Trong khi chờ đợi bản dịch, thì đây là những điểm nổi bật trong Thông Điệp “Tất cả là anh chị em”(Fratelli tutti)



(Tin Vatican - Sr Bernadette Mary Reis, fsp)

Sáng Chủ nhật (4/10/2020) tại Hội trường Thượng hội đồng, một số yếu nhân đã qui tụ lại để ra mắt Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) của ĐTC Phanxicô.

Thành phần của bàn chủ tọa gồm có: Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin; Đức Hồng Y Miguel Ayuso, Tổng trưởng Hội đồng Đối thoại Liên tôn; Thẩm phán Mohamed Mahmoud Abdel Salam, Tổng thư ký Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ nhân loại; Giáo sư Anna Rowlands, Giáo sư về Tư tưởng và Thực hành Xã hội học Công Giáo, thuộc Đại học Durham (Anh), và Giáo sư Andrea Riccardi, Người sáng lập Cộng đồng thánh Egidio và là Giáo sư chuyên về Lịch sử Đương đại.



Thông Điệp là một thông điệp hòa giải mọi sự bất hòa

Thẩm phán Mohamed Mahmoud Abdel Salam chia sẻ: “Mặc dù tôi đã đồng hành cùng Đức Thánh Cha và Đức Đại Giáo trưởng Imam trong nhiều giai đoạn khác nhau của tiến trình Tình huynh đệ nhân loại trong thập kỷ qua, nhưng khi đọc Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) chứa đựng thông điệp về Tình huynh đệ và Tình bạn xã hội, tôi đã vô cùng ngỡ ngàng về lối trình bày tinh tế, nhạy bén và có khả năng thu hút trước các chủ đề về tình huynh đệ của con người trên toàn thế giới. Đó là lời kêu gọi hòa giải hòa hợp cho một thế giới đang bất hòa, đây là một thông điệp kêu gọi một sự hòa hợp cá nhân lẫn tập thể với các quy luật của vũ trụ, thế giới và sự sống. Ý niệm này được đặt nền trên một lý luận rõ ràng bắt nguồn từ sự thật và có thể thực hiện được trong đời sống thiết thực và trong thế giới thực tại của chúng ta."

“Kính thưa quí vị quan khách, là một học giả Hồi giáo trẻ tuổi chuyên về Giáo phái Shari'a, luật của một Giáo phái Hồi giáo và các môn học của giáo phái, tôi thấy mình - với một tình cảm sâu xa và tôn kính – hoàn toàn đồng ý với Đức Thánh Cha, và tôi tôn trọng mọi lời ngài đã viết trong Thông Điệp. Tôi hoàn toàn yểm trợ, với niềm vui và hy vọng, tất cả các đề xuất của ĐTC đề ra, liên quan tới sự quan tâm, đến nỗ lực tái sinh tình huynh đệ nhân loại”.

Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) đề cập đến 'tình yêu và sự quan tâm'

Giáo sư Anna Rowlands phát biểu: “Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) nói về tình yêu và sự quan tâm - sự quan tâm giúp làm cho một thế giới bị tan vỡ và rướm máu được hồi sinh lành mạnh lại. Đó là một bài xã hội học về Người Samaritanô nhân hậu, người đưa tình yêu và sự quan tâm lên thành quy luật ưu việt, và là gương mẫu cho chúng ta về tình bạn xã hội sáng tạo. "

"Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cũng nhìn vào thế giới một cách tương tự, để chúng ta thấy được mối quan hệ cơ bản, tất yếu của vạn vật và con người, gần cũng như xa. Nói một cách đơn giản, Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) là một thách thức đối với hệ sinh thái, chính trị, đời sống kinh tế và xã hội. Nhưng trên tất cả, nó là một tuyên ngôn về một chân lý tươi vui không thể bị mai một, được trình bày ở đây như một mùa xuân tươi đẹp cho một thế giới đang chán chường mệt mỏi."

“Việc coi Chúa như người bạn đồng hành với chúng ta, và chúng ta là họ hàng thân thương của nhau trong hình ảnh của Thiên Chúa, chính là ngôn ngữ tình yêu. Có nhiều cách thức khác nhau để gọi tên Chúa. Nhưng thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn chúng ta nghe vào thời điểm này là chúng ta được biến đổi con người chúng ta hoàn toàn bởi những gì thu hút chúng ta từ bên ngoài của chính mình. Điều làm cho tình yêu linh thánh trở nên khả thi là một tình yêu thiêng liêng, tuôn tráo cho tất cả mọi người, là sự tái sinh, liên kết, cầu nối không ngừng được đổi mới. Tình yêu này không thể bị hủy phá hay loại bỏ, và đó là nền tảng mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta bằng những lời nói yêu thương của vị thánh Phanxicô thành Assisi: Tất cả chúng ta là anh chị em (Fratelli tutti).

