LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU – C

TÌNH YÊU HY SINH VÀ TRAO BAN

Năm 1597, lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở Công Giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tồi tệ. Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai Linh mục cùng nhiều ảnh tượng giải về Kyoto. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra bên ngoài! Tsukamoto là một nhà nho uyên thâm có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh Trái Tim Chúa Giêsu coi qua rồi vất vào sọt rác. Nhưng đến tối ông nhớ lại và ngẫm nghĩ chắc hẳn mẫu ảnh này phải có ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại để trên bàn và suy nghĩ.

Trời đã về khuya mà quan ngồi bất động một mình với mẫu ảnh trước mặt. Mãi đến một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhõm, khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới tấm ảnh mấy chữ: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả.” Rồi ông đặt mẫu ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu trên bàn làm việc cách kính cẩn.

Một hôm, một người bạn đến chơi thấy vậy hỏi: “Thế nào, ông bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?” Vị quan trả lời: “Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng, nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích mẫu ảnh này. Phải chăng đây là bức ảnh nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo? Ông bạn thử nghĩ coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì hữu tâm, còn đối với bản thân mình thì vô tâm. Cho nên họ mới vẽ trái tim lộ ra bên ngoài. Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời. Còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra để giúp đời giúp người. Nội dung bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả bài học từ bi của Phật, khoan dung hơn đức nhân của Khổng Tử, cao siêu hơn cái vô ngã của Lão, mạnh hơn cái dũng của thần đạo Nhật Bản. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm tới tư lợi, thì quả là điều ngay chính của thiên hạ.”

Lời giải thích của ông Tsukamoto trên đây giúp chúng ta hiểu hơn về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thật vậy, suốt cuộc đời Ngài đã quên bản thân mình vì nhân loại chúng ta, đó thực sự là một tình yêu hy sinh và trao ban.

Vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận hạ mình xuống làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Một vị Thiên Chúa nhưng chấp nhận sinh ra trong đêm đông lạnh lẽo nơi hang đá bò lừa. Ngài chấp nhận làm con một gia đình nghèo ở Nazareth. Chưa đầy hai tuổi đã phải trốn chạy sang Aicập vì bị Hêrôđê lùng bắt. Trong suốt ba mươi năm sống âm thầm tại Nazaréth, Ngài chấp nhận làm nghề thợ mộc với Thánh Giuse để nuôi sống gia đình.

Vì yêu thương, Ngài như người mục tử luôn quan tâm và chăm sóc đoàn chiên, sẵn sàng bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc (Lc 15, 3-7); Ngài chăn dắt đoàn chiên và kiểm soát chúng (Ed 34, 11-16); Ngài chăn dắt đoàn chiên trong đồng cỏ xanh tươi (Tv 22, 1-3. 4. 5. 6). Trong ba năm cuộc đời sống công khai, Ngài vất vả rảo khắp mọi nẻo đường để rao giảng Tin mừng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 18,20). Vì yêu thương, Ngài đã không ngừng làm phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại…

Vì yêu thương, Ngài đã tuyển chọn và huấn luyện các Tông đồ. Ngài đã thiết lập Giáo Hội và trao quyền cho các Tông đồ tiếp tục công việc của Ngài cho đến tận thế.

Vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn, bị bắt bớ, đánh đập, đội mạo gai, vác thập giá, chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Ngài đã đổ hết giọt máu cuối cùng vì yêu thương nhân loại. Đó là tột đỉnh của mọi tình yêu như lời Ngài đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Vì yêu thương, Ngài đã trao ban những gì mình có cho nhân loại. Ngài đã thiết lập các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể để ở lại với nhân loại cho đến ngày tận thế. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài trao ban chính người Mẹ yêu quý cho Thánh Gioan đại diện cho nhân loại. Ngài trao ban Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ và các kitô hữu.

Đúng như ông Tsukamoto diễn tả về Ngài qua hình ảnh Thánh Tâm: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả.” Đó là một tình yêu hy sinh quên mình, tình yêu trao ban hết tất cả những gì mình có cho nhân loại.

Thánh Tâm Chúa đã hy sinh và trao ban tất cả cho chúng ta như vậy, chúng ra cần phải làm gì? Có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu mến của chúng ta, xin được gợi ý vài cách thế sau đây:

Thứ nhất, phải có lòng tôn sùng Thánh Tâm Người. Đức Giáo Hoàng Piô X viết: “Việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, bởi vì Tình Yêu, vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia.” Chúng ta có thể tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng cách: tôn kính ảnh Thánh Tâm; giữ các ngày lễ thứ sáu đầu tháng; sám hối ăn năn xưng tội và dọn mình rước lễ thường xuyên; dâng mình cho Thánh Tâm Chúa mỗi ngày…Đặc biệt là phải giữ Lời Chúa như Chúa Giêsu đã khẳng định: « Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ các điều răn của Thầy » (Ga 14, 15).

Thứ hai, hãy luôn biết yêu thương tha nhân, yêu như Chúa yêu. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15,12). Yêu thương như Chúa là biết hy sinh và trao ban. Chúng ta hãy trao ban sức khoẻ và khả năng của mình để hy sinh phục vụ tha nhân, phục vụ cộng đoàn, phục vụ Giáo Hội, phục vụ xã hội…Phục vụ con người cả hai phần hồn xác, như kinh thương người có mười bốn mốn dạy ta. Thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn; cho kẻ khát uống; cho kẻ rách rưới ăn mặc; viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; cho khách đỗ nhà; chuộc kẻ làm tôi; chôn xác kẻ chết. Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người; mở dạy kẻ mê muội; yên ủi kẻ âu lo; răng bảo kẻ có tội; tha kẻ dể ta; nhịn kẻ mất lòng ta; cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Ngoài ra, yêu như Chúa yêu là biết “Đem yêu thương vào nơi oán thù.” Chúng ta đang sống trong một xã hội vô cảm, tội ác lan tràn. Ra đường, người ta không ngần ngại chém giết lẫn nhau chỉ vì một cái nhìn, một lời nói, một sự va chạm…Về nhà, vợ chồng, cha mẹ con cái không còn biết lắng nghe nhau, thậm chí lừa lọc nhau, sống với nhau không còn bằng trái tim yêu thương mà chỉ bằng sự hời hợt bên ngoài. Mọi người trở nên vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, có khi đó là của những người thân. Xin cho tất cả mỗi người chúng ta có được trái tim luôn đồng cảm với tha nhân để luôn biết hy sinh và trao ban tình yêu của mình cho đồng loại.

Hôm nay cũng là ngày xin ơn thánh hoá các Linh mục. Các linh mục là hiện thân của Chúa Kitô, thay mặt Chúa để phục vụ, nuôi dưỡng và chăm sóc đàn chiên của Ngài. Nhưng các Ngài cũng mang trong mình thân phận yếu đuối của con người, cần ơn Chúa trợ giúp. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện nhiều cho các linh mục để các ngài nên giống Chúa Kitô vị Mục Tử Tối Cao.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen

Lm. Anthony Trung Thành