Cuộc triều yết của Đức Thánh Cha: Chữa lành thế giới là cơ hội thể hiện và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong buổi triều yết thứ Tư (19/8/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy diệt trừ “vi-rút” bất công xã hội, bất bình đẳng, gạt bỏ tha nhân ra ngoài lề xã hội và không bảo vệ những người cô thế cô thân.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi Triều yết hôm thứ Tư cho hay: Đại dịch coronavirus đang diễn ra không chỉ “phơi bày thảm cảnh của người nghèo và sự bất bình đẳng nghiêm trọng đang bao trùm thế giới, ” mà nó còn làm cho chúng thêm trầm trọng!

Tiếp tục loạt bài giáo lý “Chữa lành Thế giới”, Đức Thánh Cha nói, phản ứng của chúng ta đối với đại dịch phải có hai chiều: “tìm ra phương thuốc chữa trị loại vi rút nhỏ, vô hình khủng khiếp này, ” nhưng cũng còn “một loại vi rút lớn hơn, đó là sự bất công xã hội, bất bình đẳng về cơ hội, bị gạt ra ngoài lề xã hội và thiếu sự bảo vệ những người cô thế cô thân.”

ĐTC nói, khi đối diện với thách đố này, chúng ta phải nhớ sự “lựa chọn ưu tiên người nghèo”. ĐTC nói, đây không phải là một lựa chọn chính trị, ý thức hệ hay đảng phái. Mà đúng hơn, "sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo là trung tâm điểm của Tin Mừng."

Gần gũi với người nghèo

Theo gương Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói, các Kitô hữu “được nhận diện vì sự gần gũi của họ với những người nghèo, những người bé nhỏ, những người bệnh tật và bị giam cầm, những người bị loại trừ và bị lãng quên, những người không có cơm ăn áo mặc”. ĐTC nói điều này “là một chuẩn mực quan trọng của tính xác thực Kitô giáo.” Và ngài nhấn mạnh đó không phải là nhiệm vụ của một số ít người, mà là của mọi Kitô hữu: “Đó là sứ mệnh của toàn thể Giáo hội”.

Sự ưu tiên dành cho người nghèo bắt nguồn từ các nhân đức tin, cậy mến... Nó vượt lên cả những nhu cầu thiết yếu trần gian, “nó sánh đôi cùng nhau, cho chúng ta được truyền bá phúc âm cho người nghèo, nhận biết Chúa Kitô chịu đau khổ, để ban cho chúng ta cảm nghiệm được ơn cứu rỗi, sự khôn ngoan và sáng tạo.”

Đi đến các vùng ngoại vi

Đức Thánh Cha Phanxicô nói sự gần gũi với người nghèo cũng bao gồm các công việc vượt lên trên “cơ cấu xã hội không lành mạnh”, khi chúng ta cố gắng trở lại cuộc sống bình thường sau cơn đại dịch.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói: “cuộc sống bình thường” này không nên quay về lại với “những bất công xã hội và sự hủy hoại môi trường” mà xã hội đương đại đã vướng mắc! ĐTC lấy làm hối tiếc cho một nền kinh tế tập trung vào lợi nhuận hơn là vào con người, thay vì “ưu tiên lựa chọn người nghèo, nhu cầu đạo đức - xã hội xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, thôi thúc chúng ta hình thành và thiết lập một nền kinh tế dành cho mọi người, đặc biệt hường về người nghèo và đặt trọng tâm vào con người..."

Ưu tiên cho những người có nhu cầu nhất

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Tương tự, như phương pháp trị liệu coronavirus bình thường trong xã hội là ưu tiên cho những người có nhu cầu cần thiết hơn là những người giầu. “Thật đáng buồn biết bao nếu dành thuốc vắc-xin Covid-19, ưu tiên cho những người giàu trước!”

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chống lại các “vụ bê bối” kinh tế trong thời đại dịch, chủ yếu ưu tiên cho “công nghiệp chứ không màng tới người nghèo, bị loại trừ, công ích hoặc chữa trị…!” ĐTC đề ra bốn tiêu chuẩn: người nghèo, người bị loại trừ, công ích và chữa trị… để xác định những gì cần được ưu tiên trợ giúp...

Thay đổi thế giới

Nhìn về tương lai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “nếu virus lại bùng phát lại vì thế giới bất công đối với người nghèo và dễ bị tổn thương, thì chúng ta phải thay đổi thế giới”.

ĐTC tập trung vào gương Chúa Giêsu, vị “lương y của tình yêu thiêng liêng toàn vẹn”, Đức Thánh Cha nói “chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để chữa lành các bệnh dịch do con vi rút cực nhỏ, vô hình gây ra, và chữa lành những cơn bệnh nghiêm trọng và hữu hình do xã hội đẻ ra.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị thực hiện việc này “bằng bắt đầu từ tình yêu Thiên Chúa, đặt những vùng ngoại vi vào trung tâm và những người kém cỏi nhất vào vị trí ưu tiên”.

"Nếu bắt đầu từ tình yêu được neo trong hy vọng và được tạo dựng trong niềm tin, thì một thế giới lành mạnh hơn sẽ được chào đời..."