Suy Niệm LỄ KÍNH THÁNH MARCÔ

Ngày 25 tháng 04

Thánh Marcô còn gọi là Gio-an, là người Do Thái, con của bà goá tên là Maria. Gia đình thuộc loại khá giả thời bấy giờ. Có người giúp việc. Có Ngôi nhà lớn thường dùng làm nơi cầu nguyện và hội họp của các Tông đồ và các kitô hữu tiên khởi (x. Cv 12, 12-17). Theo một truyền thống cổ xưa, ngôi nhà này là nơi chính Chúa Giêsu dùng để lập Bí tích Thánh Thể.

Marcô là người bạn đồng hành với Thánh Phaolô trong công cuộc truyền giáo. Nhưng, trong hành trình truyền giáo từ Paphô vượt biển đến Pecghê miền Pamphylia, Marcô đã bỏ Phaolô và các bạn đồng hành mà về Giêrusalem (x. Cv 13,13). Ở Giêrusalem, Marcô vẫn tiếp tục phục vụ cộng đoàn. Ngài còn đi truyền giáo với Banaba tại đảo Sýp (x. Cv 15,39). Mặc dầu, Phaolô bất bình với Marcô khi ông bỏ Ngài và các bạn đồng hành để về Giêrusalem, nhưng chúng ta thấy Phaolô vẫn nói tốt về Marcô. Điều đó cho thấy, sự bất hoà xưa đã được hàn gắn và Marcô tiếp tục nhập đoàn với Phaolô. Trong thư Côlôxê, Thánh Phaolô đã giới thiệu Marcô với cộng đoàn rằng: “Anh Marcô, em họ ông Banaba, cũng gửi lời chào anh em; anh em đã nhận được những chỉ thị về anh ấy; nếu anh ấy đến với anh em, thì hãy tiếp đón anh ấy” (Cl 4, 10). Ngài còn xác nhận với Timôthê rằng, Marcô là một người có ích cho Ngài: “Anh hãy đem anh Marcô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi” (2Tm 4,11).

Marcô không những là người thông ngôn cho Phêrô (x. 1Pr 5,13), mà Phêrô còn coi Marcô như là người thân thiết, Ngài gọi Marcô là con (x. 1Pr 5,13). Nhờ làm trợ tá cho Phêrô mà Marcô có cơ hội để hoàn thành cuốn Tin mừng mang danh Ngài, Tin mừng theo Thánh Marcô. Cuốn Chronicon-Pascale cho rằng, Marcô đã làm giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 - 117). Còn theo Thánh Jerome, Marcô qua đời vào năm thứ tám của triều đại Nêrô (62-63).

Điểm qua một vài nét quan trọng trong cuộc đời của Thánh Marcô chúng ta thấy, chính Ngài đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 15,15).

Ngài đã thực hiện như thế nào? Ngài thực hiện bằng cách đi truyền giáo với Thánh Phaolô. Ngài đi truyền giáo với Banaba. Ngài đi theo và làm phụ tá cho Thánh Phêrô. Ngài làm giám mục phục vụ cộng đoàn Alexadre. Cuối cùng, Ngài đã viết và lưu truyền cho hậu thế cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, Tin mừng theo Thánh Marcô.

Vì vậy, mỗi người chúng ta mừng lễ Thánh Marcô hôm nay, hãy noi gương bắt chước Ngài, bằng cách đóng góp phần mình cho việc loan báo Tin mừng. Bởi vì, loan báo Tin mừng là lệnh truyền của Chúa, là bổn phận của Giáo Hội và của mỗi người kitô hữu chúng ta. Nhưng bằng cách nào? Có nhiều cách, xin được gợi ý một vài cách sau đây:

