London: Một lá thư giá trị và hiếm có đã được tìm thấy trong văn khố của Dòng Tên tại London do chính thánh I Nhã (Ignatiô) viết và ký, Ngài là Đấng sáng lập Dòng Tên.

Bức thư đã nằm chôn vùi trong tủ đựng hồ sơ đã hơn 100 năm và tình cờ được phát giác ra vào trung tuần tháng Năm vừa qua.

Các Cha Dòng Tên tại Tỉnh Dòng Tên Anh Quốc ở Luân Đôn coi bức thư này là bức thư "độc nhất vô nhị" vì hầu hết các lá thư mang chữ ký của chính thánh I Nhã đang được lưu trữ tại Roma, là nơi Ngài làm vị Bề Trên đầu tiên Dòng Tên trong 16 năm cuộc đời còn lại của Ngài.

Cha David Smolira, Bề Trên tỉnh Dòng tại Anh nói trong thông tư vào ngày 25/5 rằng bức thư này là một "sự khám phá kỳ thú" và là một "quý vật thuộc tỉnh Dòng Tên Anh Quốc".

Cha Smolira nói tiếp "Hoàn toàn không thể nào đánh giá cho một vật gì như bức thư này. Sự liên kết giữa Anh Quốc và Thánh I Nhã đã có ngay cả trước khi thành lập Dòng Tên, vì Ngài đã thăm Anh Quốc vào mùa Hè năm 1530 để xin của bố thí. Trong thời gian và sau thời lên ngôi của Nữ Hoàng Elizabeth đệ Nhất, dĩ nhiên nhiều tu sĩ Dòng Tên đã chịu tử đạo vì đức tin của họ. Cho nên ở đó có một lịch sử lâu dài và quan trọng và lá thư này do chính Thánh I Nhã ký đặc biệt biểu trưng lên điều đó".

"Khi nghĩ đến các thư viện và đại học của Dòng Tên đã bị tiếp quản vào thời điểm Dòng Tên bị trục xuất vào năm 1773. Thật là lạ thường khi lá thư này còn tồn tại gần 450 năm".

Lá thư đã được phát giác trong văn khố của Nhà Thờ Vô Nhiễm. Lá thư viết bằng tiếng Ý và đề ngày 16/2/1555 trước 18 tháng ngày Thánh nhân qua đời.

Lá thư được viết cho Quirino Garzonio, là một người bạn thân của Thánh I Nhã, và theo các Cha Dòng Tên, lá thư có lẽ được Thánh I Nhã nói ra và được vị thư ký của Ngài là Cha Juan Polanco viết.

Chữ ký đã được Cha Peter Beckz, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên từ năm 1853-1887, chứng thực là của Cha Thánh I Nhã, và Cha Beckz cũng ghi chú chứng thực là 2 hàng chữ cuối cùng chính là chữ viết tay của Thánh I Nhã.

Nội dung bức thư nói đến việc điều hành không có gì là quan trọng, thế nhưng câu cuối cùng tỏ cho thấy một sự sáng suốt đến thần học của Thánh I Nhã là thất cả người Kitô hữu được kêu gọi để phục vụ, tán dương và tôn kính Thiên Chúa và họ phải nhận thức và hoàn thành ý định của Thiên Chúa nơi họ.

Thánh I Nhã viết "Tôi cám ơn về nghĩa cử bác ác của anh và cầu nguyện Thiên Chúa Chúa chúng ta ban cho chúng ta tất cả ân sủng để biết được ý định cực thánh của Người và hoàn thành nó một cách tuyệt hảo".

Lá thứ được ký như sau "Người tôi tớ trong Thiên Chúa chúng ta, Ignatius".

Không biết lá thư đã tới Anh Quốc cách nào thì hiện nay vẫn còn là điều bí ẩn, vì hiện chỉ còn duy nhất một bản ghi chú từ năm 1891 thì đang được lưu giữ tại nơi cất giữ đồ thánh ở Miền Tây Nam Luân Đôn.

Các Cha Dòng Tên nói rằng có lẽ lá thư này đã được đưa về trụ sở nhà Dòng ở Mount Street vào thập niên 1960 khi tỉnh Dòng được dời về đây.

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Anh Quốc trong và sau thời kỳ Cải Cách đã chịu ảnh hưởng rất nhiều do các công việc của Thánh I Nhã và những người theo Ngài.

