Đại Sứ Do Thái bên cạnh Tòa Thánh vừa lên tiếng bảo đảm rằng dù có những vụ lẻ tẻ chống đối Kitô Giáo tại xứ sở ông, các Kitô hữu tại đây vẫn được hưởng đầy đủ tự do và các quyền bình đẳng, không như nhiều nơi khác tại Trung Đông. Trong khi ấy, Quốc Hội Do Thái vừa chính thức tôn vinh Đức Gioan XXIII trong việc cứu nhiều người Do Thái thời Thế Chiến II.

Các thánh điểm Kitô Giáo bị tấn công

Tuy nhiên, ngay trước ngày Đức Phanxicô chính thức đặt chân lên đất nước Do Thái, càng ngày càng có dấu chỉ cho thấy nhà cầm quyền nước này đang vì các áp lực của dân chúng, tỏ nhiều dấu chỉ khá tiêu cực trong chính sách của họ đối với Tòa Thánh nói riêng và với Kitô Giáo nói chung.

Ngày 15 tháng 4 vừa qua, Juan Cole tường trình rằng chỉ vài tuần trước cuộc thăm viếng đầu tiên của Đức Phanxicô tại Đất Thánh, một số các thánh điểm của Kitô Giáo tại Israel và Palestine đã bị tấn công bởi phong trào cực đoan của người định cư Do Thái. Các cuộc tấn công này đã gia tăng kể từ năm 2008.

Cuộc tấn công gần đây nhất diễn ra tại Đan Viện Đức Bà ở Deir Rafat, tọa lạc tại địa điềm của một ngôi làng Ả Rập cũ đã hết dân cư mang cùng tên, phía tây bắc Thành Phố Beit Shemesh của Do Thái. Các chữ bậy bạ bằng tiếng Do Thái đã được phun sơn lên các tường phía ngoài của Đan Viện, trong đó có hàng chữ “Giêsu là một con khỉ và Maria là một con bò”. Trước những hàng chữ này, Thượng Phụ La Tinh là Fouad Twal phát biểu: “Tôi không tin đây là cách thích đáng để đón tiếp Đức Thánh Cha tại chỗ này vào tháng tới”. Tuy nhiên, đây chỉ là biến cố cuối cùng của một chuỗi biến cố được Cao Ủy LHQ mô tả là việc gia tăng 150% các cuộc tấn công từ năm 2008, với riêng thời kỳ 2012-2013 ghi nhận 788 vụ tấn công có báo cáo.

Dù đa số những vụ tấn công này diễn ra tại West Bank, các Kitô hữu tại Giêrusalem và khắp Do Thái cũng bị liên tiếp tấn công. Như loạt bài năm 2012 của tờ Haaretz đã chứng tỏ, các giáo sĩ Kitô Giáo vận áo giáo sĩ thường bị xỉ nhổ khi đi qua Cổ Thành Giêrusalem; đến nỗi một linh mục từng phải nhận định “Gần như không thể nào bước qua Cổng Jaffa mà chuyện đó không diễn ra”. Thực vậy, những cuộc tấn công chống Kitô hữu này, năm 2012, đã trở nên thường xuyên đến nỗi giới lãnh đạo Công Giáo tại Palestine phải ra một tuyên ngôn tựa là Tuyên Ngôn Của Hội Đồng Các Bản Quyền Công Giáo Đất Thánh. Trong tuyên ngôn này, các vị lãnh đạo Công Giáo khẩn khoản yêu cầu các nhà cầm quyền Do Thái chỉnh sửa “giáo huấn khinh miệt” tại các trường học Do Thái. Các ngài cho rằng “thời gian đã đến để các nhà cầm quyền hành động và chấm dứt bạo lực vô nghĩa này và bảo đảm một “giáo huấn tôn trọng” tại các trường học dành cho tất cả những ai gọi mảnh đất này là quê hương”.

Nói về 788 vụ tấn công được báo cáo trong hai năm 2012-2013, chỉ có 276 vụ bị bắt giam, trong đó, chỉ có 154 bị bị kết án.

Do Thái tiếp tục chính sách Do Thái Hóa

Tiến sĩ Christof Lehmann, ngày 16 tháng 4, cho hay cộng đồng Kitô Giáo Giêrusalem cảnh cáo rằng nhà cầm quyền Do Thái đang mưu toan triệt hạ sự hiện diện của Kitô Giáo tại thành phố này để tạo cho người ta cảm tưởng nó là thành phố của duy người Do Thái.

Trong một tuyên ngôn, cộng đồng Kitô Giáo Giêrusalem cho rằng việc đi lại của người thờ phượng bên trong Cổ Thành Giêrusalem hiện đang bị hạn chế gắt gao với nhiều trạm và cổng kiểm soát, khiến việc tự do lui tới Via Dolorosa (Đường Thánh Giá), Nhà Thờ Mộ Thánh và các vùng kế cận Khu Kitô Giáo đã không còn nữa.

