Ngày 05.12.2013, qua Facebook, blogger Nguyễn Tường Thụy đã loan tin ‘Phương Uyên bị Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ chí Minh đuổi học’. Đây là một quyết định vô nhân đạo, mang tính cách trả thù và bất công khi bản án tòa Long An chống lại người sinh viên yêu nước (chống Trung quốc xâm lược : ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’) và thương đồng bào (‘Đảng cộng sản chết đi’ vì đã tạo ra các nhóm lợi ích phá hoại nền kinh tế và dùng công an, côn đồ cướp đất người dân và đánh đập họ). Trong tài liệu lưu trữ về Pháp quốc, nước mà người cộng sản Việt đánh thắng tại Điện biên phủ cách đây gần 60 năm, ngày 07.05.1954, chúng tôi tìm thấy trường hợp tù nhân Florence Rey để chúng ta so sánh.

I. NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN LÀ AI ?

Ngày 14.10.2012, lối 10 công an Việt Nam, quốc gia thành viên Hội đồng Nhân viên Liên hiệp quốc từ ngày 01.01.2014, vào phòng trọ bắt cóc cô Phương Uyên, 20 tuổi, để xác minh về truyền đơn chống Trung quốc xâm lược do cô dán và nhốt cô tại một nhà ngủ. Cha mẹ và bà nội Uyên đã đến các cơ quan công an để tìm, chúng chối không có bắt cô, khiến gia đình đau khổ và rất lo lắng cho sự an nguy của Uyên. Đây là hành vi trái Luật Tố tụng Hình sự của công quyền. Khi đó, Phương Uyên đang là Ủy viên Ban Chấp hành chi đoàn Thanh niên Cộng sản của lớp, kiêm phát thanh viên Đoàn của Trường. Vì học giỏi nên cô được nhiều thầy cô bạn bè thương mến. Ngày 22.10.2012, bà Nguyễn thị Nhung, mẹ Phương Uyên, đi tìm con và công an mới nhận có bắt Uyên bị và đã đưa đi Long an, nhưng không nói lý do tại sao bắt. Chúng cho bà gửi quần áo cho Phương Uyên, nhưng khi bà ghi ‘Mẹ yêu con’, chúng không cho gửi và buộc phải bỏ. Sau khi ép cung đương sự, ngày 03.11.2012, Đại tá công an Nguyễn Sáu cho biết Nguyễn Phương Uyên (và Đinh Nguyên Kha, bị cáo đồng phạm) đã viết bản nhận tội có các hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại điều 88 Bộ Luật Hình sự như phân tán các dán các khẩu hiệu và cờ vàng ba sọc đỏ.

Ngày 16.05.2013, Tòa án nhân dân Long An tổ chức phiên xử sơ thẩm vụ tuyên truyền chống phá nhà nước. Điều mỉa mai vụ án là theo Bản cáo trạng, do Phó viện trưởng Nguyễn Tiến Nghiệp ký, quy tội : ‘Uyên sử dụng hai mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng đảng Cộng sản Việt Nam, mảnh còn lại có nội dung không hay về Trung quốc’. Chúng muốn Phương Uyên phải ngợi khen Trung quốc? Nhưng, việc cô chống Trung quốc thì không có điều khoản nào trong cả Bộ Luật Hình sự quy tội và kết án. Phương Uyên

khẳng định cô không ‘chống Nhà nước CHXHCN VN’ như chúng muốn đồng nhất Đảng với Nhà nước. Do đó, tuy không có ba nhân chứng nêu trong Cáo trạng hay tang vật được trưng ra, chúng vẫn xử Phương Uyên 6 năm tù.

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 16.08.2013, Phương Uyên tự bào chữa và nói với Hội đồng Xét xử ‘yêu cầu xử đúng người đúng tội’ : những hành động chống đảng cộng sản quy định nơi điều 258 Bộ luật hình sự chứ không phải điều 88 như đã tuyên xử. Các thẩm phán đều lúng túng khi Chánh án tuyên xử Phương Uyên 3 năm tù treo, 52 tháng thử thách và được trả tự do tại tòa.

II. QUYẾT ĐỊNH BUỘC THÔI HỌC.

Ngày 19.08.2013, sau khi rời trại giam, Phương Uyên đã đến trường để xin theo học trở lại, trường nói sẽ xin ý kiến cấp trên rồi trả lời sau. Ngày 29.11.2013, Trường ra quyết định, do Hiệu trưởng Đặng Vũ Ngoạn ký, buộc Phương Uyên thôi học với lý do cô đã vi phạm pháp luật. Đây là quyết định vô nhân đạo đối với một sinh viên giỏi ở tuổi 21. Hành vi này có thể trái luật hay khắc nghiệt hơn cả luật vì, theo Luật hình sự, sau khi ra tù, việc đình chỉ đảm nhiệm chức vụ chỉ có thể từ 1 đến 5 năm, trong khi quyết định đối với Phương Uyên thì có tính cách vĩnh viễn. Hơn thế nữa, điều 65, khoản 3 Luật thi hành án hình sự quy định: « Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó. Do đó, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói với chị Thanh Trúc (đài RFA ngày 07.12.2013) : « Té ra Việt Nam ngày nay trong việc tôn trọng quyền học tập của con người, không khá hơn chế độ Apartheid và cũng không bằng chế độ mà người ta vẫn thường cho là ngụy quyền! »

