Theo Religion News Service, năm 2014, đầu triều đại Đức Phanxicô, Vatican có khoảng 3,500 nhân viên và khoảng 1,100 Hồng Y, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ giữ các chức vụ có tính quyết định. Hai lớp người này, dù đều thuộc lực lượng lao động của Vatican, nhưng thường được đối xử khác nhau: nhân viên và giáo triều. Chính vì thế, các bản tin chính thức từ Vatican tường trình hai buổi yết kiến khác nhau dành cho hai lớp người khác nhau này cùng vào ngày 21 tháng 12 vừa qua.

Việc làm, gia đình

Trước nhất là buổi gặp gỡ các nhân viên và gia đình của họ. Hãng tin Zenit nhận định rằng trong buổi gặp gỡ này, Đức Phanxicô tỏ ra là một ông chủ bình dân. Ít nhất thì đó là cảm tưởng của bất cứ ai chứng kiến đám đông nhân viên và gia đình hân hoan tụ tập tại Đại Sảnh Đường Phaolô VI ở Vatican để nghe ông xếp của họ chúc mừng lễ Giáng Sinh 2017.

Ngài cám ơn các nhân viên và gia đình họ vì việc họ làm, đôi khi rất khó khăn. Theo ngài, không có họ, “chiếc xe lửa” Vatican không tài nào chạy được. Chiếc xe lửa này “nặng lắm, lớn lắm, nhiều vấn đề lắm, nhiều chuyện lắm”. Mà chiếc xe lửa này không chạy, thì “công việc của Giáo Hội sẽ không xuông xẻ”, những công việc như "rao giảng Tin Mừng, giúp rất nhiều người, người bịnh, trường học, rất nhiều việc”.

Nói đến việc làm, ngài nhấn mạnh 2 điều: 1) “không ai bị bỏ đó mà không có việc làm”, việc làm đàng hoàng chứ không tạm bợ gì cả, một hình thức ngài coi là “bất hợp pháp”, trái với Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. 2) Việc làm là đường nên thánh, đường hạnh phúc, đường phát triển vì việc làm đem lại phẩm giá.

Rồi ngài nói tới gia đình. Ngài nói khi ngài biết 1 gia đình lâm khủng hoảng, con cái rầu rĩ vì khủng hoảng, ngài rất đau khổ. Và ngài khẩn khoản “xin anh chị em cứu lấy gia đình”. Không dễ vì rất nhiều vấn đề: nhân cách, tâm lý, nhiều lắm. “Tuy nhiên, anh chị em hãy cố gắng xin được giúp đỡ kịp thời, để gìn giữ gia đình. Tôi biết trong số anh chị em, có một số ly thân; tôi biết thế và tôi đau khổ, tôi đau khổ với anh chị em… đời sống đã ra như thế”.

Nghĩ tới con cái các gia đình đó, ngài khẩn khoản “Nếu có điều gì xẩy ra, ít nhất anh chị em đừng để con cái phải đau khổ, vì khi cha mẹ cãi nhau, con cái đau khổ, chúng rất đau khổ. Và tôi khuyên anh chị em: đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con cái, đừng bao giờ”.

Đức Phanxicô còn thêm điều thứ ba là ngồi lê đôi mách (gossip), vì nó với khủng bố, rất tai hại; điều thứ tư là tha thứ: ai cũng nên xin được tha thứ, chính ngài cũng vậy, đôi khi, cũng mất kiên nhẫn, bình tĩnh (tiếng Anh: “I fly off the handle”).

Và dĩ nhiên điều thứ năm: Chúc Lễ Giáng Sinh Hạnh Phúc, những người ngài gọi là “hợp tác viên” của ngài.

Những người phản bội

Gặp các nhân viên cấp cao, những người nắm giữ các địa vị then chốt trong guồng máy hành chánh của Tòa Thánh, tức Giáo Triều Rôma, giọng điệu của Đức Phanxicô có thay đổi, nghe nghiêm nghị hơn, thậm chí, có người chỉ lưu tâm tới những điều ngài “mắng mỏ”. Như hãng tin Zenit chẳng hạn chạy hàng tít “Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ trích các viên chức Vatican chống lại các chương trình cải tổ của ngài ngày 21 tháng 12, trong thông điệp Giáng Sinh với Giáo Triều Rôma”.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên, ngài làm thế. Từ năm 2014, nhân dịp Giáng Sinh, ngài đã liệt kê “các thứ bệnh thiêng liêng” của Giáo Triều rồi. Năm 2016, cũng nhân dịp này, ngài tấn công các đối kháng “ma quái” chống lại kế hoạch cải tổ của ngài.

Năm nay, ngài phê phán “những người phản bội” trong Giáo Triều Rôma và “não trạng bất quân bình và hạ cấp đầy mưu mô và bè phái”. Theo ngài, một số giới chức Vatican “khi bị âm thầm cho ra rìa, đã lầm lẫn tự tuyên bố mình là người tử vì đạo của hệ thống” thay vì nhìn nhận sự sai phạm của mình.

Lại có những người còn ở lại, nhưng chỉ lo thăng tiến bản thân, chứ không lo quay về với cam kết, trung thành, khả năng, tận tụy và thánh thiện, như phần đông các nhân viên Giáo Triều khác.

Có người cho rằng khi nói đến những người tự coi mình là tử đạo, Đức Phanxicô có ý ám chỉ Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Giáo Lý Đức Tin, và cả hai ông Libero Milone, nguyên tổng thanh lý viên, và Guilio Mattietti, nguyên phó giám đốc Ngân Hàng Vatican.

Thực ra, mục tiêu của ngài không hẳn thế mà chỉ là để nhấn mạnh tới sự khó khăn của cuộc cải tổ, một sự khó khăn rất đúng như mô tả của vị giáo phẩm Bỉ thế kỷ 19, Đức Tổng Giám Mục Xavier de Mérode: “cải tổ Rôma giống như làm sạch tượng Sphinx của Ai Cập bằng chiếc bàn chải đánh răng”.

Chấp nhận quan điểm từ bên ngoài

Muốn cuộc cải tổ thành công, Đức Phanxicô khuyên Giáo Triều chấp nhận quan điểm từ bên ngoài. Bên ngoài đây là các quốc gia, các Giáo Hội đặc thù, các Giáo Hội Đông Phương, cuộc đối thoại đại kết, với Do Thái Giáo, với Hồi Giáo, và các tôn giáo khác, nói tóm lại “với thế giới bên ngoài”.

Với các quốc gia, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới việc “xây dựng những cây cầu, nền hòa bình, và đối thoại”, sẵn sàng “mở rộng vòng tay, mở rộng cánh cửa, tìm cách lắng nghe, hiểu, giúp đỡ, hỗ trợ và can thiệp nhanh chóng và tôn kính trong mọi hoàn cảnh để rút ngắn khoảng cách và xây dựng lòng tin”. Theo ngài, các nhân viên ngoại giao vừa là nhà ngoại giao vừa là các mục tử, phục vụ cả các giáo hội đặc thù và các quốc gia nơi họ làm việc.

Về các giáo hội đặc thù, Đức Phanxicô cho rằng Giáo Triều Rôma không chỉ lấy Giám Mục Rôma làm điểm qui chiếu mà cả các giáo hội đặc thù và các mục tử của họ khắp thế giới nữa. Ngài ví nhân viên Giáo Triều như những ăng-ten, biết gửi đi và thu nhận: gửi đi ý muốn của Đức Giáo Hoàng và các Bề Trên một cách trung thành; thu nhận “các khát mong, vấn đề, yêu cầu, niềm vui và nỗi buồn của các giáo hội và thế giới, và chuyển về cho Giám Mục Rôma”. Ngài nhấn mạnh tới các cuộc thăm viếng Ad Limina của các giám mục: không chú trọng hình thức lễ nghi cho bằng đối thoại. Và cách riêng, sẵn sàng chào đón Phiên Họp Toàn Thể lần thứ 15 sắp tới của Thượng Hội Đồng Giám Mục về chủ đề “Người Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi”.

Về các Giáo Hội Đông Phương, Đức Phanxicô cho rằng mối liên hệ với các giáo hội này là “một phong phú hóa thiêng liêng và phụng vụ hỗ tương. Thực vậy, Giáo Hội Rôma sẽ không Công Giáo thực sự nếu không có sự phong phú vô giá của các Giáo Hội Đông Phương”. Duy trì sự hợp nhất với họ là điều tối thiết.

Việc hợp nhất với các giáo hội Kitô giáo khác cũng thế, cần phải “bước đi với nhau, để nhớ rằng khi ta cùng bước đi với nhau, nghĩa là khi ta gặp nhau như anh chị em, khi ta cầu nguyện với nhau, khi ta hợp tác với nhau trong việc công bố Tin Mừng, và khi phục vụ những người bé nhỏ nhất, là chúng ta đã hợp nhất với nhau rồi”, mọi dị biệt về thần học và giáo hội học sẽ được vượt qua trên nẻo đường này. Giáo Triều phải cổ vũ các cuộc bước đi chung này.

Riêng với Do Thái Giáo , Hồi Giáo và các tôn giáo khác, cuộc đối thoại phải dựa vào nguyên tắc: tôn trọng bản sắc ta và bản sắc người khác, can đảm chấp nhận dị biệt, và sự thành thật trong ý hướng.

Kết luận, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến nét biện chứng của đức tin: “một đức tin không làm ta bối rối là một đức tin bị bối rối. Một đức tin không làm ta lớn lên là một đức tin cần lớn lên. Một đức tin không nêu vấn đề là một đức tin cần được đặt vấn đề. Một đức tin không khuấy động ta là một đức tin cần được khuấy động. Một đức tin không lay chuyển ta là một đức tin cần được lay chuyển. Thực vậy, một đức tin chỉ có tính tri thức hay hâm hấp chỉ là một ý niệm về đức tin. Nó chỉ trở nên có thực chất khi nó đụng tới trái tim ta, linh hồn ta, tinh thần ta và trọn hữu thể ta. Khi nó để Thiên Chúa sinh ra và tái sinh trong máng cỏ lòng ta. Khi ta để Ngôi Sao Bêlem dẫn ta tới nơi Con Thiên Chúa nằm, không phải nơi của vua chúa và giầu sang, mà là nơi của người nghèo và người khiêm hạ”.