Ngày 17/12 : CHÂN DUNG ĐẤNG CỨU THẾ

Mt 1, 1-17

Đọc lại gia phả của dòng họ Abraham và Đavít, ta cứ tưởng rằng Chúa Giêsu được sinh ra trong dòng tộc của các Đấng ấy. Nhưng, gia phả chỉ dừng lại ở thánh Giuse và giới thiệu Giuse là bạn Đức Trinh Nữ Maria, Người đã sinh ra Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu. Như thế, dòng họ của tổ phụ Abraham và vua Đavít không phải đã sinh ra Chúa Giêsu,nhưng nói thực ra được ân phúc lớn lao nhận Đấng Cứu Thế làm người thuộc dòng tộc của mình.

Ân huệ nữa mà dòng họ của Abraham và Đavít được thừa hưởng là nó nối liền với Chúa Cứu Thế mặc dù khi nhắc tên bốn người phụ nữ trong dòng tộc, Kinh Thánh gợi cho ta thấy dòng họ ấy vẫn thuộc diện tội lỗi, yếu hèn, mỏng dòn, nhưng được Chúa thương xót, uốn nắn để hướng tới Chúa Cứu Thế. Vì vậy, tình thương, lòng trắc ẩn của Chúa là yếu tố quan trọng, Chúa luôn đi bước trước để tới với con người.

Trường hợp của Yuđa,con ông Giacóp cũng vậy, khi sự việc xẩy ra người ta mới nghiệm ra tình thương vô biên của Chúa. Từ Yuđa, vua Đavít được sinh ra và cai trị, lãnh đạo dân một cách oai phong lẫm liệt. Tất cả đều do tình thương hải hà của Chúa chính Chúa chứ không phải do sự tài giỏi của Giacóp hay Yuđa mà do Chúa yêu thương, tuyển chọn.

Ngày nay, mọi người đều có thể trở nên con cái của Chúa Giêsu. Đây là diễm phúc lớn lao mà mọi người đều được lãnh nhận. Nó khác với khi xưa, chỉ có người nào thuộc dòng dõi Yuđa, Abraham, Đavít mới được nhận Chúa làm phần tử trong dòng tộc mình. Như thế, Chúa Cứu Thế bị giới hạn trong dòng tộc của những vị mà ta vừa gợi ra ở trên. Điều đáng quí là ta ngày nay dễ nhận ra dung mạo Đấng Cứu Thế vì chính Người đã đồng hóa mình với tất cả những kẻ khó nghèo. Dâng lễ hôm nay, ta xin cho được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa và trở nên dòng dõi của vương quốc Chúa Giêsu.

NGÀY 18/12: CHÚA YÊU THƯƠNG DÂN NGƯỜI

Mt 1,18-24

Dân Do Thái luôn nhớ tới việc họ được Thiên Chúa yêu thương đưa họ thoát khỏi ách nô lệ bên đất Ai Cập. Đây là biến cố quan trọng dẫn đưa cả dân tộc Israen. Nó là biến cố lịch sử của dân Do Thái.

Thiên Chúa mãi mãi đánh động tâm hồn của những người Israen sống xót trở về quê hương sau bao năm cực khổ, làm tôi đòi cho vua Pharaon và họ không bao giờ quên lòng thương xót của Thiên Chúa Giavê đã cứu sống họ vì chính bởi nhờ tình thương họ đã không bị vùi dập chết nơi Biển Đỏ như quân lính của vua Pharaon,mà họ đã được Môsê và Aaron theo lệnh Chúa dẫn qua Biển Đỏ ráo chân. Thiên Chúa không chỉ thương dân, để ý tới dân, cứu thoát dân trong hoài niệm, trong quá khứ xa xưa mà Ngài tiếp tục chạnh thương và thực hiện nhiều điều lớn lao vĩ đại hơn. Ngôn sứ Giêrêmia hôm nay nhắc nhở cho dân Israen biết rằng họ phải nhớ tới sự việc Thiên Chúa đã cứu họ ra khỏi cảnh lưu đầy bên Babylon, ngài đã tha thứ tội lỗi cho dân dù dân phản nghịch, luôn quay lưng lại với Chúa. Đây là biến cố lớn hơn cả biến cố Xuất hành. Nó luôn hiện tại hóa việc Thiên Chúa xót thương dân và yêu thương dân cho tới cùng.

