1. Báo cáo của Đức Cha Heinz-Josef Algermissen

Theo một vị Giám Mục đã gặp ngài trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” về tình hình Giáo Hội Công Giáo ở Đức.

Đức Giám Mục Heinz-Josef Algermissen cho biết Đức Thánh Cha đã đề cập đến tình hình ở Đức với ngài sau buổi tiếp kiến chung vào ngày 7 tháng 10.

Đức Cha Heinz-Josef Algermissen nguyên là Giám Mục Fulda, thuộc bang Hesse, miền Tây nước Đức, nói rằng Đức Thánh Cha đã nhắc lại bức thư mà ngài viết cho người Công Giáo Đức vào tháng 6 năm 2019, trong đó ngài kêu gọi hàng giáo sĩ và anh chị em giáo dân tập trung vào việc truyền giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phàn nàn rằng thông điệp của ngài đã bị lờ đi.

Đức Thánh Cha đã đưa ra bức thư trên trong bối cảnh có các mối quan tâm ngày càng tăng tại Vatican về “tiến trình công nghị” của Giáo hội Đức. Tiến trình này đang tập hợp các giáo dân và Giám Mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Vatican đã can thiệp sau khi các Giám Mục Đức nói rằng tiến trình công nghị này sẽ kết thúc với một loạt các cuộc bỏ phiếu có hiệu quả “ràng buộc” ít nhất là đối với Giáo Hội tại Đức. Tòa Thánh khẳng định rằng những kế hoạch này “không có giá trị về mặt giáo hội học.”

Tờ Fuldaer Zeitung tường thuật rằng Đức Thánh Cha nói với Đức Cha Algermissen rằng “tiến trình công nghị” ở Đức quá tập trung vào “các vấn đề chính trị”, chẳng hạn như vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và vấn đề luật độc thân linh mục.

Đức Cha Algermissen cho biết Đức Giáo Hoàng đã thúc giục ngài cần phải “rất rõ ràng và mạnh mẽ” để “bảo đảm rằng bức thư được ghi nhớ.”

Vị Giám Mục 77 tuổi nói rằng đi đến đâu ngài cũng được người ta hỏi: “Điều gì đang xảy ra ở Đức?” Ngài nói thêm rằng nhận thức ở Rôma là tiến trình công nghị mà Giáo hội Đức đang theo đuổi “làm biến dạng và bóp méo” Tin Mừng, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo.

2. Can thiệp của Tòa Thánh

Những lời bình luận của Đức Cha Algermissen đã lặp lại ý kiến của Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Đại Kết Kitô Giáo. Đức Hồng Y nói hồi tháng trước rằng Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ mối quan tâm của mình về Giáo hội ở Đức “trong các cuộc trò chuyện cá nhân”.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 22 tháng 9 với tạp chí Herder Korrespondenz, Đức Hồng Y Koch nói rằng ngài tin rằng Đức Giáo Hoàng đã ủng hộ sự can thiệp gần đây của Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican trong một cuộc tranh luận về việc rước lễ chung giữa người Công Giáo và người Tin lành ở Đức.

Bộ Giáo lý Đức tin đã viết thư cho Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng Giám Mục Đức vào ngày 18 tháng 9, để nhấn mạnh rằng đề xuất về sự “hiệp thông Thánh Thể” sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ với các Giáo hội Chính thống.

Tuy nhiên, Đức Cha Bätzing nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô “đánh giá cao” “tiến trình công nghị” sau các cuộc tiếp kiến riêng với Đức Giáo Hoàng vào tháng Sáu.

“Tôi cảm thấy được củng cố bởi cuộc trao đổi sâu rộng với Đức Thánh Cha để tiếp tục đi trên con đường chúng tôi đã đi. Đức Thánh Cha đánh giá cao dự án này, là điều kết hợp chặt chẽ với khái niệm ‘tính đồng nghị’ mà ngài đã đưa ra,” vị Giám Mục Đức nói.

3. Phản ứng của các Giám Mục Đức

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức khác đã bày tỏ sự nghi ngờ về “tiến trình công nghị”. Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của tổng giáo phận Köln nói rằng kết quả tồi tệ nhất sẽ là tiến trình này “dẫn đến sự chia rẽ và đặt Giáo Hội Đức ra bên ngoài Giáo hội, ra khỏi tình hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ”.

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Một Giáo Hội tìm cách thích nghi đức tin của mình cho phù hợp với thế giới, thì công việc điều chỉnh ấy không phải là hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhưng đơn thuần là do tinh thần con người của chúng ta mà ra”.

Đức Cha Bätzing đã bày tỏ sự bất đồng trước các mối quan tâm của Đức Hồng Y, nhấn mạnh rằng Giáo hội ở Đức là “một phần của Giáo hội phổ quát và sẽ không có gì thay đổi được điều đó”. Đức Cha Bätzing nói thế nhưng mặt khác ngài ra sức thúc đẩy các nghị quyết có liên quan đến toàn bộ Giáo Hội Hoàn Vũ, bất kể những lời cảnh cáo của Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật theo đó:

“Một Hội Đồng Giám Mục điạ phương không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề liên quan đến Giáo Hội hoàn vũ, điều đó vượt quá khả năng của nó”.

Bức thư của Đức Giáo Hoàng

Trong bức thư gửi những người Công Giáo Đức hồi tháng Sáu năm ngoái, Đức Thánh Cha đã cảnh báo người Công Giáo Đức cần chống lại một công nghị “chỉ tập trung vào việc xem xét các cấu trúc chứ không được linh hoạt bởi sứ mệnh thiết yếu của Giáo Hội là truyền bá đức tin.”

Ngài cảnh báo rằng tiến trình công nghị của Đức phải tránh cám dỗ chạy theo “chủ nghĩa tân Pelagiô” dựa vào sức riêng của mình khi “tìm cách điều chỉnh cuộc sống của Giáo Hội theo luận lý hiện tại.” Hệ quả là chúng ta có thể có “một cấu trúc giáo hội gọn gàng và thậm chí là được ‘hiện đại hóa’, nhưng không có linh hồn và hấp lực truyền giáo.”

Đức Giáo Hoàng đặc biệt cảnh báo Giáo Hội Đức đừng nên theo đuổi bất kỳ đường lối nào nhắm thích nghi với não trạng đương thời và thúc giục người Công Giáo Đức phải bảo vệ Giáo Hội cả về cơ cấu lẫn đức tin.

“Giáo Hội hoàn vũ sống trong và với các Giáo Hội địa phương, cũng thế các Giáo Hội địa phương sống và phát triển trong và với Giáo Hội hoàn vũ, và nếu chúng ta tách ra khỏi toàn thể Giáo Hội, chúng ta sẽ suy yếu, khô héo và tàn lụi. Do đó, cần phải luôn luôn sống và hiệp thông hiệu quả với toàn thể Giáo Hội,” Đức Thánh Cha viết.

Ngài cảnh báo các Giám Mục Đức: “Mỗi lần các cộng đồng giáo hội đã cố gắng để giải quyết vấn đề của nó một mình, tin tưởng và tập trung hoàn toàn vào lực lượng của nó hoặc các phương pháp của nó, sự thông minh của nó, ý chí hoặc uy tín của mình, cuối cùng nó chỉ làm gia tăng và kéo dài tệ nạn nó đã cố gắng giải quyết.”


Source:Catholic News Agency