LINH MỤC VIỆT NAM: ĐỨC KITÔ THỨ HAI

Trong Thư 1 gửi tín hữu thành Corintô, Thánh Phaolô viết (11:23-26): « … trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết ».

Nhờ đoạn Thánh thư này, Thánh nhân thuật lại cho chúng ta Đức Kitô, để nuôi phần hồn Kitô hữu, đã lập Bí tích Thánh Thể và để truyền phép Bánh Rượu trở thành Mình và Máu Chúa, Người đặt sứ vụ Linh mục, tức Đức Kitô thứ hai, nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh.

Bất hạnh cho Dân tộc Việt, đám người cộng sản biết ‘Đức Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống’, nên chúng phải dùng Quyền và Tiền chiêu dụ các Linh mục phản Kitô đánh phá Giáo Hội Công Giáo bằng thứ siêu quyền bề trên do Đảng ban phát. Đa số tín hữu không phân biệt được thế nào là làm chính trị hay không đã tạo điều kiện để họ gây khó khăn cho các Đức Giám Mục hành sử năng quyền Giáo Hội qui định, kèm Thánh Lành đến từ Chí Thánh.

I. THẰNG KHÙNG.

Tham vọng Cộng sản Quốc tế, do Liên xô lãnh đạo, là phải tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo, hay ít nhất đặt Tôn giáo này, với những Giáo sĩ chủ trương ‘đối thoại, không đối đầu’, nhưng khi thực hiện tiến trình đối thoại, Cha đối diện với một đảng viên độc tài, nhiều khi vô học, và, bên cạnh là một ‘ông cha đỏ’ chỉ muốn Bề trên đồng ý để tạo niềm tin của đảng, như đại biểu quốc hội càng tốt, vì dù có bị tâm thần mà, với cơ chế ‘đảng cử, dân bầu, thì ‘chắc ăn’. Nhắc đến chiêu bài ‘đối thoại, không đối đầu’, chúng ta hãy nhớ câu hỏi ngạo mạn của trùm cộng đảng Liên xô Joseph Staline: ‘Đức Giáo Hoàng có bao nhiêu sư đoàn ?’

Tại Trại giam Cổng Trời (nơi núi thật cao gần như chạm đến trời ở Hà giang, gần biên giới Việt Nam –Trung quốc), năm 1960, một tử tội được nhiều người khác đặc biệt lưu ý, bị trừng phạt vì tội gì, ít ai rõ. Tội hình sự hay chính trị, khó ai tin vì anh không có dáng của kẻ cướp bóc, sát nhân và cũng không có phong độ người làm chính trị. Bộ dạng anh ngu ngơ, dại khùng. Tuổi cũng khó đoán: có thể 30, mà cũng có thể là 50. Là người quá nghèo lời nói, anh chỉ nhếch mép cười. Gặp ai, anh đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với ai. Ở con người anh ta có một cái gì đó làm một vài tù nhân khác đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Tuy nhiên, hầu như mọi người trong trại, quản giáo lẫn phạm nhân, kể cả những kẻ hung dữ nhất, đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, người cho miếng bánh.

Ở đây, anh khâm liệm tù chết, một đặc quyền mà không ai tranh hay muốn tranh với anh. Khi có tù chết, giám thị trại cho gọi ‘thằng khùng’ (tên họ đặt cho anh) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ người chết nào, anh đều khâm liệm chu đáo. Anh nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ. Lúc đó, miệng anh ta cứ mấp máy nói mà không ai nghe rõ. Anh rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc người chết, nếu có tóc. Anh chọn bộ áo quần lành lặn nhất của họ, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu họ không có áo quần gì, anh đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi hoàn tất các những việc trên, anh quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người chết, bật khóc đau đớn và thống thiết đến ai cũng có cảm giác người nằm trong quan tài là anh em ruột thịt, khiến giám thị trại gọi anh lên:

- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?

Khúm núm chấp tay, anh thưa:

- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.

