Cho kẻ chết sống lại

Xưa nay người đã chết được sống lại là điều rất lạ lùng vượt ra khỏi tự nhiên, ra khỏi trí khôn suy hiểu của con người, điều không thể có, hay nếu đó không phải là một phép lạ!

Phải đó là một phép lạ. Mà là phép lạ ai có thể làm được ngoài Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống, Đấng có quyền năng biến đổi mọi sự „Với Thiên Chúa mọi sự đều có thể.“ (Lc 1, 37 ).

Thánh sử Gioan, viết thuật lại Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, cho anh Lazaro đã chết chôn trong mồ mồ bốn ngày được sống lại. ( Gioan 11,1-45).

Chúng ta đọc Kinh Thánh với lòng tin, với lòng ngưỡng mộ, nhưng cũng với trí khôn suy nghĩ: Làm sao có thể như thế được? Có thể tìm ra cách cắt nghĩa nào đó về sự liên quan giữa sự chết và sự sống? Sống lại nghĩa là gì?

1. Tôi tin xác người ngày sau sống lại, và sự sống đời sau

Vào các ngày Chúa Nhật và ngày lễ Trọng, trong thánh lễ cử hành mừng mầu nhiệm tình yêu, sự chết và sống lại của Chúa Giesu, chúng ta không chỉ tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Cha, Đấng tạo dựng trời đất, vạn vật, con người. Tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giesu, ngôi hai Thiên Chúa, Đấng đã xuống trần gian làm người, mang tin lành bình an và hy sinh mạng sống cứu độ con người. Và niềm tin vào Chúa Thánh Thần, ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là sự sống cho con người. Nhưng chúng ta còn tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và đời sống sau khi chết của chúng ta, những tạo vật, con cái được Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ cho sống lại.

Đó là niềm Tin, là niềm Hy vọng cho con người. Vì nếu không có niềm hy vọng này, thiết nghĩ, thắc mắc căn bản: cuộc sống do đâu phát sinh ra, cuộc sống trên trần gian có ý nghĩa gì, và sẽ đi về đâu... sẽ không tìm được câu trả lời. Và như thế con người chúng ta hoặc có thể sẽ lúng túng trong vòng hoài nghi bất an, hoặc sẽ để mặc buông xuôi... Một cuộc sống như thế, thiếu bình an, hạnh phúc trong tâm hồn.

Niềm tin giúp cuộc sống có ý nghĩa, có niềm hy vọng vào ngày mai.

2. Đường đời sống.

Ai trong chúng ta cũng có đời sống. Và đời sống trải dài như một con đường với nhiều chặng. Khi mở mắt chào đời, đời sống lệ thuộc vào tình yêu thương, ấp ủ, nuôi dưỡng của cha mẹ, của người thân. Dần dà với thời gian, khi đã trưởng thành, con nguời đi tìm con đường sống tự lập, xây dựng mái gia đình mới. Cho dù đường sống này khó khăn, chông gai nặng nhọc, hay bằng phẳng dễ dàng. Cho dù ta tự do chọn hay bị đẩy vào đó. Cuộc sống cứ tuần tự xảy ra, tiến về ngày mai.

Cuộc sống dù là trong đời hôn nhân với người bạn đường chung thủy, hay chỉ là trong tình nghĩa bạn bè cùng lý tưởng, cùng niềm Tin đạo giáo. Tất cả đều nói lên: họ có chung con đường đời sống, và cùng nhau đi trên con đường đó tiến về một đích điểm.
Nhưng phải chăng họ đã, hay có thể cùng nhau qua đó đạt tới đích điểm chung là quê hương chưa?

Quê hương mà mọi người chúng ta chờ mong đạt tới là đời sống bình an hạnh phúc. Về ước vọng này, thiết tưởng ai trong chúng ta cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm, cảm nghiệm chưa được thỏa lòng. Vì niềm mong chờ, sao mãi chưa thấy, mà hầu như thấy thất vọng, bất an, thiên tai nhiều hơn những điều tích cực cho cuộc sống. Cho dù cuộc sống có đầy đủ sung túc, dư ăn, dư mặc, thành công, được kính trọng, và không phải sống trong hoàn cảnh tai ương chiến tranh.

Còn đối những người kém may mắn, phải sống trong những hoàn cảnh thiếu thốn nghèo túng, bệnh tật, thất bại, bị khinh miệt bỏ rơi, thiên tai, chiến tranh. Niềm mong ước đó còn cay đắng, phũ phàng gấp bội lần. Niềm vui, niềm an ủi đâu chẳng thấy, chỉ toàn đau khổ. Thật là một thua lỗ, mất mát thấy trước mắt!

Và đến khi xuôi hai tay nằm xuống, mọi người không trừ một ai, được bọc liệm trong cỗ áo quan khiêng rước ra ngoài nghĩa trang, và được chôn vùi dưới lòng đất, hay thiêu đốt ra tro bụi. Lúc đó quê hương ở đâu và là cái gì?

3. Về quê hương.

Trước cảnh tượng đó, tất cả mọi người chúng ta đều cúi đầu yên lặng, vì không ai tìm được câu trả lời cho vấn nạn. Trước linh cữu người qúa cố, tôi sững sờ như người câm điếc, không nói được gì. Tâm hồn thổn thức, nước mắt chảy xuống thành dòng. Trí khôn rơi vào ngõ cụt đường cùng... Nhưng từ trong tâm hồn vang lên tiếng vọng niềm tin vào Thiên Chúa là Cha. Niềm tin này giúp tôi hiểu: chúng ta chỉ là người lữ hành với hai bàn tay trắng trên đường về quê hương. Quê hương đó là Thiên Chúa, Cha của mọi người.

Trong dân gian người ta thường an ủi nhau: Sinh ký, tử quy; Thiên cung thánh triệu; hay An hòa chi hậu!( Kinh cầu chữ).

Phải chăng tâm tình này nói lên niềm tin của con người: quê hương bình an của chúng ta ở nơi Đấng sinh thành, nuôi dưỡng con người, và qua sự chết Ngài gọi chúng ta về với Ngài? Phải, tôi tin như vậy. Và cầu mong ngưỡng vọng cho mình, cho người thân ruột thịt của tôi và cho mọi người.

Và như thế Thiên Chúa qua sự chết, khi chặng đường sống trên trần gian chấm dứt, mở lối dẫn con người tiến vào đường về quê hương bình an. Quê hương đó là chính Ngài. Chúa Giêsu nói với chúng ta: Trong nhà Cha thầy có nhiều chỗ ở. Thầy về cùng Cha trước, để dọn chỗ ở cho các con. Thầy trở lại đón các con vào ở trong đó với Thầy. (Gioan 14, 2-3).

Niềm Tin cũng dạy tôi, Thiên Chúa, Đấng là Cha tạo thành con người trên đường đời. Ngài đưa họ vào đường đời sống, nhưng không để họ đi trong hoang mang lo âu, không biết đích điểm, phương hướng đi về đâu. Cho dù điều này chưa được mạc khải cho biết.

Ngài hướng dẫn, đồng hành với họ trên đường sống, không bỏ rơi, mặc kệ họ chìm sâu trong cõi chết u minh sầu thảm. Không, Ngài không làm như vậy. Ngài đã hứa: Con đừng sợ, Cha sẽ cứu độ con; trong ngày u sầu buồn thảm Cha sẽ gọi tên con, vì con là con Cha. ( Is. 43,1)

4. Niềm tin: ngày sau sống lại.

Thiên Chúa qua sự chết gọi chúng ta về với Ngài. Đó là quê hương, Ngài hứa ban cho, là đích điểm đường sống.

Nhưng bằng cách nào Thiên Chúa cứu con người qua sự chết vào sống trong quê hương đó? Điều này cho tới bây giờ không ai biết được. Và cũng như chưa ai được Ngài mạc khải cho biết. Vì thế khi nói đến: Xác người ngày sau sống lại, là muốn nói đến lòng trung thành, tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người đã qúa vãng, đối với lịch sử đời sống, ngày hôm nay và mai sau. Thiên Chúa cứu họ, dẫn họ vào quê hương bình an, nơi có cuộc sống đầy đủ, viên mãn.

Vậy làm thế nào để chứng minh được niềm tin đó? Hiểu biết của trí khôn là điều tốt và cần thiết cho cuộc sống, cho cả điều tin. Vì có như thế, niềm tin không trở nên hoang đường. Nhưng lòng yêu mến, nhất là lòng khiêm nhượng bổ túc, củng cố cho lý trí, khi không thể hiểu được, chứng minh được điều tin. Và có như thế cuộc sống mới không trở nên bất nhân tàn nhẫn, và rơi vào đường cùng.

Tin không có nghĩa là chỉ chấp nhận những gì lý trí hiểu được. Nhưng tin còn là yêu mến, là gắn bó, là hy vọng và cùng lên đường đồng hành với.

Nếu lòng khiêm nhượng là nhân đức căn bản, cần thiết cho cuộc sống, để không bị rơi vào hoang mang, bất an. Và có như thế mới nhận ra giới hạn, sự bất toàn của mình.

Nếu lòng khiêm nhượng không làm giảm giá trị con người, trái lại bổ túc, làm giầu thêm cho nhau, và là tình yêu giữa nhau.

Thì trong lãnh vực niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là Cha, là quê hương, điều này lại còn cần thiết hơn nữa. Vì trí khôn con người làm sao tưỡng tượng, cắt nghĩa được Thiên Chúa, Đấng vô hình, là quê hương bình an của chúng ta. Khi giới hạn hiểu biết, suy luận của con người chỉ bay lượn trong vòng thế giới hữu hình này thôi. Nào ai là con người như tôi, như bạn có thể hiểu, cắt nghĩa được, thế nào là quê hương bình an nơi Thiên Chúa? Tại sao Thiên Chúa cứu độ con người, cho họ vào hưởng sự sống đầy đủ viên mãn, mà lại bắt họ phải chết, phải chia lià với người thân yêu..?

Niềm tin: Chết không phải là tận cùng, là hết, nhưng là bắt đầu một đời sống mới, chính là lòng khiêm nhượng xác tín: Vâng, đời sống con người có giới hạn. Và qua sự chết, Thiên Chúa, Đấng tạo hóa luôn trung thành với mọi người tin yêu Ngài (xx 1 Corinthô 2,9). Ngài dẫn đưa chúng ta vào sống trong quê hương với Ngài, nơi là nguồn bình an, nguồn hạnh phúc bất tận.

Khi tuyên xưng: Tôi tin sự sống vĩnh cửu., là muốn nói: Tôi tin vào sự sống nơi Thiên Chúa. Sự sống này khác với sự sống hiện tại trên mặt đất. Khác thế nào, chưa có ai tưởng tưỡng, hoặc hiểu được.

Sự sống này là đích điểm, là quê hương của đời sống. Trên đường về quê hương đó, chúng ta rất có thể lạc lối, vì đường dài, nhiều khó khăn, hay cũng có khi nhiều vui thú, quên mất đích điểm.

Phải chăng sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa chỉ bắt đầu sau khi thân xác chết? Vấn nạn này không có câu trả lời rõ ràng. Nhưng tôi tin là không. Tôi tin sự sống đó khởi đầu từ ngày mở mắt chào đời, và cùng với mọi người suốt dọc cuộc đời trên đường về quê hương bình an vĩnh cửu rồi.

Đời sống một người đâu phải chỉ thu tóm trong vòng sinh ra, phát triển lớn lên ăn, mặc, ở, học hành, làm việc và sau cùng chết. Nhưng còn hơn thế nữa. Đó là nhân vị đời sống con người. Đời sống là thắc mắc và trả lời, là suy nghĩ và nói, là ca hát và giữ thinh lặng, là khám phá và ngạc nhiên bỡ ngõ, là cười và khóc, là làm việc và nghỉ ngơi, là hy vọng và lo âu chờ đợi, là có niềm vui và mang niềm vui cho người khác, là đau khổ và được an ủi, là được kính trọng và bị coi thường, là nhận lãnh và cho đi, là đến và đi, là sáng tạo và thưởng thức, là tĩnh và động, là lỗi lầm và ăn năn hối lỗi, nhất là yêu thương và được yêu thương.

Như thế con người không sống đơn lẻ một mình như một hòn đảo ngoài biển khơi, nhưng trong tương quan liên đới với người khác và với thiên nhiên. Vì có như thế họ mới sống được. Và đó mới là đường đời sống.

Sự sống vĩnh cửu ngày sau hệ tại vào sự sống ngày hôm nay. Đời sống vĩnh cửu khởi đầu và phát triển, khi con người yêu thương, trung thành với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa; khi con người thực thi tình yêu thương giữa, với và cho nhau trong khung cảnh môi trường họ sinh sống.( xx Mattheo 25, 31-46; Lk 16,19-26).

Phép lạ cho Lazaro từ cõi chết sống lại nói lên khía cạnh khát vọng sự sống của con người. Đồng thời cũng diễn tả lòng thương cảm của Chúa Giêsu với số phận con người phải chết, và là lời tiên báo về sự sống lại của chính Chúa Giêsu

Thần học gia Ratzinger - Cựu Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã có suy tư về khát vọng tình yêu tro;ng tương quan với sự chết để cắt nghĩa hiểu về sự sống lại:

„ Đối với người Kitô hữu, tuyên xưng sự sống lại của Đức Giêsu Kitô là nói lên niềm xác tín rằng, Lời tưởng chỉ trong mơ nhưng đã thành hiện thực: „ Tình yêu mãnh liệt như tử thần.“ ( Diễm tình ca 8,6) Trong cựu ước, câu này xuất hiện trong khuôn khổ lời ca ngợi sức mạnh của tình ái ( Eros).

Dù vậy, ta đừng vội xem thường nó, coi đó như một lời tán dương thái qúa. Bởi lẽ, nơi khát vọng của tình ái, một khát vọng vô tận, đến mức như không còn biết đến biên cương, ta có thể nhận ra vấn nạn nền tảng của kiếp người, và chính nơi vấn nạn căn bản này mà tình yêu bộc lộ bản chất cũng như nghịch lý nội tại của nó: Tình yêu là mãi mãi bất diệt, vâng có thể nói tình yêu là tiếng kêu gào, muốn được sống mãi nhưng nó lại không thể ban cho mình điều đó, kỳ vọng của nó là vĩnh cửu nhưng thực tế nó bị cuốn hút vào cõi chết, vào nỗi cô đơn và sức mạnh tàn phá của sự chết.

Chỉ có như thế ta mới hiểu được „ phục sinh“ nghĩa là gì. Phục sinh là sự chiến thắng của tình yêu trên sự chết.“ ( Joseph Ratzinger Biển Đức XVI. Đức tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay - Einfuehrung ins Christentum, Phong trào Giáo dân Việt Nam hải ngoại, Tháng 10.1990, tr. 387-388)

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long