Sự việc Thiên Chúa giải thoát dân ra khỏi đất Ai Cập đã lớn lao, vĩ đại nhưng biến cố Thiên Chúa tuyển chọn một người nữ tử Sion cưu mang Chúa Cứu Thế bởi phép Chúa thánh Thần còn to lớn biết chừng nào ?

Như vậy, trước bao hồng ân cao quí của Chúa, con người được kêu mời đáp trả lại tình thương của Người. Tuy nhiên, số đáp lại lời mời gọi của Chúa quả thực là những người nhỏ bé, khiêm nhu, những Anawim của Thiên Chúa, đại diện bởi Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Thiên Chúa sẽ vui lòng và ưng nhận nếu nhân loại cố gắng, từ bỏ, hy sinh làm cho nhiều người nhận biết Chúa. Dâng thánh lễ hôm nay, ta hãy làm cho nhiều người nhận biết Chúa nhờ ta noi gương bắt chước các con người đơn sơ, khiêm nhu, tức là những Anawim của Thiên Chúa Giavê.

NGÀY 19/12: ÂN HUỆ TUYỆT VỜI CỦA THIÊN CHÚA

Lc 1, 5-25

Samson và Gioan Tẩy Giả là hai nhân vật làm rõ nét bộ mặt đầy yêu thương, nhân hậu của Thiên Chúa. Tất cả đều nói lên ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cho dân Israen và dân Chúa. Vì rằng cả hai vị Samson và Gioan đều được sinh ra trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt: cha mẹ đã cao niên, son sẻ. Thiên Chúa đã làm những sự lạ để nói lên tình thương tuyệt đối của Người…

Bài đọc I của sách thứ luật cho thấy Samson được đản sinh để cứu dân Do Thái khỏi quân Philitinh lì lợm. Còn Gioan Tẩy Giả được sinh ra là để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Samson và Gioan đều được tràn đầy Thánh Thần. Các Ngài là dấu chỉ của sự có mặt thường xuyên của Thiên Chúa giữa thế gian. Tuy nhiên,đoạn Tin Mừng chỉ ra rằng việc Chúa sinh ra biến đổi lịch sử và vận mệnh của nhân loại, của con người. Người không cần đến những con người được sinh ra một cách lạ lùng, khác thường nữa mà Người đã thay đổi con người, nhân loại từ địa vị tôi đòi nên địa vị con Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã can thiệp vào vận mệnh con người, vì thế Người đã làm cho con người được thừa hưởng vương quốc của Người: vương quốc yêu thương, vương quốc nước trời. Thiên Chúa can thiệp để có Samson và Gioan để dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến. Còn chúng ta, Thiên Chúa đưa chúng ta sống liên kết, gắn bó và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, trở nên những Kitô hữu, trở nên con cái đích thực của nước Thiên Chúa.

Đây là mầu nhiệm cứu chuộc mà Thiên Chúa mời gọi nhân loại chiêm ngắm, gẫm suy nếu không có bàn tay can thiệp của Thiên Chúa, Samson, Gioan Tẩy Giả và chính Chúa Giêsu cũng không được sinh ra. Thiên Chúa can dự vào lịch sử nhân loại là để diễn tả hết nỗi lòng của Thiên chúa chạnh thương, nhân nghĩa. Nếu Thiên Chúa không dấn thân, can thiệp, nhân loại không thể nào có ơn cứu độ.

Mãi mãi chiêm ngắm bộ mặt đầy yêu thương của Thiên Chúa, nhân loại sẽ nhận ra tình thương bao la hải hà của Thiên Chúa và do đó con người sẽ thán phục ca ngợi: Tình thương Chúa đời đời con ca tụng(Tv 88 ).

NGÀY 20/12: THIÊN CHÚA HỨA CHO NGƯỜI NỮ CÓ CON

Lc 1,26-38

Trong những ngày trước đây, ta nhận thấy tình thương hải hà, vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với dân của Người khi Chúa ra tay can thiệp vào lịch sử, vào vận mệnh của con người. Hôm nay, Thiên Chúa lại hứa cho người trinh nữ có con.

Đây là ân huệ cao vời, nhưng không của Thiên Chúa đối với con người. Tất cả đều Khởi đi từ phía Thiên Chúa.

Tất cả các bài đọc trong thánh lễ hôm nay đều nói lên hồng ân lớn lao của Thiên Chúa Bài đọc I, ngôn sứ Isaia tường thuật lại dấu chỉ Thiên Chúa can thiệp vào sự sống còn của dân Người. Vua Akhaz bị cơn nguy khốn, dân Yuđa bị hai nước Aram và Israen nghênh chiến, tiến đánh. Xét về phiá người phàm, Yuđa vô phương thoát nạn. Giữa cơn khốn cùng, Yuđa và vua Akhaz hoàn toàn buông xuôi, bất lực và chắc chắn sẽ bị ăn tươi, nuốt sống, lúc đó Thiên Chúa đã ra tay cứu vớt. Người cho một phụ nữ sinh con, Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng. Đây là bằng chứng sự can thiệp của Thiên Chúa. Chính Người sẽ ra tay bênh đỡ, chở che nhà Đavít và như thế, Aram và Israen sẽ không làm gì được Yuđa và vua Akhaz. Sự gì con người cho là bất lực,Thiên Chúa sẽ làm cho có uy lực và tràn đầy nhựa sống. Tuy nhiên, việc cho người nữ sinh ra Emmanuel là hình bóng mà Tin Mừng Luca đề cập đến là Thiên Chúa đã tuyển chọn người nữ tử Sion là Maria, một người nữ đã khấn giữ mình đồng trinh, sẽ không thể sinh con được, nhưng Thiên Chúa đã nâng Mẹ và từ nơi cung lòng Mẹ, bởi quyền năng của Chúa và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu, tức Emmanuel đích thực sẽ được sinh ra cho nhân loại đời đời.

Thánh lễ hôm nay sẽ nhắc ta ý thức thân phận yếu hè, bất lực của ta. Điều con người tưởng không thể thực hiện, Thiên Chúa sẽ thực hiện. Lòng khiêm nhường, đơn sơ, khao khát Chúa sẽ giúp ta có Chúa và làm được những điều ta tưởng bất lực: ”Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”, thánh Phaolô đã viết đầy xác tín trong cảm nghiệm cá nhân Ngài cho tín hữu Philipphê. Ta hãy noi gương Mẹ Maria nói lời xin vâng với thái độ hoàn toàn khiêm cung, phó ta của ta. Chúa sẽ ban ơn nhưng không cho ta để ta sống trọn vẹn ”Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người”.

NGÀY 22/12: LỜI XIN VÂNG VÀ TẠ ƠN CỦA ĐỨC MARIA

Lc 1,46-56

Trong cuộc đời của con người, lòng tin dậy cho ta rằng không có một sự cố nào dù vui, buồn, dễ dàng hay khó khăn nào mà lại không do hồng ân của Chúa ban cho. Ý thức điều đó ta sẽ cảm thấy an lòng vì mọi sự ở đời này đều nằm trong sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa Giavê.

Con người khi gặp những cảnh huống khác nhau trong đời sống, ngồi lại, trong thinh lặng, người ta dễ nhận ra nhữnng dấu chỉ qua những biến cố, Thiên Chúa muốn dậy ta cái gì. Chẳng hạn, nơi bài đọc I, trích từ sách thứ nhất của Samuel, ta thấy Thiên Chúa quả không bao giờ để con người phải tủi nhục u sầu khi có lòng trông cậy, tín thác vào Chúa. Bà Anna là trường hợp điển hình, bà đã bị khinh chê, tủi nhục vì son sẽ, không sinh con. Thiên Chúa đã cất nỗi khổ nhục của bà bằng cách cho bà sinh ra người con trai là Samuel mà hôm nay đáp lại tình thương vô biên của Chúa, bà đã dâng hiến đứa con duy nhất ấy cho Thiên Chúa để Ngài hoàn toàn xử dụng theo ý muốn. Tuy nhiên, bà Anna, mẹ của ngôn sứ Maria chỉ là hình bóng của một người nữ hết sức tuyệt vời khác Maria.

Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn trong muôn muôn vàn người nữ. Mẹ là nữ tử Sion đã được vô nhiễm nguyên tội và hoàn toàn trinh trong khi cưu mang Đấng Cứu Thế bởi phép Chúa Thánh Thần. Mẹ đã được Thiên thần Gabrien chào mừng là người diễm phúc, Mẹ đã khiêm tốn, đơn nói lời xin vâng ý Chúa suốt cuộc đời và trong tâm tình biết ơn Thiên Chúa đoái thương, Mẹ đã cất cao lời tạ ơn trong bản Magnificat mà Tin Mừng của thánh Luca vừa thuật lại. Rồi suốt cuộc sống của Mẹ, Tin Mừng ít khi nói đến Mẹ ngay cả trong biến cố chết và phục sinh của Chúa. Vì Mẹ đã được cứu chuộc ngay khi Chúa Giêsu được cưu mang trong cung lòng tinh tuyền,vẹn sạch của Mẹ. Đời của Maria chỉ gồm tóm trong tiếng xin vâng và tạ ơn. Hai tiếng ấy chỉ được cất lên một lần trong đời nhưng nó kéo dài mãi mãi trong cuộc sống của Mẹ và mãi mãi để lại âm hưởng sống động trong lịch sử cứu độ con người. Đời mỗi người chúng ta đáng lẽ phải là lời xin vâng và tạ ơn trong lòng tin, nhưng có lẽ vì quên hay vì cố tình, ta đã quên lời xin vâng và tạ ơn của Mẹ Maria. Ta đã sống hời hợt quên đi ơn huệ dồi dào Thiên Chúa vẫn tưới đổ trên ta. Ta sẽ được diễm phúc khi biết chấp nhận từng biến cố đang xẩy ra trong đời ta với lời xin vâng và tạ ơn như Đức Mẹ.

Xin Chúa dậy chúng ta luôn biết nói lời xin vâng và tạ ơn như Đức Mẹ với tất cả đức tin sâu xa của ta.

NGÀY 23/12: MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ NGÔN SỨ CỦA CHÚA

Lc 1, 57-66

Ngôn sứ Malaki hôm nay cho nhân loại hay rằng Thiên Chúa sẽ sai một thần sứ đi trước để dọn đường cho Chúa…

Vị ngôn sứ ấy theo thánh Luca có lẽ chính là Gioan Tẩy Giả được tuyển chọn để nối kết giữa giao ước cũ và chuyển tiếp giao ước mới. Gioan là vị ngôn sứ công bố ý định của Thiên Chúa và là là để dọn đường cho con người đón nhận Đấng Cứu Thế.

Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng,nhưng khi Chúa Giêsu nhập thể thì chính Thiên Chúa mạc khải tất cả qua người Con của Ngài là Đức Giêsu. Người Con của Thiên Chúa là Chúa Giêsu là sự diễn tả hữu hiệu nhất và cụ thể nhất của tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại.

Chúa Giêsu là lời mạc khải của Thiên chúa đã mang một sứ mệnh hết sức lớn lao của Cha là cứu chuộc đời và loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Lời của Ngài, các phép lạ của Ngài làm là lời sống động và mãnh liệt nhất đưa con người từ bóng tối tới ánh sáng. Và cuối cùng theo ý định của Cha, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết trên thập giá để mang lại nguồn ơn cứu thoát và ban sự sống cho con người. Lời ấy được diễn tả nơi câu:”Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta” hoặc ”Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người”.” Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không thúi đi thì nó không nhiều bông hạt”. Chúa Giêsu đã chọn ta để ta không những trở nên ngôn sứ của Chúa mà còn trở nên những con người đầy ắp Giêsu để ta làm chứng cho Chúa như lời ngôn sứ Malaki loan báo: chống thế gian, chống đè nén, áp bức, ngoại tình và hoàn toàn kính sợ Thiên Chúa. Ta phải noi theo lời Chúa qua việc Chúa nói trong Tin Mừng Matthêu 25:” cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới ăn mặc vv…”. Thực hiện được những điều đó ta sẽ được Chúa yêu thương chúc phúc.

