NHỮNG NGƯỜI CON Thiên Chúa

Chúa Nhật 30.03.2014, lúc 20 giờ, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn đã tổ chức Thánh Lễ cầu nguyện Công lý và Hòa bình. Nhân dịp này, ông Nguyễn Hữu Cầu, người sau 32 năm bị giam trong ngục tù cộng sản đã làm chứng về hành trình Đức Tin của mình. Sau đó, lúc 7 giờ thứ Hai 07.04.2014, cũng tại giáo đường này, Thánh Lễ an táng thầy giáo Phêrô Đinh Đăng Định được cử hành với ngót một ngàn thân nhân và bạn hữu thương tiếc người yêu nước. Thật đây là cơ hội để những người con Thiên Chúa vinh danh Người trên trời và Bình An dưới thế cho người thiện tâm.

I.- CẦU NGUYỆN CÔNG LÝ và HÒA BÌNH.

A./ Sự cần thiết cầu nguyện cho Công lý…

Như mọi quốc gia, Việt Nam có một nền Công lý. Trong khi đa số các nước khác chỉ đơn thuần gọi là Cộng hòa, thì Quê hương chúng ta lại thêm cụm từ ‘xã hội chủ nghĩa’, với quyền Hành pháp được trao cho Chủ tịch nhà nước và Thủ tướng, không do dân bầu, chỉ do Đảng cử và Quốc hội phê. Đại biểu cơ quan này cũng do Mặt trận Tổ quốc chọn để buộc dân bầu. Vì không tốt, nên trên thế giới, chưa đến mười nước áp dụng mô hình này.

Công lý được tôn trọng khi cần phải:

1- gắn liền với luật pháp phổ quát theo luật tự nhiên vì, xa lìa lẽ phải, nó không còn là luật nữa mà là một sự bất công’. Pháp chế sử Việt Nam chỉ công nhận ‘phép vua thua lệ làng’ những phong tục mang tính cách đạo đức từ Tổ tiên, chứ không theo chủ nghĩa Mác-Lênin ngoại lai;

2- bắt đầu từ đạo đức và gắn chặt với ý thức về bổn phận. Công lý được hành động vì tha nhân chứ không vì bản ngã ích kỷ, phải sống trong tương quan với người khác chứ không hành động như một cá nhân cô độc. Ở Việt Nam, hầu như người ta chỉ nghĩ vấn đề cơm áo, nghi lễ và tiểu tiết vụn vặt nên Công lý đã bị bóp nghẹt: mạnh thì ‘cưỡng từ đoạt lý’, yếu thì ‘rủ rê tình cảm’;

3- có sự Công bằng trong mọi khía cạnh đời sống, không thiên vị thì Công lý mới được tỏ hiện.

4- phải biết đối thoại, hoà giải bao dung trong mọi việc. Khi đồng ý và chia sẻ với nhau những giá trị chung từ trong tâm khảm, chúng ta sẽ cảm nhận được Chân lý và như vậy Công lý sẽ được bộc lộ ra ngoài. Ở Việt Nam, người ta ít có tinh thần đối thoại, lắng nghe và hiểu biết nhau để tìm đến một cái chung và tha thứ cho nhau.

Ngày 07.02.2014, Nhóm Công tác (the Working Group) thuộc "cơ chế kiểm định kỳ phổ quát" (UPR, The Universal Periodic Review), chu kỳ II của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc họp tại Geneve, Thụy Sỹ đã trao cho phái đoàn Việt Nam 227 điều khuyến nghị yêu cầu xem xét để bảo vệ Nhân Quyền căn bản thuộc 5 lĩnh vực quan trọng cần thực thi:

1) Tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp;

2) Quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo;

3) Hủy bỏ án Tử hình hoặc xét lại hình phạt quá nặng này đối với nhiều tội phạm;

4) Hủy bỏ hoặc Tu chính các Điều 79, 88, 258 Bộ Luật hình sự mơ hồ và bị lạm dụng nhằm hạn chế tự do;

5) Yều cầu sửa lại hai Nghị định 72 và 174 đã hạn chế và kiểm soát hoạt động của Truyền thông Xã hội và các Tổ chức Phi Chính phủ.

Riêng Hoa Kỳ đã công khai yêu cầu Việt Nam trả tự do ‘vô điều kiện’ cho các tù nhân chính trị Luật Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cầy và Trần Huỳnh Duy Thức.

B.- … và cho Hoà bình.

Chúng ta không thể chỉ quan niệm Hoà bình là tình trạng không chiến tranh. Từ cách nay 39 năm mãi đến bây giờ, hàng triệu người Việt Nam vẫn bỏ nước ra đi vì mọi người nhận biết Hòa bình chỉ có khi hội đủ 4 yếu tố: Sự Thật, Công Lý, Công Bình và Tự Do.

Thánh Lễ đồng tế do Cha Antôn Lê Ngọc Thanh, phụ trách Truyền thông Chúa Cứu Thế, chủ tế và Cha Phanxicô Nguyễn Văn Nhứt, Dòng Đa Minh, giảng lễ. Ngoài những người Công Giáo và không Công Giáo thường xuyên tham gia hiệp thông cầu nguyện cho những tù nhân lương tâm hàng tháng, cộng đoàn chú ý đặc biệt tới người đàn ông ngồi ở hàng ghế đầu.

Sau khi gợi ý cầu nguyện trong Thánh Lễ, Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Trưởng Văn phòng Công lý và Hòa bình, giới thiệu ông Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Cầu, 67 tuổi, một tù nhân lương tâm mới ra khỏi tù. Trong nhà tù, ông đã được Cha Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ, dạy Đạo, sau đó ông tin theo và lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.

II.- GIÁO DÂN G.B. NGUYỄN HỮU CẦU.

Trước Thánh Lễ, gặp ông Huỳnh Anh Trí, một cựu tù nhân lương tâm bạn tù, ông nói: « Trí ơi Trí đây là thật hay mơ? Nếu là thật thì hạnh phúc quá. Nếu là mơ thì tí nữa cán bộ sẽ gọi Nguyễn Hữu Cầu và Huỳnh Anh Trí ra nhận cơm ». Sau hàng chục năm bị giam trong ngục tù, được tham dự Thánh Lễ với tư cách một Kitô hữu, ông Cầu đã xúc động mạnh. Sau Thánh Lễ, ông cho biết: « Tôi cứ nghĩ đây là giấc mơ thôi. Tôi cứ nhéo tay tôi xem có phải là sự thật không. Ở trong tù, tôi ước mơ được vào một nhà thờ nho nhỏ nhưng không ngờ lại được vào nhà thờ to như thế này. Tôi cứ nghĩ, tôi đang mơ mơ, lát nữa tỉnh dậy thì lại thấy đây là cái nhà tù thì… Tôi rất hạnh phúc vì được tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa ».

A. Người tù vô tội.

Xin mời chúng ta hãy nhìn về dĩ vãng: ngày 30.04.1975, Việt Nam Cộng hòa bị bức tử, nhiều người bỏ nước ra đi… nhưng những người yêu nước đã chọn ở lại xây dựng Quê hương, trong đó Đại úy nhạc sĩ Quân đội VNCH Nguyễn Hữu Cầu, đang sống với vợ và hai con, một gái Nguyễn Thị Anh Thư 4 tuổi và một trai vừa 2 tuổi. Ông bị đi tù cải tạo, bà bồng con trai đi xây duyên mới. Anh Thư nay sống ở nhà người này mai tới nhà khác, làm lụng vất vả để kiếm bát cơm qua ngày, chưa từng được cắp sách đến trường. Sáu năm sau, ông về chỉ được gặp con gái vài lần… và, vào một hôm rằm tháng 8, bị chúng hùng hổ xiềng trói bắt đi, giam cầm tra khảo và đưa ra tòa xét xử với bản án tử hình về tội ‘chống phá chính quyền’ rồi tự động giãm còn chung thân khổ sai. Lúc bà nội Anh Thư còn sống thỉnh thoảng có dẫn cháu đi thăm ông, nhưng khi bà mất, cô không nuôi nỗi lấy thân làm sao dám nghĩ đến chuyện đi thăm nuôi Ba được.

Trong suốt thời gian đó, con trai ông Cầu theo mẹ về sống và mang tên Trần Ngọc Bích nên chỉ biết mình là con ông Trần Văn Phụng. Gia cảnh tuy có khó khăn nhưng Ngọc Bích may mắn được đi học và tốt nghiệp trường sư phạm rồi đi dạy. Năm 2002, anh được bầu chọn là giáo viên ưu tú và cơ quan đề nghị kết nạp đảng. Được trở thành Đảng viên là ước mơ, là công danh sự nghiệp, là con đường thăng tiến cho tất cả những ai đang tồn tại trên đất nước này, phải có đảng mới thoát ra khỏi tầng lớp bị trị, mới thay hồn lột xác để đứng vào hàng ngũ giai cấp lãnh đạo, giai cấp thống trị. Mọi đặc quyền đặc lợi đều nằm trong tay đảng. Năm 2003, Chi bộ chấp thuận và chuyển đơn lên cấp trên. Đầu năm 2004, họ cho biết sự thật: giáo viên Trần Ngọc Bích không là con ông Trần Văn Phụng mà là con của tội phạm Nguyễn Hữu Cầu với án chung thân khổ sai. Nghe như Trời Đất điên đảo quay cuồng, Ngọc Bích xé nát và ném tung tờ đơn xin gia nhập đảng. ‘Không! Tôi không cần đảng, tôi chỉ cần phụ tử tình thâm’! Anh chạy về nhà, tìm Mẹ để trách sao không cho biết về thân thế của mình và người chị đang lưu lạc ở đâu. Sau đó, anh đi tìm cha và chị.

Tìm về Rạch Giá hỏi han hết người này đến người khác, Ngọc Bích được biết: trước kia bà nội là giám đốc Nha Khí Tượng nhưng tìm đến nơi mới biết bà nội đã qua đời. Sau cùng, anh gặp một người quen ông Cầu cho biết nơi ông đang bị tù và chị Hai vẫn còn sống tại Sài gòn. Tìm đến nhà tù, nơi đảng và nhà nước đang giam giữ Ba. Vì không biết thủ tục thăm nuôi là phải xin giấy phép từ địa phương nên dù đã van xin, đã năn nỉ hết lời nhưng họ vẫn từ chối, đứng trước cửa nhà tù nhìn qua song sắt, anh gọi: « Ba ơi! Con bất hiếu để Ba trãi qua đoạn trường đói lạnh non một phần ba thế kỷ rồi, Ba bị giam hãm, bị chôn vùi cuộc đời nơi chốn âm u, non phần ba thế kỷ Ba bị đọa đày trong lao tù của đảng mà một thời con đã từng mơ ước mình là một đảng viên! Trời ơi! Non một phần ba thế kỷ ai chia lìa tình phụ tử xót thương thế này? Chị Hai ơi, còn có lời nào để em có thể nói hết nỗi đau đớn hận tủi lẫn xót xa này? ».

Sau đó, Ngọc Bích đi tìm chị Hai và khi liên lạc được, họ hẹn nhau tại bến xe Miền Tây, nhưng vì xa nhau từ nhỏ, không biết nhau, nên phải điện thoại:

- Alo! Chị Hai.

- Bích đó hả, em đang ở đâu ?

- Em đã tới bến xe Miền Tây rồi, em đang chờ chị Hai đây.

- Làm sao chị Hai có thể nhận ra em?

