Trong một cuộc phỏng vấn gần đây dành cho nhật báo Corriere della Sera của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã từng viết một lá thư gửi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuẩn bị tròn một năm cả hai người nhậm chức lãnh đạo, giới truyền thông mới biết được sự liên lạc này.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài mô tả người Trung Quốc là dân tộc cao quý và ngài dành tình cảm cho họ.

Ngài nói, "Tôi đã gửi một lá thư cho ông chủ tịch Tập Cận Bình khi ông đắc cử, ba ngày sau tôi. Và ông ấy đã hồi âm cho tôi."


Vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên cũng tiết lộ rằng ngài "có nhiều mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc", và nói thêm rằng Tòa Thánh Vatican sẽ "đến gần với Trung Quốc".

Mặc dù trong năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất ở miền tây Trung Quốc vào Tháng Tư và cử hành Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc vào Tháng Năm nhưng đây là lần đầu tiên ngài nói về mối quan hệ giữa hai bên.

Cũng nên nhắc lại, năm đầu tiên triều đại của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã thể hiện mối quan hệ thanh bình với Bắc Kinh. Nhưng càng về sau mối quan hệ này càng căng thẳng, đỉnh điểm là trong năm 2011 khi mà Tòa Thánh rút phép thông công các giám mục do chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn tấn phong mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng.

Ngay sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thoái vị hồi Tháng Hai năm ngoái, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng kêu gọi giáo hoàng kế vị Đức Bênêđictô "không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Lại đang có tin đồn cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đến thăm Bắc Kinh vào mùa hè năm nay (nhân chuyến tông du Nam Hàn đã được xác nhận), nếu thực sự điều này xẩy ra thì Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên đến lãnh thổ Trung Quốc kể từ khi người cộng sản lên nắm quyền hồi năm 1949. Kể từ đó đến nay, quan hệ ngoại giao song phương không tồn tại, gần đây nhất là năm 1999, Bắc Kinh đã khước từ chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Hồng Kông sau khi họ tiếp quản lãnh thổ này từ tay Anh Quốc.

Một số blogger Công Giáo Trung Quốc đã cảnh báo rằng chính phủ Bắc Kinh có thể thao túng, lợi dụng một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng cho mục đích tuyên truyền của họ. Những người khác nói rằng điều đó có thể làm tổn hại đến tình hình Giáo Hội Thầm Lặng ở Trung Quốc và tín hữu ở Đài Loan, nơi không có đàn áp tôn giáo.

Chính phủ Bắc Kinh vẫn luôn thể hiện sự tức giận về mối quan hệ ngoại giao của Vatican với Đài Loan - lãnh thổ mà họ coi là một tỉnh ly khai.

Tuy nhiên, đằng sau hậu trường quan hệ Vatican và Bắc Kinh thì Đài Loan dường như không còn là một vấn đề quá nghiêm trọng. Bắng chứng là hồi năm 2005, Đức Hồng Y Angelo Sodano, khi đó là quốc vụ khanh Tòa Thánh đã công khai tuyên bố rằng Tòa Thánh sẵn sàng chuyển Tòa Sứ Thần ở Đài Bắc đến Bắc Kinh ngay trong đêm, nếu hai bên đạt được quan hệ ngoại giao.

Các vụ bổ nhiệm giám mục Trung Quốc vẫn còn là điều đặc biệt nhạy cảm. Vatican đã bác bỏ thẩm quyền của Hội Công Giáo Yêu nước do chính phủ Bắc Kinh dựng lên để kiểm soát Giáo Hội.

Ông Kwun Ping-hung - một nhà quan sát Giáo Hội ở Hồng Kông bình luận rằng: thông tin về sự liên lạc mới được biết đến giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tập Cận Bình này có thể coi là biểu hiện về một mong muốn cải thiện quan hệ của hai nhà lãnh đạo.

Nhưng ông cũng nói thêm: "Tuy nhiên, sau khi trải qua những thăng trầm suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc và Vatican biết rất rõ rằng họ luôn đi trên một sợi dây buộc phải giữ thăng bằng và có những khó khăn phải đối mặt. Cả hai bên đang chuẩn bị cho một chặng đường vẫn còn dài để đi."