Chúa mời gọi con người hiệp nhất với Ngài, trở nên giống Ngài. Xin Chúa ngự xuống tâm hồn ta trong thánh lễ này để Ngài đổi mới ta và giúp ta đem bình an, tình thương đến cho mọi người như Chúa đã giáng sinh xưa trong hang đá Bêlem để Ngài đem hòa bình cho nhân loại.

Ngày 24/12: SỬA SOẠN HANG ĐÁ CHO CHÚA SINH RA

Lc 1,67-79

Suốt mùa vọng, chúng ta đã tỉnh thức và cầu nguyện theo lời Chúa dậy bảo. Ta cũng ráo riết chuẩn bị tâm hồn và một cách cụ thể sửa soạn hang đá máng cỏ cho Con Thiên Chúa giáng trần ngự trị. Đã hơn 2.000 năm, Chúa vẫn tiếp tục gõ cửa nhà ta, liệu ta có sẵn sàng để Chúa ngự trị hay không?

Đọc lại Cựu Ước, ta nhận thấy sau khi vua Đavít đã thiết lập được một vương quốc an bình, thịnh vượng, vua đã muốn xây cho Thiên Chúa một đền thờ. Ước nguyện này của vua chứng tỏ vua biết ơn Chúa, biết quên mình đi để nhớ tới Chúa. Chính vì thế, khi vua ngỏ ý muốn dâng cho Chúa một ngôi đền thờ, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Na- than đến gặp vua Đavít và hứa với vua những điều tốt đẹp: Chúa hứa sẽ tiêu diệt quân thù trước mặt vua, sẽ làm cho danh vua nên uy hùng, cao trọng, sẽ ban hòa bình cho triều đại vua mãi mãi và sẽ làm cho dân Israen được hưởng cảnh thái bình thịnh trị. Lời hứa của Chúa cho hay Ngài luôn làm những điều lớn lao hơn con người ước muốn. Trước khi Đavít ngỏ ý làm nhà cho Chúa, Ngài đã làm cho Đavít những điều lạ lùng, lớn lao: Chúa đã chọn vua từ địa vị người chăn chiên và cất đặt Đavít lên hàng cao cả, nên chức vị vua uy dũng, uy hùng.

Với ta hôm nay, Thiên Chúa cũng đối xử với ta như Ngài đã đối xử với vua Đavít. Ta làm gì cho Chúa, Ngài đã biết và Ngài lại đi trước ta, làm cho ta những điều ngoài sự mơ ước của ta. Nên, khi đang hăng say sửa soạn đèn sao, chuẩn bị hang đá, ta đừng quên vô số ơn huệ và tình thương Chúa dành cho ta. Noi gương ông Giacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, ta hãy cất cao lời vãn” Chúc tụng Thiên Chúa Israen vì Người đã viếng thăm dân Người. Hợp với Mẹ Maria và thánh Giuse, ta hãy đón chờ Chúa tới với tất cả lòng tin của mình. Dọn hang đá máng cỏ, ta đừng quên tâm hồn, hãy làm cho con tim, trí óc và con người ta trở thành hang đá máng cỏ cho Chúa Giêsu ngự trị.

Đã hơn 2.000 năm, Chúa vẫn tiếp tục gõ cửa lòng ta. Ta hãy sốt sắng xin Chúa ban cho ta biết kết hợp với mẹ Maria, thánh Giuse, các thiên thần và triều thần thiên quốc chiêm ngắm mầu nhiệm cao cả, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người sống với, sống vì và sống cho chúng ta. Người đã yêu thương mọi người và còn tiếp tục qui tụ con cái tản mác trở về với Chúa.

Lễ giáng sinh không chỉ là bề ngoài, hời hợt mà là ta sống cái mầu nhiệm thẳm sâu, Con Thiên Chúa cứu chuộc gian trần vì quá yêu thương con người.

Lạy Chúa, xin cho nhân loại được nhận biết ánh sáng chân lý của Chúa.