Thứ nhất, đóng góp khả năng của mình để xây dựng Giáo xứ, cộng đoàn nơi mình sinh sống. Để loan báo Tin mừng, chính Thánh Marcô đã cộng tác với Phaolô, Banaba, Phêrô và các cộng sự viên khác. Mỗi người chúng ta, tuỳ khả năng và địa vị của mình để cộng tác với giáo xứ hay cộng đoàn nơi mình đang sống: Là ban hành giáo; là thầy cô giáo lý viên; là thành viên của các ban đoàn; là người giáo dân sẵn sàng chu toàn bổn phận Giáo Hội và cộng đoàn Giáo xứ trao phó…

Có thể giúp đỡ tinh thần và vật chất cho công cuộc truyền giáo: Giúp đỡ các nhà truyền giáo; các chủng viện, các dòng tu; giúp đỡ và nuôi dưỡng mầm ơn gọi trong giáo xứ…

Đó chính là những cách thức góp phần trong công cuộc loan báo Tin mừng trong thời đại ngày hôm nay.

Thứ hai, loan báo Tin mừng bằng các phương tiện hiện đại. Thánh Marcô đã dùng tài viết lách của mình để biên chép Tin mừng của Chúa Giêsu, để chính Tin mừng Cứu Độ được thông truyền cho muôn dân, muôn nước, cách riêng cho mọi Kitô hữu đang tìm đến cùng đích của cuộc sống. Trong thời đại công nghệ số đang phát triển, thông tin đang được cập nhật liên tục: Một sự kiện xảy ra đây đó trên thế giới, trong tích tắc là cả thế thế đều biết. Đó chính là nhờ các phương tiện hiện đại: Truyền thanh, truyền hình, internet, các trang mạng xã hội, báo chí...Tại sao chúng ta không bắt chước Thánh Marcô dùng các phương tiện truyền thông hiện đại này để phổ biến Lời Chúa, phổ biến giáo huấn của Giáo Hội, phổ biến những điều tốt đẹp của đạo chúng ta?

Ngoài ra, những người có khả năng giảng thuyết, hãy dùng cách thức đó để thu phục người khác. Những người có khả năng viết báo, viết sách, viết bài suy niệm... Hãy can đảm viết và phổ biến những gì mình biết và tin. Tóm lại, hãy cố gắng rao giảng Tin mừng khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Phải can đảm loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh. “Các Kitô hữu phải có can đảm tuyên xưng tin mừng về Chúa Giêsu, như các tông đồ đã làm chứng Chúa Phục Sinh, ngay cả khi phải đánh đổi mạng sống mình”. Đó là những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ sáu 22-04 vừa qua, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.

Thứ ba, hãy sống Tin mừng, làm sao để cuộc đời chúng ta trở thành cuốn Tin mừng. Trong một giờ dạy Giáo lý, cô giáo lý viên hỏi các em học sinh. Các em thường đọc cuốn Tin mừng của Thánh ký nào? Em thứ nhất trả lời: Thưa cô em đọc cuốn Tin mừng theo Thánh Gioan. Em thứ hai trả lời: Thưa cô, em đọc cuốn Tin mừng theo Thánh Mác-cô. Em thứ ba trả lời: Thưa cô, em đọc cuốn Tin mừng theo Thánh Luca. Em thứ tư trả lời: Thưa cô, em đọc Tin Mừng của mẹ em. Nghe em thứ tư trả lời, cả lớp cười rộ lên. Nhưng em thứ tư can đảm giải thích rằng: Những gì các Thánh ký viết, mẹ em đều thuộc lòng và hằng ngày đem ra thực hành trong đời sống. Em không cần phải đọc Tin mừng nữa, mà chỉ nhìn mẹ em sống thế nào thì em sống thế ấy.

Ước gì mỗi người chúng ta là cuốn Tin mừng sống động như mẹ của em bé thứ tư trong câu chuyện trên đây.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải loan báo Tin mừng. Xin giúp chúng con biết chu toàn bổn phận ấy bằng cách đóng góp khả năng của mình trong việc xây dựng giáo xứ, xây dựng cộng đoàn nơi chúng con đang sống. Đồng thời, biết phổ biến Tin mừng qua các phương tiện hiện đại. Nhất là năng đọc, suy gẫm và sống Tin mừng trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành