Chúa Nhật I Mùa Vọng C

TỈNH THỨC SẴN SÀNG

Gr 33,14-16; 1Tx 3,12–4,2; Lc 21,25-28.34-36

Đêm 15/04/1912, tàu Titanic dài 271 mét, rộng 28 mét, cao 22 mét, có 8 tầng lầu với đủ các tiện nghi, có phố chợ, hồ tắm, sân chơi, rạp hát, vườn bông, khách sạn, đang chạy trên vùng Bắc Đại Tây Dương thì đụng phải một núi băng trôi trên Đại Dương, con tàu lâm nguy và đã bị đắm, hơn 1.500 người thiệt mạng trong tổng số 2.223 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu. Đó là một trong những tai nạn đường biển khủng khiếp nhất trong lịch sử tàu biển từ trước tới nay… dù rằng con tàu được đóng với những kỹ thuật tiên tiến và được mệnh danh: Không thể chìm, nhưng dù có kiên cố và hiện đại đến đâu con tàu cũng bị chìm, tai nạn xảy ra do thiên nhiên…

Một trăm năm sau, đêm thứ Sáu ngày 13 tháng 01 năm 2012, một vụ đắm tàu được coi là vụ Titanic thứ hai đã xảy ra ở ngoài khơi vùng biển Giglio thuộc Italy, tàu có tên Costa Concordia đụng vào dải đá ngầm nổi tiếng ở đây, nước đã tràn vào mạn bên trái, tuy không chìm hẳn nhưng làm cho tàu nghiêng một bên. Con tàu gặp nạn là du thuyền sang trọng vĩ đại có trọng tải 114.500 tấn là con tàu lớn nhất được xây dựng tại Ý dài 290m, có 4 hồ bơi, 5 nhà hàng và 13 quán bar. Tai nạn đã làm thiệt mạng 32 người cùng 40 người bị thương trên tổng số 4000 du khách và đòan thủy thủ đoàn. Tai nạn không do hoàn cảnh thiên nhiên mà do con người - thuyền trưởng Francesco Schettino đã chủ quan khi điều khiển tàu đi quá gần đảo Giglio để kéo còi chào hỏi một vị cựu thuyền trưởng của tàu đang có ở trên đảo, vì vào quá gần đảo, mà bờ đảo này có rất nhiều bãi đá ngầm...

Cả hai tai nạn bất ngờ xảy ra, một do hoàn cảnh thiên nhiên: tàu Titanic đâm vào tảng đá băng trôi trên đại dương không thể tránh, một là do con người tự phụ thiếu trách nhiệm của vị thuyền trưởng. Nhưng chúng ta thấy đều có tính bất ngờ: Những con tàu dù vĩ đại, tân tiến áp dụng những kỹ thuật mời đều vẫn có thể chìm như Titanic con tàu mệnh danh không thể chìm nhưng cũng đã nằm trong lòng Đại dương, du thuyền vĩ đại như Costa Concordia cũng nằm trơ trước bãi đá ngầm….

Nhìn vào biến cố của hai thuyền vĩ đại, chúng ta hiểu tại sao Đức Giêsu đã kêu gọi khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức vì chúng ta không biết giờ nào ra tòa Chúa. Để chuẩn bị và nhắc nhở các người con của mình về ngày phán xét, hằng năm Giáo Hội tiếp tục going lên tiếng chuông của mùa Vọng: hãy tỉnh thức sẵn sàng. Mùa Vọng, tiếng La tinh là “Adventus” có nghĩa là “đến, hiện diện hay hiển trị”.

Mùa vọng như một “cái hẹn” của đầu năm Phụng vụ mời gọi chúng ta thức tỉnh, trước hết là để tham dự vào Mầu nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh: kỉ niệm Chúa Kitô đã đến trần gian để cứu độ nhân loại. Nhưng qua đó cũng mời gọi chúng ta luôn thức tỉnh để đón Chúa đến xét xử cho chúng ta tham dự vào ngày khai sinh một nhân loại mới, ngày mà Đức Giêsu đã nói: “…Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 27-28)... Đó cũng là ngày chúng ta sống trong một thế giới mới với trời mới đất mới mà Đức Giêsu đã nói nhiều lần. Tỉnh thức để đợi chờ Đấng Mesiah đến để xét xử chúng ta và mặc khải Vương quốc vĩnh cửu cho những ai mang trái tim và ý thức tỉnh thức.

