Giỗ 100 ngày: CHA AN-BÊ-TÔ TRẦN PHÚC NHÂN VÀ NỖI OAN CÒN ĐÓ

Sáng 14-6-2014, còn chút thời gian tại Sài Gòn, tôi tranh thủ ghé thăm cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân. Cửa phòng của ngài tại nhà hưu dưỡng linh mục Chí Hóa đóng chặt. Tôi bấm chuông hai lần, chỉ nghe được tiếng nói vọng ra từ bên trong, nhưng không thể hiểu được nội dung lời nói. Tôi thử vặn tay nắm cửa, nhưng chốt cửa cũng đã gài chặt. Tôi đành tới thăm cha Lu-y Trần Phúc Vỵ và nhờ cha Vỵ chuyển lời thăm cha Nhân. Trưa hôm đó, tôi nhận được tin cha Nhân đã từ trần. Bao nhiêu kỉ niệm về cha ùa về như trong những đoạn phim quay chậm. Tôi xin được lựa ra đây đôi ba đoạn kí ức nhỏ, như nén hương lòng để tưởng nhớ cha giáo kính yêu.

Đôi mốc thời gian

Tuy sinh trưởng tại miền bắc, nhưng tôi lại có hân hạnh quen biết cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân từ khá lâu, trong tương quan cũng khá đặc biệt.

Lần đầu tiên tôi được gặp cha An-bê-tô là vào năm 1989, khi cha về thăm quê hương Phát Diệm và nói chuyện với anh em tu sinh trẻ. Các vị hữu trách giới thiệu cha như là một học giả uyên thâm trong nhiều lĩnh vực. Anh em chúng tôi được phép nêu vài thắc mắc để cha giải đáp. Lúc đó tôi đang đọc cuốn Đời sống mới trong Chúa Ki-tô, nên đã đặt câu hỏi về Thánh Kinh với thuyết độc tổ và đa tổ. Cha đã trả lời như trong sách.

Giữa tháng 10 năm 1992, tôi thuộc nhóm mười anh em tu sinh giáo phận Phát Diệm được gửi vào Sài Gòn để hình thành một dạng chủng viện chui. Cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân lãnh trách nhiệm làm giám học với một ban giáo sư đông hơn số chủng sinh. Kể từ đó cho tới khi rời Sài Gòn vào năm 1999, cùng với anh em, tôi được cha giáo ân cần dìu dắt. Dường như cha giáo cũng dành cho tôi một sự quan tâm ưu ái đặc biệt.

Quả thật, thời gian được thụ huấn bên cha giáo cùng với những nâng đỡ đầy yêu thương đã dệt nên giữa cha giáo và tôi một tương quan gắn bó thầy - trò như tình phụ - tử.

Vài ba biệt lệ

Trong suốt thời gian được học hành tại Sài Gòn, cha giáo đã dành cho tôi khá nhiều biệt lệ.

Ngay từ những năm đầu theo chương trình triết học, cha đã khích lệ tôi học tiếng Hi-lạp Tân Ước. Vốn kiến thức tiếng Hi-lạp học được từ cha giáo đã là nền tảng căn bản giúp tôi đi xa hơn khi có dịp nghiên cứu chuyên sâu về Kinh Thánh. Khi tới học tại Học Viện Công Giáo Paris, tôi đã có thể dễ dàng bỏ qua năm đầu để bắt đầu môn tiếng Hi-lạp năm thứ hai, rồi với hành trang đó, tôi đã vượt qua kì thi môn cổ ngữ Hi-lạp tại Viện Thánh Kinh Rô-ma.

Ngoài việc cho phép tôi học thêm tiếng Hi-lạp, cha giáo đã luôn khích lệ tôi duy trì và trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là vốn tiếng Pháp đã học ở đại học. Cha đã uốn nắn cách phát âm, đã tạo cơ hội cho tôi sử dụng tiếng Pháp. Đặc biệt, năm 1995, cha cho phép tôi được học song song chương trình thần học và chương trình Anh ngữ tại Đại Học Tổng Hợp, cùng với lời nhắc nhở: “Tôi cho anh đi học đại học, nhưng tôi sẽ theo dõi. Nếu điểm các môn thần học của anh bị thấp xuống thì anh sẽ phải nghỉ chương trình đại học ngay lập tức.”

Sau một năm theo dõi, năm 1996, cha lại khuyên tôi theo môn tiếng Híp-ri. Điểm lại bàn bè đồng môn trong khóa học này, tôi nhận thấy khá nhiều anh chị em đang đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng tại giáo phận hay dòng tu của mình. Tôi không dám cho rằng điều đó là kết quả của môn tiếng Híp-ri năm nào, nhưng tôi nghĩ có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng những anh chị em đó đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những năm tháng theo học với cha giáo.

Cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân và các học trò lớp tiếng Híp-ri niên khóa 1996-1997 tại tu viện Mai Khôi, 44 Tú Xương

Phải nói thêm rằng bận tâm lớn của cha giáo trong nhiều năm trời, nhất là vào những thời điểm khó khăn, là lo đào tạo những chuyên viên trẻ về Kinh Thánh. Trong số những người đang giảng dạy Kinh Thánh ở Việt Nam hiện nay, không ít người đã từng là học trò của cha giáo.

Và nỗi oan của cha giáo

Tôi nghĩ mình đã hơi lan man dài dòng, đã kể về cái tôi hơi nhiều, nhưng mối thâm giao đặc biệt cùng với những năm dài thụ huấn với cha giáo khiến tôi thấy mình có thẩm quyền và trách nhiệm giải oan cho cha giáo.

Đi đâu tôi cũng thường nghe người ta đồn thổi, thậm chí đặt vè về ác mộng mang tên Trần Phúc Nhân. Nào là cha Nhân bắt học đúng từng dấu chấm dấu phẩy, nào là cha Nhân bắt học đúng từng câu từng chữ theo sách cha viết.

Tôi đồng ý là cha giáo rất kĩ lưỡng khi ra đề và chấm bài thi. Tôi đồng ý là cha giáo soi xét từng con số, từng dấu chấm, dấu phẩy trong các bài làm. Nhưng đổ cho cha giáo cái tội bắt học trò học từng dấu chấm dấu phẩy là đổ oan cho cha giáo. Tôi đã học rất nhiều môn với cha giáo trong suốt bẩy năm trời, từ năm 1992 tới năm 1999, tôi chưa bao giờ học thuộc lòng một bài học nào của cha giáo. Thường thường, tôi chỉ học các ý chính trong một bài, rồi khi làm bài, tôi viết lại các ý đó theo lối văn của mình. Thế mà điểm số của tôi thường khá cao, thậm chí có những lần cha giáo đã cho tôi điểm tối đa. Tôi đã nói chuyện này với một vài anh em linh mục từng học với cha giáo, những anh em này cũng đồng ý với nhật xét của tôi.

Phải nói rằng cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân là người rất cẩn trọng trong việc đào tạo nhân sự cho Hội Thánh. Với những ai quen biết, đặc biệt là với học trò, cha luôn tận tình chỉ bảo từng chi tiết nhỏ. Khi viết lách, cha lựa chọn câu chữ rất kĩ càng. Giáo trình của cha cũng được viết rất cẩn thận. Vì thế, học trò làm bài với cha mà viết lách lôi thôi về câu cú hay từ ngữ, hoặc nội dung bài làm thiếu sót, nếu có bị “chỉnh” thì cũng phải coi là chuyện bình thường. Sự cẩn trọng của cha toát lên tình yêu và trách nhiệm đối với Hội Thánh.

Nhưng ngay cả một người luôn đòi hỏi sự rành mạch và rõ ràng trong ngôn ngữ cũng đến lúc không thể nói những câu đơn giản một cách mạch lạc. Sáng ngày 14-6-2014, đứng ở cửa phòng cha, tôi chỉ còn có thể nghe thấy từ bên trong phát ra những âm thanh yếu ớt, không còn tròn vành rõ chữ. Đó âu cũng là giới hạn của kiếp người. Sinh thời, cha giáo từng băn khoăn tìm kiếm lớp người kế tục. Thế hệ học trò nên tiếp tục công việc của cha giáo, như một vế đối thời xưa nhắc nhở : “Phụ nghiệp tử năng thừa”.

LM.Vinh-sơn Trần Minh Thực