Cộng đồng này nhấn mạnh rằng họ coi các biện pháp hạn chế này như các vi phạm trầm trọng tới quyền tự do thờ phượng và nhắc lại rằng các biện pháp nhằm tước bỏ sự hiện diện của cả Kitô hữu lẫn người Hồi Giáo này, nhất là tại Đông Giêrusalem, đã leo thang trong mấy năm gần đây.

Nhà cầm quyền Do Thái cho rằng các biện pháp này cần thiết vì lý do an ninh, chống khủng bố, nhưng cộng đồng Kitô Giáo coi chúng không cần thiết và chỉ phục vụ lý do chính trị và sắc tộc mà thôi.

Trong dịp rước lá từ Đồi Ôliu vào Cổ Thành vừa qua, cộng đồng Kitô Giáo mang các biểu ngữ với hàng chữ “Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Palestine Muốn Công Lý”. Họ kêu gọi ngài, nhân dịp viếng Đất Thánh, có lập trường mạnh mẽ hơn để ủng hộ những người đang đấu tranh dưới quyền chiếm đóng của Do Thái.

Ai cũng biết Do Thái chiếm đóng Đông Giêrusalem sau cuộc chiến năm 1967 và từ đó thi hành một chính sách định cư và một chương trình Do Thái Hóa đầy khiêu khích tại Giêrusalem và các địa điểm khác vốn rất quan trọng đối với cộng đồng Kitô Giáo. Nhiều đan viện Kitô Giáo thường xuyên bị cố tình đốt cháy hay phá phách.

Tin tới tin lui về Nhà Tiệc Ly

Ngày 1 tháng 5, 2014, hãng tin Catholic World News “hồ hởi” đưa tin: một nhà lập pháp Do Thái cho rằng Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đã nói chuyện với Giáo Trưởng Yitzchak Yosef về khả năng có thể nhường cho Tòa Thánh Mộ Vua Đavít, hiện tọa lạc trong ngôi nhà thờ cổ vốn được tôn kính như là địa điểm của Bữa Tiệc Ly.

Tin trên, dù chưa được chính phủ Do Thái xác nhận, đã được đưa ra sau nhiều tin đồn cho rằng chính phủ đang bí mật thương thảo với Tòa Thánh về việc kiểm soát địa điểm này trong tương lai.

Mộ Vua Đavít nằm ở tầng trệt nhà thờ đã có từ thế kỷ thứ tư này tại Giêrusalem. Phòng Tiệc Ly, tức địa điểm diễn ra Bữa Ăn Cuối Cùng, thì ở lầu trên. Các qui định liên quan tới việc lui tới các thánh điểm vốn đã và đang được thảo luận như là một phần trong các cuộc thương thuyết giữa Tòa Thánh và Do Thái, nhằm ký kết một thỏa hiệp ngõ hầu thiết lập được tư thế luật pháp của Giáo Hội tại Do Thái. Tuy nhiên, tháng 7 năm 2013, phó bộ trưởng ngoại giao Do Thái là Zeev Elkin từng lên tiếng bác bỏ tin đồn chính phủ sẵn sàng nhường cho Tòa Thánh quyền sở hữu địa điểm này.

Các cuộc thương thảo về lãnh vực này giữa Tòa Thánh và Do Thái được nhiều người chú ý theo dõi khi Đức GH Phanxicô tới thăm nước này vào cuối tháng.
Nhưng lời tuyên bố của phó bộ trưởng ngoại giao Elkin hồi tháng 7 năm ngoái lại vừa được lặp lại, theo tường trình của Zenit ngày 15 tháng 5. Trong một diễn văn mà tờ Times of Israel có được vào hôm thứ Tư vừa qua, Đại Sứ Do Thái bên cạnh Tòa Thánh là Zion Evrony nói rằng “trái với tin đồn tại Do Thái, không hề có ý định nào chuyển giao cho Vatican chủ quyền hay quyền sở hữu đối với Mộ Vua Đavít hay Phòng Tiệc Ly”.

Ngoại Trưởng Avigdor Liberman cũng đánh tan tin đồn về một thỏa hiệp nhân cuộc thăm viếng sắp tới của Đức Giáo Hoàng. Hôm thứ Ba qua, Liberman nói rằng “Nhà Nước Do Thái không có ý định ký kết với Vatican, nhân cuộc thăm viếng sắp tới của Đức Giáo Hoàng, một thỏa hiệp để chuyển nhượng trách nhiệm đối với các địa điểm như thế này hay các địa điểm khác, hoặc các hành động khác”.

Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ tại thánh điểm này trên Núi Xion gần tường Cổ Thành trong cuộc tông du 24-26 tháng 5 của ngài tại Đất Thánh. Người Do Thái cũng tôn kính địa điểm này như là mộ của Vua Đavít nằm ở tầng trệt của cùng một tòa nhà.

Thánh điểm này là một phần hiện nay của các cuộc thương thuyết về tài sản tại Đất Thánh giữa Do Thái và Tòa Thánh. Tòa Thánh hy vọng được ban quyền sử dụng thánh điểm.

Tuy nhiên, theo Times of Israel, hôm thứ Hai vừa qua, hàng trăm người Do Thái cực Chính Thống đã tổ chức một cuộc biểu tình đòi nhà cầm quyền Do Thái phải duy trì quyền sở hữu. Họ dự tính sẽ tổ chức một cuộc biểu dương nữa vào ngày 22 tháng 5, ba ngày trước khi Đức GH tới đây.

Các tuyên bố của giới chức Do Thái trên đây xem ra mâu thuẫn với lời tuyên bố của TT Shimon Peres với một tờ báo Ý nhân cuộc viếng thăm Vatican vào năm ngoái rằng một thỏa hiệp đã đạt được về Phòng Tiệc Ly và “99%” các vấn đề liên quan tới địa điẻm này đã được giải quyết.

Nhà cầm quyền Do Thái yêu cầu hạ một biểu ngữ ủng hộ Đức Phanxicô

Ngày 14 tháng 5, Kathy Schiffer, dựa vào bản tin của AFP, tường trình rằng các nhà chức trách Giêrusalem, vì sợ các người Do Thái quá khích tấn công, nên đã yêu cầu trung tâm Phanxicô trong Cổ Thành lấy xuống một biểu ngữ hoan hô có hình Đức Phanxicô. Biểu ngữ này được viết bằng ba thứ tiếng Anh, Ả Rập và Do Thái.

Vấn đề phá phách chống Kitô Giáo tại Đất Thánh đã và đang gia tăng như vụ vẽ sơn lên tường Đan Viện Đức Bà ở Beit Shemesh đã nói trên đây. Cùng lúc, có vụ rạch các bánh xe của 5 chiếc xe. Rồi ngày 3 tháng Tư, tại thị trấn Do Thái Jish, một cộng đoàn Maronite gần Safed ở phía bắc bị vẽ khẩu hiệu “Chỉ người không phải là Do Thái mới nên loại bỏ khỏi xứ sở” trên tường. 40 chiếc xe bị rạch bánh.

Theo Reuters, trong năm vừa qua, 14 nhà thờ Kitô Giáo đã bị bôi bẩn. Và một việc đe dọa giết người đã được phun sơn bằng tiếng Do Thái lên Trung Tâm Đức Bà, tại Đông Giêrusalem, nơi hội họp của các giám mục và là nơi Đức Phanxicô sẽ gặp Thủ Tướng Benjamin Netanyahu.

Trong khi ấy, UPI tường trình cuộc biểu tình quần chúng vào ngày 12 tháng 5 vừa qua, qui tụ hơn 200 người Do Thái Chính Thống. Các giáo sĩ với loa phóng thanh đã hướng dẫn đoàn biểu tình. Họ phản đối cuộc viếng thăm Phòng Tiệc Ly của Đức Phanxicô, tức địa điểm được tin là nơi diễn ra Bữa Ăn Tối Cuối Cùng của Chúa Giêsu với các tông đồ. Địa điểm trên đỉnh Xion này cũng là mộ của Vua Đavít. Theo người Do Thái Chính Thống, việc người Kitô Giáo cầu nguyện tại đây, bên ngoài tường thành là mâu thuẫn với giáo huấn chính thống Do Thái.

Giáo Sĩ Avraham Goldstein tuyên bố rằng: “Theo luật Do Thái, đây là vấn đề lớn. Xét về căn bản, họ (các Kitô hữu) đang thôn tính nơi này”.

Đức Phanxicô có một người ủng hộ lớn là Thượng Phụ La Tinh Fouad Twal, thẩm quyền Kitô Giáo lớn nhất tại Giêrusalem. Thượng phụ vừa tổ chức một cuộc họp báo trong đó ngài đề cập tới vấn đề kỳ thị Kitô Giáo. Ngài cho rằng hình đức GH Phanxicô được trưng bày tại Giêrusalem giống các hình ảnh về ngài được trưng bày tại mọi nơi khác trên thế giới, để chào mừng ngài tới thăm. Thượng Phụ nói thêm rằng: Tại Do Thái, người ta vẫn có thói quen trưng hình ảnh các vận động viên thể thao và các cầu thủ túc cầu khi họ tới thăm; và ngài đặt câu hỏi: vậy tại sao lại chỉ trích việc treo hình Đức Giáo Hoàng.

Tại buổi họp báo trên, Thượng Phụ Twal cũng chỉ trích việc thiếu đáp ứng chính thức đối với các cuộc tấn công trên. Ngài nói: “Dĩ nhiên việc này phá hoại nền dân chủ mà Do Thái vẫn cho là mình đề cao… Các cuộc tấn công chỉ bị các nhà lãnh đạo Do Thái lên án bằng miệng nên ít người bị bắt. Khi người tốt không làm gì cả thì kẻ dữ đương nhiên chiến thắng”.