Sau khi nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris bị nhận chìm trong ngọn lửa, Tuần Thánh tại đây đã diễn ra thế nào? Chắc chắn đó là điều mà nhiều người trên thế giới, đặc biệt là người Công Giáo, muốn biết. Vì thế, phóng viên James McAuley của tờ Washington Post, thường trú tại Paris đã có bài tường thuật sau về buổi đi đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của giáo xứ chính tòa Notre Dame. Mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt ngữ của Kim Thúy.

Sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh một cuộc rước đông đảo, có thể là lớn nhất trong những năm gần đây, với các giáo sĩ mặc áo trắng mang một cây thánh giá màu đen đơn sơ rảo qua các đường phố Île St. Louis, tiếp tục truyền thống đi đàng Thánh Giá hàng năm trên những con đường này. Ngôi Nhà thờ Đức Bà điêu tàn sau trận hỏa hạn lờ mờ phía sau lưng họ.

Hàng ngàn người dân Paris và du khách đã tập trung tại các chặng đàng Thánh Giá, diễn lại một cách biểu tượng cuộc thương khó của Chúa Kitô từ khi Ngài bị quan Philatô kết án đến khi được chôn cất trong mồ qua tổng cộng là 14 chặng.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit chủ sự cuộc rước và luân phiên đọc các bài suy niệm cùng với các linh mục khác.

Timi Patea, 21 tuổi, một chủng sinh trẻ tuổi hướng dẫn đám đông, cho biết buổi đi đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay đặc biệt quan trọng đối với người dân Paris để chứng minh rằng Notre Dame vẫn đứng vững.

Nhà thờ có thể nhìn thấy trong màn sương, qua một cây cầu thấp, trên cù lao Île de la Cité lân cận. Bởi vì ngọn tháp từ thế kỷ 19 và phần lớn mái của nhà thờ đã bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn hôm thứ Hai, nên các trụ cột của nhà thờ Đức Bà dường như leo lên hư không. Nhưng cấu trúc chính, bao gồm hai tháp chuông và các cửa sổ kính màu tuyệt đẹp vẫn còn nguyên vẹn. Và hầu hết các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật đều sống sót.

Một số báo cáo trên các phương tiện truyền thông Pháp đã loan tin rằng trong buổi đi đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay cộng đoàn sẽ long trọng rước một trong những thánh tích quý giá được cứu khỏi nhà thờ đang cháy. Đó là một vương miện gai mà, theo tin tưởng truyền thống, trong cuộc thương khó quân La Mã đã đội lên đầu Chúa Giêsu để sỉ nhục vương quyền của Người. Nhưng Tổng giáo phận Paris nói rằng, vì lý do an ninh, thánh tích đã được giữ lại an toàn tại Tòa thị chính Paris.

Nhà thờ Đức Bà sẽ bị đóng cửa từ năm đến sáu năm, các giới chức thẩm quyền của nhà thờ cho biết. Các chuyên gia phải đánh giá thiệt hại và ổn định các cấu trúc trước khi việc tái thiết có thể bắt đầu.

Các nhà điều tra vẫn nhất mực cho rằng vụ cháy này chỉ là một tai nạn. Các phương tiện truyền thông Pháp đã trích dẫn các quan chức cảnh sát không nêu tên nói rằng chập điện là giả thuyết hàng đầu. Nhưng một quan chức tư pháp từ văn phòng của công tố viên Paris, là cơ quan giám sát cuộc điều tra, nói với tờ The Washington Post rằng không có giả thuyết nào bị loại trừ trong giai đoạn này.

Cộng đồng Công Giáo của Paris đã tiếp tục các lễ nghi Tuần Thánh trong bối cảnh không có ngôi nhà thờ đánh dấu trái tim của thành phố. Các nghi thức trong Tuần Thánh và lễ Phục sinh được dự trù diễn ra tại Nhà thờ Đức Bà đã được chuyển đến ngôi Nhà thờ Thánh Eustache hùng vĩ bên hữu ngạn sông Seine.

“Nhà thờ chánh tòa là một địa điểm để vượt qua thực tại trần thế hướng nhìn lên trời,” cha Stéphane Lemessin một linh mục người Pháp, chuyên viết blog về các vấn đề liên quan đến Giáo Hội nhận xét. “Ta có mong muốn nhìn lên, hướng về các tầng trời. Bây giờ chúng ta sẽ phải tìm những nơi khác để hướng lên các tầng trời.”

Nhà thờ Đức Bà, tất nhiên, không chỉ là nơi thờ phượng. Nó cũng là một biểu tượng của Paris, là địa điểm được thăm viếng nhiều nhất tại một trong những thành phố được đến thăm nhiều nhất trên thế giới và là nguồn cảm hứng cho vô số nghệ sĩ, nhà văn và nhà thơ.

Frédéric Martel, một nhà báo người Pháp cho biết, khách du lịch đến thăm nhà thờ chính tòa Notre-Dame de Paris thậm chí còn nhiều hơn các tín hữu Công Giáo.

Quan sát phản ứng đoàn kết của các tầng lớp dân chúng tại Paris trước biến cố bi thảm này, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của tổng giáo phận Paris, coi việc xây dựng lại nhà thờ Đức Bà là cơ hội để Giáo Hội Công Giáo tại Pháp vượt qua những tai tiếng đã làm xói mòn niềm tin của công chúng.

“Điều duy nhất tôi xác tín là Chúa luôn mang đến cho chúng ta những điều thiện từ cái ác,” Đức Cha Aupetit nói trong một cuộc phỏng vấn hôm Thứ Sáu Tuần Thánh với tờ La Croix, một tờ báo Công Giáo Pháp.

“Ở dưới chân thập giá, khi mọi thứ đã kết thúc, một người vẫn đứng đó: đó là Đức Mẹ - Notre-Dame,” ngài nói. Notre-Dame vừa có thể hiểu là tên của ngôi nhà thờ chính tòa, vừa có thể hiểu là Đức Trinh Nữ Maria. Trong cuộc thương khó, Đức Mẹ đã hiện diện dưới chân thập giá nhìn con yêu của mình bị đóng đinh đang hấp hối. “Vào ngày thứ ba, Chúa Kitô đã sống lại. Từ cái chết của Con Ngài, Thiên Chúa đã mang đến điều tốt đẹp: sự phục sinh của Chúa Kitô và sự cứu rỗi cho tất cả mọi người.”

Cả gốc rễ Công Giáo của Pháp và chủ nghĩa thế tục của nó đều có thể nhìn thấy dưới bóng của nhà thờ Đức Bà vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Đông đảo các tín hữu và du khách tham gia vào cuộc rước kiệu đã hát những bài thánh ca, và những kinh nguyện mà họ thuộc nằm lòng.

Nhưng gần đó, các “bouquinistes”, tức là các quầy bán sách xếp hàng dọc bờ sông Seine, những người bán hàng ngồi trên những chiếc ghế gấp của họ, kiểm tra điện thoại di động và chờ đợi khách hàng. Vì thời tiết ấm áp dần, những người trẻ tuổi đang tắm nắng bên bờ sông. Một số người nhìn chằm chằm lên đường với sự tò mò trước những câu kinh bằng tiếng Latinh, xa lạ đối với họ như các câu thần chú, đang phát ra từ những chiếc loa.

Bốn ngày sau vụ hỏa hoạn khiến thành phố rơi vào bế tắc và sững sờ, nhịp sống của Paris dường như tiếp tục trở lại như thường lệ vào một buổi sáng mùa xuân.


Source:Washington Post