Các biến cố gần đây ở Trung Đông làm nhiều người không lưu ý tới hoàn cảnh bách hại bi đát của các Kitô hữu Á Châu nói chung, nhất là tại hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc.

Tại Ấn Độ

Vụ tàn sát Kitô hữu ở quận Kandhamal, phía đông Ấn Độ, dù xẩy ra năm 2008, vẫn còn in những nét rất đậm trong ký ức ta vì tính man rợ khủng khiếp của nó. Theo ký giả John L. Allen Jr., cho tới nay, bà quả phụ Kanaka Rekha Nayak vẫn chưa có thể kể lại những điều xẩy ra cho chồng bà, Parikhit, mà nước mắt không giàn giụa.

Vì bị hiểu lầm là sát hại một nhà lãnh đạo Ấn Giáo, cả cộng đồng Kitô Giáo trong quận bị trở thành đích nhắm để người Ấn Giáo cực đoan trả thù. Gia đình Nayak vì thế trốn vào cánh rừng bên cạnh, nhưng hai ngày sau, bị bọn cực đoan Ấn Giáo phát hiện. Họ đánh đập Parikhit, lấy sợ dây xích xe đạp quàng vào cổ ông rồi lôi ông về thị trấn cách đó cả hơn một dặm.

Tại công trường thị trấn, họ buộc ông phải từ bỏ đức tin Kitô Giáo và theo Ấn Giáo. Nhà truyền đạo Baptist tự phong này từ khước, nên bị đánh bầm dập và bị thiêu sống. Chưa hả giận, bọn người man rợ còn cắt bộ phận sinh dục của ông, moi ruột ông ra, quàng vào cổ, thích thú coi như chiến lợi phẩm.

Bà Kanaka Nayak thuật lại “Họ xẻ chồng tôi ra từng mảnh ngay trước mặt tôi, rồi đổ dầu hỏa lên và thiêu sống anh ấy”.

Đám đông, sau đó, quay qua chính Kanaka với ý định hãm hiếp bà, nhưng bà chạy thoát vào rừng và ngày hôm sau tới một trại tị nạn gọi là Raika, một trong các trại được thiết lập trong vùng trong những tháng đầy bất ổn này, những tháng đã để lại 100 người chết, 300 nhà thờ và 6,000 nhà cửa bị phá hủy, và 50,000 người tản cư.

Bạo động có hệ thống chống lại các Kitô hữu vẫn tiếp diễn cho tới tận nay. Một trang mạng Ấn Độ chuyên theo dõi các vụ bách hại Kitô hữu ở đây, tên là Lên Tiếng Chống Kỳ Thị, cho biết trong năm 2015, trung bình mỗi tuần đều có một biến cố bạo động.

Các Kitô hữu cũng đang bị bách hại tại các nước Á Châu khác, nơi sự gia tăng của họ về con số đang khiến các tín ngưỡng khác hay các thẩm quyền chính trị lo âu. Tuy nhiên, không đâu đau lòng bằng Bắc Triều Tiên, nơi hàng chục ngàn Kitô hữu đang mòn mỏi trong các trại tập trung. Tuy nhiên từ Trung Quốc và Việt Nam tới Miến Điện và Pakistan, họ gặp đủ thứ đe dọa.

Nhưng suy cho cùng, Ấn Độ vẫn là vùng nguy hiểm nhất đối với các Kitô hữu Á Châu hiện nay. Sự kiện này làm nhiều người Tây Phương thấy khó tin vì nơi đây vốn sản sinh ra một con người vĩ đại là Mohandas K. Gandhi, một con người được coi là đồng nghĩa với lý tưởng bất bạo động của Ấn Giáo.

Đối với thiểu số Kitô hữu tại Ấn Độ hiện nay, đây là một méo mó tàn nhẫn. Hàng ngày, họ phải đương đầu với nhiều đe dọa bị bách hại và tàn sát, nhưng không ai trên thế giới lưu ý tới họ.

Tại đây, Kitô Giáo được coi lã lãnh địa của người Dalit, tức đẳng cấp hạ đẳng (untouchable) của hệ thống đẳng cấp vẫn còn rất mạnh tại Ấn Độ, và của người Bộ Tộc, tức con cháu các nhóm thổ dân Ấn Độ. Họ thường bị đối xử một cách khinh bỉ và bạo động. Gia đinh Nayak vốn là người Dalit.

