Vào trưa thứ Sáu 10-7-2015, Đức Giáo Hoàng đã tới Paraguay dưới một bầu trời lúc mưa lúc tạnh nhưng như nhiều lần trước, Ngài không che dù, sau một chuyến bay (khá) gập ghềnh, theo lời mô tả cuả các phóng viên tháp tùng.

Đây là quốc gia cuối trong chặng đường tông du 3 quốc gia cuả Ngài, và là quốc gia Công Giáo nhất, bảo thủ nhất và... cũng tham nhũng nhất!

Paraguay cũng là nơi gần gũi nhất với quê hương Argentina cuả ĐGH. Mặc dù người em gái cuả Ngài đang bị bệnh nơi quê nhà, nhưng Argentina vẫn phải đợi tới năm sau vì Ngài không muốn sự hiện diện cuả mình ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 10 năm nay. "Em gái mà thôi thì không đủ để biện minh cho một chuyến tông du, cô ấy phải chờ vậy" theo lời Ngài than thở với phóng viên.

Mặc dù vậy, nhiều người Argentina cũng nô nức kéo nhau tới tham dự, trong số đó bà tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner sẽ có mặt tại thánh lễ vào ngày 12 tới.

Những người Argentina rất hãnh diện về vị GH 'người nhà cuả mình,' và hai quốc gia Bolivia và Paraguay lại là hàng xóm sát bên. Tại Santa Cruz, Bolivia, ban tổ chức buổi lễ đã ước lượng có tới 600,000 khách hành hương tới từ miền Bắc Argentina và từ các vùng lân lận.

Người ta tính rằng số khách sẽ còn nhiều hơn nữa vì Paraguay ở gần hơn, và nhất là ở gần với Buenos Aires là giáo phận mà ĐGH từng cai quản.

Từ Buenos Aires đi tới Ascension, Paraguay, thì chỉ có nửa đường đi tới Santa Cruz, Bolivia. Tuy thế một cuộc hành trình bằng xe buýt cũng sẽ kéo dài tới 15 tiếng đồng hồ.

Dù khó nhọc như thế nhưng các cư dân cuả các giáo xứ thuộc khu vực 'kế hoạch 21-24' ở gần Buenos Aires đã hăm hở ghi danh hành hương.

"Khi có tin rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đi Paraguay, thì cũng có một ý tưởng nổi lên rằng chúng tôi sẽ đến đó như là một giáo xứ," Cha de Vedia, một trong 20 "curas villeros" (linh mục ổ chuột) phục vụ trong khu vực cho biết.

"Đó không phải là một việc bàn cãi nữa, nó như thể chúng tôi bị lôi cuốn bởi sự nhiệt tình," Ngài nói thêm.

Những người sinh sống trong khu vực 'kế hoạch 21-24' phần đông là những dân nhập cư từ Paraguay, "có thể có đến 1 phần 3 dân Paraguay sống ở đây" theo lời ĐGM Jorge Lugones cuả giáo phận Lomas de Zamora ở vùng ngoại ô Buenos Aires này. Họ đến đây để tìm một cuộc sống kinh tế tốt đẹp hơn.

Trong thời gian ĐTC còn là tổng giám mục Buenos Aires, Ngài thường xuyên tới thăm khu vực, nhất là trong các dịp lễ Đức Mẹ Caacupé cuả người Paraguay, là một truyền thuyết về ĐM rất giống như Đức Mẹ La Vang và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở La Mã Bến Tre vậy. (Xin coi phần sau)

Đức Giáo Hoàng cũng chia sẻ lòng sùng kính Đức Mẹ Caacupé. Bà Bonifacia Acuna Vega, nhập cư đến Argentina đã 23 năm, nhớ lại một cuộc cung nghinh bức tượng Đức Mẹ Caaccupe ở Nhà thờ Chính Toà. Người ta thay phiên chuyền tay nhau bức tượng. "Lúc tôi đang ôm ĐM trên tay thì có một người xin tôi chuyền qua cho ông," bà ấy nói. "Tôi quay lại và thấy ĐGM Bergoglio, mặc chiếc áo choàng và với một chuỗi tràng hạt trong tay, cùng bước đi với chúng tôi."

Tuy đã rời Argentina, nhưng ĐGH vẫn không quên khu vực cuả dân Paraguay này, theo lời bà Bonifacia Acuna Vega thì mỗi ngày 15 tháng 5 là ngày lễ các bà mẹ ở Paraguay, các bà mẹ đều nhận được một copy cuả một lá thư cuả ĐGH gửi về hỏi thăm.

"Đối với cộng đồng của chúng tôi, thì đó là một phép lạ đặc biệt từ Đức Mẹ," bà nói. "Với những nhiệt tình cuả Ngài, với sự khiêm tốn, Ngài cho chúng tôi thấy rằng - Ngài san sẻ cuộc sống cuả chúng tôi như thể Ngài là một người trong số chúng tôi - Thật là một điều không thể giải thích nổi rằng hôm nay chúng tôi có Ngài là giáo hoàng"

Riêng các vùng sát biên giới Paraguay như giáo phận Formosa, thì đã tổ chức nhiều đoàn tàu vận tải, theo lời cuả Đức Giám Mục Jose Conejero Gallego, nhưng Ngài cũng bày tỏ một sự lo lắng là giòng người đông đảo sẽ tạo ra một sự hỗn loạn tại một nước không đầy đủ hạ tầng cơ sở.

"Tôi có một chút lo lắng," Ngài nói. "Paraguay không có khả năng để nhận nhiều người như dự tính."

Paraguay đứng trong số các nước nghèo nhất và tham nhũng nhất ở Nam Mỹ, mặc dù việc xuất khẩu nông nghiệp đã bùng nổ và đã mang lại một sự tăng trưởng với hàng số chục trong những năm gần đây. Nhưng nạn di cư ra nước ngoài vẫn tiếp tục không ngưng.

Đức Thánh Cha được dự kiến ​​sẽ nhấn mạnh đến chủ đề cần phải giúp đỡ những người nghèo và người bị áp bức. Nhưng ở Paraguay, có một thách thức không giống như ở Ecuador và Bolivia, quốc gia nội địa này được cai trị bởi một doanh nhân bảo thủ, ông Horacio Cartes, ít cởi mở để tiếp nhận các chính sách xã hội tiến bộ mà các vị giáo hoàng đã thúc đẩy.

Người tiền nhiệm cuả ông Cartes là Fernando Lugo, là một cựu linh mục Công Giáo, đã bị lật đổ bởi một tội danh mà những quốc gia Nam Mỹ mô tả là không có gì đáng hơn là một cuộc đảo chính do giới cai trị truyền thống. Ông Cartes được đưa lên cầm quyền do đảng Colorado là đảng của nhà độc tài Alfredo Stroessner.

Mặc dù một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew liệt kê Paraguay là một quốc gia Công Giáo nhất ở Nam Mỹ, sự tham dự Thánh lễ cao, nhưng nhiều người ở đây vẫn cảm thấy thất vọng bởi vì các vấn đề bê bối cuả hàng giáo sĩ như nạn lạm dụng tình dục.

"Tôi đã không bao giờ bỏ một lễ nào. Tôi đã thực sự sùng đạo lắm", là lời cuả ông Anibal Recalde, một thợ sửa máy đang thất nghiệp, ông hy vọng sẽ được nhìn thoáng qua Đức Thánh Cha. "Nhưng tất cả những gì xảy ra với việc lạm dụng trẻ em làm tôi mất niềm tin vào Giáo Hội, và trong bốn hoặc năm năm qua tôi đã bỏ lễ. Đó là những gì cần phải thay đổi và là những gì Đức Giáo Hoàng muốn. "

Ông Recalde cũng hy vọng Đức Thánh Cha sẽ nói với các nhà lãnh đạo của Paraguay phải chăm sóc người nghèo ", một điều đã chưa hề đến với Paraguay."

...





Sự tích Đức Mẹ Caacupé, Paraguay

Nằm cách 36 dặm (57 km) về phía đông của Asuncion, thủ đô của Paraguay, là một phố nhỏ Caacupé, và cũng là địa điểm hành hương quan trọng nhất của đất nước.