- Dạ, em đang ở cạnh quán cà phê trước cổng bến xe. Em mặc áo sơ mi trắng, quần tây xanh, đội nón Casquette màu xanh,

- Chị thấy em rồi. Chị đang đi tới em đó. Em thấy chị chưa? Chị mặc quần đen, áo trắng cụt tay đi gần tới em đây nè.

- Em thấy rồi chị Hai ơi. Chị Hai em đây nè.

- Ngọc Bích, em của chị,

- Chị Hai…. chị Hai ơi!

- Em chờ chị có lâu không? Chị ra đây đón em từ nhiều tiếng đồng hồ rồi, nhưng chị không biết mặt mày em ra sao. Chị phải ngó chừng, phải hỏi thăm từng người xuống xe đến từ Rạch Giá.

- Chị Hai ơi! Em vui mừng lắm. Phải trải qua nhiều đoạn đường vất vả em mới có thể tìm gặp chị hôm nay. Em tạ ơn Trời Đất đã cho em tìm lại được chị Hai. Em cứ ngỡ như một giấc mơ dài, giấc mơ giữa ban ngày. Em mơ có ngày tìm gặp được chị Hai nay đã thành sự thật…

Sau đó, hai chị em cùng nhau đến thăm Ba nơi Trại tù. Vừa thấy ông Cầu, Anh Thư nói với em:

- Ngọc Bích ơi! Ba của mình ra kìa. Người đàn ông gầy yếu đầu bị nấm tóc, mặc bộ đồ tù có sọc trắng đen là Ba của mình đó,

- Trời ơi! Ba của mình tàn tạ đến như vậy hả chị Hai? Ba ơi! Ba, con là Ngọc Bích là đứa con trai thất lạc của Ba đây,

- Chúng con chào Ba.

- Anh Thư hôm nay có việc gì mà đến thăm Ba bất ngờ vậy? Hoàn cảnh con ở bên ngoài cũng nhiều khó khăn lắm. Một năm thăm Ba một hai lần cho Ba được gặp con, biết con khỏe mạnh là đã an ủi cho Ba lắm rồi... Hình như có ai cùng đến đây với con phải không?

(Ghi chú: mắt ông Cầu không thấy rõ)

- Dạ, thưa Ba! Đó là Ngọc Bích là em trai của con, con trai của Ba đó.

- Hả? Ngọc Bích, con là Ngọc Bích, con của mẹ Bích Nguyệt phải không?

- Dạ thưa phải, Ba ơi, con là Ngọc Bích là con của Ba đây!

- Trời ơi! Con trai của tôi (Nức nở, Nguyễn Hữu Cầu quỳ xuống chấp tay lạy Trời Đất). Xin tạ ơn Trời Đất đã đoái thương, ba mươi mấy năm cha con đã có ngày gặp lại. Con ơi, ba mươi mấy năm dài đăng đẳng ai bồng ai ẵm, ai dưỡng nuôi dạy bảo con nên người? Ba mươi mấy năm rồi, Ba chưa một lần làm bổn phận của người cha. Các con hãy tha thứ cho Ba, vì vai Ba nặng gánh sơn hà và vì thân xác Ba mang xíềng xích ba mươi mấy năm bởi một vụ án oan sai Ba không rửa sạch, Chỉ vì Ba không thể làm ngơ để mặc cho bọn tham quan lạm dụng chức quyền hà hiếp lương dân, giết người vô tội, chỉ vì Ba sống trọn vẹn với lương tâm và lý tưởng của một người con của đất Việt có lương tri. Ba sống không thẹn với tiết tháo một con người dầu trong lúc sa cơ thất thế. Ba xin lổi các con vì Ba đã để con lâm vào cảnh ngộ này. Ba mươi mấy năm dài vất vả điêu linh, gặp lại hai con trong hoàn cảnh tù đầy, còn cảnh đời nào éo le đớn đau hơn. Ngọc Bích ơi, con có tủi thẹn khi biết mình có một người Cha là người bị tù đầy với bản án chung thân?

- Không! Không! Ba ơi! Được gặp Ba là con đã mãn nguyện lắm rồi. Con không cần gì hết. Tất cả công danh sự nghiệp đâu sánh bằng tình phụ tử mà con đã tìm lại được hôm nay, con cần có Ba hơn tất cả bởi con biết rằng thân thể hình hài này là chính Ba tạo cho con. Con chỉ mong muốn được chăm sóc ủi an cho Ba lúc tuổi già dẫu có đói nghèo hoạn nạn, con muốn được cùng Ba san sẽ nỗi đau chung.

- Ba ơi con chỉ trách là trách Mẹ sao Mẹ không cho con biết sự thật về thân thế của con, nếu con được biết sớm hơn và sớm tìm gặp chị Hai, thì có lẽ 2 chị em thường xuyên thăm Ba, an ủi cho Ba để Ba có chút tình cảm gia đình chắc Ba đở phần đau đớn tinh thần. Con không thể tưởng tượng nổi non một phần ba thế kỷ dài Ba của con đói lạnh cô đơn trong bóng tối lao tù, mà con nào có hay có biết!

- Con à đây có lẽ là định mệnh cũng có thể là sứ mệnh của Ba, Ba khuyên các con đừng có hờn trách Mẹ, Mẹ vẫn là Mẹ của các con hãy tận tình phụng dưỡng Mẹ số phận của Ba đã được an định, còn được gặp gở các con hôm nay là hạnh phúc lớn lao cho Ba rồi, Ba chỉ tiếc đôi mắt đã mù lòa không còn thấy rỏ mặt các con, hoàn cảnh cách ngăn không cho ba được ôm các con vào lòng Ngọc Bích, Anh Thư, Ba cảm ơn các con, Ba cám ơn Đất Trời đã cho cha con mình có ngày đoàn tụ hôm nay.

- Ba ơi, hồi nãy trước khi Ba ra đây, mấy ông cán bộ có bảo với chúng con là người ta nói Ba viết đơn ‘Xin ân xá’ thì sẽ được thả nhưng Ba nhất định không xin ân xá! Tại sao vậy Ba? Sao Ba lại không xin ân xá để sớm được về với chúng con, Ba không nhớ không thương chúng con sao Ba ?

- Anh Thư à, con biết là Ba thương chúng con lắm. Đời của Ba không có gì hạnh phúc bằng được sống bên cạnh các con, nhưng Ba không có tội! Vì lý do đó Ba không thể nào xin ân xá, Ba không có làm gì nên tội thì tại sao phải xin tha ? Ba quyết định sống trọn vẹn với lý tưởng của Ba. Ba mong là các con hiểu cho Ba, cùng san sẻ hoài bão của Ba. Các con hãy quay về, chị em đùm bọc nhau, đừng qúa bận lòng lo lắng cho Ba. Ba không sao đâu. Nơi này Ba cũng có anh em, cũng có những người tiếp nối con đường Ba còn dang dở. ....

- Này anh Cầu! -tên cán bộ trại tù cắt ngang- Anh mà còn nói chuyện phản động nữa, chúng tôi cắt thăm nuôi và đưa anh vào biệt giam đó. Ba mươi mấy năm cải tạo, anh vẫn chưa tẩy được cái tinh thần phản động đó ra khỏi não trạng của anh sao?

- Phản động à! –ông Cầu bình thản đáp lại- Được, cứ cho là tôi phản động đi, còn Đảng của các anh là đảng phản nước hại dân, hà hiếp dân lành giết người diệt khẩu. Các anh bắt tôi vào tù, kêu án tử hình, rồi chung thân khổ sai, chỉ vì tôi dám đứng lên tố cáo vạch trần tội ác tày trời của những tên đảng viên thuộc đảng ủy Tỉnh Kiên Giang! Đảng của các anh tra tấn, hành hạ tôi đủ mọi hình thức dã man, mục đích là muốn giết tôi để bịt miệng, giam cầm tôi suốt đời trong bóng tối cốt là để vùi lấp vụ án oan sai 28 năm về trước, đây là một tội ác tầy Trời. Các anh có biết không?

- Này anh em! Xách nách tên phản động này dẫn vào trong, đưa vào Khu Biệt giam cùm cả tay chân và cắt hết mọi thăm nuôi nhận quà.

- Ba ơi! Ba….

- Anh Thư, Ngọc Bích các con hãy về đi. Hãy nói lại những điều các con được tai nghe mắt thấy hôm nay cho đồng bào trong và ngoài nước biết rằng Ba Vô Tội, Nguyễn Hữu Cầu VÔ TỘI. Kẻ có tội chính là ác đảng Việt gian! Bán nước. Tôi vô tội! Tôi vô tội! Tôi vô tội........

Từ năm 2010, nhờ sự giúp đỡ của chiến hữu về tinh thần lẫn vật chất và hai con ông Cầu có điều kiện đi thăm nuôi Ba thường xuyên. Được biết, ông rất cảm động và có thêm nghị lực sống.

Đầu tháng 06.2013, bé Trần Phan Yến Nhi, 14 tuổi, con Trần Ngọc Bích, lần đầu tiên biết ông nội Nguyễn Hữu Cầu khi đến thăm ông tại trại giam Z30 A Xuân Lộc, Đồng Nai. Ngày 07.07.2013, cô viết ‘Thư kêu oan cho ông nội’ đăng trên Internet. Trong thư, cháu nhắc đến 30 phút thăm gặp và cho biết tình hình sức khỏe hiện rất yếu do những bệnh tật. Cô cho biết gia đình từ thời cụ cố cho đến nay đã có hơn 500 lá đơn kêu oan mà không có kết quả gì, nay cô gửi đơn đến Tổ chức Nhân quyền Thế giới với hy vọng giúp được cho người ông phải chịu tù qua hai thế kỷ. Sau đó, công an có đến nhà hứa ông nội của Yến Nhi về nhà ăn Tết với gia đình. Nhưng không thấy ông Cầu về. Cả nhà buồn không ăn Tết. Có thể vì chưa thương lượng trao đổi với Hoa kỳ, đảng đành thất hứa với người dân‘bé’. Ngày 09.03.2014, Phan Yến Nhi lại viết thư thật cảm động gởi Chủ tịch nước xin cứu xét thả ông nội.

B. Người con Thiên Chúa.

Ông Cầu trình diện cộng đoàn để kể lại hành trình Đức Tin của mình, ông cho biết: « Nhờ ơn Chúa, tôi đã thành con cái Chúa 28-29 năm. Cha Nguyễn Công Đoan đã Rửa tội cho tôi vào dịp lễ Phục sinh năm 1986. Đến nay, sau 29 năm tôi mới đi dự lễ đầu tiên ». Thân phụ ông Cầu là người Công Giáo và, trước khi qua đời, có trối với ông ước mong ông Cầu trở thành Con Thiên Chúa.

Khi còn là tử tội chờ ngày bị hành hình, ông Cầu bị xích hai chân bằng dây xích Trung cộng có 90 mắt xích, ông buộc 50 mắt xích lại và chừa 5 mắt xích trong và đó là chuỗi Mân Côi đầu tiên của mình mà, trên thế giới, không ai có. Nơi đây, khi tử tội được cắt tóc và móng tay thì biết giờ hành quyết đã đến. Bọn cai tù thường chơi trò này. Một hôm, ông quá mệt và buồn, nên toan tự tử. Nhưng khi nghĩ tự tử có tội, nên ông cầu xin Chúa, Mẹ cất ông đi. Bổng nhiên, từ trên trời vì sân nhà tù không có mái che, một bà mặc áo trắng có dây choàng đen xuất hiện. Bà không nói gì, nhưng ông đã đứng dậy và đi được để lấy 1/3 mì gói còn lại để ăn và có sức lại. Đến khi được giảm án thành chung thân, nhân viên có nhiệm vụ mở cùm xích có hỏi ‘giỡn’: ‘muốn cởi xích không ?’. Ông trả lời cứ cởi cho những người khác đi, nhưng thực ông tự nghĩ nếu mất xích thì ông cũng không còn chuỗi Mân Côi. Nhưng rồi, họ cũng cởi…

