Lao động xuất khẩu của Việt Nam tại Malaysia bị mất việc ngày càng nhiều, không được trả tiền lương và phải sống vạ vật, báo chí Việt Nam cho hay.

Một số đã trở về Việt Nam, bằng chính tiền của người thân ở nhà bỏ ra mua vé máy bay cho về.

Đài BBC có hỏi chuyện những lao động Việt Nam hiện đang có mặt tại Malaysia, họ đều xác nhận tình trạng mất việc của lao động Việt Nam là có thật, và ngay chính những người đang cố bám lấy công việc của mình cũng đang lo sợ không hiểu tương lai ra sao.

Được biết trong hai tháng đầu năm, có tới 1.200 người sang Malaysia làm việc, thế nhưng, về những lao động bị mất việc và đang phải tụ tập nhiều nơi tại thủ đô Kuala Lumpur tìm trợ giúp thì chưa ai đưa ra được con số chính xác.

Một số lao động tại Kuala Lumpur cho đài BBC biết hàng ngày có rất nhiều người bị mất việc kéo nhau lên đại sứ quán Việt Nam và đại diện cục quản lý lao động, trong mấy tháng trời, mà cũng không giải quyết được việc gì.

Tìm hiểu

Đài BBC đã tìm cách liên lạc với phía đại diện các công ty xuất khẩu lao động cũng như ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, thế nhưng, đúng như khuyến cáo của những người lao động tại đây, rất khó có thể gặp được họ chứ đừng nói đến chuyện có câu trả lời nào được đưa ra.

Về nguyên nhân của tình trạng bị mất việc gần đây, theo anh Nguyễn Văn Tuấn, làm nghề lái máy xúc, là do chủ sử dụng lao động đưa ra mức lương cao trong hợp đồng, nhưng trên thực tế, mức lương được trả kém hơn nhiều, do đó, công nhân đình công và bị thất nghiệp.

Được biết hiện tượng nhiều công ty của Malaysia bị phá sản, phải đóng cửa, cũng khiến cho lao động Việt Nam bỗng dưng bị mất việc.

Theo anh Thái Hồng Thuận, người quê ở Nghệ An, đang làm việc tại một công xưởng ở ngay Kuala Lumpur, lý do là do phía các công ty xuất khẩu lao động chỉ tìm cách đưa thật nhiều người sang để kiếm tiền mà không chú ý tới các điều kiện lao động cũng như chăm lo cho công nhân.

"Do là các công ty của mình ở nhà nắm bắt không chắc chắn, cứ đưa đẩy người sang để mà lấy phần trăm, cứ đưa người sang ào ào nhưng công việc lại chẳng đâu vào đâu cả", anh Thuận cho biết.

Tất nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt; được biết ngay chính những lao động Việt Nam nhiều khi cũng gây ra tình trạng này, chẳng hạn làm việc không đúng theo yêu cầu và kỷ luật, hoặc hay tự phát đình công trái luật.

Trong số các lĩnh vực lao động tại Malaysia thì lĩnh vực xây dựng là có nhiều công nhân bị sa thải nhất; được biết có hơn 700 công nhân xây dựng bị mất việc làm tại Kuala Lumpur.

Bức tranh lộn xộn

Bức tranh lộn xộn về lao động xuất khẩu Việt Nam, không chỉ tại Malaysia mà còn ở nhiều nước khác, cho thấy sự phối hợp và quản lý của các cơ quan chủ quản là rất yếu, nếu không muốn nói tới tình trạng đem con bỏ chợ.

Thế cho nên những người lao động Việt Nam, vỡ mộng làm giàu nơi xứ người, giờ đây không biết bấu víu vào đâu.

Lao động Thái Hồng Thuận tự coi mình là may mắn khi chưa bị mất việc, nhưng cũng cho biết: "Theo với cái hợp đồng ở Việt Nam thì sai hoàn toàn; thế cho nên sang đây, thứ nhất tiếng tăm mình không biết, thứ hai công ăn việc làm mọi thứ đều lung tung nên mình cũng chả biết sao; thấy người ta bảo gì thì mình làm vậy".

"Thế nên cũng chả biết cãi với ai, điện cho đại diện của mình thì họ lại không tới, rồi lại cứ biện luận lý do lung tung, cho nên điện lắm thì cũng không có tiền".

Theo anh Thuận, mức tiền lương so với hợp đồng là sai rất nhiều, có nhiều tháng anh chỉ kiếm được thu nhập khoảng 1 triệu đồng Việt Nam.

Thế nên những người như anh giờ đây chỉ muốn được quay trở về nhà, nhưng ngặt nỗi là người làm nông nghiệp tại Việt Nam, bây giờ quay về nhà thì không biết làm cách nào kiếm nổi tiền để trả nợ số tiền đặt cọc trước khi đi, thêm vào đó lại ngại xấu hổ với bà con bạn bè, nên đành phải cố chịu đựng tại xứ người. (BBC)