Chúa Nhật 26 Thường Niên C

Bài đọc 1 Chúa Nhật tuần này tiếp nối lời ngôn sứ Amos công kích người giàu có mà sống vô cảm, dửng dưng, không có tình thương. Với lối nói cay độc chua chát, Amos đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ. Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, người giàu có sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng mình. Chính họ đã tạo ra khoảng cách vực thẳm. Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng cần biết đến tha nhân, khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau.

Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã tạo ra ở đời này. Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận. Địa ngục là do con người tự tạo ra từ đời này.

1. Khoảng trống không thể kết nối

Tác giả Ron Rolheiser viết: Chúa Giêsu dạy rằng có địa ngục và ai cũng có khả năng sa vào đó. Nhưng địa ngục mà Chúa Giêsu nói không phải là một nơi chốn hay tình trạng, lúc người ta nài xin một cơ hội cuối cùng, chỉ xin thêm một phút trong đời để làm một hành động ăn năn hối hận, nhưng Thiên Chúa lại khước từ. Thiên Chúa hiện thể và mặc khải trong Chúa Giêsu, là Thiên Chúa luôn mãi mở ra cho sự ăn năn, luôn mãi chờ đợi chúng ta trở về từ những nẻo đường hoang đàng.

Với Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ hết cơ hội. Bạn có thể hình dung Thiên Chúa nhìn một con người ăn năn, mà nói rằng: ‘Xin lỗi! Với con, đã quá muộn rồi! Con đã có cơ hội! Đừng xin thêm nữa!’ Chúa Cha không như thế.

Nhưng các Phúc âm lại có thể khiến chúng ta có ấn tượng như thế. Ví dụ như, dụ ngôn về người giàu làm ngơ người nghèo trước cửa nhà mình, rồi ông chết và vào hỏa ngục, còn người nghèo Lazarô giờ ở trên thiên đàng trong lòng của Abraham. Giày vò trong địa ngục, người giàu xin Abraham sai Lazarô cho ông ít nước, nhưng Abraham trả lời rằng có một khoảng trống không thế kết nối giữa thiên đàng và địa ngục, và không ai từ bên này qua bên kia được. Đoạn này cùng với lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong dụ ngôn tiệc cưới, là một sự chấm dứt bất di bất dịch, khiến dẫn đến một hiểu lầm chung rằng, có một điểm một đi không trở về, một khi vào địa ngục là quá trễ để ăn năn.

Nhưng đó không phải là lời dạy trong những đoạn văn này cũng như trong những lời Chúa Giêsu cảnh báo phải ăn năn sám hối. Khoảng trống không thể kết nối mà dụ ngôn người giàu và Ladarô, là một khoảng trống không bao giờ kết nối trong đời này giữa người giàu và người nghèo. Và nó vẫn còn không thể kết nối, là bởi sự ngoan cố, không biết động lòng, thiếu ăn năn, chứ không phải bởi Thiên Chúa hết kiên nhẫn mà nói rằng: ‘Đủ rồi! Không còn cơ hội nào nữa!’ Nó vẫn không thể kết nối là bởi, chúng ta theo lề thói mà bám chặt vào những đường lối không thể thay đổi tâm hồn và có sự ăn năn thật.

Dụ ngôn người giàu và Ladarô thực sự rút ra từ một câu chuyện Do Thái cổ hơn nữa, minh họa sự ngoan cố này: Trong dụ ngôn Do Thái, Thiên Chúa nghe lời kêu xin của người giàu từ địa ngục xin một cơ hội thứ hai, rồi ban cho ông toại nguyện. Người giàu, giờ có những giải pháp mới, trở lại cuộc đời, và đi thẳng đến chợ, mua thức ăn chất đầy xe. Trên đường về nhà, ông gặp Ladarô. Ladarô xin người giàu một ổ bánh. Người giàu nhảy khỏi xe và đưa cho Lazarô một ổ, nhưng bởi đó là một ổ bánh lớn, nên cái tôi cũ của ông bắt đầu phản ứng. Ông bắt đầu suy nghĩ. ‘Người này không cần cả ổ bánh lớn! Tại sao không đưa cho nó một phần thôi! Và tại sao lại đưa bánh mì mới, ta có thể cho nó bánh mì khô mà!’ Ngay lập tức, người giàu thấy mình rơi xuống hỏa ngục. Ông ta không thể kết nối qua được khoảng trống đó. (J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ “Our Fear of Hell”).

Dụ ngôn phú hộ và Ladarô cho thấy có một khoảng trống không thể kết nối ở đời này và đời sau.

Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.

Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Abraham. Phú hộ chịu cực hình nài xin với Abraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu : các thiên thần, Abraham tổ phụ, những người có đức tin. Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta : hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất.

2. Tình thương phải là căn tính.

Xét cho cùng, ông phú hộ bị trầm luân địa ngục vì tội vô tâm, hững hờ, sống dửng dưng trước nỗi cùng khốn của tha nhân. Ông không có tình thương.

Vì Tình thương là căn tính của con người, nên thiếu Tình thương là sự nghèo khó thảm hại và nguy hiểm nhất. Nó tác động đến bản chất, nó làm cho con người ra thoái hóa, bần tiện và vong thân. Nó hủy diệt con người từ tâm hồn đến dung mạo, nó hạ thấp con người. Thánh Phaolô viết: "Giả như tôi được nói tiên tri, được thông hiểu mọi điều bí nhiệm và mọi lẽ cao siêu nhưng không có lòng mến, thì tôi chẳng là gì" (1Cr 13, 2). Ðó là tình cảnh của những người độc ác, những kẻ giết người, những tên tội phạm chiến tranh, những người nặng óc kỳ thị, thù oán, vu khống, ích kỷ, vụ lợi, tham ô, làm giàu trên xương máu của người khác. Sự nghèo thiếu căn tính này càng gia tăng khi nó xuất phát từ những bè phái, những băng đảng, những nhóm lợi ích, những tập đoàn chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của phe nhóm mình mà chà đạp trên nhân phẩm, nhân quyền, sự sống và hạnh phúc của người khác hay của những dân tộc khác.

Ðối diện với những người hay những tập đoàn giàu có đầy quyền lực và quyền bính nhưng thiếu tình thương này là hàng triệu và có khi cả tỷ người cùng khốn, cô đơn, tàn tật, bệnh hoạn, bị bỏ rơi, bị xã hội khai trừ. Họ đang khao khát tình yêu, lòng thương xót, sự chia sẻ, sự cảm thông như người hành khất Ladarô không được chiếu cố, yêu thương và nâng đỡ.

Bài đọc một và bài Tin mừng đều mở một cuộc xét xử những người giàu có. Tội của những người giàu là sống trong dư dật mà không biết nghĩ đến những người túng quẫn. Sự giàu sang thừa thãi làm cho người ta không còn nhạy cảm với những đau khổ của những con người sống bên cạnh họ, làm cho người ta thành đui mù điếc lác trước nhu cầu của người khác

Cả hai hạng người thiếu tình thương nói trên đều đáng thương. Thế giới hôm nay, giàu về vật chất, nhưng lại nghèo nàn về tình thương. Có những nước không ngần ngại bỏ ra những số tiền khổng lồ để mua sắm vũ khí. Có những chính phủ đốt hằng ngàn tỷ đồng để xây “tượng đài nghìn tỷ”, xây cất cơ quan dinh thự xa hoa, trong khi người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học sinh đi học phải đu dây qua sông, người nghèo chết phải bó xác chở về nhà bằng xe honda...Chỉ mới hai ông Danh và Thanh thôi mà đã gây thất thoát cả 10 ngàn tỷ đồng (Ngày 9-9-2016, Tòa án nhân dân TPHCM đã kết án ông Phạm Công Danh 30 năm tù vì làm thất thoát của nhà nước 9.000 tỷ đồng. Tối 16-9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC với tội danh "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Ðó là chưa nói đến sự chênh lệch giữa người giàu với người nghèo, giữa những người được ưu đãi nhờ thời thế, thân thế 5 c (con cháu các cụ cả) và những người cô thân cô thế. Nền văn minh xã hội cần được xây dựng không phải trên của cải vật chất, mà trên tình thương: Nền Văn Minh Tình Thương.

3. Tình thương phải bắt đầu từ đâu ?

Một người nhà giàu nằm mơ thấy một đám rất đông những người nghèo và những người bệnh tật đang kêu xin giúp đỡ. Cảnh tượng ấy khiến ông xúc động và hạ quyết tâm sẽ đi tìm để giúp những người ấy. Sáng hôm sau ông lên xe đi tìm. Vừa ra khỏi cửa nhà, ông gặp ngay một người ăn mày đang ngửa tay xin tiền. Ông định dừng xe lại, nhưng tự nghĩ hãy đi thêm để biết thêm. Chiếc xe chạy qua những con đường, những khu chợ, những quãng trường… Càng đi ông càng thấy những người nghèo khổ đông quá. Trong đầu ông bắt đầu vẽ ra rất nhiều dự án để cứu giúp rất nhiều hạng người. Nhưng ông bối rối chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Đến chiều, ông quay xe về nhà, và gặp lại người ăn mày trước cổng, với cũng một tư thế ấy và những lời van xin ấy. Tối hôm đó ông lại nằm mơ và lại nghe thấy những tiếng kêu xin cứu giúp. Nhưng lần này những tiếng ấy không xuất phát từ đám đông, mà từ chính người ăn mày nằm trước cổng nhà ông. Và ông hiểu ra : phải bắt đầu từ chính người ăn mày ấy.

Mẹ ThánhTêrêsa Calcutta nói : "Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố… Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách làm ồn ào. Tình thương phải bắt đầu từ một cá nhân : muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc với người đó, gần gũi với người đó". Ngài còn kể : "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bombay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết, chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực : làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia… Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người này phải chết vì đói". Ngài nói tiếp : "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến những cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Toàn thể công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu đi một giọt".

Người giàu thật là người biết cho, người nghèo thật là người chỉ biết nhận. Người giàu thật là người có rất ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đủ, người nghèo thật là người có quá nhiều nhu cầu nên luôn cảm thấy thiếu. Sự giàu có thật là giàu trong tâm hồn, sự nghèo nàn thật là một tâm hồn trống rỗng. Bởi vậy cái giàu vật chất thường hay đi đôi với cái nghèo tâm hồn.

Xin đừng sống dửng dưng, thờ ơ, khép kín trước người nghèo, mà luôn chạnh lòng xót thương như Chúa Giêsu đã thương những người cùng khốn.

Hãy sống quảng đại cho đi, vui vẻ chia sớt, không chỉ của cải vật chất mà có khi chỉ là một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đở nâng, một lần viếng thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an. Khi chia nụ cười, ta sẽ nhận về vô số niềm vui. Khi chia vòng tay, ta sẽ nhận về mênh mông ấm áp. Khi chia quan tâm, ta sẽ nhận về bao la yêu thương. Khi chia yêu thương, ta sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc.

Siêng năng đến với Chúa Giêsu nhận lãnh tình thương để chúng ta chân thành trao ban tình thương mỗi ngày cho anh em.