Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez cho biết ông vẫn “cam kết như trong giây phút đầu tiên” là sẽ hợp pháp hóa phá thai. Alberto tuyên bố như trên khi đất nước trải qua ngày thứ 50 bị cô lập vì coronavirus.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, Alberto cho biết dự luật đề nghị hợp pháp hóa phá thai tại quê hương Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã “sẵn sàng” nhưng ông vẫn chưa trình bày được tại trong Quốc hội vì có những công việc “khẩn cấp” khác phải giải quyết trong bối cảnh đại dịch.

Quốc hội Á Căn Đình - dẫn đầu bởi phó tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, từng là tổng thống nước này - đã ngừng hoạt động kể từ khi Alberto ban bố tình trạng khẩn cấp vì coronavirus vào giữa tháng ba. Một nỗ lực để có một phiên họp trực tuyến nhằm thông qua dự luật cho phép phá thai đã không thực hiện được vào thứ Hai 4 tháng 5.

Phản ứng trước diễn biến này Đức cha Alberto Bochatey, Giám Mục Phụ Tá của La Plata và là chủ tịch ủy ban y tế của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình nói:

“Nếu chúng ta bảo vệ cuộc sống hiện tại chống lại virus, chúng ta phải bảo vệ nó chống lại bất kỳ vấn đề nào khác. Nếu chúng ta đang nỗ lực rất lớn để người dân không bị ốm và do đó không phải mất mạng, thì tại sao chúng ta có thể tiếp tục với một dự án nhằm hợp pháp hóa phá thai hoặc chết êm dịu?”

Trong một cuộc tranh luận để hợp pháp hóa việc phá thai được tổ chức vào năm 2018, các giám mục kêu gọi giáo dân đi đầu trong trận chiến, và các tín hữu đã trả lời, với hàng triệu người xuất hiện trên đường phố để biểu tình chống lại việc thay đổi luật lệ của đất nước.

Cách thức đó hiện nay thất bại vì chính quyền cấm các cuộc tụ họp công cộng trên 3 người.

Các nguồn tin Giáo Hội tại Á Căn Đình nhận định rằng Alberto đang toan tính lợi dụng COVID-19 để hợp pháp hóa phá thai.

Trong một diễn biến có liên quan, 10 vị đã bị giam giữ ở miền bắc Á Căn Đình vào hôm Chúa Nhật vừa qua vì tham dự thánh lễ, vi phạm quy tắc cách ly bắt buộc trên toàn quốc được áp đặt để làm chậm sự lây lan của coronavirus. Vụ bắt giữ này được nhiều người xem là để dằn mặt bất cứ cuộc tụ họp nào của người Công Giáo.

Các vị bị bắt đã bị chuyển đến một đồn cảnh sát địa phương và có thể bị phạt từ sáu tháng đến hai năm tù. Người ta đi lễ thôi, có đáng để phạt nặng như thế không?

Do đại dịch COVD-19, quê hương của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị cách ly kể từ thứ Sáu, 21 tháng Ba. Các nhà thờ Công Giáo đã bị đóng cửa kể từ ngày đó.

Thánh lễ do Cha Jose Mendiano, 79 tuổi, cử hành đã diễn ra tại giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức. Tính luôn cả vị linh mục và những vị giúp lễ mới đến 10 người trong nhà thờ, bao gồm hai cựu sĩ quan cảnh sát, là hai ông Alejandro Sánchez và Enrique Miranda.

Ông Miranda hiện nay là một luật sư. Ông nói với các phóng viên sau khi bị bắt giữ: “Cần phải nói một lần cho tất cả: dẹp ngay cái trò xiếc này đi. Chẳng có đại dịch gì ở đây hết cả.” Trong tổng số 500,000 dân trong tiểu bang San Luis chỉ có 10 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

“Chúng tôi cầu nguyện cho những người đã chết vì coronavirus và cho sức khỏe của những người bị nhiễm bệnh,” vị luật sư nói khi ông bị đẩy lên một chiếc xe cảnh sát. Theo ông Miranda, việc cô lập toàn xã hội như thế này là một phản ứng thái quá: “Tất cả trò này là một lời nói dối kinh khủng, một trò hề. Đây là một nhà tù được chính quyền khu vực và chính quyền quốc gia áp đặt lên người dân San Luis.”

Ông cũng nói rằng “luật pháp có thể đưa ra bất cứ điều gì nó muốn, nhưng trong vấn đề đức tin thì đó hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Giáo Hội Công Giáo.”

Ông cảnh báo các cơ quan chức năng: “Chính phủ quốc gia này sai lầm nếu họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ quỳ xuống trước mặt họ.”


Source:Crux