Sau đó, ông bị chuyển đến Xuân lộc, nơi có gần 20 Cha và Thầy đang bị giam và ông nói với Cha là ông muốn theo Đạo. Cha nói với ông phải học Đạo, nhưng nơi này không có sách mà ông đã phải thông suốt 100 câu hỏi về Đạo, 15 lời gẫm Chuổi Môi khôi và 14 Chặng Đàng Thánh giá như sách Phúc Âm thu gọn để nghiền ngẫm mà biết Chúa, yêu Chúa và theo Chúa… Sau đó, Cha đã hỏi bài ông nhưng không theo thứ tự. Ông trả lời đúng, ông Cầu nhận Bí tích Rửa Tội và nhận Tên Thánh Gioan Baotixita (như ông Ngô Đình Diệm).

III.- THÁNH LỄ AN TÁNG.

Ngày 07.04.2014, lúc 6 giờ 30, Cha Giuse Trương Hoàng Vũ, DCCT, cử hành Nghi thức di quan để linh cữu thầy Phêrô Đinh Đăng Định yên vị trong nhà thờ kịp đúng 7 giờ, Linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện, Trưởng ban Công lý và Hòa bình Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) chủ tế Thánh Lễ và giảng lễ với sự đồng tế của Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Tổng thư ký Uũy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam. Các Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT, Cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Phó Giám tỉnh, Bề trên tu viện, kiêm Chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Cha Gioan B. Phạm Quang Long, Đặc trách di dân Giáo phận Vinh tại Sài gòn và nhiều linh mục khác tham dự Thánh Lễ cùng với cộng đoàn.

A.- Thầy Phêrô ĐINH ĐĂNG ĐỊNH.

Khởi đầu Thánh Lễ, Thầy Gioan Baotixita Trần Thụ Phương, DCCT, đọc tiểu sử thầy Đinh Đăng Định: Thầy Định sinh năm 1963, tại Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1985, thầy tham gia quân đội và là giáo viên trường sĩ quan Phòng Hoá thuộc Bộ tư lệnh Hoá học (Sơn Tây, Hà Nội). Cuối 1988, thầy công tác tại các Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao và Long Thành, rồi Công ty thuốc trừ sâu Kosvida ở Huyện Thuận An và Công ty phân bón con cò ở huyện Bà Rịa. Từ năm 2000, thầy là giáo viên trường Trung học Phổ thông Phạm Văn Đồng huyện Đăk R’Lấp và, từ năm 2007, dạy tại trường THPT Lê Quý Đôn huyện Tuy Đức, Đăk Nông đến ngày bị bắt.

Ngày 01.11.2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 và nói việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là 'chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước', cho dù dự án này gặp phản đối từ nhiều phía. Theo đó. Theo đó, riêng tại tỉnh Đăk Nông, dự tính hình thành đến bốn tổ hợp công nghiệp bauxite nhôm. Trong năm 2008 đã có hai dự án khai thác bauxite và sản xuất nhôm tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm được phép triển khai tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Đây không chỉ là nguy cơ nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và xã hội mà còn là cơ hội để công nhân Trung quốc hiện diện trên lãnh thổ Quê hương.

Tháng 11.2008, những khoa học gia và đồng bào khắp nơi đã ký những kiến nghị yêu cầu nghiên cứu, xem xét việc khai thác bauxite Tây Nguyên một cách toàn diện vì dự án không có hiệu quả về kinh tế đối với khu vực Tây Nguyên. Là người yêu nước, thầy Định đã ký và mời người khác cùng ký tên. Ngày 21.10.2011, thầy bị bắt giam tại trại tạm giam công an tỉnh Đăk Nông.

Ngày 09.08.2012 toà án tỉnh Đăk Nông tuyên án thầy 6 năm tù giam về

‘Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam’ (điều 88 Bộ Luật hình sự). Tại phiên phúc thẩm ngày 21.11.2012, Tòa án tỉnh Đăk Nông y án đối với Thầy.

Khi thụ án ở trại An Phước, thầy Định có báo triệu chứng đau dạ dày, nhưng cán bộ trại giam làm lơ dù gia đình đã làm đơn gởi nhiều nơi xin cho thầy được khám bệnh và trị bệnh. Ngày 05.09.2013, thày phải đi cấp cứu tại bệnh viện 30 Tháng 4 Sài gòn và, ngày 18.09, bị mổ cắt bỏ 3/4 dạ dày. Sau đó, ông được cho biết là đang bị ung thư dạ dày. Do không được chữa trị đúng mức, bệnh thêm trầm trọng nhanh. Ngày 18.12.2013, các Đại sứ yêu cầu nhà cầm quyền phóng thích hay can thiệp cho thầy đi chữa trị, nhưng họ vẫn làm ngơ. Ngày 15.02.2014, thầy được hoãn thi hành án trong 12 tháng vì bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Ngày 15.03.2014, gia đình ông, không Công Giáo, đã đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu giúp Sài gòn tham dự giờ Hành hương Đức Mẹ và Thánh Lễ để cầu nguyện đặc biệt cho ông. Ngày 21.03.2014, gia đình nhận được thông báo Chủ tịch Nhà nước đặc xá cho thầy. Tối cùng ngày, trả lời đài VOA, thầy nói: « Cảm tưởng của tôi, tôi thấy với cá nhân tôi được hoàn toàn tự do. Còn về ý nghĩa thực, cái lệnh này cũng không mang lại giá trị gì nữa cả bởi vì tôi cũng đã sắp sửa kiệt hết sức rồi ». Sáng ngày 03.04.2014, Cha Anton Lê Ngọc Thanh, DCCT, đã ban Bí tích Rửa tội, chính thức là Con Thiên Chúa với tên thánh Phêrô. Đến tối, lúc 21 giờ 35, thầy trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của vợ và các con Thầy và thanh thản về với Thiên Chúa. Hiền thê thầy là cô Đặng Thị Dinh sinh năm 1962. Thầy có ba con: Đinh Phương Thảo, sinh năm 1988, Đặng Thúy An và Đặng Thúy Nga, sinh năm 1995.

B. Di chuyển Linh cửu.

Khi linh cửu còn quàn tại tư gia ở Đăk Nông, gia đình không gặp sự phá rối, cản trở của chính quyền, tuy nhiên ‘sự cố’ là tư gia ông đã bị 'cúp điện' trong vòng 2-3 tiếng ngay trong tang lễ và trước khi quan tài của ông được chuyển ra khỏi nhà riêng ở Đắk Nông. Một số nhà hoạt động đến dự đám có thể bị an ninh theo dõi.

Trước khi lìa đời, thầy Phêrô Định ước nguyện được Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn lo hậu sự. Theo dự kiến ban đầu, tang lễ cho thầy sẽ được làm nghi thức tẩn liệm và nhập quan tại Đắk Nông và, ngày 05.04.2014, sẽ di quan về Sài gòn và quàn tại Nhà nguyện Đức Mẹ Thăm Viếng (đường Hoàng Sa, phường 9, quận 3, Sài Gòn). Tuy nhiên, do nhiều thủ đoạn quấy phá của an ninh cộng sản, vào giờ chót, địa điểm quàn linh cữu thầy phải dời vào bên trong khuôn viên Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn, đường Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, tại Phòng A.06.

Chiều ngày 05.04.2014, khoảng 10 công an cả sắc phục lẫn thường phục đã đến nhà ông trùm Thắng, quản lý Nhà nguyện Đức Mẹ Thăm Viếng và ép ông ký vào ‘giấy cam kết không làm mất an ninh trật tư’. Cha Đinh Hữu Thoại cho biết: ‘Dẫu biết rằng tờ giấy lộn đó không có giá trị pháp lý gì, nhưng sẽ là cớ để an ninh đến phá rối đám tang rồi đổ vấy tội cho ông trùm, nên chúng tôi quyết định di chuyển vào khuôn viên giáo xứ, chấp nhận một chút phiền hà cho sinh hoạt Giáo xứ ngày Chúa Nhật’. ‘Chúng tôi cảnh cáo công an cộng sản các cấp về hành vi vô nhân đạo này. Đạo lý người VN không chấp nhận đụng chạm đến những vấn đề linh thiêng như đám tang. Linh cữu, gia đình và bạn bè thầy Định đã đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế lúc 18 giờ 30. Rất đông những người yêu mến thầy đã tập trung tại nhà thờ để chờ đón thầy.

C. Lời giảng của Linh mục Chủ tế.

Cha Giuse Nguyễn Thể Hiện, dựa vào Tin Mừng Thánh Gioan nói về việc Chúa Giêsu cho ông Ladarô chết trong mồ bốn ngày được sống lại. Cha nhấn mạnh đến ‘sự tất thắng của sự thiện, sự sống’ còn sâu xa hơn cả nỗi bất hạnh phận người, còn sâu sắc hơn cả quyền lực tưởng như không vượt qua nổi của sự ác, của sự dữ là sự sống và sự thiện’ và ‘Bất chấp tất cả, tiếng nói cuối cùng trên thân phận con người là tiếng nói của sự thiện, tiếng nói của sự sống vĩnh cửu’. Có lẽ thầy Đinh Đăng Định đã xác tín vào điều đó nên thầy đã nói với con, với gia đình ‘không được giữ lòng thù hận. Chúng ta không phải là kẻ thù của nhau’.

Nhắc đến thầy Phêrô Định trong giờ tiển biệt, Cha nói rằng, cái chết của thầy mở ra cho mọi người ý thức những thực tại quan trọng:

1/ Nền tảng đã được chọn để xây dựng cộng đồng, xã hội chúng ta chỉ là trên một chủ thuyết kinh tế và chính trị Marx–Lênin, không có những giá trị nhân bản, đạo đức và tâm linh. Ngay cả trong lãnh vực kinh tế và chính trị, đặc quyền cũng chỉ dành cho những nhóm lợi ích. Quyền con người không được tôn trọng và những ai can đảm lên tiếng nói sự thật bị nghiền nát. Do đó, nền tảng này cần phải thay đổi và xây dựng trên những căn bản khác quân bình hơn, thật hơn, giá trị hơn để những giá trị con người, luân lý, tình thương phải được tôn trọng hơn.

2/ Quyền tham gia, xuất phát từ phẩm giá làm người, vào những quyết định có liên quan đến vận mệnh của mình, việc quản lý xã hội bằng:

- quyền bầu cử, nhưng chỉ với những ứng cử viên chủ trương khác nhau để chọn;

- quyền kiến nghị.

3/ Quyền của các tù nhân, nhất là tù nhân lương tâm, phải được tôn trọng, như quyền được ăn uống, chữa bệnh và quyền về tâm linh phải được tôn trọng

Cuối Thánh Lễ, cô Đinh Phương Thảo, trưởng nữ của thầy Định, thay mặt tang quyến, cám ơn quý Cha DCCT, các tổ chức trong và ngoài nước, các Đại sứ quán tại Việt Nam, những người đã yêu mến đến phúng viếng và phân ưu cùng gia đình. Cô nói: « Lễ tang của bố con được tổ chức trang nghiêm, ấm cúng như thế này, con tin chắc rằng bố con ở nơi cao kia với Người (Thiên Chúa) chắc bố con rất vui. Hôm nay con cũng hiểu được một điều: người công chính không bao giờ chết ».



Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, phụ trách Phòng công lý và hòa bình của Tu viện DCCT Sài gòn đã cử hành nghi thức tiễn biệt thầy Đinh Đăng Định và linh cữu thầy được đưa tới nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

D.-Những dòng thương cảm.



Chúng tôi được xem video tại: http://www.youtube.com/watch?v=Zv2Q2jJXWkU ghi những hình ảnh tận cùng đau thương mà ba bạn trẻ, các con của thầy Định đã phản ứng khi tẩn liệm thân phụ kính yêu của mình và lúc quan tài được đưa vào lò hỏa táng: biết Cha mình vô tội bị giết oan … rồi ‘đặc xá’ do lòng nhân đạo thi ân và khoan hồng. Trước thảm kịch bất công này, những giọt lệ đã rơi từ khóe mắt và chúng tôi để chúng tự nhiên tràn ra thành dòng… Sự xúc độâng hạ, chúng tôi bổng nhớ: « Ngày 08.07.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đến chủ tế Thánh Lễ cầu nguyện cho những thuyền nhân bỏ mình trên biển cả và gặp gỡ những người di dân đảo Lampedusa, cực nam Italia. Khi giảng Lễ, Người nói (trích dịch): ề ‘Người di dân chết trên biển, trên con thuyền lẽ ra là một đường hy vọng đã biến thành đường chết chóc’. Rất tiếc việc này đã bao lần xảy ra, tôi liên tục nghĩ đến điều ấy như một cái gai trong con tim gây ra bao đau khổ. Tôi muốn hỏi: ai trong chúng ta đã khóc trước những biến cố này, trước cái chết của anh chị em này ? … Xã hội chúng ta đã quên kinh nghiệm khóc, ‘đau khổ với’: sự toàụn cầu hóa về vô cảm !… ». Chúng tôi thấy tự hài lòng vì mình không vô cảm đối với đồng bào và gia đình họ…

Đ. Gia đình trả lời phóng viên BBC.

Hôm 05.04.2014, cô Đinh Phương Thảo, con gái đầu lòng thầy Định, đã trả lời thay tang gia:

1- Nhà nước và Đảng Cộng sản tuyên bố vô tội cho bố tôi vì không có tội chứ không phải là 'đặc xá',

2- nguyên nhân được cho là 'gián tiếp' dẫn tới tử vong của ông Định là không được khám, chữa bệnh đúng cách. Đây là một sự tra tấn trong nhà tù, khi bố bị đau thì đã không được đưa đi khám, mà chỉ cho thuốc giảm đau, hoặc thuốc không rõ nguồn gốc. Thuốc tiêm không rõ nguồn gốc cho ông cũng là nguyên nhân gây nên bệnh của bố. Khi khối u trong người càng ngày càng lớn, nhưng chưa được phát hiện. Khi phát hiện ra, thì khối u to đùng. Lúc đó, họ cũng không chịu thả về nhà để điều trị.

3- Không loại trừ bố tôi bị đầu độc. Vì không có bằng chứng, nên chưa thể tố cáo. Bố là nhà giáo hóa (học) nên đã phát hiện ra được mùi hóa chất.

[Những kiến nghị về hậu quả khai thác bauxite của người dân (như thầy Định), đặc biệt là từ những nhà chuyên môn đã không được đảng và nhà nước quan tâm. Ngày nay, dự án đã được triển khai và đang tiến hành tới đâu thì những tổn thất đã được kiến nghị xảy ra đúng tới đó. Một lời ‘xin lỗi’ hay ‘tuyên bố vô tội’ chưa thấm vào đâu so với thiệt hại gia đình, cô Phương Thảo ơi, nhưng họ không có can đảm để hành động đâu. Mời đọc: ‘Bô xít Tây Nguyên dự kiến lỗ hàng nghìn tỷ đồng’ đăng trên VNexpress ngày 18.03.2014:

« Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa có báo giải trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hiệu quả của hai dự án bô xít Tây Nguyên, theo yêu cầu của đoàn giám sát thuộc cơ quan này. Kết quả cho thấy, dù tổng mức điều chỉnh hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ lần lượt lên tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng (tăng 3.800 tỷ đồng-4.300 tỷ đồng), hiệu quả của hai dự án trong những năm đầu chưa cao. Mức lỗ ở các đơn vị lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Dự án bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2013. Sau thời gian chạy thử, nhà máy tại Tân Rai dự kiến lỗ 258 tỷ đồng trong năm đầu. Con số lũy kế đến năm 2015 là 460 tỷ và dự án dự kiến có lãi từ năm 2016. 5 năm sau đó, nhà máy này sẽ có lãi khoảng 870 tỷ đồng, theo tính toán của chủ đầu tư. Còn với dự án tại Nhân Cơ, số lỗ được ghi nhận trong 6 năm đầu dự kiến là gần 3.000 tỷ (từ 2015 đến 2020) »… Xin đọc tiếp tại:

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/bo-xit-tay-nguyen-du-kien-lo-hang-nghin-ty-dong-2965405.html ]

V. ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI BỊ ÁP BỨC.

Ngày 01.04.2014, biên tập viên Mặc Lâm (Đài Á châu Tự do, RFA) đã hỏi Linh mục Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT về các vấn đề:

1. Giáo xứ Kỳ Đồng (Sài gòn) và Thái Hà (Hà nội) luôn có những hành động đồng hành cùng những người bị áp bức, sách nhiễu hay cả bị kết án, giam cầm. Cạnh những Thánh lễ cầu nguyện cho họ còn chở che lúc lỡ đường hay giúp họ được chăm sóc sức khỏe về tâm hồn lẫn, điển hình là sinh viên Phương Uyên trước đây và ông Nguyễn Hữu Cầu hiện nay. Làm những việc này, DCCT Sài gòn có bị chính quyền làm khó dễ hay ngăn cấm không?

- Cha Giám tỉnh cho biết là đã bị ngăn cản bằng nhiều cách, ở phạm vi nhỏ lẫn toàn Tỉnh Dòng và thường gặp trở ngại từ phía các cấp nhà cầm quyền.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích Giáo Hội dấn thân tranh đấu và bảo vệ sự công chính. Do đó, huấn dụ này thích hợp với những gì DCCT đang làm. Xin được hỏi Cha trong lúc theo đuổi mục tiêu này DCCT đã gặp trở ngại gì đối với nhà nước? Có một số ý kiến cho rằng chúng tôi làm chính trị, hiểu theo nghĩa đó thì chúng tôi không làm chính trị, không tham gia vào những hoạt động quyền lực, nhưng chúng tôi lên tiếng và bảo vệ sự thật mình cố gắng đón nhận từ Tin Mừng của Chúa. Một mặt, nhìn nhận những khuyết điểm, những giới hạn của mình trước những đòi hỏi của Tin Mừng, nhưng một mặt chúng tôi đã không im lặng trước cái ác, cái sự xấu trong xã hội, dĩ nhiên ai không chấp nhận sự thật, không chấp nhận sự công bằng, chắc chắn họ không ưa chúng tôi.

3. Trước cửa nhà thờ Kỳ Đồng một tấm bảng lớn dán những bài viết được in lại từ các trang mạng như BBC, RFA loan tin TS Cù Huy Hà Vũ và những nhà tranh đấu khác. Nhà nước hình như để yên nhằm quảng cáo rằng VN đang có tự do ngôn luận, Cha có nhận định gì?

- Không như vậy đâu, họ đã yêu cầu chúng tôi tháo gỡ, nhưng mình đã không gỡ, vì đó là sự thật, mọi người có nhu cầu và có quyền biết sự thật, có quyền được thông tin, quyền căn bản của con người. Họ đã mời chúng tôi ra làm việc về vụ này, mình thẳng thắn trình bày lập trường mình, sau đó, tôi đã bị cấm xuất cảnh không lý do, tôi làm văn thư hỏi họ, họ không trả lời, có lẽ họ không thể trả lời về lý do họ đã làm.

4. Những người bất đồng chính kiến bất kể tôn giáo đang dựa vào DCCT Sài gòn lẫn Hà nội như là chỗ dựa tinh thần cần thiết, nếu nhà nước cáo buộc DCCT đang vi phạm pháp luật như tập trung trái phép hay cổ vũ chống lại chính sách nhà nước thì việc gì sẽ xảy ra?

- Nhà nước có quyền của họ, chúng tôi không biết được, nhưng mình không thể im lặng trước các vấn đề xã hội, con người, mà chỉ thuần túy muốn nâng đỡ những người dau khổ, những dân oan, nhũng người bị áp bức, đặc biệt mình muốn nói với họ Thiên Chúa yêu thương họ và đứng về phía với họ. Mình muốn bày tỏ gương mặt Thiên Chúa an ủi họ, những người sầu thương khóc lóc.

5. Có ý kiến cho rằng DCCT trực thuộc Tòa thánh nên không nhất thiết phải theo sự điều hành của Giáo Hội Việt Nam trong các hoạt động tông đồ hay xã hội ?

- Vừa là Dòng Giáo Hoàng với quyền đặc miễn, nhưng cũng là con cái Giáo Hội Việt Nam, chúng tôi tuân thủ kỷ luật và mục vụ của Giáo Hội Việt Nam, luôn vâng lời các Đức Giám Mục Việt Nam trong các phạm vi Giáo Hội ấn định. Bản thân tôi luôn có các cuộc thăm viếng, bàn hỏi và nhận việc từ các vị Giám mục Việt Nam.

6. Những hoạt động DCCT dù muốn dù không thì Giáo Hội Việt Nam cũng biết vậy thái độ Hội đồng Giám mục Việt Nam có chấp nhận hay không?

Bức thư Hội đồng Giám mục Việt Nam góp ý cho nhà nước về việc sửa đổi hiến pháp đã nói rất rõ quan điểm cũng như ý hướng của Giám mục Việt Nam. Chúng tôi thấy bức thư đó như là một sự xác nhận những dấn thân của mình cho xã hội và cho sự công bằng. Lá thư đó như là một sự xác nhận và cũng là câu trả lời cho những ai đặt câu hỏi như ông.

Thấu hiểu những lý do ‘Tại sao DCCT luôn đồng hành cùng người bị áp bức ? (tựa bài phát thanh của RFA), từ khi xảy ra vụ cưởng đoạt trái luật đất đai Giáo xứ, chúng tôi vô cùng hân hoan trước sự can đảm để bảo vệ Sự Thật của các Tu sĩ DCCT và Giáo dân Thái Hà và, sau đó, tiếp nối tại Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn. Sự phục vụ, bênh vực những người bị áp bức đã được sự cảm kích tín hữu các tôn giáo khác và nhiều đồng bào đã đáp lời Đức Tin và đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Nhiều góp ý trên Internet và điện thư trao nhau cho biết họ rất đồng ý với lời giảng của Cha Giuse Nguyễn Thể Hiện. Trong ba đề nghị của Cha, hai lần Cha đã nhắc đến Thư góp ý sửa đổi Hiến Pháp của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Nhờ ‘DCCT luôn đồng hành cùng người bị áp bức’, nên việc An Táng thầy giáo Phêrô tránh bị côn đồ phá hoại như trường hợp ông Trần Độ hay ông Lê Hiếu Đằng bị tháo gở các băng ghi chữ trên các vòng hoa phúng điếu.

Thánh Lễ An Táng này và những Thánh Lễ Cầu nguyện Công lý và Hoà bình là những cơ hội để những người Con Thiên Chúa vinh danh Người trên trời và Bình An dưới thế cho người thiện tâm.