Trong bản tin khác đánh đi từ New York hôm thứ Năm, hãng thông tấn AP cho biết một thẩm phán liên bang Hoa kỳ nói rằng đơn kiện của các nguyên cáo người Việt Nam về hóa chất da cam xử dụng ở Việt Nam 4 thập niên trước sẽ dính líu đến nhiều vấn đề, kể cả vấn đề diệt chủng và tội ác chiến tranh.

Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra hôm thứ Năm tại tòa án liên bang ở thành phố New York, thẩm phán Jack Weinstein cho biết vụ án này liên hệ tới các vấn đề nhân quyền cực kỳ quan trọng và cần phải được giải quyết kịp thời.

Theo thẩm phán Weinstein, vấn đề tội ác chiến tranh sẽ bao gồm việc xử dụng độc chất như khí giới, là hành vi bị luật pháp quốc tế cấm chỉ, và phiên xử này sẽ cứu xét đến vấn đề là những công ty sản xuất hóa chất da cam có biết là sản phẩm của họ sẽ được dùng trong vùng có chiến tranh hay không và tác động của các sản phẩm đó đối với con người và đất đai như thế nào.

Đơn kiện này được nộp hồi tháng giêng vừa qua với sự trợ giúp của một tổ chức ở Việt Nam có tên là ‘Hiệp hội Các Nạn nhân Chất Độc Da Cam/Dioxin’; và trong phiên tòa hôm thứ Năm, 3 nguyên đơn không có mặt ở phiên tòa đã được xác định là bà Nguyễn Thị Phi Phi, bị xẩy thai 4 lần; ông Nguyễn Văn Quý, mắc bệnh ung thư và có 2 người con bị dị tật bẩm sinh; và bà Dương Thị Quỳnh Hoa, mắc bệnh ung thư vú.

Đơn kiện của những người cho là nạn nhân của hóa chất da cam này nhắm vào 37 công ty hóa chất ở Mỹ, và yêu cầu tòa án xét xử tất cả những vấn đề liên quan đến tác động của hóa chất mà quân đi Mỹ đã xử dụng ở Việt Nam trong thời chiến tranh. Theo dự liệu, phiên tòa xử vụ án này sẽ kéo dài khoảng 6 tháng.

Theo bản tin của AP, ông Nguyễn Trọng Nhân, người giữ chức phó chủ tịch và là phát ngôn viên của ‘Hiệp hội Các Nạn nhân Chất Độc Da Cam/Dioxin’, tuyên bố hồi tháng trước rằng: đơn kiện được np tại tòa án liên bang Mỹ ở Brooklyn vì tòa án này đã có kinh nghiệm xét xử những đơn kiện tương tự của các cựu chiến binh Hoa kỳ từng tham chiến tại Việt Nam.

Giới hữu trách Việt Nam cho rằng có đến 1 triệu người bị tác động của hoá chất da cam; và theo một cuc nghiên cứu hồi năm ngoái, các mẫu thực phẩm ở Việt Nam có hàm lượng dioxin ở mức cao.

Tuy nhiều lần nói rằng Hoa kỳ có nghĩa vụ giúp đỡ cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh, nhưng chính phủ ở Hà Nội không đòi Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Về phần mình, chính phủ ở Washington cho rằng những tác động của hóa chất da cam mà một số người đề cập tới không được hỗ trợ bởi những bằng chứng trực tiếp. (VOA)