CN 5A MC : Chúa Giêsu muốn nói gì và Giáo Hội muốn nói gì qua phép lạ Lazarô sống lại.

Robert Ingersoll một người nổi tiếng của phái Bất khả tri đã chết năm 1899. Hơn 100 năm trước đây, ông rảo bước khắp Châu Mỹ để tấn công tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Thuộc phái “Bất Khả Tri” có nghĩa là ông chủ trương con người không thể biết gì về Ông Trời, về Thiên Chúa, về đời sống mai sau.

Trong một buổi diễn thuyết, ông cố gắng chứng tỏ cho cử toạ thấy trình thuật phép lạ Lazarô sống lại mà ông vừa nghe đọc, chỉ là một phép lạ giả, nhằm quảng cáo cho thầy Giêsu. Đây là một âm mưu tập thể, ông Robert nói. Lazarô thì giả bộ làm cho người ta tin anh bị bệnh, rồi chết. Các chị của Lazaro thì giả bộ giấu anh trong một cái hang, cung cấp đồ ăn vào ban đêm để không ai thấy, đợi đến khi thầy Giêsu đến, gọi đúng “tên” mới được ra nghe em !

Muốn củng cố thêm cho lý chứng của mình, ông Robert hỏi cử toạ : Ai trong các bạn ở đây có thể nói cho tôi biết lý do tại sao ông Giêsu lại gọi : Lazarô hãy ra đây ! mà không chỉ nói đơn sơ : hãy ra đây ! (nếu đã chết rồi, thì có gọi tên cũng vô ích) - cứ làm phép lạ thẳng như biến một cục đá nào đó thành bánh bao, một xác chết khô héo nào đó thành con người bảnh bao ! Còn nếu gọi rõ tên như vậy thì chắc lòi ra chàng kia còn sống, còn sống thì mới nghe được có ai đó gọi tên mình chứ. Ai trong các bạn ở đây có thể nói cho tôi biết lý do tại sao ông Giêsu lại gọi : Lazarô hãy ra đây ! – mà không chỉ nói đơn sơ : hãy ra đây ! Một lời thách thức tuy không hóc búa lắm nhưng cũng có thể thuyết phục được một số người nào đó. Ông Robert chờ đợi, và ông cũng chẳng cần chờ lâu, một ông già vóc dáng nhỏ bé đứng dậy trả lời :

-Thưa ông Robert, tôi có thể trả lời cho ông hay : nếu Đức Giêsu không nói rõ tên Lazarô hãy ra đây, mà chỉ nói trống : Hãy ra đây, thì tất cả những người được chôn trong nghĩa địa với Lazarô sẽ trỗi dậy hết để đến gặp Chúa Cứu Thế của họ !

Sau này Robert thú nhận lối phát biểu của cụ già đó thực sự làm ông ta bối rối, ngỡ ngàng, bởi vì phải tin mạnh lắm, không chút nghi ngờ gì mới có thể trả lời nhanh và gọn như vậy.

Việc làm cho người bạn Lazarô chết 4 ngày sống lại, cho con trai bà goá Na-in chết nằm trong quan tài trở lại với mẹ, cho con gái ông Giai-rô mới chết rồi còn trỗi dậy …Việc cho 3 người chết sống lại: hồi sinh kẻ đã chết, chắc không phải là mục tiêu của Chúa đâu,bởi còn biết bao người chết cần hồi sinh ! Nhưng qua phép lạ này Chúa muốn nói với ta điều gì, và Giáo Hội muốn nói với ta điều gì.

1. Chúa muốn nói với ta điều gì ? - Ngài là sự sống.

Sự sống quan trọng hơn sự sống lại: Câu nói của Chúa cho Matta không phải là câu : “Ta là sự sống và sự sống lại” nhưng là : “Ta là sự sống lại và là sự sống”. Sống lại mà không có sự sống mãi thì sẽ chết – rồi lại sống lại. Cứ đi vòng vòng như kiếp luân hồi tái sinh. Trong kinh Tin Kính chúng ta cũng kết thúc bằng sự sống mãi chứ không dừng ở xác sống lại thôi. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại – Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Dĩ nhiên niềm tin xác sống lại ngày sau hết khác với việc Lazaro chết rồi sống lại .. nhưng dù sao chúng ta cũng thấy cái chính là sự sống.

“Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta dù chết cũng sẽ sống. Và ai tin ta không chết bao giờ, con có tin điều đó không ?” Chúa đòi Matta tin điều đó: Ngài là sự sống – nơi Ngài không có sự chết (chứ không chỉ tin ở sự sống lại).

Một chỗ khác Chúa Giêsu cũng nói một câu mà nhân Ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 8 tổ chức tại Denver bang Colorado nước Mỹ, ĐGH Gioan Phaolô II đã lấy câu đó làm chủ đề cho Đại Hội, và THNGM Châu Á cũng chọn câu này làm đề tài: Ta đến để loài người được sống và sống dồi dào hơn (Ga 10,10).

Đức Giê-su không làm phép lạ chỉ vì muốn cho La-da-rô sống thêm một số năm tháng ở trần gian rồi lại chết sau cảnh già lão, yếu đuối tự nhiên của một kiếp người. Không. Qua qua phép lạ này, Ngài muốn dạy cho tất cả loài người hiểu rằng : một khi tin Ngài là sự sống lại và là nguồn sự sống, người ta không còn lo sợ cái chết nữa nhưng sẽ được Ngài chia sẻ sự sống dồi dào của Thiên Chúa… Người ta hay dùng hình ảnh ”cuộc sống đế vương” để chỉ những người thường mà giàu có ăn sung mặc sướng chẳng khác gì khanh tướng đế vương. Tức là người thường mà như được sống kiếp vua. Ta có thể phóng đại hình ảnh đó lên để so sánh ta là người thường-phải-chết mà được chia sẻ cuộc sống thần linh bất tử của Chúa hằng sống. Chúa xuống trần chia sẻ kiếp người phải chết để cho chúng ta được dự phần vào mệnh Chúa bất tử.

Chúa Giêsu muốn nói gì qua phép lạ này: Chúa là sự sống. Ta đến cho loài người được sống và sống dồi dào: tức là sống mãi, bất tử, cuộc sống thần linh.

2. Giáo Hội muốn nói gì với ta khi đặt bài Phúc Âm này vào Chúa Nhật hôm nay ?

Điều Giáo Hội nói thì rõ rệt lắm. Hôm nay là bài Giáo lý cuối cùng về Phép Rửa chuẩn bị cho dự tòng và nhắc nhở chúng ta nhớ lại Phép Rửa của mình. Hai bài trước là

- CN 3 : Chúa là Nước hằng sống, nước đem lại sự sống qua câu chuyện với phụ nữ bên giếng nước, nhắc ta nước Thánh Tẩy

- CN 4 : Chúa là Ánh sáng qua trình thuật chữa người mù thuở mới sinh ra. Khi chịu phép rửa là ta được ánh sáng Đức Kitô chiếu soi. Và hôm nay,

- CN 5: Phép Rửa mang lại cho ta sự sống mới qua phép lạ cho Lazaro chết 4 ngày sống lại. Ta đến để loài người được sống và sống dồi dào hơn.

Ý của Chúa Giêsu muốn nói qua phép lạ chữa Lazaro : Ta là sự sống được Giáo Hội hiểu và đưa vô Phụng vụ vào những ngày chót của quá trình chuẩn bị cho Phép Rửa. Chúa đến để loài người được sống và sống dồi dào hơn. Không phải chỉ sống người ra người mà là sống dồi dào hơn, tức cuộc sống của người con Chúa mà chính Phép Rửa mang lại cho ta sự sống dồi dào đó: quả là một cuộc sống thần linh. Nói đổi lời, “sự sống” không chỉ là sự sống của thể xác mà là sự sống trọn vẹn, chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Ladarô đã được Chúa Giêsu trả lại sự sống thể xác nhưng về sau thân xác ông cũng sẽ lại chết như bao người khác. Cho nên sự sống thể xác không quan trọng và quý giá cho bằng sự sống trọn vẹn trong sự kết hợp với Thiên Chúa cả ở đời này lẫn đời sau. Chính Phép Rửa Tái Sinh mang lại cho ta điều đó.

Trong thư Roma 6, 3-4, thánh Phaolô sánh ví rất hay rằng chịu phép rửa như cùng chịu chết với Đức Giêsu và cùng sống lại với Người. Dìm xuống nước: chết, an táng. Lên khỏi nước: sống lại.

[6:3 Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?

6:4 Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.]

Ý của Giáo Hội rõ như thế, nhưng ít người để ý để triển khai. Tôi đọc cả 30 bài giảng tiếng Việt cho CN 5 Mùa Chay năm A này, mà chẳng thấy bài nào đả động tới Phép Rửa. Chỉ thấy nào là: Niềm tin sống động; Tại sao Chúa khóc; Yêu như Chúa yêu…” Tôi đọc tám bài giảng tiếng Anh, cũng thấy khai thác các đề tài quanh quanh, như: We are not alone, The therapy of tears, An invincible spring.

Tôi có méo mó nghề nghiệp khi học Phụng Vụ, thấy cái gì cũng dưới con mắt phụng vụ bí tích ? Không. Công đồng Vatican 2, trong Hiến chế đầu tiên, năm 1963, Hiến chế Phụng vụ, số 109, đã xác định rõ hai đặc tính của mùa chay là: (1) sám hối và (2) nhất là nhớ lại hoặc cử hành bí tính thánh tẩy… để nhắc nhở đến sự sống đời đời mà ta được ban tặng nhưng không khi lãnh nhận. Công đồng cũng ra lệnh là 2 đặc tính đó phải được đưa vào phụng vụ và giáo lý phụng vụ. Trong mùa chay, sám hối thì có nhiều, nhưng nhớ lại phép rửa thì ít được quan tâm. Tìm mãi mới được 3 bài cho 3 CN năm A mà thôi : CN III: Nước ; CN IV: Ánh Sáng ; CN V: Sự Sống. Ba bài này đọc trong năm A, nhưng anh chị nào mở Sách Bài Đọc, sẽ thấy năm B và năm C đều được khuyến khích đọc lại năm A. Nhưng mấy ai đọc lại !

Vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, đêm vọng Phục-Sinh tới đây, trong phần Phụng vụ Phép Rửa, chúng ta sẽ gặp lại 3 hình ảnh trên :

- Đức Kitô là Nước hằng sống: Nước thánh tẩy đưa con người tầm thường nhập hàng hoàng gia, họ hàng với Thiên Chúa bất tử.

- Đức Kitô là Ánh Sáng : qua phần Phụng vụ Ánh sáng và sau đó thắp sáng nến khi lặp lại lời tuyên xưng Phép Rửa

- Đức Kitô là Sự Sống, sự sống dồi dào qua việc các tân tòng cùng với chúng ta có một người Cha toàn năng và giàu lòng thương xót, đã ban cho ta một người Anh là Đức Kitô đã đến thế gian để cho ta sống và sống dồi dào.

Chúng ta hãy cầu cho các dự tòng và cầu cho cả chúng ta nữa là những hình ảnh của Lazaro được Chúa cho sống lại, sống dồi dào hơn trong địa vị cao trọng của người con cái Chúa, mà Phép Rửa Tái Sinh bằng Nước và Thánh Thần mang lại cho ta quà tặng siêu vời và thần linh đó.

lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm