Chúa Nhật IV Mùa Vọng A.

GIUSE – TUẤN KIỆT – CÔNG CHÍNH

Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24

Thời Tam Quốc, sau khi rời Tào Tháo lập nghiệp riêng với danh nghĩa tông thất nhà Hán, Lưu Bị phải đi nương nhờ nhiều người, nhưng sự nghiệp luôn gian nan. Cuối năm Đông Hán, Lưu Bị đến nương nhờ Lưu Biểu sau đó Lưu Bị đồn trú ở Tân Dã , Lưu Biểu cho ông ta một ít người và ngựa.Lưu Bị trong lòng nghĩ phải liều để làm nên nghiệp lớn, phải tìm người tài giỏi trợ giúp, cho nên ông chiêu nạp hiền tài nghĩa sĩ. Ông đi khắp nơi cầu hiền, cuối cùng tìm được một danh sư tên là Tư mã Huy ở Tương Dương, ông bèn đặc biệt đi thăm, thỉnh giáo việc thiên hạ đại sự.

Tư mã Huy nghe xong thì cười ha ha, nói: “Tôi là một người bình thường làm sao có thể hiểu được việc đại sự của thiên hạ chứ ? Muốn nói chuyện thiên hạ đại sự thì phải cậy nhờ người tuấn kiệt tài năng”.

Lưu Bị vội vàng hỏi: “Đi đâu để tìm người tuấn kiệt như thế ?”

Tư mã Huy trả lời: “Ở đất này có Ngọa Long lại còn có Phụng Sồ nữa ! Ngài có thể mời một trong hai người thì có thể bình định được thiên hạ”.

Ngọa Long chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng, và Phụng Sồ là Sỹ Nguyên Bàng Thống. Nhờ thỉnh được Khổng Minh Gia Cát Lượng và Phụng Sồ, hai vị trở nên Quân sư phò tá, Lưu Bị đã làm nên nghiệp lớn lập lên nhà Thục Hán.

Người hiểu thời thế mới là người tuấn kiệt. Có nhiều người có tài năng nhưng không hiểu thời thế nên thân bại danh liệt; có những người tài cao học rộng nhưng không hiểu thế sự cho nên quanh năm suốt tháng sống trong góc nhà không ai biết đến. Trái lại có những người tuy tài sức không có nhiều nhưng lại hiểu và vận dụng thời thế, trở nên người tuấn kiệt lưu danh với đời,.

Hiểu rõ và sống thánh ý Chúa trong cuộc đời mình sẽ trở thành người tuấn kiệt của đức tin, người công chính theo Tin Mừng. Ban đầu Giuse không hiểu được thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc hôn nhân của mình nên ông bối rối, đau khổ và muốn lìa xa người bạn dời. Khi được Sứ Thần giải thích thiên ý trong cuộc hôn nhân của ông, Giuse trở nên tuấn kiệt của Tin mừng trong ý nghĩa người công chính.

Theo chú giải của William Barclay, hôn nhân theo phong tục tập quán của người Do Thái có ba bước:

• Hứa hôn: là sự hứa hẹn thường do cha mẹ hoặc do người thân quen hoặc người làm mai mối giới thiệu khi đôi bạn còn nhỏ, chưa biết nhau. Hôn nhân được xem là một bước vô cùng quan trọng nên không thể tuỳ thuộc đam mê và tình cảm con người được.

• Đính hôn: là xác nhận sự hứa hẹn khi trước hay có thể bị xoá bỏ, nếu người nữ không bằng lòng. Nhưng một khi đã đính hôn thì đôi bên bị ràng buộc với nhau cách tuyệt đối. Thời gian đính hôn kéo dài chừng một năm. Trong năm đó, đôi bạn được kể là vợ chồng dù họ không có những quyền của chồng và vợ. Nếu muốn chấm dứt thì chỉ có cách duy nhất là ly dị. Cho nên theo luật Do Thái trong giai đọan này nếu người con gái có vị hôn phu chết trong năm này thì được gọi một cách thức rất lạ là “trinh nữ goá”.

• Giai đoạn thứ ba là hôn nhân chính thức được cử hành vào cuối năm đính hôn.

Maria và Giuse đang ở giai đoạn đính hôn. Maria có thai, Giuse và Maria đều biết thai nhi không phải của Giuse. Maria biết rõ ràng: Nàng chịu thai không do ý muốn của phàm nhân như thông thường, nhưng do sự tác động của Chúa Thánh Thần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa như Sứ Thần Gabriel đã truyền tin (x. Lc 1,26 - 38). Giuse phát hiện người bạn đời có thai không phải của mình - người chồng đã đính hôn. Là người công chính nên Giuse có ý định bỏ vợ mình một cách kín đáo (x. Mt 1,19). Nếu Giuse muốn chấm dứt công khai thì không thể làm gì khác hơn là ly dị khi tố cáo vợ mình là nàng đã không còn trinh trong khi đến với mình, nàng sẽ bị hình phạt cho kẻ ngoại tình sẽ là ném đá cho đến chết (Đnl 22, 20 -28). Luật này còn áp dụng cho cả xã hội cùng các tôn giáo xưa Hình phạt ném đá này vẫn còn duy trì ở vài nước Trung Đông Hồi Giáo như Iran… và ở các vùng quê nước Hồi Giáo Pakistan.

Maria mang thai làm Giuse “tan vỡ bao dự tính”, thật là khủng hoảng cho Giuse. Tất cả mọi giấc mơ đầu bị phá tan. Có lẽ Giuse đau đớn tinh thần dày vò, tâm trí bị che khuất bởi bao thác mắc… Chỉ có một cách là lìa bỏ Maria một cách dứt khoát nhưng kín đáo. Dự tính hôn nhân trở nên xa cách chia ly trong đau khổ.

Sứ Thần của Chúa đã hiện ra trong giấc mơ của Giuse giúp chàng khám phá ra chiều kích sâu của đời sống thánh ý Thiên Chúa trong các sự kiện, cũng như nhận thức được ơn gọi của Chúa mà Giuse được mời tham dự trong chương trình cứu độ mà với con mắt phàm trần không thể nhận biết trọn vẹn. Sứ Thần mặc khải cho Giuse biết: Maria vợ mình thụ thai là kết quả tác động của Chúa Thánh Thần. Cho nên con trẻ là con Thiên Chúa. Con trẻ sẽ thực hiện công trình cứu độ và làm thành hiện thực sự tín trung của Thiên Chúa ở với con người, qua việc làm đầy lời phán truyền của ngôn sứ Isaia Đấng Thiên Sai đến sẽ hiện thực ở nơi gia đình ông: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7, 14-16). Trong sách Xuất Hành, khi giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của Ai Cập, Thiên Chúa hiện xuống với những người bị áp bức (x. Xh 3, 8) và phán với Môisen: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3, 12) và từ đó Ngài không bao giờ từ bỏ dân Ngài Cho nên trong chương trình lời hứa ở với dân và cứu độ dân, con trẻ được sinh ra trở nên ơn cứu độ cho cả nhân loại. Vì thế, Sứ Thần mới truyền cho Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu mang ý nghĩa “Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ” (Mt 1,23-25). Hai tên Giêsu và Emmanuel, đưa ra sự chứng thực: Thiên Chúa ở cùng và cứu độ dân Ngài như Thánh Gioan sau này đã xác tín: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14) va làm cho dân luôn hy vọng vào Ngài, vì "ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa" (Ga 1, 12)

Biết được thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc hôn nhân với thai nhi nhiệm màu, Giuse đã tiếp tục tiến trình hoàn thiện hôn nhân với bước thứ ba chung cuộc : đón Maria về nhà mình và sau này Giuse đã săn sóc tận tình Hài Nhi Giêsu ra đời cũng với Mẹ ngài, tìm nơi sinh cho Maria đầy vất vả (x. Lc 2, 1-13) trốn sang Ai cập để tránh việc truy bắt của Hêrôđê (x. Mt 2, 13 - 23) chính vì sự tận tụy phục vụ mà văn sĩ Origène kết luận vai trò của Giuse trong tương quan với Đấng Cứu Thế:”Bởi sự phục vụ trung thành, Kinh Thánh đã cho ngài danh hiệu người cha” (Origène : « Leviticum », XII 4), người cha của Con Thiên Chúa.

Thánh ý của Chúa khác với chương trình của con người, nhưng luôn dành cứu độ con người. Có những lúc chúng ta cảm nghiệm Ngài làm đảo lộn cuộc sống như Ngài làm trong Hôn nhân Giuse Maria bằng sự hợp - tan, tan - hợp. Người tin tưởng đi trong ánh sáng Thiên Ý luôn nhận ra “dấu chỉ” của Ngài, dấu chỉ của tình thương của sức mạnh như Giuse đã có trong sự phục vụ trong gia đình thánh gia đày bôn ba.

Quả thật Chúa thật gần gũi trong cuộc đời con người, mang tâm tình của Tagore, chúng ta cầu nguyện :

Chỉ mong con chẳng còn gì,

nhờ thế con không bao giờ lẩn tránh Ngài.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong con chẳng còn gì,

nhờ đó con trói buộc thân mình vào ý muốn của Ngài

và nhờ thế thực hiện ý Ngài trong suốt đời con,

ý ấy là tình yêu Ngài ràng buộc thân con.

(R. Tagore, Tâm Tình Hiến Dâng 34)

Vâng ràng buộc thân con trong thiên ý…



Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 17/12/2016