TRẢI NGHIỆM ĐAU ĐỚN ĐỂ ĐẠT ĐỘ “CHUẨN MEN”

Để được công nhận “chuẩn men”, các thiếu niên của nhiều bộ tộc trên thế giới phải trải qua nhiều thử thách hết sức đau đớn, như lấy vật sắc rạch cơ thể, lấy roi có móc nhọn quất vào người cho chảy máu ròng rã vv... và chỉ khi vượt qua được các nghi lễ vô cùng đau đớn như vậy, họ mới được xem là người đàn ông bản lĩnh và có trách nhiệm.

Chương trình truyền hình Animal Planet có kể về một bộ tộc Satere Mawe của Brazil vùng Amazon cho kiến đạn cắn như sau: Để được kính trọng xem là đàn ông, các cậu bé phải nhét đôi bàn tay vào hai găng tay dệt bằng lá cây mà mỗi găng chứa khoảng 30 con kiến đạn, rồi để bàn tay trong đó 10 phút cho kiến đạn tha hồ xâu xé mà không được khóc lóc. Mỗi đàn ông bộ tộc phải trải qua 20 lần như thế trong đời.

Kiến đạn là một loại côn trùng có nọc độc cực mạnh thuộc hàng độc nhất hành tinh, nó cắn đau hơn ong bắp cày 20 lần, mà mỗi vết cắn cứ như là một viên đạn xuyên vào xương thịt. Tên của nó nói lên điều đó.

Từ điển wikipedia còn gọi kiến đạn là kiến 24, vì theo người dân địa phương, chỉ với một vết cắn, cơn đau đớn kinh hoàng sẽ kéo dài trong 24 tiếng đồng hồ. Còn nếu bị nhiều vết cắn như trong nghi lễ “chuẩn men” thì cơn đau lịm ngất có thể kéo dài nhiều tuần lễ.

Hoàn toàn ngược lại, xã hội tự nhận là văn minh của chúng ta lại đang quá nuông chiều thân xác, chăm chút “bảo trì” từng centimet trên cơ thể, mà chẳng để phụng sự điều gì khác ngoài việc “câu like”. Thuộc về thế hệ yêu bản thân quá mức, chúng ta tự cho mình có nhiều quyền hạn nhưng lại bất tuân quyền bính. Nhà báo Joel Stein trên Thời Báo Time tháng 05/2013 gọi thế hệ trẻ hiện nay là “the me me me”, thời của tôi tôi tôi. Trong đó, các cá thể được nuông chiều từ bé, được bao bọc để tránh tất cả những gì là đau đớn.

Khi dạy học ở đại chủng viện, nơi đào tạo những nhà lãnh đạo tinh thần, hướng dẫn tâm linh, chúng tôi vẫn thấy có những chủng sinh thét lên khi gặp con gián hay con thằn lằn, nhảy tưng tưng lên ở cầu thang vì bất ngờ gặp phải con chuột nhắt vv... Nghiêm túc mà xét, rồi những nhà lãnh đạo tương lai này, các bậc thầy tâm linh tương lai ấy sẽ hướng dẫn người khác như thế nào. Ở cái tuổi trên dưới 30, hoàn toàn có thể đã là người chồng, người cha trong một gia đình. Mà với tính cách nhát đảm, họ có thể là bờ vai cho vợ, là cột trụ gia đình, là mái ấm che chở con cái không?

Đương đầu với thử thách giúp cá nhân vững vàng và tự tin bước đi trong đời. Luôn được ăn sung mặc sướng chẳng phải là điều hay ho gì. Bởi “Cả những đau khổ cũng là thành phần chân lý về cuộc đời chúng ta. Vì thế, khi tìm cách tránh cho người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau thương, người ta có nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu ớt, mong manh và ích kỷ” – (Thư của ĐTC Biển Đức 16 về vấn đề giáo dục). Các chương trình giáo dục của Nhật Bản rất nghiêm khắc đã sản sinh ra những con người mạnh mẽ làm nên một xã hội năng động và thành tựu bậc nhất thế giới, trong một đất nước không có tài nguyên phong phú.

Xã hội của cái tôi chỉ biết đến nhu cầu hay sở thích của mình mà thôi. Họ có thể sắm cho mình “bộ cánh” hàng trăm triệu đồng nhưng vô cảm trước cái đói khổ của người khác; rất dễ có hành vi bất kính trong nhà thờ, đền đài nhưng lại trầm trồ, chiêm ngưỡng chiếc toilet nạm 72.000 viên pha lê, như báo chí đã loan tin.

Xã hội của cái tôi ngày càng bạo lực, bởi các thành viên quá yếu đuối. Sự bạc nhược, sợ sệt bóp nghẹt trái tim và lý trí của cá nhân cũng như tập thể. Chúng ta không đủ mạnh mẽ để có thể chịu đựng một cái nhìn trái ý, hay nhắc nhở, để rồi ta đặt tên nó là “nhìn đểu”; không đủ can đảm thốt ra lời xin lỗi với nhau, ngay cả với cha mẹ hay giữa vợ chồng; không đủ nghị lực làm việc nuôi sống bản thân để rồi đoạt mạng người khác chiếm lấy tiền của; không đủ vững vàng bước đi, nắm lấy một bàn tay cho trọn cuộc đời để rồi đành đoạn hất hủi nhau; không đủ bình tĩnh để trầm lắng đón nhận các biến cố vui buồn bằng một trái tim ngọt ngào, để rồi có những phản ứng thái quá. Một vụ va quẹt xe rất nhẹ, có thể giải quyết bằng nụ cười cảm thông, hay một bồi thường nho nhỏ thì lại dẫn đến cãi vã và đâm chết người.

Chỉ biết phản ứng mà không biết đáp ứng.

Rất sớm dậy thì nhưng lại muộn trưởng thành hoặc có khi không bao giờ trưởng thành.

Học sinh 15-16 tuổi có thể sống như vợ chồng với ai đó, nhưng 10 năm sau khi đã 25-26 tuổi thì chưa thể lập gia đình vì còn non lắm; chưa thể lo cho bản thân, vì còn đang chơi game chứ chưa có công ăn việc làm. Tính vô trách nhiệm là dấu chỉ rõ ràng của sự ấu trĩ, chưa trưởng thành. Người Satere Mawe nói trên tin rằng, chỉ khi vượt qua thử thách đau đớn, người thiếu niên mới trưởng thành, trở thành đàn ông can đảm và có trách nhiệm, có nhiều kháng thể để có thể sinh tồn trong một môi trường nghiệt ngã của rừng già nhiệt đới, cũng như để bảo vệ bộ tộc của mình. Sẽ rất bất hạnh, nếu thề hứa đi đến cuối cuộc đời với người vô trách nhiệm.

Bản lãnh để sống trách nhiệm; Sống trách nhiệm cần bản lãnh.

Thế thì, các bạn của tôi ơi, dù ta không hề thích đau đớn hay đau khổ, nhưng khi chúng xảy ra - bởi chúng luôn có đó, chúng là thành phần cấu thành của trần gian này-, hãy chấp nhận chúng như những thử thách cần vượt qua để chúng ta đạt tới độ “chuẩn men”, được trở nên người hơn.

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng