Sáng thứ Bẩy, 17 tháng Mười 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành lễ kỷ niệm năm thứ 50 ngày thiết lập Thượng Hội Đồng giám mục thế giới như một định chế thường trực. Hiện diện cùng với các nghị phụ của Thượng Hội Đồng thường lệ lần thứ 14 bàn về ơn gọi và sứ mệnh của gia đình, Đức Thánh Cha đề cập tới cả diễn trình và bản thể của Thượng Hội Đồng như là tạo nên và nói lên chính bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội.

Khai triển gốc Hy Lạp của chữ tiếng Ý “sinodo” (Thượng Hội Đồng), Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “cùng đồng hành với nhau, giáo dân, mục tử, và giám mục Rôma, là một ý niệm dễ đặt thành lời, nhưng không dễ đặt vào thực hành”.

Đức Thánh Cha tiếp tục nói rằng mỗi người và mọi người đều có một chỗ đứng trong Giáo Hội, và chìa khóa của việc đồng hành với nhau là lắng nghe. “Một Giáo Hội có tính đồng hành là một Giáo Hội biết lắng nghe. Đây là một lắng nghe nhau trong đó mọi người đều có một điều gì đó để học hỏi: các tín hữu, hợp đoàn các giám mục, [và] Giám Mục Rôma; mỗi người lắng nghe nhiều người khác; và mọi người lắng nghe Chúa Thánh Thần, ‘Thần Khí sự thật’ (Ga 14:17) để biết điều Người ‘nói với các Giáo Hội’ (Kh 2:7)”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm: “Thượng Hội Đồng các giám mục là điểm hội tụ của tính năng động đó, tức việc lắng nghe thực hiện ở mọi bình diện của đời sống Giáo Hội” bắt đầu với giáo dân, những người “cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Giêsu” và có quyền cũng như bổn phận được lắng nghe về các chủ đề liên hệ tới đời sống chung của Giáo Hội. Rồi tới các nghị phụ Thượng Hội Đồng, qua các ngài, “các giám mục hành động như các người quản lý, thông dịch viên và chứng nhân thực sự của đức tin của tòan thể Giáo Hội, mà [các ngài] phải có khả năng thận trọng phân biệt ra khỏi công luận thường hay thay đổi”. Trong tất cả việc này, người Kế Vị Thánh Phêrô có tính căn bản. Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích rằng “Cuối cùng, đỉnh cao của diễn trình Thượng Hội Đồng là lắng nghe Giám Mục Rôma, vốn được kêu gọi để lên tiếng một cách có thẩm quyền [tiếng Ý: pronunciare] như là ‘Mục Tử và Thầy Dạy của mọi Kitô hữu’: không dựa trên các niềm tin bản thân của ngài, mà như chứng tá tối cao cho đức tin của tòan thể Giáo Hội, người bảo đảm cho việc Giáo Hội phù hợp với và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, với Tin Mừng của Chúa Kitô và Truyền Thống của Giáo Hội”.

Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích rằng Thượng Hội Đồng luôn hành động cum Petro et sub Petro – với Thánh Phêrô và dưới quyền Thánh Phêrô, một sự kiện không tạo nên bất cứ hạn chế tự do nào, mà là bảo đảm hợp nhất. Ngài nói: “Thực vậy, do thánh ý Chúa, Đức Giáo Hoàng là ‘nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của việc hợp nhất cả các giám mục lẫn các tín hữu”.

Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II

Tưởng cũng nên biết Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập Thượng Hội Đồng vào ngày 15 tháng Chín năm 1965 bằng tự sắc Apostolica Sollicitudo. Rồi vào ngày 28 tháng Mười năm 1965, Chân Phúc ký ban hành Sắc Lệnh Christus Dominus của Công Đồng Vatican II về Chức Vụ Mục Tử của Các Giám Mục trong Giáo Hội. Ở đoạn 5 của văn kiện này, ngài đã bất khả phản hồi sát nhập Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa được thiết lập vào di sản của Công Đồng.

Sau Công Đồng, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Bộ Giáo Luật năm 1983, ấn định các luật lệ liên quan tới Thượng Hội Đồng ở các điều 342-348. Tại đây, Thượng Hội Đồng được mô tả là “một nhóm giám mục được chọn từ các vùng khác nhau trên thế giới và họp lại với nhau vào các thời điểm cố định để phát huy sự hợp nhất gần gũi hơn giữa Giám Mục Rôma và các giám mục, để trợ giúp Giám Mục Rôma với các lời cố vấn của mình trong việc gìn giữ và phát triển đức tin và luân lý và trong việc tuân giữ và củng cố kỷ luật Giáo Hội, và xem xét các vấn đề thuộc sinh hoạt của Giáo Hội trên thế giới”.

Kể từ phiên họp đầu tiên năm 1967 cho tới nay, đã có 14 phiên họp thường lệ, 3 phiên ngoại lệ và 10 phiên đặc biệt của Thượng Hội Đồng. Các chủ đề trong các phiên họp này bao trùm rất nhiều đề tài mục vụ: duy trì và củng cố đức tin Công Giáo, phúc âm hóa trong thế giới ngày nay, giáo lý, chức vụ giám mục, đào tạo linh mục, đời sống tu dòng và thánh hiến, ơn gọi và sứ mệnh hàng ngũ giáo dân, hôn nhân và gia đình…

Thượng Hội Đồng và việc phúc âm hóa

Trong buổi kỷ niệm trên, Đức Hồng Y Lorenzo Baldiserri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng, đã nói về mối tương quan giữa định chế Thượng Hội Đồng và công việc phúc âm hóa. Theo ngài, qua Thượng Hội Đồng, Giáo Hội luôn có ý định “tiến trên con đường hoán cải mục vụ và truyền giáo, bằng cách mau mắn công bố cho người thời nay niềm vui Tin Mừng tràn trề trái tim và cuộc sống tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Việc hóan cải này phải có khả năng biến đổi mọi sự, để các phong tục, các cách thực hiện sự việc, thì giờ và lịch trình, ngôn ngữ và cơ cấu của Giáo Hội được gom góp thích đáng cho việc phúc âm hóa thế giới ngày nay”.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, đương kim Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Áo, người tham dự Thượng Hội Đồng theo lời mời đích thân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thì suy tư về “công đồng nguyên thủy” Giêrusalem qua ba chủ đề dành cho “đường đi của Thượng Hội Đồng Giám Mục” là sai đi, chứng từ và biện phân.

Đức Hồng Y nói rằng “mục đích thâm hậu nhất của Thượng Hội Đồng trong tư cách một dụng cụ để thực thi Vatican II chỉ có thể là sai đi”. Dù Thượng Hội Đồng, tự nó, không phải là một công đồng, “nó phải trợ giúp Đức Giáo Hoàng trong sứ mệnh của ngài đối với Giáo Hội” bằng cách cung cấp cho ngài và những người tụ họp với ngài “một lòng hứng khởi đổi mới đối với việc được sai đi” vốn là điều rất thân thiết đối với cả Thánh Gioan Phaolô II nữa.

Đức Hồng Y nói tiếp: tại nơi vốn cố ý được dành cho việc canh tân sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới này, điều quan trọng là phải nói bằng kinh nghiệm chứ đừng bằng những lý thuyết thần học trừu tượng. Nhắc tới gương sáng của các Thánh Phêrô, Phaolô và Banaba, những vị “nói về các biến cố và kinh nghiệm”, Đức Hồng Y Schönborn cảnh giác trước việc không nhìn ra sự phong phú của việc làm chứng tá; ngài nhận định rằng điều không tốt là ở lỳ trong lý thuyết, trong những điều ‘có thể là’ và ‘nên là’ mà hầu như không bao giờ nói tới kinh nghiệm của ta một cách có bản vị. Ngài ca ngợi các tín hữu giáo dân đã trình bầy các chứng từ bản thân tại Thượng Hội Đồng tuần qua.

Chỉ trong địa điểm nhiệt thành truyền giáo và chứng từ truyền giáo này ta mới có thể biện phân được thánh ý Thiên Chúa cum et sub Petro. Đức Hồng Y nhắc lại sự kiện “Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn nhấn mạnh rằng Thượng Hội Đồng không phải là một nghị viện” mà là “một cơ quan tham vấn mới mẻ trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ”. Như thế, đã đến lúc phải tìm sự biện phân không phải như công trình của một “thỏa hiệp chính trị” hay “mẫu số chung nhỏ nhất” mà như một cuộc tha thiết đi tìm giải pháp cho các vấn đề mục vụ vốn có thể làm được, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Đến đây, Đức Hồng Y ca ngợi việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô cập nhật hóa thủ tục Thượng Hội Đồng; các cập nhật này đã tái tăng sinh khí cho quyết tâm truyền giáo của các giám mục.

Thượng Hội Đồng và Âu Châu

Tiếp theo bài nói của Đức Hồng Y Schonborn, các vị giáo phẩm đại diện các lục địa đã đọc diễn văn. Đức Hồng Y Vincent Nichols, đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales, nói “về Thượng Hội Đồng theo quan điểm Âu Châu”.

Theo ngài Âu Châu của thời Vatican II, lúc ngài mới 17 tuổi và đang học tại Chủng Viện Anh ở Rôma, là một Âu Châu của chia rẽ nhưng nhờ Vatican II với hình ảnh đẹp đẽ của gần 3 ngàn nghị phụ hành động như một cơ thể, cảm thức chia rẽ kia đã dịu đi nhiều. Nhưng khi chiến tranh lạnh qua đi, Âu Châu lại rơi vào tình trạng chỉ biết đến mình. Và điều này, theo ngài, đã thay đổi với các Thượng Hội Đồng về Âu Châu các năm 1991 và 1999.

Đức Hồng Y Nichols cho hay: Thượng Hội Đồng sở dĩ giúp làm dịu kinh ngiệm chia rẽ trên vì các phiên họp và việc làm của nó “đã góp phần vào việc làm tan biến viễn kiến qui Âu Châu không những về thế giới mà còn về cả Giáo Hội nữa”. Thực vậy, ngài nói thêm “một số người ví Thượng Hội Đồng như là việc quốc tế hóa Giáo Triều” nhưng ngài cho hay “nó còn đi sâu hơn thế”.