niệm hàng năm vào thứ Hai, trước ngày lễ kỷ niệm dự kiến mừng vào ngày 14 tháng 11, Chủ nhật thứ ba mươi ba Quanh Năm...

Hai cách giải thích

Lấy cảm hứng chủ đề từ Phúc âm thánh Marcô 14:7, ĐTC Phanxicô lưu ý rằng Chúa Giêsu nói trong một bữa ăn ở Bêtania, nhà của Simon người phung, một vài ngày trước Lễ Vượt Qua, khi một người phụ nữ bước vào với một bình thuốc thơm quý, đổ lên đầu Chúa Giêsu, khiến mọi người kinh ngạc và đưa đến hai phản ứng:

Phản ứng đầu tiên là phẫn nộ: trước một bình dầu thơm quí, một số người có mặt, bao gồm cả các tông đồ, cảm thấy lãng phí, đáng lẽ phải bán đi và lấy số tiền đó mà bố thí cho người nghèo! Đặc biệt, Giuđa đã lớn tiếng, “không phải vì hắn quan tâm đến người nghèo, mà vì hắn là một tên trộm” và hay biển thủ tiền quỹ...

Phản ứng thứ hai là của Chúa Giêsu, đánh giá cao ý nghĩa hành động của người phụ nữ. Chúa yêu cầu để cô ấy làm, “một hành vi dự phóng trước việc xức dầu cho ‘thân xác bất động’ của Chúa trước khi được mai táng trong huyệt mộ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Chúa Giêsu nhắc nhở họ rằng ngài là người đầu tiên trong số những người nghèo, người nghèo nhất trong những người nghèo, bởi vì ngài đại diện cho họ. Cũng chính vì lợi ích của người nghèo, người cô đơn, bị thiệt thòi và nạn nhân của sự phân biệt đối xử, mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận hành vi của người phụ nữ!”

ĐTC nói thêm rằng người phụ nữ vô danh này là đại diện cho tất cả các phụ nữ của nhiều thế kỷ "những người bị câm lặng và chịu bao bạo lực." Sau đó, Chúa Giêsu tiếp tục liên kết cô với sứ mệnh loan báo Tin Mừng: “Thật, Thầy nói cho anh em biết, bất cứ nơi nào Tin Mừng được loan báo, thì việc cô ấy làm sẽ được thuật lại để tưởng nhớ đến cô ấy” (Mc 14: 9).

Đức Thánh Cha nói: “Sự đồng cảm giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ nói nên mối liên hệ không thể tách rời giữa Chúa Giêsu, người nghèo và việc loan báo Tin Mừng.”

Quan tâm đến người nghèo

ĐTC Phanxicô lưu ý: “Khuôn mặt của Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải là diện mạo một người Cha quan tâm và gần gũi với người nghèo.

Cho nên “người nghèo, luôn luôn có ở mọi thời, mọi nơi và việc truyền giáo của chúng ta, giúp chúng ta khám phá ra khuôn mặt thật của Chúa Cha theo những cách thức mới.” Chúng ta được mời gọi khám phá ra Chúa Kitô nơi họ, lắng nghe, hiểu biết và chào đón họ vì “Chúa Giêsu không chỉ đứng về phía người nghèo mà còn chia sẻ kiếp nghèo của họ”.

Quay trở lại chủ đề của sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo rằng sự hiện diện thường xuyên của người nghèo đừng làm chúng ta ra thờ ơ, “thay vào đó, hãy chia sẻ cuộc sống với họ!”.

ĐTC nói: Sự khác biệt giữa các hành động từ thiện và chia sẻ là các hành động từ thiện thì có một người cho và một người nhận, trong khi chia sẻ thì phát xuất từ tình huynh đệ.

Hoán cải

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới sự cần thiết phải làm theo lời mời gọi của Chúa là “hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). ĐTC nói thêm rằng việc hoán cải này bao gồm việc “mở rộng lòng chúng ta để nhận ra nhiều hình thức nghèo khó khác nhau và biểu lộ Nước Thiên Chúa qua một lối sống phù hợp với đức tin mà chúng ta tuyên xưng.”

ĐTC giải thích rằng việc làm tông đồ Kitô giáo đòi hỏi một quyết tâm không tích lũy kho báu trần gian mà là chấp nhận một sự sẵn sàng “giải thoát ta khỏi những gì ngăn cản chúng ta tiến đạt hạnh phúc đích thực và bền lâu, không hề bị phá hủy bởi bất cứ ai hay bất cứ điều gì.”

Về vấn đề này, “Tin Mừng của Chúa Kitô kêu gọi chúng ta bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo và nhận ra những hình thức nghèo đói mới.”

Đại dịch do Covid-19 gây ra

Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra - một “dấu hiệu của nghèo đói - tiếp tục ảnh hưởng đến hàng triệu người, đặc biệt là những người nghèo một cách không cân xứng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh “đến nhu cầu rõ ràng là phải tìm ra những phương tiện phù hợp nhất chống lại vi rút ở cấp độ toàn cầu chứ không chỉ nhắm vào lợi ích quốc gia hay đảng phái”.

“Điều cấp bách là phải giải quyết nạn thất nghiệp, chú ý tới một số quốc gia đang phải gánh chịu những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của đại dịch, những người dân dễ bị tổn thương vì thiếu “các nhu yếu phẩm cơ bản”.

Câu trả lời cụ thể

“Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra một phản ứng hữu hình cho hàng triệu người nghèo?

Trước vấn nạn này, ĐTC đề xuất các bước cụ thể, cần phải có “các quá trình phát triển trong đó khả năng mọi người được đề cao và bổ sung các kỹ năng và sự đa dạng của các vai trò dẫn đến một nguồn lực chung” bởi vì “nghèo đói không phải là kết quả của số phận, nhưng đó là kết quả của sự ích kỷ” và “lối sống chủ nghĩa cá nhân tạo ra đói nghèo, đổ cho người nghèo phải chịu trách nhiệm về tình trạng của họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có một cách tiếp cận khác đối với sự nghèo đói, điều này sẽ thúc đẩy chúng ta “lập ra một kế hoạch sáng tạo, nhằm tăng cường sự tự do cần thiết để sống một cuộc sống viên mãn tùy theo khả năng của mỗi người”.

Kết luận thông điệp của mình, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng Ngày Thế giới Người nghèo sẽ được các Giáo hội địa phương phát huy, ý thức và “truyền cảm hứng cho phong trào truyền bá Phúc âm, thương cứu giúp người nghèo ở bất cứ lúc nào và ở đâu.” ĐTC lưu ý mọi người đừng đợi người nghèo gõ cửa nhà chúng ta, nhưng hãy khẩn trương, đi bước trước tiếp cận vơi họ ngay trong gia đình của họ, trong các bệnh viện và trên các hè phố…