Tục truyền rằng vào đầu thế kỷ 16, một nông dân của bộ tộc Guarani tên là Indio Jose đã gia nhập đạo Công Giáo khi đó được các giáo sĩ dòng Phanxicô Pháp giao giảng tại làng Tobati. Indio Jose cũng là một thợ điêu khắc giỏi và các nhà truyền giáo chọn anh để khắc một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria cho ngôi nhà thờ mới.

Một hôm, anh đang đi trong rừng để tìm một cây Yerba Mate lớn có thể dùng để khắc tượng, thì các chiến binh của một bộ lạc đối thủ là Mbayae xuất hiện. Bộ lạc Mbayae đang chống Kitô giáo và tuyên bố tất cả các người rửa tội đều là kẻ thù của họ. Để thoát bị phát hiện, Indio Jose đã chạy vào rừng sâu và nấp sau một thân cây lớn. Anh đã cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria xin bảo vệ anh. Ngay sau khi kết thúc lời cầu nguyện, thì một cột ánh sáng chiếu xuống và đức trinh nữ Maria hiện ra. Indio Jose hứa với Đức Mẹ rằng nếu Ngài bảo vệ anh, anh sẽ khắc hai tác phẩm từ cây gỗ. Đức Mẹ chấp nhận lời hứa và biến mất để lại một mình Jose. Các chiến binh Mbayae đã đi ngang qua mà không nhìn thấy anh ta.

Giữ lời hưá, Indio Jose đốn cây gỗ và khắc hai bức tượng Đức Mẹ, tượng lớn hơn đặt trong nhà thờ Tobati (vẫn còn lưu giữ ở đó) và tượng nhỏ hơn thì anh giữ riêng để sùng kính tại nhà.



Vào năm 1603, các hồ ở vùng Tapaicuá tràn ngập thung lũng Pirayú, quét sạch mọi thứ, gồm cả nhà cuả Indio Jose và bức tượng cuả anh. Bấy giờ linh mục Dòng Phanxicô là Luis de Bolaños (1549-1629), đi với cư dân của khu vực, để cầu nguyện cho nạn lụt được qua khỏi. Ngay sau đó một phép lạ xảy ra. Nước rút đi và bức tượng nhỏ bỗng xuất hiện một cách kỳ diệu trên mặt hồ, và từ đó được gọi là Đức Trinh Nữ của Phép Lạ (La Virgen de los Milagros). Sau khi vớt được bức tượng, một thợ mộc, cũng tên là Jose, đã được các tu sĩ Phanxicô cho giữ bức tượng và ông muốn xây dựng một nhà nguyện nhỏ để tôn kính. Trong khi tìm kiếm gỗ cho ngôi nhà nguyện thì ông tìm ra một nơi xinh đẹp gọi là Ka'aguy Kupe (phía sau rừng) và quyết định di chuyển gia đình đến đó và dựng nhà nguyên tại đó.

Bức tượng Đức Mẹ Caacupé là một tượng gỗ đẹp, khoảng 50 cm chiều cao, với một khuôn mặt trái xoan thanh tú và đôi mắt màu xanh. Bức tượng mặc một áo dài trắng như tuyết và một áo choàng màu xanh da trời.

Bởi vì chiếc áo choàng màu xanh, bức tượng còn được gọi là La Virgen de Azul Paraguay (Blue Virgin of Paraguay, Đức Trinh Nữ da trời cuả Paraguay).

Vào ngày 8 tháng 12, lễ kính Đức Maria, thì cũng là ngày lễ tôn giáo quan trọng nhất của Paraguay. Vào ngày trước lễ, đường giao thông dẫn đến Caacupé trở thành gần như không thể vượt qua được vì khoảng một triệu người hành hương tràn ngập các đường phố. Một số lượng như thế thì lớn lắm so với toàn bộ đất nước có một dân số ít hơn bảy triệu người (cả nước là 87% Công Giáo). Nhiều gia đình dẫn nhau đi hết và ngủ qua đêm để chờ Thánh Lễ đầu tiên vào lúc tảng sáng. Các nhà lều cuả đền thờ chỉ đủ chứa 300.000 người mỗi năm, cho nên nhiều người phải ngủ ở vỉa hè.