Bênh ai ?

Nhiều người hay lấy câu: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa" (Luca 18:25) của Đức Giêsu để "tội nghiệp" cho người giàu. Trong kinh Magnificat và Luca 6:24-26 cũng cho ta thấy thật "khốn" cho người giàu có và quyền thế. Như vậy phải nói là không may khi bị làm người giàu có và quyền thế.

Nhưng nói theo nhà Phật, "đời là bể khổ", hễ sanh ra đời là phải khổ rồi. Thế thì người giàu cũng khổ chứ, phải không ạ? Họ khổ như thế nào, làm sao mình biết được, khi mình không phải là người giàu như họ?

Trong một diễn đàn nọ trên internet, người ta bàn thảo nhiều về những chuyến về thăm VN của những người Việt tha hương. Đi chơi ở đâu đẹp, ăn ở đâu ngon... Một chuyến về thăm VN tốn khá nhiều tiền chứ không phải ít, nội tiền vé máy bay không thôi cũng cả ngàn dollars rồi. Người ta cũng nói nhiều về chuyện làm việc thiện, giúp người nghèo, trẻ em mồ côi, người khuyết tật... bên VN. Có người trách rằng về VN tiêu nhiều tiền ăn chơi phí uổng, sao không tiêu ít hơn và bớt ra để làm việc từ thiện, bác ái, giúp người nghèo có hơn không? Tôi thấy trách như thế có hơi oan, vì không lẽ cứ thấy ai tiêu nhiều tiền cho chính họ thì mình kết luận rằng họ không bết nghĩ đến người nghèo? Biết đâu họ cũng đã từng đóng góp rất nhiều vào các công việc từ thiện, vì điều đó chắc không khó khăn chi đối với họ. Và họ vẫn tiêu nhiều tiền cho riêng họ được chứ, vì họ làm ra mà.

Nhiều anh chị em ở VN cũng như hải ngoại đã và đang tích cực vận động khắp nơi để giúp đỡ người nghèo khổ bằng tiền bạc, áo quần, thuốc men... Ða số người Việt tha hương đã có nhiều cơ hội để đóng góp cho rất nhiều chương trình thiện nguyện ở khắp nơi. Việc này không những giúp người nghèo khổ, tàn tật có miếng cơm manh áo, bớt bệnh tật đau ốm trong cuộc sống khó khăn trước mắt, mà còn đem đến cho họ tình thương yêu được thể hiện qua tấm lòng chia sẻ. Trong khi đó, những người “giàu" hơn, theo nghĩa tương đối, có thể tiêu rất nhiều tiền cho chính mình trong những chuyến về thăm quê hương. Ðiều đó cũng không hẳn là chuyện vô ích. Nhờ có người tiêu dùng nhiều, sản phẩm và dịch vụ được chiếu cố, giúp người dân có công ăn việc làm và kiếm được lợi tức khá hơn, và nâng cao nền kinh tế và mức sống hơn lên.

Người đã giàu có rồi, thường muốn giàu có hơn, nhưng tôi vẫn không trách họ về điểm này. Ở nước Mỹ có biết bao nhiêu hãng đã bành trướng và chiếm ngự thị trường bằng cách mua lại hết những hãng nhỏ hơn, để trở thành những công ty vĩ đại, việc quản trị chồng chất lên nhau thành tầng tầng lớp lớp, tới độ nặng quá và đã. ..đổ chổng kềnh, vỡ nợ... Nhiều người làm lớn mà khi đổ nợ phải vào tù như chơi. Không phải tôi tội nghiệp họ đâu, nhưng tôi cám ơn họ. Nhờ lòng tham của họ mà tôi được làm nhân viên của hãng lớn, được trả nhiều lương, danh giá nữa là khác... Hãng lớn mướn rất nhiều nhân viên, và ai cũng thích làm cho hãng lớn. Nếu ai cũng chỉ làm vừa đủ cho chính mình, không ai ham làm giàu, thì chắc chỉ có những công ty nhỏ xíu, sản xuất yếu xìu, chỉ cần sao cho gia đình mình có đời sống khá giả hơn mà thôi, thì lấy đâu ra công ăn việc làm cho biết bao nhiêu con người? Vậy thì xã hội cũng cần có người giàu đấy chứ.