Đối với những người Ấn Độ khác, họ sợ và ghét Kitô Giáo như là một tín ngưỡng chuyên cải đạo người khác, do đó, lấy mất tín hữu của Ấn Giáo, vốn được coi là tín ngưỡng của quốc gia. Đối với một số người, dùng sức mạnh chặn đứng sự đe dọa này là điều hoàn toàn thích đáng. Vì tuy Kitô hữu chỉ chiếm ít hơn 3 phần trăm dân số, nhưng con số 24 triệu người của họ không phải là chuyện nhỏ.

Những người Ấn Độ vốn tự hào về truyền thống đa nguyên của họ coi tình trạng bách hại trên quả là một điều ô danh. Ram Puniyani, một nhà tranh đấu hòa bình thuộc đẳng cấp cao nhất của xã hội Ấn Độ, nhận định rằng “Thời tôi mới lớn lên, tính đa dạng của chúng tôi là cơ sở để mừng vui mở hội. Nhưng rồi thay vì mừng vui tính đa dạng, chúng tôi đổi qua chỉ còn là khoan dung, và nay, chúng tôi rơi vào trũng sâu hơn của hận thù ra mặt. Xưa nay, chúng tôi quen tố cáo Tây Phương là bất khoan dung và cuồng tín vì di sản của chủ nghĩa thực dân. Nay, xem ra chúng tôi không hơn gì họ”.

Có sự đồng loã của cảnh sát

Tính cách bách hại càng hiển hiện với sự đồng loã của cảnh sát. Họ không những làm ngơ để các hành vi kỳ thị bất công xẩy ra mà nhiều khi còn góp phần vào các hành vi kỳ thị này nữa. Chiliasadu Nikham và vợ ông tên Getabail là những chứng từ rõ ràng nhất: Giận vì buộc em gái anh phải bỏ đức tin Kitô Giáo không được, họ tấn công anh đến đổ máu, bị thương. Khi đến báo cảnh sát, anh bị họ tống giam 6 ngày với lý do: phá rối an ninh.

Anh không phải là người duy nhất, tháng Ba năm nay, một nữ tu Công Giáo ở tuổi 70 bị hãm hiếp khi một nhóm quá khích tới tấn công tu viện của bà ở Tây Bengal. Biến cố này bị Đức Hồng Y Baselios Cleemis, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, cực lực phản đối với chính phủ do người Ấn Giáo lãnh đạo, ngài cho rằng đất nước nên “bảo vệ không những các con bò, mà cả những con người nhân bản nữa”.

Tháng Sáu năm 2014, trong khi tín hữu của một nhà thờ Tin Lành ở Manor, cách Mumbai 60 dặm, đang cầu nguyện và ăn chay thì một đoàn chừng 50 người Ấn Giáo hầm hầm sát khí tràn vào, miệng hô lớn “Bọn tao sẽ giết bọn bay để ông Giêsu cho bọn bay sống lại!” và “Bọn tao không muốn chúa của người Kitô Giáo ở đây!”.

Rồi bọn họ túm lấy Rawte, vả và đánh đập anh. Chúng còn đe dọa lột trần các phụ nữ trong cộng đoàn và đem đi diễu phố. Cộng đoàn nộp đơn khiếu nại với cảnh sát, nhưng cảnh sát không bao giờ giải quyết cả. Thành thử dân Kitô Giáo ở đây sợ cảnh sát y hệt sợ các tên cuồng tín Ấn Giáo vậy.

Nhưng không trường hợp nào rõ bằng trường hợp hồi tháng Sáu vừa qua, 5 Kitô hữu nghèo phải leo lên đỉnh một ngọn đồi gần làng Pangalidar của họ, hy vọng tìm được sóng để gọi điện thoại di động cho mấy đứa con lúc ấy đang đi tìm việc làm. Gọi xong 3 người đi về còn 2 người kia ở lại. Trên đường về nhà, 3 người bị các thành viên của Lực Lượng Cảnh Sát Trừ Bị Quốc Gia dùng súng chặn lại điều tra. Biết còn hai người nữa trên đồi, họ để ba người đi thong thả. Ba người còn chưa tới nhà, đã nghe tiếng súng nổ trên hướng đỉnh đồi và 2 kitô hữu kia không bao giờ trở về nhà nữa. Cảnh Sát bảo họ mất tích!

Tại Trung Quốc và các quốc gia Á Châu khác

Tại Trung Quốc, các liên hệ của người Kitô hữu với Tây Phương vẫn còn bị lực lượng an ninh và Ban Tôn Giáo của Nhà Nước coi là một đe đọa.

Đức Cha James Su Zhimin, chẳng hạn, vị cầm đầu cộng đồng Công Giáo chính thức bị ngăn cấm của Bảo Định, nay đã gần 80 tuổi và bị cầm tù từ tháng Mười năm 1997, gần 18 năm trời. Nhưng tội danh dẫn tới việc bắt giam ngài cho tới nay vẫn chưa được công bố, ngày xử án cũng chưa được ấn định và bị giam ở đâu không ai biết.

Ở Việt Nam, linh mục Nguyễn Văn Lý vẫn tiếp tục ngồi tù và nhiều người Kitô Giáo khác vẫn liên tiếp bị xách nhiễu, làm khó dễ. Vụ nổi tiếng gần đây là luật sư Nguyễn Văn Đài. Trong bản thông cáo gửi báo chí ngày 10/12/2015 , Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới - RSF Reporters Sans Frontières, cho biết luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều nhà hoạt động khác trên đường về Hà Nội đã bị công an thường phục chận xe đánh đập gây thương tích nặng sau buổi nói chuyện về nhân quyền nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10 Tháng 12 tại tư gia của nhà hoạt động Trần Hữu Đức ở huyện Nam Đàn, Hà Tĩnh. Nhóm công an này đã lấy tiền bạc, điện thoại di động của luật sư Đài và bỏ ông xuống đường cách nơi hội thảo 50 km.

Việc trên khiến Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền ra thông cáo ngày 11/12 cho hay: vụ tấn công các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam đang ở mức báo động và rằng LHQ quan ngại về việc nhà chức trách dường như làm ngơ và không truy tố những kẻ gây ra những vụ hành hung này.

Rồi ngày 16-12-2015, Luật Sư Nguyễn Văn Đài một lần nữa bị khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước", theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Pakistan tự xếp mình vào hàng ngũ phong trào hoàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố và năm 2008 đã có cử chỉ vô tiền khoáng hậu là đề cử một Kitô hữu vào hội đồng nội các. Nhưng rồi vì chống lại các luật lệ cấm phỉ báng, vị bộ trưởng ấy, Ông Shahbaz Bhatti, đã bị thảm sát tháng Ba, năm 2011 vì tội “phỉ báng Muhammed”. Chết đi lúc 42 tuổi, Bhatti chỉ để lại 3 món đồ trên chiếc bàn cạnh giường nằm: cuốn Thánh Kinh, tràng chuỗi Mân Côi và mẫu ảnh Đức Nữ Trinh Maria!

Dù Kitô Giáo chỉ chiếm chừng 7 phần trăm dân số Á Châu, vào khoảng 310 triệu người, nhưng con số này không hề nhỏ.

Các Kitô hữu chiếm đa số tại 2 quốc gia Á Châu là Phi Luật Tân và Đông Timor. Ở Việt Nam và Nam Hàn, Kitô Giáo là hai định chế tôn giáo lớn nhất và có tổ chức hơn cả, dù đa số dân chúng ở hai nước này không hẳn theo bất cứ tôn giáo nào. Ở các nơi khác, Kitô Giáo đang phát triển mạnh. Cách nay 20 năm, Mông Cổ chủ yếu không có người Kitô hữu, nhưng nay tại đó đã có tới 500 nhà thờ Thệ Phản và sự hiện diện đông đảo của Công Giáo.

Theo học giả Paul Feston của Đại Học Boston, hiện nay, Á Châu có con số tín hữu Ngũ Tuần đông nhất thế giới, hơn cả Bắc Mỹ và Âu Châu cộng lại. Cộng đoàn lớn nhất của phái này chính là Nhà Thờ Tin Mừng Trọn Vẹn ở Yoido, Hán Thành. Mỗi Chúa Nhật, vào khoảng 250,000 tín hữu tham dự 9 buổi thờ phượng được phiên dịch cùng một lúc sang 16 thứ tiếng khác nhau.

Ở Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu Pew ước lượng: năm 2010, có khoảng 67 triệu Kitô hữu, trong khi vào năm 1949, lúc Cộng Sản tiếm quyền, con số này chỉ là non 1 triệu người.

Có lẽ một phần do sự tăng trưởng mau lẹ ấy mà người Á Châu bắt đầu tỏ ý lo ngại đối với Kitô Giáo. Nhưng hình thức bách hại Kitô Giáo của họ rất tinh vi và mang đủ mầu sắc khác nhau.

Mầu sắc nhà nước cảnh sát kiểu cũ như Bắc Triều Tiên và Miến Điện gần đây, coi Kitô Giáo như một đe dọa đối với quyền bá chủ của họ. Mầu sắc nhà nước độc đảng đang tranh đấu cổ vũ việc tự do hóa nền kinh tế nhưng không cải tổ chính trị, như Trung Quốc và Việt Nam, nơi người ta có cảm tưởng các Kitô hữu dễ bị ảnh hưởng bởi phong trào đấu tranh cho các quyền dân sự và chính trị.

