Phúc trình hôm thứ Tư vừa qua của Ủy Ban Nhi Quyền LHQ liên quan tới việc Giáo Hội xử lý các vụ lạm dụng tình dục đã lôi cuốn chú ý của cộng đồng quốc tế. Phúc trình này đưa ra các chỉ trích gay gắt đối với Tòa Thánh nhưng làm ngơ nhiều biện pháp đã được Tòa Thánh đưa ra nhằm thi hành các công ước về nhi quyền.

Đó không phải là sai sót duy nhất của bản phúc trình. Ủy ban này còn khuyến cáo rằng Vatican phải thay đổi lập trường của mình về phá thai và đồng tính luyến ái, và như thế họ đã đi quá xa thẩm quyền của họ và quả đã từ chính sách nhẩy qua ý thức hệ. Đức TGM Silvano Tomasi, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại LHQ ở Genève tuyên bố rằng ngài tin các tổ chức phi chính phủ đang gây ảnh hưởng đối với ủy ban, nên mới có việc chèn vào bản phúc trình các lập trường có tính ý thức hệ như thế.

Một số người bất đồng với nhận định của Đức TGM Tomasi, nhưng Stefano Gennarini thì tin chắc nhận định đó hoàn toàn đúng. Gennarini hiện là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Pháp tại C-FAM, tức Viện Gia Đình và Nhân Quyền Công Giáo, có trụ sở tại New York và Washington D.C. Cơ quan này được thiết lập năm 1990 để đáp ứng lời Đức Gioan Phaolô II kêu gọi người Công Giáo tham dự vào diễn đàn công cộng.

Ảnh hưởng của các nhóm ý thức hệ

Ngày 5 tháng Hai vừa qua, Gennarini nói với Zenit về các khuyến cáo của Ủy Ban LHQ về Nhi Quyền và ảnh hưởng của các nhóm ý thức hệ bên trong LHQ.
Gennarini cho biết C-FAM chuyên nghiên cứu để cung cấp tín liệu cho các cuộc tranh luận của LHQ về các vấn đề gia đình và sự sống. Cơ sở này cũng phúc trình những gì diễn ra tại LHQ và các định chế quốc tế khác qua bản tin hàng tuần Friday Fax. Cơ sở đã và đang tham dự mọi cuộc thương thuyết chính của LHQ về chính sách xã hội kể từ Hội Nghị Cairo năm 1994, và mới đây được đề cử làm tham vấn đặc biệt cho Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội của LHQ.

Về các nhận xét và khuyến cáo của Ủy Ban Nhi Quyền, Gennarini cho hay dù đã quen với những điều dở hơi của các chuyên viên và nhân viên hành chánh của LHQ, ông cũng khá lo âu khi đọc các nhận xét và khuyến cáo này. Quả là điều bất hạnh khi họ đi theo ngả đường đó. Làm thế họ chỉ phá hoại công trình của LHQ trong việc cổ vũ và bảo vệ nhân quyền. Từ nay, không quốc gia nào sẽ coi trọng các nhận xét và khuyến cáo của ủy ban nữa vì người ta coi nó như thiên vị về chính trị và ý thức hệ.

Ông không ngạc nhiên gì trước các nhận xét và khuyến cáo này vì cơ sở của ông từng chiến đấu chống lại các nhóm phò phá thai và phò đồng tính từng nắm giữ các bộ phận giám sát hiệp ước của LHQ trong nhiều năm qua. Các bộ phận này đã trở thành sân chơi đối với họ nhờ các tặng dữ hậu hĩnh của các nước Bắc Âu và Âu Châu nói chung. Việc làm của các bộ phận này là giải thích các hiệp ước do họ giám sát sao cho thật mơ hồ và rộng rãi để họ mặc tình thêm thắt bất cứ điều gì họ muốn. Thành thử dù hiệp ước không nói gì tới phá thai hay xu hướng tính dục, các chuyên viên của các bộ phận này vẫn cứ thêm chúng vào một số điều khoản của hiệp ước. Rõ ràng đây là lối giải thích luật lệ hết sức tồi tệ.

Điều ấy thật bất hạnh vì các ủy ban giám sát này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia chu toàn các nghĩa vụ nền tảng về nhân quyền. Nhưng khổ một điều việc làm của họ phần lớn bị làm ngơ vì họ cứ nằng nặc đòi cổ vũ phá thai và đồng tính luyến ái cũng như các vấn đề nặng về chính trị như thể đó là nhân quyền. Điều này chỉ làm người hoài nghi hoài nghi thêm đối với các bộ phận của LHQ và Dự Án Nhân Quyền.

Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ đưa ra các khuyến cáo ngông cuồng phi lý cho Tòa Thánh cách riêng. Tòa Thánh hiện đang là kẻ thù công khai số một đối với các nhóm phá thai và đồng tính vì đây là tiếng nói luân lý oang oang nhất tại LHQ, một tiếng nói luôn nhắc các quốc gia nhớ sự thật về nhân phẩm. Nếu không có sự can thiệp của Tòa Thánh, thì phá thai và đồng tính đã “được” tuyên bố là nhân quyền phổ quát rồi. Tòa Thánh là phái bộ duy nhất tại LHQ không chấp nhận bất cứ sự hàm hồ nào về vấn đề phá thai. Phần lớn các quốc gia để mặc các quốc gia khác muốn làm gì thì làm với các trẻ chưa sinh của họ. Tòa Thánh là phái bộ duy nhất của LHQ không chịu đứng nhìn và chấp nhận việc đó.

Ông đồng ý với Đức TGM Tomasi khi cho rằng phúc trình này được soạn sẵn trước khi phái bộ Tòa Thánh phát biểu trước Ủy Ban. Ông co rằng đó là một sự thực. Vì sự thực là chỉ một số ít chuyên viên trong các bộ phận giám sát hiệp ước có quyền kiểm soát nội dung các nhận xét. Vả lại, các chuyên viên không được trả lương và chỉ làm việc cho các vấn đề này mỗi năm một vài tuần lễ. Nên người thực sự kiểm soát các buổi làm việc chính là các nhân viên tại Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền. Họ làm việc toàn thời gian tại Genève để soạn thảo các phúc trình, các nhận xét và khuyến cáo. Bởi thế, khi các chuyên viên gặp Tòa Thánh hồi tháng Giêng và nói chuyện với Đức TGM Tomasi, tất cả đều vô nghĩa, vì các nhà hành chánh của LHQ đã quyết định trước về nội dung các nhận xét và khuyến cáo rồi.

Gennarini cũng đồng ý với Đức TGM Tomasi khi ngài cho rằng các tổ chức phi chính phủ chuyên cổ vũ hôn nhân đồng tính và phá thai đứng đàng sau các nhận xét của ủy ban. Vì chính các quốc gia tại LHQ cũng đã liên tiếp than phiền về việc thiếu trong sáng trong cung cách các ủy ban giám sát làm việc qua lại với các tổ chức phi chính phủ. Nhiều khi các tín liệu do các quốc gia trình bày bị làm ngơ và các ủy ban LHQ gần như hoàn toàn dựa vào tín liệu do các nhóm phi chính phủ này cung cấp. Cũng cái ủy ban chỉ trích Tòa Thánh này lên án Nga vì đã ban hành luật lệ nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những tín liệu có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe các em bằng cách nói dối các em rằng hành vi đồng tính y hệt như việc giao hợp giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà. Các nhóm đồng tính muốn cho toàn bộ xã hội con người ủng hộ các lựa chọn tính dục của họ và theo họ LHQ là một phương tiện khác để đạt được sự ủng hộ này.

Điều chẳng may là các tổ chức cổ vũ phá thai, đồng tính luyến ái và quyền hưởng tính dục của trẻ em đã len lỏi vào được các bộ phận giám sát của LHQ, kể cả những bộ phận được nhiều người ngưỡng mộ trước đây như Ân Xá Quốc Tế, và Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế và một bộ phận mới có gần đây là Trung Tâm Giám Sát Quyền Sinh Sản và Nhân Quyền. Mặt khác, trong hơn 30 năm qua, một số bộ phận trước đây, thời chiến tranh lạnh, chuyên giám sát các quyền dân chính và chính trị, nay hết việc làm từ ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ, nên quay qua lo các quyền về tính dục. Điều họ đang cố gắng làm là biến sự độc lập vô giới hạn về tính dục thành các nhân quyền chủ yếu. Phá thai và đồng tính luyến ái là các biểu hiện cực đoan nhất của sự độc lập vô giới hạn về tính dục. Các nước Tây Phương, nơi sự độc lập tính dục vô giới hạn này trở thành một qui luật lôi cuốn, đã và đang tài trợ cho các tổ chức này trong 20 năm qua. Nhờ thế các tổ chức này có cả hàng tỷ đôla để tài trợ cho việc tranh tụng, cho việc giáo dục, làm áp lực và các dự án khác để cổ vũ lập trường của họ.

Theo Gennarini, C-FAM đang phát động một chiến dịch làm kiến nghị ủng hộ Tòa Thánh tại trang mạng www.defendthevatican.org. Họ sẽ trình bày để bằng hữu của họ tại LHQ thấy phúc trình trên chỉ là một thí dụ nữa co thấy việc lạm quyền của các ủy ban giám sát. Trong ba năm qua, cơ sở này cũng đã vận động với các nhà ngoại giao tại Đại Hội Đồng LHQ để họ cải tổ các bộ phận giám sát hiệp ước và tăng cường các bộ phận này để chúng hoạt động thích đáng hơn trong tương lai. Điều quan trọng là các chuyên viên này phải chịu trách nhiệm đối với việc làm của họ.

