Terry Mattingly, giám đốc Trung Tâm Báo Chí Washington của Hội Đồng Các Cao Đẳng và Đại Học Kitô Giáo, cho rằng ít có ngày nào ông không nhận được ít là 1 hay 2 điện thư của các Kitô hữu Chính Thống Đông Phương, hay những người có thiện cảm với số phận của các Kitô hữu Trung Đông. Các điện thư này thường chỉ cho ông những trang mạng (URL) có các tường trình về những vụ tàn ác xẩy ra liên quan tới cuộc chiến tại Syria. Thắc mắc chung của họ là tại sao những biến cố này ít được các cơ quan tin tức chính dòng tại Bắc Mỹ lưu ý.

Những người trên đều là người thông minh, biết rõ lịch sử của mình. Họ hiểu rằng phần lớn các nhà báo Hoa Kỳ coi các Kitô hữu và các nhóm thiểu số tôn giáo đang sắp sửa bị “diệt chủng” khác tại Syria là đồng minh của chế độ thối nát của TT Basha al-Assad trong cuộc chiến của ông ta chống lại một đám đông ô hợp gồm cả người nổi loạn lẫn các người Hồi Giáo Duy Thánh Chiến, trong đó, có các lực lượng có liên hệ gần gũi với al-Qaeda và các mạng lưới duy thánh chiến khác. Họ cũng biết rằng Nga ủng hộ chế độ hiện nay ở Syria còn TT Barack Obama và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì ủng hộ nhiều nhóm trong phe nổi loạn Syria.
Ta nên để ý đây là cuộc đụng độ giữa TT Nga Vladimir Putin với Obama. Trong số hai người này, ai là người được lòng báo giới Hoa Kỳ?

Bạn bè của Mattingly dĩ nhiên biết rõ những điều trên. Tuy nhiên, quan điểm của họ chắc chắn gần gũi hơn với các quan điểm của Đức Cha Basil Essey thuộc giáo phận Wichita, Kan. Ngài cho rằng bất cứ ai cầu nguyện cho hòa bình tại Syria, cũng phải nhìn nhận ngay từ đầu rằng “các sai lầm tội ác” là việc đôi bên đều làm và “thực sự không có đạo quân nào tốt ở đó cả. Chúng ta không thể tin cậy ai. Không ai cả”. Cho nên, phải chọn lựa giữa một tội ác ta biết và đã có cả 30-40 năm nay tại phần đất này của thế giới và một tội ác khác ta không biết gì ngoài những điều chính họ cho ta thấy trong cuộc nội chiến khiếp đảm này.

Thành thử các tín hữu Chính Thống không hỏi tại sao báo chí Hoa Kỳ nghiêng về phía nổi loạn. Họ không hỏi tại sao quá nhiều mực đã được dành cho những tường thuật về bạo tàn chống các cộng đồng duy thánh chiến tại Syria. Họ có thể tính toán ra. Điều họ muốn biết là tại sao lại có quá ít tường trình về những gì đang xẩy ra cho các Kitô hữu và các nhóm thiểu số tôn giáo khác đang bị bách hại trong vùng. Họ không hiểu được lý do của tội quên sót này.

Bởi thế, họ tiếp tục gửi tới những tường trình đại loại như sau về việc bắt cóc các nữ tu tại Maaloula. “Các nữ tu tại Maaloula nay mai có thể được mang tới Lebanon, là cứ điểm sau cùng của những người bắt cóc, nếu việc trung gian và các kênh liên lạc với họ không nhanh chóng tìm được giải pháp, trước khi quân đội Syria tấn công vào giải Yabrud trong vài ngày tới với việc phát động đợt thứ hai của cuộc hành quân tại Qalamoun.

“Có tất cả 12 nữ tu bị bắt cóc, 4 vị người Labanon, 8 vị người Syria. Ba kênh thương thuyết đang thay phiên nhau cố gắng tìm xem các người bắt cóc muốn gì mới chịu thả các vị ra. Việc các người bắt cóc lập tức chịu thỏa thuận thương thuyết đa phương là dấu hiệu lạc quan vì đây là lần đầu tiên Jabhat al-Nusra muốn nhanh chóng có giải pháp để có thể thả các con tin do họ bắt giữ. Trong quá khứ, cần tới hàng tháng mới biết được số phận người bị bắt cóc hay trước khi những người bắt cóc đồng ý thương thuyết”.

Dĩ nhiên, Đức Phanxicô quan tâm tới số phận các nữ tu này. Nhưng quan tâm của ngài cũng chỉ được giới truyền thông Kitô Giáo loan tải mà thôi, cùng lắm bởi một số cơ quan truyền thông bảo thủ.

Một trong các tường trình loại này là của Voice Of The Persecuted (http://voiceofthepersecuted.wordpress.com/2013/11/21/largest-massacre-of-christians-in-syria-ignored/) tựa là “One of the worst Christian massacres”.

Tường trình này cho biết đầy đủ chi tiết với những mồ chôn tập thể, phụ nữ và trẻ em bị tra tấn cho tới chết, và những ngôi nhà thờ bị thiêu rụi. Việc này do những “người nổi loạn” duy thánh chiến được Hoa Kỳ hỗ trợ tại Syria thực hiện. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan “truyền thông chính dòng”, như thường lệ, im thin thít.

Cuộc tàn sát trên diễn ra tại Sadad, một khu cổ xưa của Chính Thống Giáo Syriac, cổ xưa đến nỗi có thể được Cựu Ước nhắc đến… Cuối tháng Mười, phe “đối lập” được Hoa Kỳ hỗ trợ, đã xâm nhập và chiếm đóng Sadad hơn một tuần lễ, cho tới khi bị quân chính phủ loại trừ. Trong số các tàn bạo khác, 45 Kitô hữu, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đã bị giết, một số bị tra tấn cho tới chết; 14 nhà thờ của Sadad, một số rất cổ xưa, đã bị đánh cướp và tiêu hủy; xác 6 người của cùng một gia đình, tuổi từ 16 tới 90, đã được tìm thấy ở một đáy giếng (việc này càng ngày càng trở thành số phận chung của những “bán nhân” (subhuman) Kitô hữu này).

Các người duy thánh chiến thậm chí còn thực hiện một cuốn video đầy đủ hình ảnh, với phụ đề tiếng Anh, về những người họ thảm sát…

Bây giờ, ta thử so sánh các tường trình trên với loạt bài của tờ The Washington Post nói về số phận người tị nạn Syria. