Chúa Nhật IV Mùa Vọng B Khiêm Cung Phó Thác

2 Sm 7,1-5, 8b-12,14a,16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38

Một sự kiện có một không hai tại lễ trao giải điện ảnh Oscar năm 2012 diễn ra hôm 26 tháng 2 đó là sự có mặt của một minh tinh màn bạc rất đặc biệt, một nữ tu chiêm niệm 73 tuổi dòng kín Bénédictines, Mẹ Dolores. Hiện nay, Mẹ là bề trên của đan viện Regina Laudis ở Bethlehem, thuộc tiểu bang Connecticut.

Từng là ngôi sao trẻ mới nổi lên vào đầu thập niên 60, Mẹ Dolores được công chúng biết đến với cái tên diễn viên điện ảnh Dolores Hart. Nữ nghệ sĩ đầy tài năng này từng vào vai diễn của mình với nam tài tử nổi tiếng thời bấy giờ Elvis Presley trong các phim « Loving you» (1957), King Creole (1958). Ngoài ra, Dolores Hart còn đóng những vai chính trong nhiều phim với các nam diễn viên nổi tiếng khác như George Hamilton, Robert Wagner, Stephen Boyd, Montgomery Clift v.v...

Mẹ Dolores đến với làng điện ảnh Hollywood lần này để giới thiệu bộ phim tài liệu "Thiên Chúa quan trọng hơn là Elvis", một bộ phim được ban tổ chức đề cử cho giải Oscar 2012. Phim tài liệu không chỉ đề cập đến sự nghiệp điện ảnh lừng danh của Mẹ, mà còn phục vụ cho việc Phúc Âm Hoá, giới thiệu linh đạo dòng Biển Đức cũng như đời sống thường nhật của các nữ tu chiêm niệm.

Sinh năm 1938 tại Chicago, thuộc tiểu bang Illinois với tên trong giấy khai sinh Dolores Hicks, Dolores Hart là con gái của diễn viên Bert Hicks (1920-1965), và là cháu gái của nghệ sĩ Mario Lanza (1921-1959). Cứ theo suy đoán logic bình thường, Dolores Hicks sẽ chọn trong tương lai cho mình nghề diễn viên để kế tục truyền thống của các bậc cha chú. «Khi lớn lên, tôi đã không có ý định trở thành nữ tu. Tôi muốn là một nghệ sĩ. Nếu như có ai nói với tôi rằng một ngày nào đó tôi sẽ là một tu sĩ, thì tôi hoàn toàn không tin vào điều này. May mắn ấy chỉ chiếm một trên phần một triệu mà thôi », Mẹ Dolores tâm sự.

Trở thành nữ tu chiêm niệm dòng Biển Đức vào năm 1963, là Bề Trên đan viện Regina Laudis kể từ tháng 11 năm 2004, Mẹ Dolores chia sẻ về ơn gọi của mình : « Tôi đã đấu tranh suốt cả cuộc đời để đáp trả tiếng gọi của Đức Kitô. Nhờ vậy, tôi có thể hiểu ra tại sao nhiều người lại có những hoài nghi, bởi vì ai mà có thể hiểu nổi Thiên Chúa ? Chẳng phải tôi ! Ở cấp độ này, các bạn bước vào mối liên hệ với mầu nhiệm »…. (trích bản tin của Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng).

Maria không xin khiêm tốn, nhưng Maria đáp trả lại với tâm tình khiêm tốn bằng Lời Xin Vâng với tất cả niềm tin tín thác, trước đề nghị của Sứ Thần mời Maria cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa.

Trinh nữ Maria đã đính hôn cùng chàng trai Giuse và hai người cùng quyết tâm sống trinh khiết tận hiến cho Thiên Chúa, hòa chung với niềm mong đợi của toàn dân: khao khát và hằng trông đợi Đấng Cứu Thế. Trong niềm khát vọng đó, tại Nagiaret hẻo lánh, Maria đón một vị khách lạ, chính là Sứ thần Gabriel đến với lời chào: “Mừng vui lên!, hỡi Trinh nữ”. Lời chào như thể được liên kết với biến cố Đấng Cứu Thế ngự đến như lời các ngôn sứ đã vang lên : “ Thiếu nữ Sion hãy reo vui lên khi ngắm nhìn Đấng cứu độ mình đang tiến đến gần ” (x. Xp.3, 14; Ge 2,21; Dcr 2,14. 9,9 ; Is 54,1). Maria là người đầu tiên được loan báo niềm vui vĩ đại này cho nên được đầy ơn phúc. Sau đó niềm vui sẽ được loan báo cho toàn dân.

Lời chào và sự loan báo của Sứ thần làm Maria bối rối vì không hiểu hết sự việc hơn nữa mình là một thôn nữ thấp kém sao lại được hồng ân cao cả.

Sứ thần Gabriel nói tiếp : “ Thiên Chúa ở cùng Trinh nữ ”, lời tiên báo của Ngôn sứ về hồng ân vĩ đại cho con người: Thiên Chúa ở với dân Người như ngôn sứ Isaia nói về tên Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta -(x. Is 7,14), Thiên Chúa ở cùng nhân lọai nhưng trước hết với và qua Đức Maria: Đấng được Đức Chúa ở cùng, cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế.

Maria thắc mắc làm sao việc sinh con có thể thực hiện được, vì Trinh nữ đã khấn hứa trọn đời trinh khiết. Sứ Thần Giải thích: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô". Sứ thần nhấn mạnh vai trò của Thánh Thần theo Kinh Thánh: Thánh Thần là quyền năng của Thiên Chúa ban sự sống vào lúc bắt đầu công trình Tạo Dựng: “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2) ban sự sống cho vũ trụ lúc còn nguyên sơ. Giờ đây Thánh Thần - Hơi Thở sáng tạo - từ lúc khởi đầu vũ trụ, sẽ làm lại cuộc sáng tạo mới trong lòng Đức Maria: sự thụ thai và sinh con Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh.

Vì thế, Sứ Thần quả quyết: “ quyền năng Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên bà và vì thế người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa", diễn ngữ "phủ bóng" dùng ở Kinh Thánh: trong hoang địa “đám mây phủ bóng trên Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,34) và lan đến với dân Chúa. Giờ đây phủ bóng trên Maria, Cô Trinh Nữ trở nên Nhà Tạm cho Đấng Cứu Thế. Thánh Luca sử dụng diễn ngữ "phủ bóng" để mô tả biến cố Biến Hình: “Bỗng có một đám mây phủ bóng…và từ đám mây có tiếng nói rằng: Đây là Con Ta…” (Lc 9,34). Chính vì quyền năng và hồng ân của Thiên Chúa, Maria được vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa bao phủ, và Thánh Thần thổi hơi sự sống vào trong cung lòng Mẹ. Sự sống nầy là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa, nên sứ thần khẳng định: “Vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa”.

Sứ Thần khẳng định : “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (St 18,14). Như xa xưa Thiên Chúa đã khẳng định với tổ phụ Ápraham, khi ông rất đỗi kinh ngạc vì vợ ông, bà lão Sara, có thể sinh cho ông một cậu con trai (St 11,30). Cũng một cách thức như vậy đối với bà cụ Rêbêca (St 25,21), bà Raken đã cao niên (St 29,31) và mẹ của ông Samson cũng đã già (Tl 13,2). Sứ Thần nói đến một dấu lạ mà chính Maria cũng được biết trong dòng tộc: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi mà cũng đã thụ thai: một người vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”, điều mà về phương diện con người không thể được…

Dù bối rối, chưa hiểu và biết rõ hết sự việc Maria khiêm tốn đặt toàn bộ cuộc đời của mình trong Thánh Ý của Thiên Chúa qua việc đáp trả với Sứ Thần: « Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền »

Maria hoàn toàn sẵn sàng thi hành ý muốn của Chúa, như một tôi tớ khiêm cung, thưa vâng trong tin tưởng, yêu mến và phó thác. Trước công trình cứu độ của Thiên Chúa đang diễn ra, trong khung cảnh truyền tin, Giacaria được loan báo về cuộc chào đời và nhiệm vụ Tiền hô của con ông là Gioan, Giacaria đã ngờ vực, hoài nghi... Đức Maria khi được loan báo về cuộc chào đời và định mệnh của con ngài là Đấng Messia mang tên Giêsu, đã trả lời một cách xác tín.

Thánh Augustinô nói: "Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần ta. Nhưng Ngài không cứu độ ta, nếu ta không cộng tác”.

Trong công cuộc cứu độ trần gian, Maria đã cộng tác bằng cả cuộc đời khiêm cung tín thác vào thánh ý. Maria dù không biết rõ ý muốn Thiên Chúa sẽ xảy ra như thế nào, và cuộc đời của Maria cũng gặp những gian nan: lưu lạc sang Ai Cập, lạc con và chứng kiến con phải chết trên thập tự, Maria vẫn luôn "Xin Vâng" hoàn toàn tận hiến đời mình để thực hiện thánh ý Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi vào chương trình cứu độ chung của nhân loại và cho chính chúng ta khi sẵn sàng phó thác cho đường lối Chúa Quan phòng. Khi đứng trước các ngõ ngách của cuộc đời, trước mọi thử thách và chúng ta không hiểu hết được tại sao ta phải đối diện, như Maria chúng ta khiêm tốn:

Lòng con chẳng dám tự cao,

mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!

Ðường cao vọng, chẳng đời nào bước,

việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;

hồn con, con vẫn trước sau

giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,

trong con, hồn lặng lẽ an vui.

(Tv 131, 1 - 2)

Với sự tín thác khiêm cung, chúng ta được Thiên Chúa chiếm hữu hoàn toàn trong vĩnh cửu. Chúng ta phó thác toàn thân cho ý muốn của Thiên Chúa với thái độ sẵn sang:

“Con xin đến để thực thi Ý Chúa” (Dt 10,7).

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn.