Chúa Nhật XXVI Thường Niên C
Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31

Trong bài đọc thứ II, thánh Phaolô dành cho Timôthê và cả cho chúng ta những lời khuyên từ đáy lòng ngài. Trên hết mọi sự, thánh Phaolô khuyên “phải tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách” (1 Tm 6,14). Ngài chỉ nói về một giới răn. Điều này có nghĩa là ngài muốn chúng ta phải tập trung vào điều chính yếu của đức tin. Mọi điều khác xoay xung quanh tâm điểm này, đó là lời loan báo mầu nhiệm Vượt Qua: “Chúa Giêsu sống lại, Người yêu mến và hiến mình cho bạn.” Chúng ta không bao giờ được quên điều đó. Chúng ta hãy loan báo về sứ điệp tình yêu mới mẻ này: “Chúa Giêsu thực sự yêu mến bạn. Bạn hãy dành cho Người cơ hội để yêu bạn. Người không thất vọng về bạn dù bạn có những bất toàn.”

Giới răn mà thánh Phaolô đang nói ở đây là giới răn mới của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Khi yêu thương nhau, chúng ta sẽ loan báo cho thế giới biết Thiên Chúa là tình yêu, không phải nhờ sức mạnh của tài hùng biện, càng không phải do việc áp đặt chân lý, hay tuân giữ tốt các luật đạo đức, nhưng là nhờ đời sống bác ái đối với tha nhân. Chúng ta rao giảng Thiên Chúa nhờ việc gặp gỡ tha nhân, bằng sự quan tâm, tận tụi, đồng hành và lắng nghe họ để phục vụ. Bởi vì Thiên Chúa không phải là một ý tưởng, nhưng là một Ngôi Vị sống động: sứ điệp của Người được truyền bá nhờ chứng tá khiêm tốn và phục vụ, nhờ việc lắng nghe và hiếu khách, với niềm vui lan tỏa ra bên ngoài. Chúng ta không thể làm chứng một cách hiệu quả về Chúa Giêsu khi chúng ta mang một khuôn mặt buồn rầu, ảm đạm; chúng ta không thể chuyển tải vẻ đẹp của Thiên Chúa chỉ với những lời nói suông hay chỉ nói thao thao bất tuyệt. Chúng ta rao giảng Thiên Chúa bằng việc thể hiện tình yêu Tin Mừng trong giây phút hiện tại đối với mọi người, bằng những cách thế mới, nhiệt tâm mới và phương pháp mới.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật này giúp chúng ta hiểu bác ái là gì và nhất là tránh những thái độ vô cảm và vô can đối với người nghèo. Trong dụ ngôn, nhà phú hộ đã không để ý gì tới Ladarô, một người nghèo ở trước cổng nhà ông (Lc 16,20). Dụ ngôn không nói nhà phú hộ này đã thực sự phạm tội gì đối với mọi người, không có gì để nói rằng ông ta là một người xấu. Nhưng ông có một căn bệnh lớn hơn cả căn bệnh của Ladarô, người “ghẻ chốc đầy mình,” đó là căn bệnh mù lòa, vì ông không nhìn thấy gì khác ngoài thế giới của ông, thế giới của “ngày ngày yến tiệc linh đình và lụa là gấm vóc.” Ông không nhìn thấy ngoài cửa nhà mình có Ladarô đang nằm ở đó, những gì xảy ra ở ngoài thì ông không quan tâm. Ông không nhìn thấy những cảnh đời đáng thương bên cạnh ông, bởi vì trái tim ông không biết rung cảm trước nỗi đau của người khác. Tâm hồn ông đã trở nên chai đá bởi vì sự thơ ơ vô cảm đã ngự trị trong ông. Sự dững dưng vô cảm này đã xóa bỏ lòng bác ái nơi ông, chỉ thích hưởng thụ cách ích kỷ. Và như thế ông không còn quan tâm đến người khác, trở nên dửng dưng với mọi người. Những người như thế thường dễ có thái độ “lệch lạc”: thích nổi danh, thích chơi sang, thích được mọi người ca tụng, nhưng vô cảm đối với những nghèo khổ.

Sự vô cảm của con người hôm nay là nguyên nhân tạo ra những hố sâu khác biệt rộng lớn như biển cả giữa người giàu và người nghèo. Sự dửng dưng, ích kỷ và tinh thần trần tục xâm nhập con người như những thứ bệnh nan y và truyền kiếp. Giá như con người biết thương yêu nhau hơn thì cuộc đời này bớt khổ hơn, ít nước mắt hơn.

Nhưng Thiên Chúa nhìn đến những ai thiếu thốn và bị loại trừ ra ngoài xã hội. Ladarô là một người duy nhất được nói trong dụ ngôn của Chúa Giêsu. Tên của anh có nghĩa là “Thiên Chúa cứu.” Thiên Chúa không quên anh, Người sẽ đón tiếp anh vào bàn tiệc Nước Trời, cùng với Ápbraham, trong sự hiệp thông với tất cả những ai đau khổ.

Người giàu có trong dụ ngôn thì ngược lại, ông không có tên; cuộc sống của ông qua đi và bị quên lãng, bởi vì bất cứ ai chỉ sống cho mình thì không viết nên lịch sử đời mình. Mỗi người Kitô hữu phải viết nên lịch sử đời mình nhờ sống theo Tin Mừng. Chúng ta phải ra khỏi chính mình, để viết nên lịch sử đời mình để không sống như nhà phú hộ kia. Bởi lẽ, rốt cuộc, mọi sự sẽ qua đi, sức khỏe, sắc đẹp, tiền của không thể ở lại với chúng ta mãi mãi, nhưng cái còn lại mãi mãi là gì nếu không phải là lòng nhân ái và tình người.

Có một chi tiết khác trong dụ ngôn rất tương phản. Cuộc sống sang trọng của nhà phú hộ này được miêu tả như một thế giới sung túc, hoành tráng, tất cả là vì ông, nhưng khi chết, ông lại trắng tay, phải xin xỏ để có được một ân huệ nho nhỏ nào đó. Ngược lại, cuộc sống của Ladarô thì quá nghèo, nhưng sự nghèo khó đó gắn liền với một phẩm giá cao cả. Anh không hề mở miệng phàn nàn, hoặc phản đối, hay có những lời kinh bỉ. Đây là bài học rất giá trị: như những sứ giả của Lời Chúa, chúng ta được mời gọi đừng có phô trương vẻ bên ngoài và cũng đừng tìm kiếm vinh quang cho mình, đừng tỏ ra buồn phiền hay cứ luôn phàn nàn tiêu cực. Chúng ta đừng là những ngôn sứ buồn bã, tiêu cực, người chỉ thích xoi mói những chuyện xấu hay những sai lầm của người khác. Chúng ta đừng là những người chỉ biết thu mình trong thế giới riêng, rồi có những xét đoán tiêu cực về xã hội, về Giáo Hội, về mọi thứ cũng như về mọi người, làm ô nhiễm môi trường đang sống chỉ vì thái độ tiêu cực đó. Chủ nghĩa hoài nghi quá đáng không phù hợp với những người rao giảng Lời của Thiên Chúa.

Bất cứ ai loan báo niềm Tin Mừng Chúa Giêsu phải là người mang niềm vui, là người nhìn thấy chân trời rộng mở ở phía trước mà không một bức tường nào ngăn cản. Đồng thời, họ cảm thấy rất gần gũi với những người xung quanh và nhạy bén với những khát vọng của người khác. Chúa đang đòi hỏi điều này nơi chúng ta hôm nay: trước những Ladarô thời đại, chúng ta dám chấp nhận bị quấy rầy và bất ổn để tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ họ, mà không thoái thác cho người khác khi nói: “Ngày mai, tôi sẽ giúp anh, vì hôm nay tôi không có giờ.” Theo Tin Mừng, không giúp đỡ người khác là một tội trọng. Thời gian dùng để giúp người khác là thời gian dành cho Chúa Giêsu. Lòng bác ái sẽ tồn tại mãi. Gia tài của chúng ta ở trên trời, nhưng chúng ta phải tìm kiếm phần thưởng thiên đàng ở dưới đất, nơi những người nghèo.

Vậy, chúng ta hãy nguyện xin Chúa ban ân sủng để làm mới lại mỗi ngày niềm vui loan báo Tin Mừng: “Chúa Giêsu chết và phục sinh. Chúa Giêsu yêu bạn!” Ước gì Người ban cho chúng ta sức mạnh để thực hành giới răn yêu thương, vượt thắng sự mù lòa tâm linh và tinh thần thế tục. Ước gì Người làm cho chúng ta biết nhạy bén với những nỗi đau của người khác và sẵn sàng giúp đỡ họ. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/