Như thế vấn đề bất công và đau khổ nằm ở chỗ nào? Theo tôi, nó nằm ở chỗ người ta phân biệt và đố kỵ giữa người giàu và người nghèo. Tôi thương người nghèo khổ vì họ. ..nghèo và khổ đã đành, nhưng tôi thương nhiều hơn khi họ không có cơ hội để vượt ra khỏi cảnh đời nghiệt ngã. Tôi thương người nghèo khổ nhiều hơn, khi thấy cảnh họ bị coi thường, bị khinh dể. Tôi đau lòng khi thấy kiếp làm người của họ ở quá thấp về mọi mặt chứ không riêng gì miếng cơm manh áo. Cái khổ về vật chất đã quá nhiều, lại thêm nỗi chịu đựng bị coi thường, khinh dể và hất hủi, bởi những người chưa chắc đã giàu nhưng tự cho mình thuộc thành phần khá giả hơn. Vì vậy tuy thường tham gia đóng góp vào những công cuộc từ thiện để giúp người nghèo có cuộc sống đỡ thiếu thốn hơn về vật chất, nhưng tôi vẫn thấy buồn và cảm thấy bất lực trước sự cam chịu làm hạng người thấp kém nhất trong xã hội của họ. Thiết nghĩ, một con người tầm thường đầy dẫy thiếu sót như tôi mà còn biết thương họ, thì Thiên Chúa còn thương những con cái đau khổ của Ngài tới cỡ nào, và chắc chắc Ngài dành sẵn nhiều hạnh phúc cho họ trên Nước Trời.

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
(Luca 6:20-23)

Về phía những người giàu có, họ làm ăn thành công nhờ tài năng và cơ hội. Họ làm chủ, hoặc làm công nhưng nắm giữ những vai trò quan trọng, và có tài tổ chức để đem lại công ăn việc làm cho biết bao nhiêu người như đã nói ở trên. Nhưng thú thực, tôi thường cảm thấy buồn khi thấy họ có tài xây dựng những tập thể gồm bao nhiêu con người, nhưng không xây dựng bằng tình người, mà bằng sức lao động và đồng tiền. Tuy trong những tập thể ấy có sự trao đổi giữa đồng tiền và sức lực hoặc khả năng, nhưng người công nhân vẫn bị coi là kẻ "lãnh nhận" hơn là người đóng góp. Chủ nhân và những người có quyền hành nơi hãng xưởng thường có thái độ "ban phát" đối với công nhân. Họ làm chủ đồng tiền và gia sản của họ thì không nói làm chi, nhưng họ dùng đồng tiền và quyền thế để làm chủ những con người thấp kém hơn họ. Điều này thường khiến những người công nhân thấp kém phải sợ sệt, lo lắng mỗi khi phải đối diện với cấp trên, mỗi khi các ông lớn bà lớn xuất hiện.

Nói cho cùng, cái thái độ của người giàu đối với người nghèo, hay thái độ kẻ hơn đối với người kém, mới là điều đáng buồn, chứ của cải tự nó không phải là "sự khốn". Chúa ban cho vũ trụ này bao nhiêu tài nguyên, và ban cho con người khả năng khác nhau để khai thác những tài nguyên đó cho nhau cùng xử dụng. Thử nghĩ cha mẹ nuôi dưỡng con nên người, hoặc có của để lại cho con, nhưng có đứa khôn ngoan hơn đã lo dành hết về phần mình, và thay vì chia sẻ với anh em thì lại tự cho mình quyền ban phát, và còn lên mặt khinh dể anh em mình. Khi thấy như vậy thì cha mẹ sẽ buồn lòng như thế nào, và đứa con đó sẽ "xấu xa" trước mặt cha mẹ và người đời ra sao? Và phải chăng đó là những kẻ "khốn" mà Đức Giêsu muốn nói tới:

“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”
(Luca 6:24-26)

Xét hai loại người mà Ðức Giêsu nói tới trên đây, tôi thấy hình như mình …đứng ngoài! Này nhé, khi tôi có được cuộc sống tương đối đầy đủ về vật chất, lại có công ăn việc làm, thì chắc là không được xếp vào loại nghèo khó rồi, vậy liệu tôi có hy vọng được Chúa chúc phúc không? Nhưng tôi cũng không phải là người giàu có, thì có chắc là không bị "khốn"? Có thể tôi chẳng giàu có chi nhưng rất dễ coi minh hơn người, hoăc có đời sống vật chất dư dả để ban phát nhưng nhiều khi chẳng có tình người để cảm thông, có những dịp vui bên ngoài nhưng lắm lúc thấy tâm hồn năng chĩu, và có những lời khen ngợi làm cho tôi cảm thấy sung sướng nhưng vẫn có những đau khổ, lo lắng, muộn phiền ở trong lòng mà người khác không thấy được. Như vậy là dư giả bên ngoài, mà thiếu thốn bên trong. Có thể những người giàu có về tiền bạc, danh vọng cũng “nghèo khó” trong tâm hồn như vậy chăng.

Xin Chúa nhân từ xét đến sự nghèo khó trong tâm hồn của con và nhiều anh chị em khác, giúp chúng con biết chia sẻ với mọi người và bù đắp cho nhau về đời sống vật chất cũng như tinh thần, và chúc phúc cho tất cả chúng con. Amen.