Giáo Hội tại Trung Quốc thảo luận về khả năng cho truyền chức phó tế vĩnh viễn

Lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội tại Trung Quốc đang thảo luận về khả năng có phó tế vĩnh viễn, đó là việc giáo dân nam giới (đã kết hôn) được chịu chức phó tế để phụ giúp các giám mục và linh mục trong những sứ vụ của Giáo Hội.

Thực ra trong nhiều thập niên qua, chức phó tế vĩnh viễn đã hiện hữu tại một số Giáo Hội trên thế giới bị khan hiếm giáo sĩ và nhân viên mục vụ. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc thì đây là lần đầu tiên mà chủ đề này được đem ra thảo luận. Lí do là vì Giáo Hội địa phương này đang bắt đầu cảm thấy sự suy giảm trong ơn gọi linh mục, đây là hệ quả của chính sách chỉ có một con nên nhiều gia đình rất ít con cái, cùng với một lối sống xa rời giá trị Kitô giáo.

Từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9 vừa qua, Hội đồng Giám mục Trung Quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo tại chủng viện quốc gia Bắc Kinh để thảo luận về kinh nghiệm của chức phó tế vĩnh viễn. Cuộc hội thảo này có sự tham dự của 50 người, với đại diện đến từ 14 tỉnh thành của Trung Quốc như Hà Bắc, Tứ Xuyên, Sơn Đông và Bắc Kinh. Các vị giám mục đã mời một số giáo chức từ Giáo Hội Hồng Kông sang để tham dự: Đức Ông Dominic Trần Chí Minh (Chan Chi-ming) - Tổng đại diện giáo phận kiêm Chủ tịch Ủy ban về chức phó tế vĩnh viễn của Giáo phận Hồng Kông và hai phó tế Edwin Ngô Vĩnh Hồng (Wu Yonghong) và Louis Vương Triển Thao (Wang Zhantao).

Đức Ông Trần Chí Minh cho biết, trong số những tham dự viên phía Trung Quốc có một số vị nghĩ rằng đã đến lúc phải mở ra chức phó tế vĩnh viễn ở Trung Quốc, nhưng lại có những vị khác thì cho rằng nên chờ thêm 8 hoặc 10 năm nữa thì tốt hơn. Vẫn biết rằng cốt lõi của sứ vụ tông đồ là các giám mục cử hành mục vụ, các linh mục giúp giám mục trong việc cử hành bí tích và giáo dục, nhưng các phó tế vĩnh viễn được mời gọi để sống gần gũi với xã hội. "Cuộc hội thảo ở Bắc Kinh lần này là một hạt giống mới được gieo để phát triển. Giáo phận Hồng Kông có thể cung cấp sự hỗ trợ cho các nỗ lực đó của họ".

Thầy phó tế Edwin Ngô Vĩnh Hồng (người đứng cùng vợ trong ảnh) chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên thầy được gặp các vị giám mục và linh mục ở Trung Quốc đại lục. "Quan niệm của họ về chức phó tế vĩnh viễn có lẽ bắt nguồn từ một ý tưởng trước Công đồng Vaticanô II. Rằng nếu chúng ta muốn phát triển công việc này, thì phải tìm ra một số phương pháp giáo dục tốt".

Thầy Ngô đã chịu chức phó tế vĩnh viễn cách đây 10 năm và lời tuyên hứa của thầy là việc đi thăm các tù nhân và những tổ chức cải huấn cho trẻ vị thành niên.

Hồng Kông đã được hưởng quy chế về chức phó tế vĩnh viễn từ năm 1993. Ban đầu, cựu thuộc địa Anh Quốc này cũng phải đối diện một số trở ngại: 80% linh mục phản đối điều đó, nhưng Đức Hồng Y Gioan Hồ Chấn Trung (Wu Cheng-Chung) - giám mục Hồng Kông đương thời vẫn quyết định triển khai, khiến cho Hồng Kông là nơi đầu tiên ở Á Châu có chức phó tế vĩnh viễn. Ấn Độ là nơi thứ hai có phó tế vĩnh viễn, từ năm 2006.

Hiện nay có 26 phó tế vĩnh viễn trên toàn lãnh thổ Hồng Kông. Nói chung, các ứng viên cần phải dành 6 đến 8 năm học tập để được chịu chức phó tế và quá trình lựa chọn này rất nghiêm ngặt. Ứng viên phó tế nào đã kết hôn thì trước hết cần phải có văn bản chấp thuận của người vợ, sau đó họ phải trải qua nhiều cuộc phỏng vấn với các vị giám đốc học vụ rồi bắt đầu một khóa học tại chủng viện và lấy kinh nghiệm mục vụ tại các giáo xứ, được hướng dẫn bởi một vị linh hướng.

Phó tế cao tuổi nhất ở Hồng Kông là Thầy Giuse Dương, năm nay 83 tuổi. Thầy được chịu chức vào năm 2002. Hiện tại, thầy phục vụ tại một giáo xứ. Ngoài nhiệm vụ mục vụ, thầy còn tiếp tục đến thăm các tù nhân ít nhất một tuần một lần, cũng như đưa các đồng sự đi thăm người già trong các nhà dưỡng lão. (AsiaNews)

Chân Phương