Thập niên 1980, khi viết cuốn Gia Tài Công Giáo, Giáo sư Lawrence S. Cunninham từng cho rằng “Nếu có ai cùng một lúc đọc cả The Wanderer lẫn The National Catholic Reporter, cả hai đều là những tạp chí Công Giáo Mỹ xuất bản tại vùng Trung Tây, chắc họ dám nghĩ người ta đang viết về hai giáo phái hoàn toàn khác nhau”. Đó là chuyện mấy giáo dân Mỹ làm báo chí với nhau. Làm báo chí thì càng khác nhau mới càng câu được độc giả, chứ cùng một giọng điệu, đọc chán chết, và chỉ cần đọc một trong hai tờ, chứ đọc cả hai làm chi cho mất thì giờ.

Bước sang thế kỷ 21, cục diện thay đổi, bây giờ đến lượt hàng giáo phẩm. Trong bài “Thần học ảo Quán Ba” hôm qua, tác giả bài báo có nhắc đến nhận định của Tiến sĩ Ralph Martin, chủ tịch Thừa tác vụ Canh tân và là giáo sư thần học tại Đại Chủng viện Thánh Tâm, tác giả cuốn “Church in Crisis: Pathways Forward” (“Giáo hội trong khủng hoảng: Các nẻo đường tiến tới”): sự hỗn độn và rối loạn hiện nay trong Giáo Hội là do việc các giám mục và Hồng Y mâu thuẫn nhau về thần học và việc thực hành đức tin. Ông nói, “Các giám mục đang tấn công các giám mục, các Hồng Y đang tấn công các Hồng Y”.

Nhận định trên đây, tháng này, đã được chứng minh hùng hồn bởi bài báo của Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila đăng trên tạp chí America của các cha Dòng Tên Hoa Kỳ ngày 14 tháng 4 năm 2021. Và cùng ngày tức khắc bị Đức Hồng Y Cupich phê phán và đòi giải thích, cho là đi ngược lại tín lý của Giáo Hội.

Trong bài này, chúng tôi xin chuyển ngữ trọn bài báo của Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila. Ngày mai chúng tôi xin chuyển dịch bài báo của tờ The Pillar nói về lời phê phán của Đức Hồng Y Cupich.

Trước khi đi vào chính bài báo của Đức Tổng Giám Mục Aquila, xin cũng lưu ý: Tạp chí America coi bài viết của Đức Tổng Giám Mục Aquila như một phần của cuộc đàm thoại với Tạp chí, cung ứng các quan điểm đa dạng về các vấn đề quan trọng và gây tranh cãi trong đời sống Giáo Hội. Và tạp chí khuyên độc giả đọc một bài khác về việc rước lễ của linh mục Louis J. Cameli, một linh mục thuộc tổng giáo phận Chicago, tức đại diện cho Đức Hồng Y Cupich, cũng được đăng tải trên cùng Tạp chí vào cùng ngày 14 tháng 4, 2021.

Sau đây là trọn bài viết của Đức Cha Aquila, Tổng Giám Mục tổng giáo phận Denver, Colorado:



Trong Thánh lễ đầu tiên của tôi với tư cách là một linh mục, và trong các Thánh lễ tôi đã dâng kể từ đó, tôi đã cầu nguyện lặng lẽ một trong hai lời cầu nguyện do các linh mục trên khắp thế giới dâng lên trước khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho việc lãnh nhận Mình và Máu Chúa, không đem lại cho con sự phán xét và kết án, nhưng nhờ lòng thương xót yêu thương của Chúa, xin Chúa che chở con trong linh hồn và thể xác và là phương thuốc chữa lành.

Lời cầu nguyện đó lặp lại những lời trong Thư đầu tiên của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô khuyến khích Giáo hội sống đức tin một cách chân chính, hoàn toàn và chính trực. Thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Côrintô: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11:27-30).

Những lời nói về tình yêu thương của Giáo Hội dành cho những ai dám đến gần bàn thờ là những lời quan tâm và thương xót, được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, để bảo vệ và chữa lành. Nhưng chúng cũng cho chúng ta một lời cảnh cáo nghiêm túc: Chúng ta, những người tuyên xưng đức tin của Giáo Hội phải sống như Giáo Hội truyền lệnh cho chúng ta bởi vì qua Giáo Hội của Người, Chúa Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta ăn năn, tha thứ và sống thánh thiện. Đến gần Bí tích Thánh Thể cách khác là tự kết tội mình trước bàn thờ Chúa.

Thánh Phaolô khẳng định sức mạnh vĩ đại của Bí tích Thánh Thể nhưng cảnh cáo về sự nguy hiểm của việc lãnh nhận nó mà không biện phân. Đó là một mối nguy hiểm thánh thiện đi kèm với quyền tự do của chúng ta được sống một cuộc sống nhất quán hoặc không nhất quán; sống cuộc sống nhất quán với sự thật của Thiên Chúa và các sự thật của Giáo Hội hay không. Sự thật có thể khó nói và khó nghe, nhưng tình yêu nói lên sự thật. Đến gần Bí tích Thánh Thể một cách coi thường (casually) và không sợ bị kết án là gây nguy cơ cho sự cứu rỗi đời đời của người ta.

Tuy nhiên, ngày nay, người ta thấy các giám mục chúng ta rất ít nói tới việc kết án. Chúng ta đã khai triển một nền sư phạm chấp nhận gần như độc hữu. Chắc chắn, tất cả chúng ta được mời gọi yêu thương nhau bằng tình yêu anh hùng, chào đón khách lạ và kẻ tội lỗi vào mầu nhiệm của lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tình yêu ấy, một cách nào đó, đã trở thành một chiều. Tình yêu quả thực hay thương xót, nhưng tình yêu đích thực cũng chân thật. Trong thừa tác vụ của Người, Chúa Giêsu cho chúng ta nhiều điển hình: Thánh Phêrô và các tông đồ, người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, Giakêu, và người phụ nữ Samari. Tình yêu nhìn nhận rằng sự lên án luôn ở trong tầm tay. Nó nhìn nhận rằng cách chúng ta đến gần bàn thờ và rước Thánh Thể đòi một lòng kính sợ Chúa lành mạnh.

Tôi trình bầy các suy tư này sau khi đã cầu nguyện và suy ngẫm rất nhiều về tình trạng của Giáo Hội trong những thời điểm đầy thách thức hiện nay. Trong những năm gần đây, có rất nhiều tập chú vào chính trị, kinh tế và sức khỏe hoàn cầu. Phần lớn xã hội của chúng ta đang sống trong một thế giới bị bão hòa bởi tin tức hàng giờ. Ngay cả Giáo hội, bao gồm một số giám mục chúng ta, dường như dành một mối quan tâm ưu hạng nào đó cho trật tự dân sự và thể lý hơn là siêu nhiên. Mặc dù những điều này tốt lành và nên được xem xét một cách nghiêm túc, nhưng chúng không có cùng đích mà vì thế chúng ta đã được tạo dựng, cùng đích mà vì thế Giáo hội hiện hữu — đó là tham dự vào sứ mệnh của Đấng cứu chuộc, đem các linh hồn đến sự cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu.

Lên khuôn các vấn đề

Các vấn đề về việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể một cách xứng đáng thường bị cột vào các cân nhắc chính trị: Làm thế nào Giáo hội có thể làm chứng tốt nhất cho sự thật về thực tại của mình trong một thế giới bị siêu chính trị hóa? Có phải các giám mục vì sử dụng một chứng tá nhất quán, rõ ràng, mà khiến cho các tín hữu rời bỏ Giáo Hội hay không? Liệu hành động như vậy có bị lợi dụng về mặt chính trị hay không? Đó là những câu hỏi khó trả lời đối với xã hội hiện đại của chúng ta, nhưng những câu hỏi này cũng lên khuôn vấn đề một cách không chính xác.

Vấn đề nhất quán thánh thể chủ yếu không phải là về luật Giáo Hội hoặc kỷ luật thích hợp, mặc dù không nên bỏ qua những vấn đề này; đúng hơn, nó là vấn đề tình yêu, vấn đề bác ái đối với người lân cận của chúng ta. Thánh Phaolô rất rõ ràng khi cho rằng sẽ nguy hiểm cho linh hồn của người ta nếu họ lãnh mình và máu của Chúa chúng ta một cách bất xứng. Điều này đúng đối với mọi người Công Giáo, nhưng nó đặc biệt liên quan đến việc làm chứng giả mà nhiều viên chức công quyền đôi khi duy trì liên quan đến sự thật căn bản nhất của con người nhân bản.

Khi giảm thiểu tối đa nguy cơ rước Thánh Thể một cách bất xứng, Giáo Hội không yêu thương đúng mức những người tiếp tục gây nguy hiểm cho linh hồn họ. Trao đổi cuộc sống vĩnh cửu lấy “sự lịch sự” và “sự dấn thân” không phải là một cuộc trao đổi tốt đẹp, và tôi, trong tư cách giám mục, tôi sẽ đặc biệt sơ suất khi giữ im lặng trong lúc những người tôi được kêu gọi yêu thương có thể đang gây nguy hiểm cho linh hồn vĩnh cửu của họ. Đây là một mối nguy hiểm cho họ và một mối nguy hiểm cho tôi. Tôi sẽ bị hỏi vào ngày phán xét rằng tôi đã yêu người lân cận như thế nào, và tôi không muốn phải trả lời vì sơ suất về việc rao giảng Kinh thánh và các giáo huấn của Giáo Hội vì tình yêu đó không được ưa chuộng, không thoải mái hoặc không liên quan gì tới thời đại.

Chăm sóc các linh hồn thuộc phán quyền của tôi cũng là định nghĩa về thừa tác vụ của tôi. Các giám mục, cũng như các tín hữu, nên rõ ràng về sự kết án giáng xuống chúng ta nếu chúng ta không yêu thương những người không muốn nghe những sự thật của đức tin chúng ta.

Bản chất công khai của Bí tích Thánh Thể cũng lên khuôn cho cách thức Giáo Hội cai quản việc tham gia vào bí tích đó. Giáo luật quy định rằng những ai “kiên trì một cách cố chấp trong việc phạm tội trọng tỏ tường thì không được phép rước lễ” (số 915). Các luật lệ xung quanh Bí tích Thánh Thể là vì lợi ích của các tín hữu và có đó để bảo tồn tính chân chính và mầu nhiệm của cuộc gặp gỡ mà chúng ta có với Chúa Kitô Phục sinh. Chúng có đó bởi vì Giáo Hội yêu thương mọi người và mong muốn mọi người đạt được mục đích vốn được tạo dựng của mình là kết hợp với Thiên Chúa. Luật và tình yêu của Giáo hội không loại trừ lẫn nhau.

Ngay từ ban đầu, giáo huấn của chính Chúa Giêsu về Bí tích Thánh Thể đã bị thách thức. Tin mừng Gioan (Ga 6: 52–69) nhận diện mạc khải về Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc gây xáo trộn và chia rẽ giữa các người theo Chúa Giêsu, đến mức nhiều người đã ngừng theo Người. Chúa Giêsu không ngăn họ ra đi và cũng không yêu cầu họ đứng xa khỏi sự nhạy cảm mục vụ. Thay vào đó, Người để họ ra đi vì việc tham dự Bí tích Thánh Thể (“ăn thịt Con Người và uống máu Người”) đòi hỏi một sự nhất trí nào đó của đức tin và sự nhất quán nào đó của đời sống người ta, như Giáo Hội từng dạy từ những thế kỷ đầu tiên. Chúng ta thấy sự nhất trí của đức tin trong câu trả lời của Thánh Phêrô với Chúa Giêsu khi Người hỏi các tông đồ, “các con cũng muốn bỏ đi phải không?” Thánh Phêrô trả lời, “Lạy Chúa, chúng con biết đi với ai? Chúa có lời ban sự sống đời đời, và chúng con đã tin và biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:69).

Vấn đề lương tâm

Ngày nay, chúng ta thường nghe nói đến quyền tối thượng của lương tâm trong quyết định của người ta đối với Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, lương tâm không bào chữa cho bất cứ quyết định nào chỉ vì người ta đưa ra một phán đoán bản thân về điều thiện và điều ác. Có một nghĩa vụ trước đó là lương tâm phải được đào tạo đúng đắn, để điều thiện và điều ác có thể được biện phân đúng đắn. Lương tâm được đào tạo tốt sẽ bắt trái tim, ý chí và tâm trí của người ta tùng phục ý muốn của Cha yêu thương của chúng ta. Chúng ta cũng phải hiểu rằng lương tâm có thể sai lầm nếu không được đào tạo và nó không bao giờ được đi ngược lại luật pháp của Thiên Chúa. Thiên Chúa, chứ không phải loài người - và nhất là không phải chính phủ - xác định điều thiện và điều ác. Người ta chỉ cần nhìn vào thế kỷ trước để thấy những điều ác nào các chính phủ xấu xa có thể tạo ra khi họ tuyên bố một điều ác là tốt: Hãy nhìn vào các điển hình của Đức Quốc xã và của các chế độ Cộng sản.

Là một giám mục, tôi có nghĩa vụ hỗ trợ các tín hữu dưới sự chăm sóc của tôi đào tạo lương tâm của họ một cách đúng đắn. Tôi được kêu gọi làm theo tiến trình Chúa đã ban cho các môn đệ trong Tin Mừng Matthêu:

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Giáo Hội. Nếu Giáo Hội mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại giáo hay một người thu thuế” (Mt 18: 15-18).

Tôi rất coi trọng trách nhiệm này, đó là lý do tại sao tôi buộc phải giải quyết sai lầm cho rằng bất cứ người Công Giáo đã rửa tội nào cũng có thể rước lễ chỉ cần họ muốn làm như vậy. Không ai trong chúng ta có quyền tự do đến gần bàn thờ của Chúa mà không có sự kiểm tra lương tâm thích đáng và ăn năn đúng mức nếu đã phạm tội trọng. Bí tích Thánh Thể là một hồng phúc, không phải là một quyền lợi, và tính thánh thiêng của hồng phúc này chỉ bị giảm đi bởi sự lãnh nhận bất xứng. Bởi vì tai tiếng công khai gây ra, điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các viên chức nhà nước liên tục cai trị bằng việc vi phạm luật tự nhiên, đặc biệt là các vấn đề tối ưu về phá thai và an tử, tước đoạt mạng sống vô tội, cũng như các hành động khác đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội về phẩm giá của sự sống.

Mặc dù có khả năng là nhiều người — quá nhiều — lãnh nhận Thánh Thể trong tình trạng khách quan xa cách với Thiên Chúa, nhưng có một nghĩa vụ bổ sung đối với các viên chức công, những người cố thủ sống trong tình trạng tội trọng. Gương của họ dẫn người khác vào tội lỗi và làm gia trọng nguy cơ bị án phạt có thể đến với họ khi họ đến trước nhan thánh Thiên Chúa. Nếu Giáo Hội thực sự yêu thương họ, như Giáo Hội thực sự làm, thì điều thích đáng hơn sẽ là kêu gọi họ trở lại mối liên hệ mật thiết với mỗi Ngôi trong Ba Ngôi qua sự ăn năn trước khi nhận lãnh mình và máu Chúa Giêsu một cách gây nguy hiểm cho sự cứu rỗi đời đời của họ.

Bác ái trong việc nói sự thật

Tôi sợ nhiều người Công Giáo đã rửa tội không coi trọng Bí tích Thánh Thể vì họ không nghiêm túc đối với tội lỗi, và điều này phần lớn là lỗi của việc dạy giáo lý tồi đã từ quá lâu do tôi và các giám mục anh em của tôi giám sát. Khi bí tích Thánh Thể bị coi một cách tùy tiện trong phụng vụ của chúng ta, bị giảm thiểu tối đa trong tòa giải tội hoặc bị làm ngơ trong các bài giảng, thì chúng ta không nên ngạc nhiên trước sự hồ đồ lẫn lộn về tính thánh thiêng của nó. Điều này suy cho cùng là một thất bại khác trong đức ái. Đức bác ái chân chính luôn chứa đầy lòng cảm thương, sự dịu dàng và sự thật. Yêu người lân cận là mong muốn họ sống trong chân lý cao cả của Thánh Lễ và sự hiện diện thực sự của Chúa chúng ta. Về phương diện này, có lẽ, các thừa tác viên đức tin có trách nhiệm lớn hơn đối với việc rước Thánh Thể cách bất xứng.

Khi Chúa Giêsu lên án những ai nghe lời Thiên Chúa nhưng không hành động theo (Lc 6:46-49), thì Người cho rằng phải có việc loan báo Tin Mừng. Không nghi ngờ gì nữa, có những người biết những gì Giáo Hội dạy nhưng đã bác bỏ nó (thí dụ, giáo lý của Giáo Hội về tính thánh thiêng của sự sống hoặc sự thật của hôn nhân tự nhiên), nhưng có những người khác không nghe Tin Mừng vì Giáo Hội đã không công bố nó một cách hữu hiệu.

Khoảnh khắc tự xét mình này của Giáo Hội về tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể là cơ hội để tôi và mọi giám mục tái cam kết đối với lời giảng dạy không có tính hộ giáo của Chúa Giêsu Kitô. Điều lấp đầy các giáo hội của chúng ta không phải là việc làm nhẹ bớt Tin Mừng mà là niềm tin sâu sắc, chân chính vào Chúa Giêsu bắt nguồn từ tình yêu bản thân của chúng ta dành cho Người như Chúa và là Vị Cứu tinh của chúng ta. Đó là mô hình của các thánh. Các ngài cho chúng ta thấy đức tin nơi Chúa Giêsu dẫn đến việc qui phục triệt để thánh ý Chúa Cha bất kể hậu quả chính trị hay xã hội, bất kể giá nào, như đã được các vị tử đạo ngày nay làm chứng.

Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn tôi và Giáo Hội sống một đời sống nhất quán biết lấy Bí tích Thánh Thể và đức tin nơi Chúa Giêsu làm nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống chúng ta. Cầu mong điều này đưa tất cả chúng ta đến sự bình an trong tâm hồn và thể xác, và yêu thương người lân cận của mình, bất kể giá nào, để chúng ta có thể trải nghiệm niềm vui Tin Mừng ở đây trên trái đất — và cùng nhau sống trên thiên đàng!

Kỳ sau: Đức Hồng Y Cupich yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Aquila 'công khai làm sáng tỏ’ tín lý Thánh Thể