Hôm thứ Năm, ngày 8 tháng Mười Hai vừa qua, Dean Baquet, Chủ Bút tờ New York Times, than phiền về việc khan hiếm các nhà báo tốt viết về tôn giáo trong một cuộc phỏng vấn của Terry Gross thuộc tờ NPR. Ông Baquet nói rằng “Chúng tôi [tại New York Times] có một người viết về tôn giáo thật tuyệt vời, nhưng cô ấy hết sức cô đơn. Chúng tôi không nắm được vai trò của tôn giáo trong đời sống người ta. Và tôi cho rằng chúng ta có thể làm tốt hơn, làm tốt hơn nhiều”.

Cũng ngày ấy, người mà Ông Baquet gọi là “người viết về tôn giáo thật tuyệt vời”, tức Laurie Goodstein, lặp lại các quan tâm của ông tại Hội Nghị Chuyên Đề Về Việc Hiểu Biết Tôn Giáo Trong Nghề Báo Chí ở Phân Khoa Thần Học Harvard. Hội nghị chuyên đề này là một phần của một loạt hội nghị chuyên đề do Diane Moore của Phân Khoa Thần Học Harvard khởi xướng, nhằm nâng cao sự hiểu biết tôn giáo nơi nhiều ngành nghề chuyên nghiệp. Các hội nghị chuyên đề tiếp theo sẽ đề cập đến các vấn đề hiểu biết tôn giáo rành rọt hơn nơi các tổ chức nhân đạo, kinh doanh và chính phủ.

Trong bài diễn văn chủ chốt của mình, Cô Goodstein trình bầy rằng: “Tôi rất vui khi thấy chúng ta hiện diện nơi đây vì hiện nay chúng ta đang có một việc khẩn cấp để làm. Sự hiểu biết rành rọt về tôn giáo có lẽ chưa bao giờ quan trọng hơn, hoặc thách thức hơn. Mặt đất đang rúng động, các vết nứt đang mở toang quanh ta, và mọi đường phay (faultlines) dường như đang gặp nhau. Chủng tộc, giai cấp, phái tính và bên dưới nó, tất cả giống như dung nham nóng chẩy: tôn giáo”.

Cảm thức khẩn trương bao quanh ngành báo chí về tôn giáo đã xuất hiện cùng với sự xuất hiện của tin tức giả và việc thắng cử của Donald Trump, người khai phá “nền chính trị hậu sự thật” (post-truth politics), một nền chính trị đặt giá cao cho việc thuật chuyện hơn là sự kiện. Có lẽ hơn bao giờ hết, người ta bắt đầu ít lưu ý tới sự thật có tính sự kiện (factual truth) trong tin tức họ đọc, và càng ngày càng lưu ý nhiều hơn đến việc xem xem liệu tin tức ấy có nói gì tới kinh nghiệm của họ về thế giới không. Tất cả các nhà báo tham dự xem ra đều nhất trí một điều: nghề báo cần phải thay đổi không những để thách thức tốt hơn các quan niệm lầm lẫn về tôn giáo, về thay đổi khí hậu và về di dân, mà đơn giản còn để sống còn nữa.

Làm thế nào các nhà báo giữ được độc giả của mình mà không làm ma cô ma cạo cho họ như các trang mạng tin tức giả từng làm? Dù các diễn giả ở Harvard không tìm được câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này, cô Goodstein cũng vẫn đề nghị điều này: các nhà báo nên bắt đầu xử lý các quan niệm lầm lẫn về tôn giáo. Cô nói với cử tọa: “Chúng ta chưa có giải pháp nào cho các tin tức giả, nhưng chúng ta có thể làm một điều gì đó về cung cách tường thuật giả mạo và lầm lẫn về tôn giáo, một cung cách hiện rất phổ biến”.

Cô Goodstein lưu ý mọi người về một số hiểu lầm về Đạo Công Giáo bằng cách nhấn mạnh tới nhu cầu phải hiểu biết rành rọt hơn về tôn giáo. Cô nói: “Nhiều nhà báo không biết sự khác nhau giữa một tổng giám mục và một Hồng Y; họ nghĩ người Công Giáo thờ Đức Maria; họ gom thành một đống khuynh hướng đồng tính luyến ái, đức khiết tịnh và nạn ấu dâm; họ cho rằng các linh mục và nữ tu thẩy đều sống trong các đan viện; họ nghĩ giáo hoàng kiểm soát điều mọi giám mục và linh mục nói và làm; và khi một số giám mục ở đâu đó mở miệng nói điều gì đó, họ bèn tường thuật như thể Vatican lên tiếng”.

Cô Goodstein cho rằng người Hồi Giáo cũng thường bị truyền thông trình bầy sai. Trong bầu khí chính trị tại Hoa Kỳ hiện nay, hơn hẳn người Công Giáo, người Hồi Giáo thường chịu nhiều hậu quả tồi tệ do lối thông tin sai lầm này, thậm chí còn bị đe dọa cả sinh mệnh nữa. Người Hồi Giáo liên tiếp bị tấn công bởi những kẻ coi hành động của một nhóm nhỏ người Hồi Giáo quá khích phạm các hành động khủng bố như là đại biểu cho toàn bộ 1.6 tỷ người Hồi Giáo đang sống tại Hoa Kỳ và khắp thế giới. Như Sáng Kiến Bắc Cầu của Đại Học Georgetown gần đầy tường trình, người Công Giáo cũng là một trong các nhóm cần cải thiện việc hiểu biết rành rọt hơn về người Hồi Giáo.

Một nền giáo dục tốt hơn về tôn giáo rõ ràng đang hết sức cần thiết đối với người của mọi tín ngưỡng và ngành nghề. Stephen Prothero của Đại Học Boston gơị ý rằng: một cách cải thiện là gia tăng sự hợp tác giữa các nhà báo và các nhà khoa bảng. Ông nói: “Đây là lúc quan trọng để chúng ta làm việc với nhau. Không những để hiều tôn giáo và các tôn giáo, mà còn để bảo vệ nền tự do có tính định chế của chúng ta, một nền tự do mà hai ngành nghề của chúng ta đều tùy thuộc”.