NHỮNG ĐIỀU CÒN CHƯA HIỂU...

Tôi vừa đi họp ở Tiền Hải về vấn đề liên quan đến việc trồng cấy của bà con nông dân. Những đợt rét đệm rét hại vừa qua đã làm thiệt hại không nhỏ tới việc gieo cấy của bà con… Vừa tới Tòa giám mục Thái Bình thì được Đức Cha trao cho bài viết của ông J.B Nguyễn Hữu Vinh đăng trên VietCatholic ngày thứ Ba, 26/02/2008 vừa qua.

Ngài nói: “Đây là một bài viết rất tốt, tác giả bài viết đã không có ý chê nhưng cũng không khen. Những điều mang tính tích cực thì có tình, có lý vì dựa vào người thật, việc thật, còn những điều hạn chế được nêu lên trong bài viết thì có lẽ do tác giả đã chưa hiểu vấn đề cho thấu đáo. Tôi không có giờ để viết trả lời vì còn phải đi miền Nam để xúc tiến việc xây dựng một trung tâm bảo trợ những nạn nhân chịu ảnh hưởng chất độc màu da cam. Vậy ông có thể xem bài viết này rồi viết trả lời cho ông J.B Nguyễn Hữu Vinh, kèm theo lời cảm ơn của tôi vì những thiện ý đã dành cho tôi trước đây cũng như hiện nay”.

Đức Cha cũng gợi ý: chỉ nên bày tỏ ý kiến với những gì mà người ta chê bai thôi, còn những điều khen ngợi thì đừng nói tới. Sau khi lĩnh ý của ngài cùng với bài viết của ông J.B Nguyễn Hữu Vinh, tôi có một vài thiển ý sau đây:

1 – Bài viết có nói tới việc Đức Cha F.X “đi nước ngoài như đi chợ”

Theo tôi được biết, những chuyến xuất ngoại đó là đi công tác, vì ngài từng giữ vai trò Chủ tịch UB Giáo dân của HĐGM Việt Nam dẫn phái đoàn Việt Nam đi tham dự Đại Hội Giới trẻ thế giới tại: Toronto, Canada, Paris, Ấn Độ, Philippin… hoặc đi họp vì các cuộc họp do các HĐGM hoặc Tòa Thánh tổ chức như: Thượng HĐGM Á Châu, Thượng HĐGM thế giới họp về giáo dân... Ngoài ra, còn các cuộc họp do Hội Saint Egidio mời; các Đức Hồng Y hoặc các Đức Giám mục Hoa Kỳ mời như Đức Hồng Y ở New Yessey, Richmond, hoặc do các cha quen biết mời ngài… Đó là không kể những lần đi Ad Limina với tất cả các Đức Giám mục Việt Nam. Do đó, để đáp ứng các cuộc họp nói trên, ngài đã phải tốn rất nhiều thì giờ. Sau này, khi không còn giữ chức vụ gì trong HĐGM Việt Nam nữa, ngài rất ít khi xuất ngoại (trừ thăm họ hàng), nhất là so sánh với các ĐGM khác (có đấng một năm ra nước ngoài 3 – 4 lần).

2 - Về vấn đề huy chương “vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân” do MTTQ Trung ương tặng.

Theo tôi được biết, trước khi nhận huy chương này, ngài đã hỏi ý kiến Đức Tổng Giám mục và một số các Giám mục, linh mục… nhất là đã có Thông Cáo về việc này. Trong đó có giải thích cặn kẽ: huy chương này không chỉ trao riêng cho Đức Giám mục giáo phận mà còn cho toàn thể các thành phần dân Chúa trong giáo phận và cả chính quyền tỉnh Thái Bình nữa. Thông cáo này đã được đọc trong buổi lễ đón nhận huy chương và đã được mọi người tán thành. Việc Đức Giám mục được nhận huy chương “vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân” thực sự đã đem lại bình an, đoàn kết cho mọi người trong giáo phận – là điều mà mọi người điều mong muốn.

3 – “Tổ chức lễ hội trọng thể kết hợp với lễ mừng Giám mục cho hoành tráng” .

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đoàn dân Chúa đỡ phải mất nhiều thì giờ, tiền bạc, vì việc tổ chức nhiều ngày lễ trong năm sẽ gây tốn kém, phiền hà, nên bề trên giáo phận đã gom các dịp trọng đại để tổ chức chung với nhau. Đó là điều phải lẽ và đem lại ích lợi cho cộng đoàn.

4 – “… Quả chuông mang tên hiệu Phanxicô Xaviê”

Đành rằng, Đức Giám mục là chủ chăn của giáo phận, nhưng cũng có nhiều việc do các linh mục, nam nữ tu sỹ và giáo dân tự ý làm mà bề trên không nên can thiệp vào hay cấm đoán. Ví dụ việc làm thiếp mời, tạc bia đá đề tên của Đức Cha giáo phận gắn tại các thánh đường do chính ngài đặt viên đá hoặc thánh hiến… Cụ thể việc đúc quả chuông với thánh hiệu là Phanxicô Xaviê để mừng 25 năm Giám mục và 50 linh mục. Thiết nghĩ, đó cũng là điều tốt đẹp để Thánh Phanxicô cũng được cất tiếng chung với muôn vàn thần thánh trên thiên quốc mà ngợi ca tình yêu Chúa. Sự việc đó không có gì là rối đạo hay vô lý. Xin các vị không nên chấp nhất, kẻo các thánh cũng bị chia rẽ!?

5 – “Trong các bài viết, thư chung… ít khi khiêm hạ dùng chữ ‘tôi’…”

Có thể các vị chỉ đọc một vài Thông Cáo và Thư Chung của Đức Cha giáo phận chúng tôi, mà thực tế, các Thư Chung và Thông Cáo kể từ khi ngài về nhận giáo phận rất nhiều (gồm 5 tập Mục vụ cho cõi đời với khoảng 5 – 600 bài), thế nên đã có những nhận xét chưa được khách quan; nhất là trong các bài đó, có những mạch văn mà Đức Giám mục của chúng tôi phải thay đổi cho phù hợp. Ví dụ: Ngài đang dùng chủ từ là “tôi” đến đoạn kể về những lời người ta khen tặng thì ngài không dùng chủ từ là “tôi” nữa mà phải dùng là “Đức Giám Mục” hoặc “ngài” để cho khách quan. Sau đó mới bộc lộ sự khiêm tốn của mình. Nếu hiểu như vậy thì không còn phải là Đức Giám mục của chúng tôi tự đề cao mình nữa.

6 – Về tác phẩm “Bước đường hành hương”

Là cuốn sách ra đời trong thời kỳ bao cấp - thời mà giáo hội Việt Nam nói chung và cách riêng giáo hội tại miền Bắc còn gặp nhiều khó khăn. Hoàn cảnh lúc bấy giờ rất khác so với bây giờ, nên để xuất bản một cuốn sách, đặc biệt là sách về tôn giáo là điều không hề dễ dàng chút nào. Đối với tác phẩm “Bước đường hành hương” thực ra, trước khi bản thảo của cuốn được đưa ra nhà in, đã được trình lên Đức Hồng Y, Tổng Giám mục Trịnh Văn Căn. Sau khi xem xong bản thảo, Đức Hồng Y có nhận xét rằng: Nội dung cuốn sách có một vài đoạn “đưa đẩy” nhưng cần thiết để có thể được xuất bản, nhưng mục đích cuối cùng là những điều tốt lành chứa đựng trong đó được nhiều người biết. Sau này, cuốn sách được tái bản và bổ sung nhiều điều mới lạ với nhan đề “Hành hương và thăm viếng” đã được nhiều người thuộc mọi thành phần ưa chuộng và đánh giá cao. Và tất nhiên, những đoạn mang tính “đưa đẩy” như trước đã được lược bỏ. Có lẽ, các vị đang nói đến cuốn “Bước đường hành hương” xuất bản lần đầu, nhưng vì không ở vào hoàn cảnh của chúng tôi lúc bấy giờ nên đã có những nhận xét không được khách quan cho lắm.