Ngày 07.12.2013, trả lời BBC, Phương Uyên nói việc tước bỏ quyền được đi học là xâm phạm quyền con người, là một việc bất công đối với cô và việc thông báo quyết định này tới toàn thể nhà trường để 'bôi nhọ danh dự' của cô. Trong văn thư ngày 26.09.2013, họ phổ biến cho cô biết theo điều 61, 62 Nghị định Chính phủ năm 2000 là họ phải tạo điều kiện thuận lợi để cô tiếp tục học, thì giờ đây, cái quyết định gửi tới cô đã đi ngược lại hoàn toàn với điều mà họ đã nói. Hiện tại, Phương Uyên hàng ngày ra đồng làm việc đồng áng để giúp cuộc sống gia đình ở Bình Thuận và học Anh văn để củng cố kiến thức, chờ được học tập ở một môi trường tốt hơn.

Cùng này, bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ Phương Uyên cho BBC biết từ ngày Phương Uyên trở về nhà, cô bị an ninh theo dõi chặt chẽ, chính quyền còn cô lập bằng cách 'phong tỏa' hàng xóm, láng giếng tiếp xúc với gia đình của bà. Phương Uyên tự an ủi ‘Bị đuổi học, tôi có tấm bằng nhân dân’. Thật vậy, ngày 16.05 và 16.08.2013, nhiều trăm người đến Tòa án, dù bị công an đánh, để ủng hộ tinh thần hai bạn trẻ Phương Uyên và Nguyên Kha. Ngoài ra, khi trả lời BBC về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, bà Phạm Chi Lan đã lên tiếng quan ngại về trường hợp Nguyễn Phương Uyên, người mà theo bà không đáng bị chính quyền đối xử với những biện pháp khắc nghiệt như vậy vì cô còn trẻ, lại là phụ nữ, đồng thời chỉ 'biểu lộ tình cảm yêu nước của mình'. Hôm 07.12.2013, BBC đã tìm cách liên lạc với Đại học Công nghệ Thực phẩm để tìm hiểu thêm về bản quyết định, nhưng chưa liên lạc được.

Ngày 10.12.2013, Phương Uyên chính thức tuyên bố ra khỏi đoàn Thanh niên Cộng sản, nơi cô đã rất tích cực tham gia các hoạt động trên tinh thần ‘Đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên’. Nhưng thực tế, Phương Uyên đã làm hơn : Đâu nguy hiểm có thanh niên.

III. MỘT TRƯỜNG HỢP CÓ NHÂN ĐẠO.

Ngày 04.10.1994, Florence Rey, 19 tuổi, sinh viên văn khoa, cùng người yêu Andry Maupin, 22 tuổi, sinh viên triết, đều là thành viên một tổ chức chủ trương vô chính phủ (anarchiste). Khoảng 21 giờ 15, họ cùng hành động nhằm cướp súng của cảnh sát để đi cướp. Với súng cướp được, họ chận một tắc xi, có chở một hành khách, buộc phải chạy theo lệnh họ. Tài xế người Ghana cố tình đụng vào xe tuần cảnh và hét ‘chúng giết chúng tôi’. Maupin nổ súng bắn chết ba cảnh sát và người tài xế. Hai người qua đường bị thương. Đôi bạn Maupin-Rey bắt làm con tin một tài xế xe du lịch để chạy trốn vào khu Bois de Vincennes. Một cảnh sát đi xe mô tô đuổi theo, bị chặn bởi hàng rào, Maupin lại nổ súng bắn chết một cảnh sát thứ ba. Maupin bị thương và chết hôm sau tại bệnh viện. Trong vòng 25 phút chạm súng, 5 người chết và Florence Rey đã nạp mình, sau khi hôn từ biệt tình nhân.

Trong Phiên tòa Đại hình tại Paris từ ngày 17 đến 30.09.1998, thời gian cần thiết để bị can, thân nhân các nạn nhân có dịp nói như ý muốn và các thẩm vấn từ Chánh án và Công tố viên. Các chuyên viên tâm lý và nhân chứng trình bày nhận xét của mình cũng như các luật sư tự do bào chữa, tranh luận. Sau 5 giờ 30 phút nghị án, Tòa Đại hình Paris tuyên án 20 năm tù cấm cố đối với Florence Rey, bị cáo buộc là đồng phạm giết người.

Trong thời gian thụ án, Florence được theo học các lớp về lịch sử và đã dự thi thành công brevet de technicien supérieur (BTS, văn bằng chuyên môn 2 năm sau Tú tài) phụ tá quản lý năm 2007. Để hoàn tất học trình, cô được phép rời nhà tù để thực tập tại xí nghiệp. Nhờ có một thái độ gương mẫu, năm 2009, tức 15 năm thi hành án, Florence Rey được trả tự do.

Đây là chuyện xảy ra tại một nước dân chủ, nơi cử tri chọn người tài đức, qua một cuộc đầu phiếu xứng danh, để lãnh đạo quốc gia. Sanh tại Việt Nam, thời cộng đảng trị, sinh viên Nguyễn Phương Uyên, sau khi bị một bản án oan sai, lại chịu lệnh cấm học, một thứ án hai lần tuyên. Người cộng sản, tại sao ‘quý vị’ tàn ác với đồng bào vậy khi vẫn tự nhận nhân đạo, khoan hồng, luôn tạo cơ hội cho những ai lầm đường có cơ hội để sửa lỗi… ?

Hà Minh Thảo