Bài Chia Sẻ Lời Chúa -Thánh Lễ Tạ Ơn 40 năm Linh Mục Phaolô Chu Văn Chi
của Cha Nguyễn Khoa Toàn
tại thánh đường Our Lady of Carmel, Mt Pritchard, Sydney, Chúa Nhật ngày 14.6.2015

Chim Bồ nông là hình ảnh khá quen thuộc ở đồng quê Việt nam. Những con chim với bộ lông trắng tuyền sống sâu trong đất liền gần những hồ nước mặn. Với cá là thức ăn chính, mỗi khikiếm ăn, Bồ nông phải bay tận biển khơi xa. Vào những hôm trời nổi cơn giông và sóng gầmbiển động, Bồ nông không thể nào bay tìm mồi được. Nhìn đàn conháu đói kêu la, Bồ nông mẹ cơ hồ như không cầm được lòng mình. Và loài thú vô tri vô giác kia, tuy hành động chỉ theo bản năng, đã làm một điều mà chỉ những con người có lý trí dũng cảm khôn cùng mới có thể làm được là tự mổ vào ngực mình. Nhìn những bồ nông con sùng sục tranh nhau nuốt từng giòng máu tươi đỏ tuôn ra, Bồ nông mẹ như vui với lòng mình tuy xác thân đau đớn đến khôn cùng.

Hình ảnh

Hình ảnh đậm nét kia cũng chính là hình ảnh của người Mẹ khi đi biển một mình lúcnở nhụy khai hoa. Nỗi đau đến xé ruột xé lòng tan biến ngay khi nhìn khuôn mặt đứa con vừa mở mắt chào đời. Rồi nhìn xa hơn, như một vị Giám Mục đã so sánh, chính là hình ảnh Đức Kitô khi Người tự hiến tế thân mình cho toàn nhân loại. Và đó cũng chính là hình ảnh mà Con Thiên Chúa khaokhát ước ao từ những môn đệ Người...

Nhưng đó cũng chính là hình ảnh cực kỳ họa hiếm! Cực kỳ và họa hiếm vì ngoài Cha Thánh Maximilian Kolbe và Đức Cố Tổng Giám mục Oscar Romero vừa được tôn vinh lên hàng Á Thánh, khó mà hình dung được một mục tử nào đã can đảm ‘mổ ngực’ cho đoàn chiên mình!

Tuy biết chắc Cha Chu Văn Chi không an lòng lắm khi tự phép so sánh Ngài với Thầy Chí Thánh, nhưng tôi đã tự đặt câu hỏi là đêm 13/6/1975 và ngay ngày hôm sau đấy, khi phủ phục trước bàn thờ Nhà Nguyện Đại Chủng Viện Sàigòn, Thầy Phó Tế Chu Văn Chi đã nghĩ gì?Và tự dưng tôi liên tưởng ngay đến hình ảnh Bồ nông kia khi Ngài nhã ý mời tôi chia sẻ Lời Chúa nhân dịp ngân khánh 40 năm Linh Mục hôm nay.

Tuy tuổi linh mục rất non rất kém chỉ bằng hơn phần nửa của Cha ‘Già Cố’ Chu Văn Chi, nhưng ngày được Chúa đoái thương chọn, tôi đã rất ‘hân hoan bước lên bàn thờ Chúa,’ như lời một bài Thánh ca. Hân hoan vì biết mình sẽ có nơi ăn chốn ở; hân hoan vì chắc chắn có công việc. Và cũng có chút chút địa vị, tương lai…

Nhưng có thể nào ‘hân hoan’ không khi cả dân tộc cả đất nước quê hương vừa chìm đắm sau cơn địa chấn kinh hoàng 30/4? Tôi không hiểu Tân Chức Chu Văn Chi đã nghĩ gì khi Thánh Ấn được ghi trên trán trên tay, nhưng chắc chắn không thể nào nghĩ về địa vị và có được tương lai. Làm thể nào có tương lai khi quê hương đang bị dày xéo bởi một chủ nghĩa vô thần với một chính sách vô luân! Hoặc nói một cách triết lý, có thể nào con người thực sự hiện hữu không trong một chế độ guồng máy đã ngang tâm chối bỏ Con Người!?

Nhưng rất có thể không phải là việc cưỡng chiếm nhà thờ, trường học, dòng tu là điều mà Tân Chức Chu Văn Chi đã miên man suy nghĩ!Điều đau đớn nhất, hoặc theo đúng lời Đức Cố Giáo Hoàng Piô X, điều tột cùng “nguy hiểm là sự thiếu hiểu biết về giáo lý.” Có thể nào dạy giáo lý trong một xã hội đã nhuộm đỏ giáo điều!? Không thể nào vì Bồ nông một sáng một chiều trở thành bồ lúa; thậm chí, bồ bịch, bồ tèo! Hàng ngàn linh mục, tu sĩ, giáo dân đã bị những quan chức vô thần theo đám theo thời buộc miệng trói tay. Như nhà văn Hoa Kỳ Gore Vidal đã viết rất tiên tri: “Khi một dân tộc đã quen dần với sự dối trá, phải cần rất nhiều thế hệ để khôi phục lại sự thật.”

Đúng thế! Còn phải mất nhiều thế hệ để Thiên Chúa chỉ là Sự Thật trên dãi đất hình chữ S luôn đậm nét tình tự dân tộc quê hương.Và Tạ Ơn Thiên Chúa rất nhiệm mầu. Thất bại lớn thì thành công lớn! Nỗi đau càng sâu thì hạnh phúc càng đầy. Ngày rất đáng nhớkia, với Tân Chức Chu Văn Chi, chỉ có thể là ngày “con kiên trung bước lên bàn thờ Chúa.” Kiên trung để rồi hôm nayròng rã liên tục 40 năm, vận mệnh và số phận của Ngài gắn liền mình với vận mệnh và số phận của dân tộc, quê hương. Đúng và cụ thể hơn, với Cộng Đồng Công Giáo Sydney.

Và thật trùng hợp ngẫu nhiên làm sao! Hạt cải trong bài Phúc Âm hôm nay chính là thân xác gầy gò Ngài mà một phần bao tử đã bị cắt đi: hậu quả của những ngày quặn mình đau đớn trong những trại tập trung. “Anh bây giờ ‘lom khom’ bước lên bàn thờ Chúa!”Ngài đùa như thế ngay trước khi Thánh Lễ Tạ Ơn 40 năm Linh Mục hôm nay.

Và nếu Thầy Chí Thánh Giêsu chỉ dùng dụ ngôn để loan báo Tin Mừng thì nhạc sĩ họ Chu đã dùng ngôn ngữ riêng rất diệu kỳ của âm nhạc giúp đưa con người bay bổng lên chốn thiên đuờng gần cùng Thiên Chúa. Không còn khoảng cách; chẳng còn dị biệt vì thế giới âm nhạc là thế giới của an bình. Đúng hơn, thế giới âm nhạc là thế giới của Thần Linh Thiên Chúa.Những sáng tác đạo đời đến rất nhanh rất thiên phú trên mỗi chuyến bay xuyên lục địa, sau những lần hành hương, những dịp hội họp, tĩnh tâm v.v… đã trở thành Kinh Nhật Tụng: “Con Đường Chúa Đã Đi Qua”; “Tâm Ca Mai Đệ Liên”; “Trao Cho Nhau Tình Người”; “Con Có Một Tổ Quốc Việt Nam” v.v…

Nhưng chúng ta không thể dừng chân nhìn về quá khứ khi sứ vụ của mỗi một mục tử là chấp nhận hiện tại để chuẩn bị cho những thách đố tương lai.Như lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các linh mục cuối tuần qua tại Rôma là trở thành những sứ giả của lòng Thương Xót. Những mục tử, ngoài sứ vụ rất trọng đại “mang lấy mùi chiên”, còn phải loan báo Tin Mừng bằng Lòng Thương Xót. Nhưng không phải qua những bích chương biểu ngữ; cũng chẳng phải bằng những chứng tích tưởng tượng hoặc thậm chí phép lạ đầy tính chất thương vụ hão huyền, mà là sống cùng sống với đoàn chiên mà Thiên Chúa đã tín thác trao ban. Chỉ qua lòng thương xót của chính mình, tha nhân mới thẩm thấu được Lòng Thương Xót Chúa!

Và tuy Thiên Chúa chọn những người rất tầm thường và rất yếu đuối để kế tục sứ vụ cứu chuộc của Người, bàn tay Linh Mục phải luôn cùng một lúc nắm chặt lấy bàn tay Thiên Chúa và với tha nhân. Buông bàn tayThiên Chúa rasẽ dễ dàng bị tha hóa. Và nếu buông bàn tay còn lại, Linh Mục sẽ dững dưng thờ ơ, lạnh lùng ngoại cuộc với những thống khổ của con người. Những bất hạnh của tha nhân cũng phải là những bất hạnh của một một mục tử chân chính, trung kiên.

Như Nữ Thánh Ân Lê Thị Thành đã sống. Và vị Thánh Nữ đầu tiên tử đạo kia đã ví linh mục như những chiếc cầu nối kết con người với Thiên Chúa. Thực thế, trong binh pháp, cầu chiếm giữ một vị trí chiến lược quan trọng ưu tiên.Giữ được cầu là còn có đường chuyển quân, tiếp viện; phá mất cầu là cắt đứt mọi liên lạc, điều quân. Vinh hạnh thay khi Linh mục là gạch nối Đất Trời, biểu tượng trung gian giữa nhân loại phàm trầnvàĐấng Toàn NăngCao Cả.

Thánh Têrêsa thành Avila đã nói: “Chỉ có một con đường đạt đến sự toàn thiện và đó là lời cầu nguyện.” Chúng ta họp nhau nới đây để hiệp lòng Tạ Ơn Thiên Chúa. Và biểu tỏ lòng biết ơn đến Ông Bà Cô Thân Sinh cùng thân nhân và ân nhân của Cha Chu Văn Chi đã nâng đỡ Ngài kiên trung trong sứ vụ linh mụcsuốt 40 năm qua. Và những ngày tháng tới…

Nhất là chúng ta cầu nguyện để Ngài luôn khiêm cung hướng đến điều toàn thiện. Không phải để cá nhân Ngài tỏa sáng, nhưng qua Ngài, Thiên Chúa được muôn đời tỏa sáng. Và Tin Mừng được loan truyềnđến hết mọi chư dân…


SYDNEY - Sáng thứ Bảy 13/06/2015 rất đông đủ mọi người trong Cộng Đồng đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney hành hương kính Đức Mẹ và tham dự Thánh lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 40 năm Linh Mục Ruby Jubilee của Linh Mục Nhạc sĩ Paul Văn Chi.

Hình ảnh

Mọi người cùng tập trung trước tượng đài Đức Mẹ dâng giờ đền tạ. Cha Paul Văn Chi cảm tạ Đức Mẹ và dâng lời nguyện, nguyện xin Đức Mẹ cùng đồng hành và ban cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney luôn thăng tiến trong Giáo Hội.

Sau đó mọi người trở về hội trường Trung Tâm tham dự Thánh lễ. Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm thay mặt Ban Tuyên Úy chúc mừng Cha Paul Văn Chi kỷ niệm 40 năm Linh Mục đồng thời Cha cũng giới thiệu hiện diện trong Thánh lễ hôm nay gồm có qúy Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết, Cha Canut Nguyễn Thái Hoạch, Cha Nguyễn Hoàng Dương, Cha Phêrô Hà Ngọc Đoài, Cha Phêrô Bùi Thế Mỹ, Cha Giuse Bùi Công Chính Cha Phêrô Hoàng Minh Tân, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Thụ, Cha Trần Quang Thiện, Cha Nguyễn Đình Phán, Phanxicô Nguyển Hoàng Thi và Thầy Phó tế Toma Bùi Thiện Hiến và quý Tu Sĩ Nam Nữ

Trong bài giảng hôm nay Cha Paul Văn Chi đã chia sẻ về quãng đời tận hiến của Cha cho Thiên Chúa và Cha đã hết lòng cám ơn Mẹ Maria La Vang đã luôn phù trì cho Cha suốt đoạn đường 40 năm Linh Mục mà Thiên Chúa đã ban cho Cha. Cha cũng ngỏ lời cám ơn tất cả quý Cha, Ban Thường Vụ, Hội Đồng Mục Vụ và qúy ông bà anh chị em và cũng ngỏ lời xin lỗi tất cả mọi người, xin mọi người thứ tha..

Kê tiếp là nghi thức Xức Dầu Thánh cho những người cao niên già yếu bệnh tật, nguyện xin ơn Chúa chữa lành cho phần hồn cũng như phần xác.

Trước khi Thánh lễ kết thúc. Anh Trần Anh Vủ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney ngỏ lời chúc mừng 40 năm hồng ân Linh Mục Cha Paul Văn Chi và Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc lien hoan và thưởng lãm văn nghệ do các anh chị em trong Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh trình diễn rất đặc sắc.