Bắc Triều Tiên đã khiến các nhà quan sát nhân quyền thế giới coi là nơi nguy hiểm nhất đối với Kitô hữu: Gần 1 phần 4 số từ 200,000 tới 400,000 Kitô hữu của nước này hiện đang phải sống trong các trại lao động khổ sai vì đã không chịu tôn sùng lãnh tụ của chế độ. Chính sách bách hại Kitô hữu của họ cũng độc ác nhất ở điểm những người chỉ vì ông bà là Kitô hữu cũng không có việc làm xứng đáng, dù mẹ Kim Đại Thành, tức bà cố của “lãnh Tụ Vĩ Đại” hiện nay, là một nữ phó tế của Phái Trưởng Lão (Presbyterian).

Nổi tiếng không kém là trường hợp Aasiya Noreen Bibi của Pakistan, được biết nhiều hơn dưới tên Bibi Á Châu, một phụ nữ nông thôn mù chữ và là mẹ của 5 đứa con. Bibi được thế giới biết tới vào tháng Sáu năm 2009, khi bà bị bắt và bị kết tội phỉ báng theo luật nước này.

Như bà kể lại sau này, sự việc bắt đầu khi bà, một người Công Giáo, uống nước từ chiếc giếng trong làng, do đó bị các phụ nữ Hồi Giáo địa phương coi là làm dơ giếng nước. Thế là có chuyện lời qua tiếng lại chua cay về Chúa Giêsu và Đức Muhammed. Dù Bibi nhấn mạnh rằng bà không hề bất kính, nhưng các lời bà nói đã bị các phụ nữ Hồi Giáo dùng làm cớ thêm thắt khiến bà bị bắt. Kết quả: bà bị xử tử vào tháng Mười Một năm 2010, còn bị phạt 300,000 rúpi Pakistan, tương đương với 3,000 mỹ kim, một món tiền không nhỏ. Hiện bà vẫn ngồi tù và chờ ngày Tối Cao Pháp Viện nước này phán xử.

Trung Quốc cũng có một trường hợp điển hình. Đó là Đức Cha Phụ Tá của Thượng Hải Thaddeus Ma Daqin. Tháng Bẩy năm 2012, ngài được tấn phong giám mục với sự đồng ý của cả chính phủ Trung Quốc lẫn Tòa Thánh Vatican. Dĩ nhiên, chính phủ Trung Quốc mong vị giám mục này ngoan ngoãn theo chỉ thị của mình, cụ thể là phải để cho một giám mục do nhà nước chỉ định và không được Vatican nhìn nhận tham dự lễ tấn phong. Thế nhưng lúc vị giám mục quốc doanh này tiến lên tính đặt tay lên Đức Cha Ma, thì Đức Cha Ma đi bước trước bằng cách tiến ra ôm chầm lấy vị giám mục đó, cố tình ngăn chặn không để ngài thực hiện một hành vi có thể biến ngài thành một thành phần của bí tích.

Sau nghi thức tấn phong, Đức Cha Ma còn tuyên bố mình là giám mục của mọi người, cả những người Công Giáo trung thành với Vatican, do đó, ngài tuyên bố mình không còn là thành viên của “Hội Công Giáo Trung Hoa Ái Quốc “ nữa.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một giám mục được nhà nước bảo trợ đã đưa ra một tuyên bố táo bạo như thế. Nhiều người trong cộng đoàn vỗ tay vang dội trong khi không thiếu người sụt sùi khóc vì cảm động.

Đức Cha Ma sau đó đã bị giam tại nhà, trong ba năm, gần đây đã được phép tiếp xúc với giáo dân và cử hành Thánh Lễ. Không những trừng phạt Đức Cha Ma, họ còn trừng phạt bất cứ ai ủng hộ ngài nữa, bắt họ đi học tập cải tạo.

Dù gần đây, nhà nước Trung Quốc có đưa ra một vài dấu hiệu hòa dịu như đầu tháng Tám năm nay, họ cho biết đã chấp thuận việc phong chức giám mục cho một vị được Đức Phanxicô chỉ định. Cuối tháng đó, cơ quan truyền thông nhà nước cho phổ biến thư ủy lạo của Đức Phanxicô với nạn nhân vụ nổ nhà máy hóa chất ở Tianjin khiến 100 người chết.

Nhưng các nhà chuyên môn tỏ ra thận trọng. Đức Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun của Hồng Kông, chẳng hạn, giữa năm 2015 vừa qua, nhận định rằng “chúng tôi không thấy bất cứ dấu hiệu khuyến khích hy vọng nào rằng người cộng sản Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách của họ về tôn giáo”.