1. Tổng Giáo Phận Krakow chính thức mở án tuyên thánh cho song thân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Hôm 7 tháng Năm, một buổi lễ chính thức mở án tuyên thánh cho Karol Wojtyla và Emilia, song thân của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Dâng Con Vào Đền Thánh của thành phố Wadowice, nơi sinh của Đức Gioan Phaolô 2.

Tại buổi lễ, Tổng Giáo Phận Krakow chính thức thành lập tòa án để tìm kiếm bằng chứng cho thấy cha mẹ vị Giáo Hoàng Ba Lan đã sống một cuộc sống với các nhân đức anh hùng, và có một danh tiếng về sự thánh thiện.

Sau phiên họp đầu tiên của tòa án Krakow, Đức Tổng Giám Mục Marek Jędraszewski đã chủ sự một Thánh Lễ, được phát sóng qua livestream vì tình trạng cô lập vì coronavirus tại Ba Lan.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, người từng là thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô 2, đã tham dự buổi lễ.

Ngài nói: “Tôi muốn làm chứng ở đây, vào thời điểm này, trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục và các linh mục, trong tư cách là thư ký riêng lâu năm của Đức Hồng Y Karol Wojtyla và sau đó là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, tôi đã nghe từ ngài nhiều lần rằng ngài có các bậc sinh thành thánh thiện”

Cha Paweł Rytel-Andrianik, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Ba Lan, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA: “Quá trình tuyên thánh cho Karol Wojtyla và Emilia trên hết chứng minh cho thấy ảnh hưởng của sự thánh thiện của gia đình và vai trò tuyệt vời của nó trong việc định hình các nhân đức vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan.”

Cha Sławomir Oder, cáo thỉnh viên, trong vụ án tuyên thánh này cũng từng là cáo thỉnh viên trong án tuyên thánh cho Đức Gioan Phaolô 2, nói với Vatican News rằng buổi lễ là dịp để vui mừng tại Ba Lan.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Dâng Con Vào Đền Thánh của thành phố Wadowice, nơi mà án tuyên thánh cho hai ông bà Wojtyia được mở chính là nơi Thánh Đức Gioan Phaolô 2 đã được rửa tội vào ngày 20 tháng Sáu, năm 1920. Nhà thờ nằm phía bên kia đường đối diện với căn nhà của gia đình Wojtyla, mà bây giờ là một bảo tàng viện của thành phố Wadowice.

Ông Karol là một trung úy quân đội Ba Lan, và bà Emilia là một giáo viên. Hai người đã kết hôn ở Krakow ngày 10 tháng 2 năm 1906. Cặp vợ chồng Công Giáo đã sinh hạ ba người con: Edmund năm 1906; Olga, người đã chết ngay sau khi sinh; và Karol Junior, tức là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào năm 1920.

Song thân ngài là những người Công Giáo trung thành và thẳng thừng bác bỏ chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng vào thời điểm đó.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhấn mạnh rằng:

“Hương thơm thánh thiện của song thân ngài đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm linh và trí tuệ của vị Giáo hoàng tương lai.”

Emilia đã nhận được một nền giáo dục tôn giáo nhiệt thành. Trước khi qua đời vì một cơn đau tim và suy gan vào năm 1929, bà là tấm gương sáng về đức tin Công Giáo trong gia đình. Bà qua đời khi Đức Karol Wojtyla chỉ mới mừng sinh nhật chín tuổi được một tháng.

Tuyên bố cho biết thêm: “Emilia Wojtyła tốt nghiệp từ một trường dòng do các Nữ tu Tình yêu Chúa giảng dạy và điều hành. Với tình yêu và sự cống hiến trọn vẹn, bà chăm sóc gia đình và hai con trai Edmund và Karol.”

Ông Karol đã một mình nuôi hai con trai cho đến khi ông qua đời 12 năm sau đó. Theo Catholic Online, ông Karol là một người chuyên chăm cầu nguyện và thúc đẩy Karol Jr. chăm chỉ làm việc, học hành và cầu nguyện. Người cha cũng đảm nhận những công việc gia đình như may vá quần áo cho hai con trai.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhận xét rằng:

“Ông Karol Wojtyła là một người cha là một người có đức tin sâu sắc, chăm chỉ và có lương tâm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần đề cập rằng ngài đã thấy cha mình quỳ gối và cầu nguyện nhiều giờ vào ban đêm. Chính cha ngài là người đã dạy ngài cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và đã đồng hành với ngài đến cuối đời”.

Gia đình Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sinh sống tại Wadowice, một thành phố cách Krakow chừng 50 km.

Người anh cả của ngài, Edmund Wojtyła, bác sĩ, qua đời năm 1932, khi mới được 26 tuổi, và thân sinh của ngài, qua đời vào năm 1941, khi ngài được 21 tuổi và đang làm việc trong một hầm mỏ và sau đó trong một nhà máy hóa chất.

Một năm sau khi cha qua đời, năm 1942, ngài cảm nhận được tiếng Chúa gọi làm linh mục, nên bắt đầu theo học tại Đại Chủng Viện Krakow dưới sự hướng dẫn của chính Đức Hồng Y Adam Stefan Sapieha lúc ấy là Tổng Giám Mục của tổng giáo phận này.

Tưởng cũng nên biết: Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.


Source:Catholic News Agency

2. Lễ tuyên thệ của các tân binh Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ bị hoãn lại

Do đại dịch coronavirus COVID-19, việc tuyên thệ hàng năm của các tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã bị hoãn lại cho đến ngày 4 tháng Mười.

Năm nay, ngày 6 tháng Năm được đánh dấu bằng một Thánh lễ riêng và lễ đặt vòng hoa tưởng niệm 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã anh dũng hy sinh vào năm 1527 để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clementê Đệ Thất.

Thánh lễ - với các biện pháp cách ly thích hợp đã được cử hành tại nhà thờ Santa Maria della Pietà của Đức tại nghĩa trang Campo Santo Teutonico của Vatican bởi Đức ông Luigi Roberto Cona.

Trong bài giảng, Đức Ông Cona nói rằng buổi lễ tôn vinh các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã ngã xuống “rất đặc biệt trong năm nay tại thời điểm coronavirus,” và kêu gọi người tham dự cầu nguyện cho các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ.

Ông cũng kêu gọi cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá và những người tình nguyện làm việc để giúp đỡ các bệnh nhân; cầu nguyện cho những người đang hấp hối, và cho những “người than khóc cho sự mất mát người thân của họ.”

Đức Ông Cona đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cử hành Thánh lễ tại Nghĩa trang Teutonico của Vatican, nơi một số Kitô hữu đầu tiên, bao gồm cả Thánh Phêrô, đã bị Hoàng đế Nero giết chết.

Sự hy sinh của các vị tử đạo “là hạt giống của một cuộc sống mới, cũng giống như sự hy sinh của những người lính Thụy Sĩ quảng đại cống hiến đời mình cho Đức Giáo Hoàng, và Tòa Thánh”.

Thông thường vào ngày 6 tháng 5, các tân ngự lâm quân Thụy Sĩ làm lễ tuyên thệ trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây. Ngày 06 tháng 05, 1527, 147 ngự lâm quân đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong vụ “cướp phá Rôma”.

Để tưởng nhớ cái chết anh dũng của các ngự lâm quân, hàng năm việc tuyên thệ trọng thể của các tân binh được tổ chức đúng vào ngày này.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.


Source:Crux

3. Lần đầu tiên trong 117 năm qua, lễ hội Giglio tại New York bị hủy bỏ

Tính đến ngày thứ Bẩy, 9 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến con số kinh hoàng là 275,914 người, trong số 4,009,472 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong toàn thế giới: 275,914 người, trong số 4,009,472 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, Tử vong đã lên đến 78,557 người, trong số 1,320,683 trường hợp nhiễm coronavirus. Tại New York, nơi được xem là tâm chấn của dịch bệnh hiện nay, đến nay đã có 26,585 người thiệt mạng, trong tổng số 340,442 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Chính vì thế, hai cuộc rước kiệu quan trọng hàng năm của người Công Giáo tại thành phố này đã bị hủy bỏ trong nỗi buồn của mọi người.

Cuộc rước kiệu thứ nhất diễn ra ngày 24 tháng Năm, lễ Đức Mẹ Xà Sơn của cộng đoàn Công Giáo người Hoa tại New York với các xe hoa trên đường phố Brooklyn để cầu nguyện xin Đức Mẹ sớm giải thoát đất nước khỏi ách cộng sản vô thần. Ngày 24 tháng Năm cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thiết định là ngày toàn thế giới cầu nguyện cho tự do tôn giáo tại Hoa Lục.

Cuộc rước kiệu thứ hai diễn ra vào tuần thứ hai của thánh Bẩy để kính Đức Mẹ Núi Cát Minh và Thánh Pauliniô. Theo lịch Phụng Vụ Công Giáo, lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh được cử hành vào ngày 16 tháng Bẩy, và lễ kính Thánh Pauliniô được cử hành vào ngày 22 tháng Sáu. Tuy nhiên, trong suốt 117 năm qua, cộng đoàn Công Giáo Ý tại New York mừng chung 2 ngày lễ này vào tuần thứ hai của thánh Bẩy, tại Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh tại Williamsburg, Brooklyn, gọi là lễ Giglio.

Trong 117 năm qua, hàng ngàn người đã mang theo truyền thống của Lễ Giglio trên vai, chứng kiến cha và ông của họ đi qua Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh với nhiệm vụ nâng lên cao tòa tháp bảy tầng, bốn tấn ở Williamsburg, Brooklyn.

Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Pauliniô mà ngài là bạn của các thánh Augutinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.

Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Pauliniô thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul, bên Pháp. Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Pauliniô được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.

Sau khi cha mất sớm, Pauliniô được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Pauliniô không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.

Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Pauliniô đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.

Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Pauliniô kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Pauliniô (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị Giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.

Vào thời bấy giờ, Pauliniô được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Pauliniô một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustinô, là động lực sau cùng thúc đẩy Pauliniô theo Kitô Giáo.

Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Pauliniô đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.

Chính vì thế, trong cuộc rước kiệu thánh Pauliniô luôn có một con thuyền, tượng trưng cho con thuyền đưa thánh Pauliniô và những người nô lệ trở về sau khi ngài chuộc được họ.

Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Pauliniô coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.

Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Pauliniô đến trước mặt vị Giám mục và yêu cầu tấn phong Pauliniô làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Pauliniô là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Pauliniô về nhiệm vụ linh mục.

Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Pauliniô và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Pauliniô và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.

Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Pauliniô làm Giám mục. Quả thật ngài là vị Giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Pauliniô tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.

Ðức Pauliniô là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.


Source:Net New York

4. Lợi dụng COVID-19 Tổng thống Á Căn Đình hợp pháp hóa việc phá thai

Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez cho biết ông vẫn “cam kết như trong giây phút đầu tiên” là sẽ hợp pháp hóa phá thai. Alberto tuyên bố như trên khi đất nước trải qua ngày thứ 50 bị cô lập vì coronavirus.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, Alberto cho biết dự luật đề nghị hợp pháp hóa phá thai tại quê hương Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã “sẵn sàng” nhưng ông vẫn chưa trình bày được tại trong Quốc hội vì có những công việc “khẩn cấp” khác phải giải quyết trong bối cảnh đại dịch.