Người bảo vệ hòa bình

Giáo sư Andrea Riccardi thì cho hay: “Thông Điệp cho chúng ta thấy rằng tất cả chúng ta đều là những người bảo vệ hòa bình. Các thể chế có nhiệm vụ làm thức tỉnh lại 'kiến trúc hòa bình'. Tuy nhiên, chúng ta, những người dân bình thường cũng không được đứng ngoài lề. Nghệ thuật hòa bình là nhiệm vụ của tất cả mọi người: hàng ngày chúng ta phải tham gia vào một cuộc cách mạng táo bạo và đầy sáng tạo chống lại chiến tranh. Nếu có nhiều người có thể gây nên chiến tranh, thì tất cả chúng ta phải là những con người của hòa bình."

“Do đó vai trò của các tôn giáo thì rất quan trọng, Đức Thánh Cha đã đề cập đến các cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và gặp gỡ với Đại Giáo trưởng Imam Al-Tayyeb, khi hai vị cùng tuyên bố: 'Các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh! Nếu họ làm vậy, họ lạm dụng và khước từ vai trò đích thực của mình ".

“Khi đọc Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), tôi thấy Thông Điệp không chỉ lên án chiến tranh, mà Thông Điệp còn cho thấy hy vọng là hòa bình có thể xảy ra. Tôi nhớ lời mời của Đức Gioan Phaolô II khi ngài nói với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Assisi vào năm 1986: 'Hòa bình đang chờ đợi các vị tiên tri của nó... những người xây dựng nó... hòa bình là một cuộc đối thoại, mở ra cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho các chuyên gia, những người nghiên cứu và các chiến lược gia... nó được hình thành bằng trăm nghìn các hoạt động nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. 'Các nghệ nhân của hòa bình chính là những người nam nữ của tình huynh đệ. "

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra những giấc mơ đích thực cho toàn cầu, nơi mà những giá trị và lý tưởng vĩ đại đang bị lụi tàn. Chúng ta phải nên nhớ rằng mọi thứ phải phụ thuộc vào: hòa bình."

Phục vụ tình huynh đệ

Đức Hồng Y Miguel Ayuso thì phát biểu: “Tôi muốn công khai cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân danh Thánh bộ Đối thoại Liên tôn mà tôi là chủ tịch. Nhờ sự thúc đẩy và nâng đỡ mà ngài luôn dành cho các nỗ lực đối thoại liên tôn ngay từ buổi đầu của triều đại Giáo hoàng của ngài.”

“Tôi đọc Thông Điệp này với một cảm xúc dạt dào, nhất là khi đọc chương tám, ĐTC viết “Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới của chúng ta”. Tôi đã cộng tác với Đức Thánh Cha kể từ khi bắt đầu triều đại Giáo hoàng của ngài, tức gần tám năm nay. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu việc ngài đã được thực hiện, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn như cơn đại dịch gần đây nhất, trước những thảm trạng mà đại dịch Covid-19 gây ra."

Đối thoại liên tôn thực sự là trọng tâm của những suy tư và hành động của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trên thực tế, như Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) nói, 'Nỗ lực tìm kiếm Chúa với tấm lòng chân thành, miễn là đừng bao giờ để cho các tư tưởng hoặc mục đích nhằm phục vụ cho bản thân, không giúp chúng ta nhìn nhận nhau như những người bạn đồng hành và thực sự là anh chị em' với nhau (FT 274).”

“Khi coi sự tương kính và tình bạn là hai thái độ cơ bản, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở ra một cánh cửa khác, làm cho tình huynh đệ có thể đi vào các cuộc đối thoại giữa những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, giữa những người tin và không tin, và giữa những người thiện chí với nhau."

“Chúng ta hãy một lần nữa cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), khiến tất cả chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với nhau trong tình yêu của Chúa Kitô và Giáo hội, và điều đó khuyến khích chúng ta dấn thân cùng nhau phục vụ tình huynh đệ trong cái thế giới đại đồng này”.