Phúc trình LHQ có thể có hiệu quả ngược lại

John Allen Jnr. cho rằng những phát đạn gây nhức nhối của ủy ban nhi quyền LHQ với mục đích mong Tòa Thánh đẩy mạnh chiến dịch chống lạm dụng tình dục sẽ có hiệu quả ngược lại khi nó làm mờ nhạt chính nghĩa bảo vệ trẻ em bằng cuộc chiến tranh văn hóa dành lối sống tính dục.

Cuộc chiến tranh ấy phi lý đến nỗi tấn công vào cả các giáo huấn cốt lõi của Giáo Hội Công Giáo liên quan tới phá thai, đồng tính luyến ái và ngừa thai. Không hiểu ủy ban có hiểu rõ việc giáo luật phạt tuyệt thông tiền kết đối với việc phá thai hay không? Sự ngu dốt này chỉ càng làm cho các vị cực bảo thủ trong Giáo Hội xưa nay có khuynh hướng bác bỏ các tai tiếng lạm dụng coi phúc trình này đơn thuần như lời chỉ trích thế tục quá quen thuộc xưa nay vốn do chính trị thúc đẩy.

Việc trên cũng có thể làm mờ nhạt một số khuyến cáo của ủy ban mà chính các vị chủ trương cải cách trong Giáo Hội vốn tranh đấu xưa nay. Allen nêu thí dụ: ủy ban gợi ý rằng ủy ban mới về bảo vệ trẻ em do Đức Phanxicô công bố hồi tháng Mười Hai nên được trao cho nhiệm vụ không những điều tra các lời tố cáo lạm dụng, mà còn phải điều tra cả các trường hợp nhiều vị giám mục không chịu áp dụng chính sách “tuyệt đối không khoan nhượng” (Zero tolerance) mới đây của Giáo Hội. Đây là điều những nhà tranh đấu trong Giáo Hội vốn từng làm, điển hình là Đức Cha Charles Scicluna của Malta, người nổi tiếng đã vạch mặt một giáo sĩ Mễ Tây Cơ nhiều uy thế là cha Marcial Maciel Degollado, vị sáng lập ra dòng Đạo Binh Chúa Kitô.

Maciel vốn có một mạng lưới rộng lớn gồm nhiều bằng hữu và đồng minh tại Vatican, nhưng Đức Cha Scicluna nhất định bám sát vị giáo sĩ này. Và năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI đã buộc giáo sĩ này phải sống cuộc sống cầu nguyện và đền tội. Đức Cha cho hay: “Một giám mục không thể là người quản lý tốt nếu không biến việc bảo vệ trẻ em thành ưu tiên số một của mình”.

Nếu ủy ban LHQ tự giới hạn mình vào những nhận xét như thế có phải sẽ tăng cường việc làm của những vị như Đức Cha Scicluna hơn không? Đàng này, họ lại làm mờ nhạt những nhận xét như thế bằng việc tấn công vào giáo lý nòng cốt của Giáo Hội Công Giáo!

Rõ ràng, trong Đạo Công Giáo, rất nhiều người vẫn cho rằng Giáo Hội bị đối xử bất công khi bị tố cáo là che chở các phạm nhân lạm dụng tình dục. Phản ứng lại, dù có ra các biện pháp ngăn ngừa, họ cũng chỉ đưa ra những biện pháp ngắn hạn, có chừng có mực mà thôi, không rốt ráo như nhiều người mong đợi. Hội Đồng Giám Mục Ý chẳng hạn, chỉ mới tháng trước, mới chấp nhận các hướng dẫn chống lạm dụng, nhưng không bao gồm điều khoản buộc các giám mục phải báo cáo cho cảnh sát các lời tố cáo đáng tin về lạm dụng. Tân tổng thư ký Hội Đồng do Đức Phanxicô bổ nhiệm là Đức Cha Nunzio Galantino cho hay giám mục “không phải là viên chức công” nên không buộc phải tố giác chính các linh mục của mình.

Allen cho rằng Đức Cha Galantino không hề thuộc phe bảo thủ. Ngài là giám mục của một giáo phận nhỏ, nổi tiếng sống đạm bạc và yêu thương người bình dân, rất ăn ý với đức tân giáo hoàng. Việc ngài không ngồi cùng toa với chính sách “tuyệt đối không khoan nhượng” cho thấy cuộc tranh đấu trong lãnh vực này không dễ dàng, đừng nên đổ dầu vào lửa, gây nản chí cho những người như ngài. Phải nói gì, khi những người thiện chí như ngài đọc tới những phần chỉ cốt phục vụ cuộc chiến tranh văn hóa đầy phi lý?