Quốc hội Á Căn Đình - dẫn đầu bởi phó tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, từng là tổng thống nước này - đã ngừng hoạt động kể từ khi Alberto ban bố tình trạng khẩn cấp vì coronavirus vào giữa tháng ba. Một nỗ lực để có một phiên họp trực tuyến nhằm thông qua dự luật cho phép phá thai đã không thực hiện được vào thứ Hai 4 tháng 5.

Phản ứng trước diễn biến này Đức cha Alberto Bochatey, Giám Mục Phụ Tá của La Plata và là chủ tịch ủy ban y tế của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình nói:

“Nếu chúng ta bảo vệ cuộc sống hiện tại chống lại virus, chúng ta phải bảo vệ nó chống lại bất kỳ vấn đề nào khác. Nếu chúng ta đang nỗ lực rất lớn để người dân không bị ốm và do đó không phải mất mạng, thì tại sao chúng ta có thể tiếp tục với một dự án nhằm hợp pháp hóa phá thai hoặc chết êm dịu?”

Trong một cuộc tranh luận để hợp pháp hóa việc phá thai được tổ chức vào năm 2018, các giám mục kêu gọi giáo dân đi đầu trong trận chiến, và các tín hữu đã trả lời, với hàng triệu người xuất hiện trên đường phố để biểu tình chống lại việc thay đổi luật lệ của đất nước.

Cách thức đó hiện nay thất bại vì chính quyền cấm các cuộc tụ họp công cộng trên 3 người.

Các nguồn tin Giáo Hội tại Á Căn Đình nhận định rằng Alberto đang toan tính lợi dụng COVID-19 để hợp pháp hóa phá thai.

Trong một diễn biến có liên quan, 10 vị đã bị giam giữ ở miền bắc Á Căn Đình vào hôm Chúa Nhật vừa qua vì tham dự thánh lễ, vi phạm quy tắc cách ly bắt buộc trên toàn quốc được áp đặt để làm chậm sự lây lan của coronavirus. Vụ bắt giữ này được nhiều người xem là để dằn mặt bất cứ cuộc tụ họp nào của người Công Giáo.

Các vị bị bắt đã bị chuyển đến một đồn cảnh sát địa phương và có thể bị phạt từ sáu tháng đến hai năm tù. Người ta đi lễ thôi, có đáng để phạt nặng như thế không?

Do đại dịch COVD-19, quê hương của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị cách ly kể từ thứ Sáu, 21 tháng Ba. Các nhà thờ Công Giáo đã bị đóng cửa kể từ ngày đó.

Thánh lễ do Cha Jose Mendiano, 79 tuổi, cử hành đã diễn ra tại giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức. Tính luôn cả vị linh mục và những vị giúp lễ mới đến 10 người trong nhà thờ, bao gồm hai cựu sĩ quan cảnh sát, là hai ông Alejandro Sánchez và Enrique Miranda.

Ông Miranda hiện nay là một luật sư. Ông nói với các phóng viên sau khi bị bắt giữ: “Cần phải nói một lần cho tất cả: dẹp ngay cái trò xiếc này đi. Chẳng có đại dịch gì ở đây hết cả.” Trong tổng số 500,000 dân trong tiểu bang San Luis chỉ có 10 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

“Chúng tôi cầu nguyện cho những người đã chết vì coronavirus và cho sức khỏe của những người bị nhiễm bệnh,” vị luật sư nói khi ông bị đẩy lên một chiếc xe cảnh sát. Theo ông Miranda, việc cô lập toàn xã hội như thế này là một phản ứng thái quá: “Tất cả trò này là một lời nói dối kinh khủng, một trò hề. Đây là một nhà tù được chính quyền khu vực và chính quyền quốc gia áp đặt lên người dân San Luis.”

Ông cũng nói rằng “luật pháp có thể đưa ra bất cứ điều gì nó muốn, nhưng trong vấn đề đức tin thì đó hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Giáo Hội Công Giáo.”

Ông cảnh báo các cơ quan chức năng: “Chính phủ quốc gia này sai lầm nếu họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ quỳ xuống trước mặt họ.”


Source:Crux