Trong thời Chuá Giêsu, Bộ Luật Talmud cuả Do Thái dậy rằng "Hành động rửa chân cho người khác là một hành động chỉ dành cho những người nô lệ, những người Do Thái khác không được làm việc này cho bất cứ ai". Cho nên hành động cuả Chuá rửa chân cho các môn đệ phải được kể là một hành động cực đoan đáng gây tranh cãi...mà quả thực đã có những môn đệ hốt hoảng cự tuyệt không chịu 'được rửa chân'.

Ngày nay cũng vậy, nhiều người vẫn không thoải mái nhìn thấy hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô rửa chân cho tù nhân, bệnh nhân, thậm chí cho cả những người đàn bà ngoại đạo.

Từ trước đến nay theo truyền thống, các Giáo Hoàng chỉ rửa chân cho 12 linh mục.

Theo Sách Lễ Rôma, năm 2002, thì chỉ có "người lớn nam giới " có thể được rửa chân trong Thánh Lễ Tiệc Ly để noi theo truyền thống Kinh Thánh là Chúa Giêsu đã rửa chân cho 12 người đàn ông.

Sự lựa chọn 12 linh mục cũng là để biểu tượng tổ chức tư tế mà Chúa Giêsu đã lập ra trong Bữa Tiệc Ly.

Năm nay cũng như năm ngoái, Đức Thánh đã tiếp tục không làm theo truyền thống, không thực hành việc rửa chân trong một Thánh Lễ Tiệc Ly trang trọng tại Đền Thánh mà Ngài đã đến một bệnh viện cho người già và tàn tật, thuộc cơ quan Fondazione Don Carlo Gnocchi, để rửa chân cho 12 người khuyết tật, bao gồm nhiều tuổi tác, sắc tộc và tôn giáo khác nhau.

Những người được chọn cho vinh dự đặc biệt này gồm có một cậu bé 16 tuổi người đảo Cape Verde (thuộc Bồ đào Nha) đã bị tê liệt sau một tai nạn lặn biển năm ngoái, một thanh niên 19 tuổi và một phụ nữ 39 tuổi mắc chứng bại não, hai cụ già 86 tuổi đi xe lăn trong đó một người bị bại liệt từ lúc còn trẻ. Một cụ già khác là người Hồi giáo xứ Lybia tên là Hamed, 75 tuổi. Một người bị viêm màng não, một người bị rối loạn não, một người bị hội chứng Down và một người bị chứng động kinh.

Sự việc một vị chủ tế rửa chân cho những thành phần khác ngoài thành phần "người lớn nam giới " thực ra cũng không phải là chưa từng có. Trong nhiều năm trước đây, nhiều giám mục trên thế giới đã được Vatican cho phép để rửa chân cho phụ nữ. Đức Tổng Giám mục của Buenos Aires, Argentina, tức là vị đương kim Giáo Hoàng, cũng đã được phép rửa chân cho những thành phần đặc biệt kể từ năm 2001. Ngài từng rửa chân cho bệnh nhân SIDA, cho các bà mẹ trẻ và cho những người nghiện ma tuý.

Nhưng cho đến khi Ngài đắc cử Giáo Hoàng, thì chưa có một vị Giáo Hoàng nào đã dám đi ngược lại quy tắc Vatican. Qua sự lựa chọn thay đổi một truyền thống như thế, đức Phanxicô đã chứng tỏ Ngài đang triệt để noi theo hành động cực đoan cuả Chúa Giêsu trong bối cảnh ngày nay.

Qua việc né tránh không thực hành một truyền thống lâu đời, Đức Phanxicô có ý muốn nhấn mạnh đến tinh thần chứ không phải là áp dụng theo 'từng chữ' của lề luật, là một cái gì đó mà chính Chúa Giêsu đã làm bằng cách phá vỡ truyền thống của người Do Thái trong việc rửa chân cho các môn đệ.

Mà thực thế, cái Tinh Thần, cái ý nghĩa cuả việc rửa chân cho người khác là sự khiêm tốn và phục vụ. Qua hành động rửa chân, người lãnh đạo trở thành người đầy tớ cho thuộc hạ cuả mình.

Theo 'Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích' thì nghi lễ rửa chân là để "thể hiện sự phục vụ và tinh thần bác ái của Chúa Kitô, Đấng đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ. "

Theo linh mục Thomas Rosica, phát ngôn viên đài Vatican, thì cử chỉ của ĐTC Phanxicô cũng nhằm mục đích " ôm hôn những người bị đẩy ra bên lề xã hội. "

Video đính kèm cho thấy ĐTC đã được những nhân viên, bệnh nhân và gia đình cuả họ chào đón tại trung tâm St. Mary of Providence, thuộc cơ quan Don Carlo Gnocchi Foundation.

Trong bài giảng Ngài nói: "Chúng ta đã lắng nghe những gì Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly:.. . Cử chỉ này là một lời chia tay. Nó là di sản mà Người để lại cho chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, và đã làm cho chính mình trở thành tôi tớ, tôi tớ của chúng ta. Đây là di sản của Ngài: bạn cũng phải trở thành tôi tớ của nhau. "

Đức Giáo Hoàng yêu cầu tất cả mọi người hãy áp dụng hành động này cho những thái độ cá nhân mà chúng ta có khi phục vụ người khác.

"Bây giờ tôi sẽ rửa chân cho họ, nhưng tất cả chúng ta, trong lòng chúng ta, chúng ta hãy suy nghĩ về người khác và về tình yêu Chúa Giêsu nói rằng chúng ta phải có cho những người khác. Hãy suy nghĩ về cách chúng ta có thể phục vụ tốt hơn. Bởi vì đó là những gì Chúa Giêsu muốn từ chúng ta. "

Sau lời giảng, Đức Thánh Cha đã rửa chân cho 12 người khuyết tật và người già.

Chúng ta có thể thấy Ngài có vẻ mệt, khó khăn mỗi khi đứng dậy, tuy nhiên Ngài đã quì xuống trước mặt từng người một, rửa và cẩn thận hôn chân của mỗi bệnh nhân.