7) Trong các bài cám ơn Cung Hiến Nhà Thờ không cám ơn giáo dân.

a- Trong lễ đó, Đức Cha của chúng tôi không nói lời nào. Còn các bài khác, cũng như trong các thư chung, thông cáo… tôi thấy rõ ngài có cám ơn giáo dân rất nhiều.

b- Câu nói nổi tiếng: “Tự do tôn giáo ở Apganistan” . Tôi thấy Đức Cha cũng không rõ câu nói đó có ý nghĩa gì, nên càng không rõ có ý ám chỉ câu nói đó của ai, vào thời gian và trường hợp nào.

c- Việc Đức Cha nói tới Nhà Thờ Lớn xây trên nền Tháp Báo Thiên là vô căn cứ, vì ngài đã trích một đoạn trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và kết luận rằng Nhà thờ lớn đã được xây trên nền nhà vô chủ và đã bị dân rỡ bỏ.

Đàng khác, trong nhiều bài tiếp theo, Đức Cha đã phủ nhận thực tại rỡ bỏ, đập phá tháp, vì chúng đã bị đổ nát từ năm 1406. Còn Nhà Thờ Lớn xây 1883. Không biết vô tình hay hữu ý mà tác giả đã gán cho Đức Cha là người đầu tiên đưa ra ý kiến Nhà thờ xây trên nền Tháp Báo Thiên (???).

Như vậy, có thể đây là một ý kiến mang tính chủ quan đáng tiếc, hoặc cũng có thể là một hành động cố tình bới móc những chi tiết không đâu để phác họa nên nhân vật như ý họ muốn.

Theo thiển ý của cá nhân tôi, thực ra, những nhận xét trong bài viết trên của ông J.B Nguyễn Hữu Vinh và một số vị khác đều xuất phát từ thiện chí muốn xây dựng. Nhưng đối với những vị đang định cư ở nước ngoài, vì chúng ta ở những môi trường và hoàn cảnh khác nhau nên đã có những cách nhìn, cách nhận xét, đánh giá không giống nhau. Cách tốt nhất để giữa chúng ta có một cái nhìn chung là các vị nên một lần về thăm lại quê hương, đặc biệt, thăm mảnh đất quê lúa Thái Bình, thăm công trình nhà thờ Chính tòa mới được khánh thành và cung hiến. Hẳn các vị sẽ có những cái nhìn khác khi gặp gỡ những con người, thăm những xóm làng, xem cách sống đạo…của chủ chiên và đoàn chiên trong giáo phận nhỏ bé này. Hy vọng rằng, sau những cuộc đàm đạo, trò chuyện tâm tình, chúng ta sẽ hiểu nhau hơn. Đó cũng là điều mà Đức Giám mục giáo phận chúng tôi mong muốn. Với 77 tuổi đời (quá tuổi hưu 2 năm) song Đức Giám mục của chúng tôi vẫn còn miệt mài làm mục vụ, sống gần gũi với giáo dân. Ngài luôn đi thăm hỏi, động viên đoàn chiên ngay cả với các giáo xứ xa xôi. Còn thì giờ thì đêm đêm ngồi viết sách để phổ biến về giáo lý, văn hóa v.v… đấy là chưa kể đến những bài viết được đăng trên các trang Internet. Nói như vậy để các vị hiểu biết và thông cảm cho Đức Giám mục của chúng tôi.

Xin kính chào ông J.B Nguyễn Hữu Vinh trong tình yêu Chúa Kitô. Xin lượng thứ những gì có thể làm ông không bằng lòng.