Đôi dòng về Thánh I Nhã và Dòng Tên

Khi còn là một thanh niên 26 tuổi, muốn hưởng sự hoan lạc trên thế giới, I Nhã đã xin đi tòng quân. Trong một trận trấn thủ pháo đài tại Loyola trước sự tấn công của Pháp, cấp chỉ huy và binh sĩ biết rằng mình không thể chống được nên điều đình xin đầu hàng, nhưng I Nhã mạnh mẽ tranh luận với cấp trên là phải nhất định trấn thủ pháo đài cho bằng được. Khi bị quân pháp bắn súng pháo và đại bác, I Nhã đã bị thương nặng và sau đó tất cả các binh sĩ đầu hàng.

Vì bị thương nặng gãy chân và phải di chuyển xa, nên vết thương càng trầm trọng bác sĩ không hy vọng sẽ lành, sức khoẻ càng lúc càng tồi tệ cái chết đã gần kề I Nhã xưng tội trong ngày lễ Thánh Gioan và trong ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô, I Nhã nhận bí tích lần cuối. Bác Sĩ nói rằng nếu đến nửa đêm mà sức khoẻ của I Nhã không khả quan thì đành bó tay để cho chết. Nhưng I Nhã là người có lòng mến mộ Thánh Phêrô một cách đặc biệt và sau nửa đêm thì tình trạng sức khoẻ khả quan hơn và sau đó vài ngày I Nhã được coi là người đã thoát khỏi cái chết.

Xương chân bắt đầu lành lạnh nối lại với nhau, nhưng khổ thay dưới khuỷ đầu gối, khúc xương gãy nằm chồng lên nhau cho nên một chân bị ngắn hơn và vì khúc xương lòi ra nên trông thật xấu xí khó coi. I Nhã thấy rằng với một tướng đi khập khiểng và cái chân quái dị như thế thì sẽ hủy hoại đi cuộc đời sự nghiệp. I Nhã đã xin bác sĩ giải phẩu cắt khúc xương đó đi mặc dầu biết rằng I Nhã sẽ phải chịu cực hình còn đau đớn hơn lần bị thương lần trước nhưng vẫn một lòng cam chịu. I Nhã thích đọc sách tiểu thuyết và kiếm hiệp, tại nhà thương muốn tìm sách này để đọc giết thời gian nhưng tìm chẳng thấy, người ta đưa cho I Nhã cuốn "Vita Christi" (Cuộc đời Đức Kitô) và cuốn sách Hạnh các Thánh. Từ đó cuộc đời I Nhã hoàn toàn thay đổi.

I Nhã quyết định đi hành hương, trên đường từ Navarrete tới Monserrat, lủi thủi cởi trên con lừa đi một mình. Tình cờ một người Moor cũng cỡi lừa đi ngang qua và hai người nói chuyện với nhau và nói về Đức Mẹ, người Moor nói rằng anh ta thừa nhận Đức Mẹ thụ thai khi không biết người nam nào, nhưng làm sao lại có chuyện Đức Mẹ sinh con ra vẫn còn đồng trinh. Hai người tranh luận nhưng không thể nào thuyết phục được tư tưởng của anh chàng Moor, nên anh chàng này thúc lừa đi nhanh tiến về phía trước rồi khuất dạng. I Nhã một mình trên lừa tiến bước nhưng vẫn suy tư không hài lòng vì mình đã không làm tròn bổn phận để thuyết phục người Moor và như thế là không làm vinh danh Đức Mẹ.

Vốn sẵn tính ngông và máu kiếm hiệp, I Nhã quyết định đuổi theo và sẽ rút dao đâm tên này mấy nhát. I Nhã vẫn còn do dự đến việc mình phải làm, khi đến một khúc đường rẽ đôi, I Nhã quyết định thả dây để tự con lừa nó rẽ đi con đường nào mà con lừa muốn đi. Nếu đi cùng đường với tên Moor thì I Nhã sẽ nhất định đâm cho vài nhát, nhưng con lừa đã chọn rẽ đi lối khác. Khi tới Monserrat, trước bàn thờ tại Đền Đức Mẹ Monserrat, I Nhã đã xưng tội với Cha Linh Hướng, viết trong ba đêm ý định của mình cho Cha Linh Hướng, bỏ lại con lừa rồi treo cây kiếm và cây dao găm trước bàn thờ, quyết định bỏ mọi sự theo Đức Kitô.

I Nhã đã lập Dòng Chúa Giêsu tại Ba Lê vào năm 1534 cũng là năm mà Hoàng Đế Anh Quốc Henry VIII cáo tội Thánh Thomas More và John Fisher mưu phản và bắt giam tại pháo đài Luân Đôn.

Dòng Chúa Giêsu đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ Tam ban sắt luật chuẩn y vào năm 1540. Ngoài ba lời khấn Khó Nghèo, Vâng Lời, Khiết Tịnh, các tu sĩ Dòng Tên còn khấn thêm một lời khấn thứ 4 là vâng lời Đức Giáo Hoàng. Tu Sĩ Dòng Tên được bầu lên làm Bề Trên Tổng Quyền sẽ giữ chức vụ này suốt đời cho tới chết, sau đó sẽ bầu lên một vị khác.,

Dòng Tên đã đến Việt Nam vào thời Phong Kiến, và cũng theo tục lệ thời Phong Kiến, nhắc đến tên húy của Vua Chúa, bề trên là điều cấm kỵ như vẫn thường nói : Trượt thi đình chỉ vì bài phạm húy. Tôn kính thánh danh Chúa Giêsu và ảnh hưởng thời Phong Kiến nên Dòng Chúa Giêsu tại Việt Nam được gọi là Dòng Tên và tên ấy vẫn còn giữ đến ngày nay trong Giáo Hội Việt Nam và là nước duy nhất gọi Dòng Chúa Giêsu là Dòng Tên.

Việt Nam nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng thừa hưởng một di sản phong phú do Dòng Tên để lại. Chân Phước Anrê Phú Yên là một thầy giảng Dòng Tên theo Cha Đắc Lộ, là vị tử đạo Việt Nam tiên khởi. Ngôn ngữ Việt Nam ngày nay đã biến đổi theo giòng thời gian từ chữ Quốc Ngữ do chính Cha Dòng Tên Đắc Lô sáng tác. Dòng Tên đã thành lập Giáo Hoàng Học Viện Piô Đà Lạt là một học viện nổi tiếng dành cho các tu sĩ Dòng Tên và các Thầy xuất sắc từ các Đại Chủng Viện. Thư viện Đắc Lộ tại Quận 3 là một thư viện có thể nói có nhiều sách quý giá nhất tại Đông Dương. Cha Dòng Tên Sesto Quercetti Hoàng Văn Lục là một Cha người Ý, từng là thanh niên bốc vác làm việc đi theo tàu Ý tại bến cảng Sài Gòn lúc 19 tuổi, Ngài thương dân Việt và nghe tiếng Chúa gọi, Ngài quyết định trở về Roma đi tu trong Dòng Tên, được Bề Trên bổ nhiệm trở lại Việt Nam làm Bề Trên Dòng Tên Việt Nam cho đến khi nhà nước cộng sản trục xuất vào năm 1975. Cha Sesto Quercetti về làm Giám Đốc Đài Truyền Hình Quang Thị tại Đài Loan, vì nói tiếng Việt rất sành sỏi như tiếng mẹ đẻ, nên Cha được Tòa Thánh triệu về Roma để khởi xướng Chương Trình Việt Ngữ Đài Phát Thanh Vatican, Cha bị bệnh ung thư đã qua đời tại Ý. (Khi có dịp Vietcatholic sẽ đưa lên bài do chính Cha Sesto Quercetti chuyển ngữ sang tiếng Việt để thấy khả năng tiếng Việt của Ngài thật khởi sắc ). Chương trình Việt Ngữ Đài Vatican ngày nay đang được Cha Dòng Đa Minh Giuse Trần Đức Anh làm giám đốc. Đến tháng 11/2005, Đài Phát Thanh Vatican Chương Trình Việt Ngữ sẽ mừng trọng thể 25 năm ngày thành lập.

Vào năm 1976, bị tố là có truyền đơn, làm cớ cho Nhà thờ Đắc Lộ và Thư Viện Đắc Lộ và Nhà Ứng Sinh Nguyễn Đình Chiểu bị tiếp quản, tất cả các Linh Mục Dòng Tên tại đây bị bắt và được thả tự do sau 13 năm. Mặc dầu bị bắt, các linh mục Dòng Tên vẫn âm thầm chịu đựng và im lặng, một sự im lặng "quái đản", thật lạ thường thay là các Ngài không hô hào kêu thán giữa công đường. Cha Bề Trên Dòng Tên Giuse Nguyễn Công Đoan cũng cùng trong nhóm các Cha Dòng Tên bị bắt.

Vào năm 2003, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan được bầu lên làm phụ tá Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên và được triệu về làm việc tại Roma. Đây là vị giáo sĩ Việt Nam đầu tiên trong chức vụ này. Vào tháng 6/2003, cũng còn thêm một vị Giáo Sĩ Việt Nam đầu tiên là Cha Dòng Phan Sinh Ambrosio Nguyễn Văn Sĩ được bầu làm phụ tá Bề Trên Tổng Phục Vụ Dòng Phan Sinh tại Roma.