Thấy ‘thằng khùng’ nói có lý, giám thị trại mặc cho nó khóc thỏa thích, nhưng nhiều bạn tù không tin là anh khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh chan hòa nước mắt, toàn thân gầy guộc run rẩy. Tiếng khóc và nước mắt đó chan chứa một niềm tin và thương xót khôn tả đã khến những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn phải rớm nước mắt. Một nỗi đau đớn chân thật như thế đã có khả năng xuyên thẳng vào trái tim con người. Họ cảm nghiệm và đặt câu hỏi ‘Con người này là ai: Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc thánh hiền?’…

Năm 1971, anh được Chúa gọi ra khỏi thế gian nhưng không ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và Cha Cương quản lý Nhà Chung: « Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh! ». (Người cộng sản biết Cha Vinh đã từ chối vi phạm Giáo luật bằng ‘làm chính trị’ để phá đạo, nhưng đã chết vì Ðạo Chúa, nối bước Tiền nhân tử đạo với Thánh Lễ phẩm phục đỏ).

Ngày 20.06.1940, Phó tế Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh được thụ phong Linh mục ở Limoges (Pháp). Năm 1947, Cha về nước và được Đức Cha François Chaize (Thịnh) bổ nhiệm vào sứ vụ Chính xứ Nhà thờ lớn Hà nội. Năm 1954, Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê cho phép Cha và Cha Nhân đưa chủng sinh vào Nam, nhưng cả hai đã xin ở lại sống chết với Địa phận Hà nội và Đức Cha Khuê cử Cha vào chức vụ Tổng Đại diện. Cha tổ chức lớp học giáo lý tại Tòa Giám mục với kết quả mỹ mãn, chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh. Khi Cha làm Hiệu trưởng trường Dũng Lạc, nhà nước ra chỉ thị buộc treo ảnh ông Hồ vào chổ Thánh Giá trong lớp học. Cha không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957, trường bị đóng cửa. Khi Đại học Y khoa Hà nội thiếu giáo sư, Đức Cha cử Cha đến dạy La tinh. Khi Thủ tướng Trung cộng Chu ân Lai đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông hách dịch hỏi: « Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại học quốc gia ư? ». Ít lâu sau, trường không mời Cha dạy nữa.

Năm 1957, muốn lường gạt dân chúng trong nước và cho thế giới thấy là ở Việt Nam, đạo Công Giáo tự do hành đạo, tổ chức những lễ nghi long trọng, tưng bừng, nhân lễ Giáng sinh, nhà nước tự ý sai người đến bắt dây điện, kết đèn quanh Nhà thờ lớn, sau lễ họ đòi Nhà thờ Hà nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công. Năm 1958, gần lễ Noel, chúng tái diễn trò ‘côn đồ’ năm trước, Cha xứ Giuse Maria Trịnh văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên nhà thờ, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, Cha liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân tuôn về rất đông ủng hộ Cha xứ, hai bên to tiếng. Cha Vinh ra can thiệp, sau hồi tranh luận không kết quả, Cha Vinh kéo những kẻ đang leo thang chăng đèn xuống và chính Cha leo lên thang, hai tay đưa cao trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt cho nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn: ‘Tự do thế này!’. Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, việc trang trí không thành.

Hai Cha Căn và Vinh cùng nhiều giáo dân bị công an thẩm vấn và đem Tòa xét xử. Chúng tuyên án: Cha Căn 12 tháng tù treo và Cha Vinh 18 tháng tù ở vì tội: ‘Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân’ (!). Sau đó, Cha bị giam ở Hỏa Lò, rồi bị chuyển đến Chợ Ngọc, Yên Bái và Cổng Trời, nơi dành cho các tù nhân tử tội. Tại trại Yên Bái, Cha còn được ở chung với các tù nhân khác, nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin Cha giải tội, nên vì thế Cha bị kỷ luật, bị biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, Cha lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi: « Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy? ». Cha đáp: « Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình! »

Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một... Một lần, Cha Vinh nhận được gói bưu kiện do Cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi tới, Cha đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công Giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi Cha là ‘bố’. Trong tù, Cha Vinh vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, Cha lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, Cha đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó, có tiếng đồn Cha giỏi võ, mọi người phải nể vì.

Một cán bộ cao cấp ở Hà nội lên Cổng Trời gặp Cha và nói: « Đảng và chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn thế Vịnh (Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà nội ngay bây giờ với tôi ». Cha khẳng khái đáp: « Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi ». Vì không khuất phục được Cha, nên bản án của Cha từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù giam, xà lim biệt giam và án tử.

Bằng hành động Trung thành Thiên Chúa và Phục vụ Tha nhân của mình, Linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh giúp chúng ta nhận biết rõ thế nào là một Đức Kitô Thứ Hai (Alter Christus) không làm chính trị như Giáo luật ngày 25.01.1983 yêu cầu:

Điều 285: (1) Các Giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc Giáo sĩ.

(3) Cấm các Giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, Giáo sĩ không được nhận làm Quản lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các Giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các Giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

II.- LINH MỤC ĐẢNG VIÊN.

Sau ngày 30.04.1975, ‘Ủy ban Liên lạc Công Giáo’ tiếp thu các giáo sĩ đảng viên tự cho là ‘yêu nước’ đem chức thánh ‘Linh mục’ để làm công cụ hầu tạo áp lực buộc Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre, cùng các Đức Cha Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Sài gòn và Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám mục phó với quyền kế vị, phải theo những đòi hỏi vô lý và chống lại thẩm quyền Đức Thánh Cha, Bề trên Giáo Hội. Tội nghiệp các giáo dân lầm đường theo họ để rồi, sau khi sáng mắt, bỏ nước ra đi còn bị đổ tội vô lễ với vị Đại diện Đức Thánh Cha tại Sài gòn thay cho cha Huỳnh Công Minh, sau khi Đức ông Vinh sơn Trần ngọc Thụ, Thư ký Đức Khâm sứ Tòa Thánh lúc đó, về Nhà Cha.

Tháng 11.1983, ‘Ủy ban Đoàn kết Công Giáo Yêu nước’ được Đảng cho phép thành lập và là thành viên Mặt trận Tổ quốc. Các linh mục ‘quốc doanh’ bị nhiều người phê phán có phải việc ‘yêu nước’ là độc quyền của mấy vị trong ủy ban nên nó lại được đổi tên là ‘Ủy ban Đoàn kết Công Giáo Việt Nam’ (UBĐKCGVN) từ tháng 10.1990 và được Chính phủ phê duyệt qua công văn 180/TG-CP ký ngày 22.05.1991… Từ đó, các linh mục này hết yêu nước.

Do tham gia UBĐKCGVN, linh mục Nguyễn văn Bính phải bị phạt treo chén. Linh mục Huỳnh công Minh, đại biểu Quốc hội, đến gặp Đức Cha Philipphê Nguyễn kim Điền, Tổng Giám mục Huế để xin tha vạ cho linh mục Bính. Đức Cha thẳng thắn trả lời rằng người muốn tha phạt cho linh mục Bính nhất là Tổng Giám mục Huế. Tuy nhiên, là linh mục, chắc linh mục Huỳnh công Minh dư biết rằng linh mục Bính không dốc lòng chừa thì làm sao và ai có thể tha được khi linh mục Bính lỗi luật của Hội Thánh. Giờ phút nào linh mục Bính không theo UBĐKCGVN nữa thì tức khắc được tha vạ ngay. Sau đó, Đức Cha Điền bị bắt đi làm việc tại sở công an Bình Trị Thiên, trong hai đợt, khoảng 120 ngày như thư Đức Cha gởi cho Ban Việt ngữ hai đài Vatican và Veritas ngày 10.05.1985. Đức Cha bị đầu độc ngày 06 và chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian ngày 08.06.1988. Cuối cùng, Linh mục Bính đã rời UBĐKCGVN và được Đức Cha Stêphanô Nguyễn như Thể tha phạt.

Trong thư ngày 25.12.1997 để báo cáo với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết: Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Từ giải tán vì vấn đề tiền bạc), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công Giáo Yêu nước tại Thành phố này… Ừ. Như vậy, ‘tứ nhân bang’ này đã thú nhận cho chúng ta biết là, nhờ làm chính trị đảng phái, họ có ‘vấn đề tiền bạc’. Do đó, nhờ chức Linh mục, gia tài của họ còn hơn Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc bị ám sát chết, nhất là Vương Đình Bích, tu hội ‘Đức Mẹ Người nghèo, ít ra mặt vì bận đếm tiền Hồ, lương do tiền dân đóng thuế qua Mặt trận Tổ quốc. Hạnh phúc nhất là Phan Khắc Từ (PKT còn có nghĩa là Phản Ki-tô) đã từng được đảng ưu ái tổ chức mừng thôi nôi tuơm tất cho con trai ông bà Từ vào năm 1986-1987, nên từ đó, tin ‘linh mục Từ có vợ có con’ bay đi khắp nước. Trương Bá Cần (hay Trần Bá Cương) đã qua đời, xin miễn bàn. Quyền hành nhất trong Nhóm là Huỳnh Công Minh (HCM còn là tên của lãnh tụ, thành phố và Tổng Giáo phận, một tên nghe ghê) và còn độc quyền in sách đạo như một Linh mục Sàigòn than. Ông là Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Sài gòn lâu nhất thế giới như Phạm Văn Đồng (người ký Công hàm 1958 và đã hiện diện tại Mật nghị Thành đô với Tàu cộng) không do khả năng hay đạo đức, nhưng do ý đảng. Sau khi trao quyền cho Linh mục Hồ Văn Xuân, cả hai Tổng Đại diện được tháp tùng Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Sài gòn, sang Vatican đồng tế Thánh Lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp Người trao dây Pallium cho các tân Tổng Giám mục ngày 29.06.2014.

Những vị trong UBĐKVN tự cho mình là ‘những người Công Giáo tiêu biểu’, nên Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng đã từ chối gặp vì ‘gọi họ là gì cũng được nhưng Công Giáo tiêu biểu thì không bởi nhiều người đã không còn giữ đạo, họ vợ nọ chồng kia, không chịu các Bí tích và gia đình cũng thế thì sao gọi là Công Giáo tiêu biểu được! ». Trong các bữa liên hoan của tổ chức này có hiện diện đủ cả linh mục, tu sĩ, giáo dân nhưng không thấy họ làm phép trước bữa ăn. Cán bộ Mặt trận phải giục ‘Các cụ làm phép đi’ thì họ mới miễn cưỡng làm cho qua chuyện… Nhân lễ tang linh mục Nguyễn Thế Vịnh ngày 18.12.1983 ghi lại như sau: ‘Buổi chiều về lại Hà Nội, tại trụ sở của UBĐKCG, có nhiều linh mục, kể cả từ miền Nam ra, các nữ tu và giáo dân, ăn uống bừa bãi, nói năng lung tung’. Đức Cha Lê Đắc Trọng nhận xét về những ông ‘Công Giáo tiêu biểu’ này: « Tuy là Công Giáo, nhưng không phải đạo được lợi ở các ông. Trái lại, nếu là người phò đạo sao được vào các chức vị đó. Thường họ là những người có đạo mà không ưa đạo, lấy địch đánh địch, lấy người có đạo để phá đạo. Đó là chính sách từ thời cổ xưa. Đạo không nhờ những người như thế, trái lại phải khổ sở về những người đó. » (Những câu chuyện về một thời, tập 2, tr.207).

Có thể chúng ta thắc mắc tại sao Đức Cha Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài gòn, đã không chế tài các Linh mục này theo Giáo luật. Sứ vụ Đức Giám Mục tại Quê hương, đã khó khăn tại Miền Bắc từ trước và, càng khó khăn hơn sau ngày 30.04.1975, vì tại Việt Nam Cộng hòa, Chánh phủ tôn trọng sự Phân quyền giữa Nhà nước và Giáo Hội. Nếu cần, Tổng thống (Đệ Nhất Cộng hòa) hay Thủ tướng (Đệ Nhị Cộng hòa) mời các Đức Giám Mục đến gặp để đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau như khi Tổng thống Ngô Đình Diệm đề nghị thống nhất chương trình giáo dục tại các trường trung học và chủng viện với các Đức Cha vì không thể có một ‘quốc gia trong một quốc gia’. Có lần, Đức Khâm sứ cũng được mời đến để Tổng thống Ngô Đình Diệm loan báo về qui định treo cờ Tòa Thánh tại Việt Nam. Không bị coi là ‘làm chính trị’ khi Đức Cha Tổng Giám mục Sài gòn đề nghị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức… Các Linh mục đảng viên là ‘con đẻ’ của đảng, nếu các Đức Cha không khéo để nó về ‘mét mẹ’ thì khó yên. Các Linh mục Giáo phận cũng không còn tự do phản kháng mà danh từ luật gọi là ‘hà tì ưng thuận’. Quý Đức Cha hữu trách đã dùng lời khuyên để thức tĩnh họ, nhưng tiền bạc là họ quên lời hứa khi nhận Bí tích Truyền chức để trở thành Linh mục là thánh chức mà Cộng sản triệt để lợi dụng để chống lại Thiên Chúa vì họ lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởũng lãnh đạo Nhà nước và xã hội được ghi trong Điều 4 Hiến pháp 2013.

Trả lời báo ‘Sài Gòn giải phóng’ ngày 29.04.1995, Đức Cha Nguyễn văn Bình đã đề nghị các linh mục, tu sĩ rút dần ra khỏi UBĐK vì ‘nòng cốt phải là giáo dân. Các linh mục, tu sĩ chỉ nên có mặt ở mức độ cần thiết’. Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã trả lời phỏng vấn của ông Jacques Berset, Giám đốc Thông tấn xã Công Giáo APIC (Thụy sĩ) ngày 20.10.1993 và báo ‘La Croix’ (Pháp) ngày 29.10.1993 về những người Công Giáo cộng tác với Nhà nước như sau (xin tóm tắc): « Điều chắc chắn là Giáo Hội Việt Nam phải tiếp tục làm việc và sống… Họ có những lý do của họ: một số người tự nguyện cộng tác, một số vì lòng ngay và tìm một phương thế để thích ứng với thực trạng, để tìm sự dễ dãi cho việc mục vụ, để tránh những hạch sách, trong khi những người khác hoàn toàn chỉ là người xu thời. Không nên lên án tất cả những người ấy. Đối với tôi, điều quan trọng là ý kiến của Tòa Thánh, và Tòa Thánh dạy phải tuân theo luật Chúa ».

‘Làm chánh trị’ là một nghệ thuật lãnh đạo quốc gia bằng thực thi ‘Công Ích và Công bằng xã hội’. Đó là hình thức tuyệt diệu nhứt của Đức Ái. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy chiến tranh, khũng bố và nghèo đói vì những người cầm quyền không thực thi ‘Công Ích và Công bằng xã hội’ mà chỉ lo thu vét cho cá nhân và phe nhóm lợi ích. Người Việt đã chịu bao nhiêu khốn khổ, đói và mất nhà từ ngày 30.04.1975 và, theo mật ước Thành Đô, Quê hương sẽ sát nhập vào Trung quốc, chúng ta không biết Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có bị tan nhập vào Giáo Hội Tàu không hiệp thông với Đức Thánh Cha.

Chúng ta đang sống trong thời gian mừng kính Tiền Nhân Tử đạo tại Việt Nam. Ngày 16.11.2014, các Giáo xứ và Cộng đoàn Việt Nam, tòng thổ hay tòng nhân, cử hành trọng thể Thánh Lễ mừng kính Chư Thánh Tử đạo Việt Nam. Đến ngày 24.11.2014, Giáo Hội Công Giáo toàn cầu cử hành Thánh Lễ nhớ các Thánh Tử đạo Việt Nam. Trong thời gian này, nhờ sự cầu bầu của Chư Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta hiệp thông nguyện cầu Thiên Chúa soi sáng để Dân tộc Việt Nam cùng biết hợp sức để bảo tồn Quê hương hầu Giáo Hội Việt Nam vẫn có nơi để phát triển.

Hà Minh Thảo