Vụ tấn công khủng bố bi thảm nhất ở Pháp kể từ Thế chiến II, giết chết ít nhất 129 người và làm bị thương ít nhất 352 người, đang dẫn đến một cuộc tranh luận mới về mối liên hệ giữa những người tị nạn qua các quốc gia vùng Balkan và nguy cơ khủng bố.

Sau khi vụ tấn công xảy ra hôm 13 tháng 11, nước Pháp đã đóng cửa biên giới. Trước đó, quốc gia này là một trong những nước quảng đại đón dòng người tị nạn từ Iraq và Syria, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang gieo rắc kinh hoàng.

Các nước như Hung Gia Lợi từ lâu lập luận rằng các chiến binh Hồi giáo có thể len lỏi vào con số hàng trăm ngàn người di cư chạy trốn chiến tranh và nghèo đói. Đây là một trong số các lý do được đưa ra bởi chính phủ Hung Gia Lợi để xây dựng một hàng rào chống di cư gây nhiều tranh cãi dọc theo biên giới với Croatia và Serbia. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, với khuynh hướng chống di cư tuyên bố ông sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Pháp giữa lúc đang có những lo ngại là các cuộc tấn công khủng bố có thể mở rộng sang nhiều quốc gia khác ở Tây và cả Đông Âu.

Hung Gia Lợi đã nói rõ là họ muốn xây dựng những hàng rào dọc biên giới với Rumani để ngăn chặn dòng người tị nạn. Vụ tấn công ở Pháp có khả năng tăng tốc cho việc xây dựng này.

Chính sách cứng rắn hơn dự kiến cũng sẽ được áp đặt cho 1,000 người tị nạn, chủ yếu là từ Syria, Afghanistan và Iraq đang bị giam trong các nhà tù chật kín người ở Hung Gia Lợi. Họ bị buộc tội nhập cư lậu vào Hung Gia Lợi bằng cách trèo qua hàng rào biên giới chống nhập cư khét tiếng của nước này.

Hơn 700 người đã được lệnh phải rời khỏi đất nước trong một diễn biến mà các nhà phê bình cho là vì động cơ chính trị muốn mua phiếu của cử tri. Chính phủ cho biết đa số người Hung Gia Lợi đã đi đến kết luận rằng có một mối liên hệ giữa di cư và chủ nghĩa khủng bố.

Các quốc gia khác, bao gồm cả nước láng giềng Slovenia và thậm chí cả Áo, cũng đang xây dựng các hàng rào để ngăn chặn dòng người tị nạn.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng châu Âu nên quan tâm nhiều hơn đến những cư dân lâu năm của mình đang bị các trào lưu cực đoan xúi giục tham gia vào thánh chiến Hồi Giáo. Trong một báo cáo, Liên minh châu Âu ước tính rằng có đến 6,000 mang quốc tịch các nước châu Âu đã gia nhập các nhóm chiến binh thánh chiến.

Nhiều người trong số họ có hộ chiếu có thể đi đi lại lại từ các nước như Pháp đến các đại bản doanh của Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Mosul bên Iraq, và Raqqa bên Syria.