Biến cố Con Người ngự đến này là lời loan báo cốt yếu đối với Đức Giêsu khi rao giảng cho dân chúng: Người nhắc đến nhiều lần trong các Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mc 8,38 //; 14,62 //; Mt 10,23; 13,41; 19,28; 25,31; Lc 12,8; 17,30; 18,8; v.v.).

Sống sứ điệp sẵn sàng theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu các tín hữu phải có thái độ luôn tỉnh thức. Tỉnh thức tránh các cám dỗ sống trụy lạc và say sưa như Thánh Phaolo kêu gọi (x. 12,45; 1 Tx 5,6-7; Rm 13,13). Tỉnh thức là tránh các bận tâm thái quá về của cải vật chất, về những lo toan trần thế khiến người tín hữu có thể quay lưng lại với điều thiện hảo duy nhất đáng kể (x. Lc 8,14; 12,22-31; 17,27-28). Muốn tỉnh thức thì phải luôn sẵn sàng, bởi vì “ngày ấy” sẽ xảy đến thình lình (x. 1 Tx 5,3) và bắt chợt các dân cư trên mặt đất, như chiếc lưới của người thợ săn ụp xuống thình lình trên con mồi (x. Is 24,17).

Trong thực tế, theo Tin Mừng Luca, sẵn sàng chính là luôn luôn lo công việc mà Thầy đã giao phó cho các tôi tớ. Thái độ tỉnh thức là "thắt lưng cho gọn" và "thắp đèn cho sẵn". như người Quản gia được ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc". Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật: Người tôi tớ luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ (Lc 12,35-48); (x. Mt 24,42-51, Mc 13,34-37; Lc 12,35-48). Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa: tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng, phải luôn tỉnh thức sẵn sàng làm phát triển đời sống cho mình và cho tha nhân như một nguoi tôi tớ trung tín.

Tỉnh thức sẵn sàng như năm cô Khôn Ngoan trong Dụ ngôn Mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13) tỉnh thức là dự trữ đầy đủ dầu đèn “Tỉnh thức” ở đây, qua hình ảnh chiếc đèn đầy dầu, có nghĩa là lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng. Sự khác biệt giữa các cô khôn ngoan và các cô khờ dại là sẵn sàng đèn dầu. Nửa đêm, khi chàng rể đến, các cô khôn ngoan ra đón với đèn sáng trong tay, vì các cô có mang theo dầu dự trữ. Còn của các cô khờ dại đèn đã tắt do thiếu dầu. Lúc đó các cô mới chạy đi mua, nên không kịp hẹn hội Hoa đăng. Vậy tỉnh thức là ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ, ngủ trong an bình như các cô trinh nữ khôn ngoan.

Tỉnh thức và “cầu nguyện luôn luôn không bao giờ nản chí”, như Người đã nhắc nhở sau khi phác ra Ngày của Con Người (x. Lc 18,1). Lời cầu nguyện liên lỉ giúp người tín hữu duy trì sự tỉnh thức mọi nơi, mọi lúc. Như thế họ sẽ có thể vượt qua các thử thách của thời cuối cùng và đứng vững trước sự xét xử của Con Người.

Trong Mùa Vọng chúng ta hãy khắc ghi lời khuyên nhủ của thánh Phaolô viết thư gửi cho tín hữu Rôma (Rm 13,11-14): khuyên các tín hữu “đừng mê ngủ nữa, hãy tỉnh thức vì Ngày tươi sáng đó rất gần rồi Giờ phần rỗi của chúng ta gần đến… Đêm sắp tàn, ngày gần đến”. Cho nên hãy tỉnh thức sẵn sàng là hãy từ bỏ những việc làm đen tối, hãy cầm lấy khí giới của sự sáng mà chiến đấu, nghĩa là phải tích cực lọai trừ sự dữ , sống theo và cổ vũ sự thiện.

Một chân lý mà chắc chắn mọi người chúng ta đều nhìn nhận: Một ngày nào đó có thể xa có thể gần chúng ta sẽ chấm dứt cuộc đời. Đó là giờ chết, người Tin luôn xác tín rằng đó là giờ gặp Thiên Chúa, gặp Chúa để Chúa xét xử. Cho nên, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, chuẩn bị cho cuộc đời của mình đi gặp Chúa khi trong tư thế sống sẵn sàng lìa bỏ sự tăm tối và sống tốt lành thánh thiện như dân gian nói: ”Sống lành chết thiêng”. Cho nên chân phước Charles de Foucault khuyên nhủ: “ Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay ”.

Mỗi chúng ta được mời gọi:

“Hỡi người canh thức, đêm còn mấy chốc nữa?” (Is 21,11).

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 28/11/2015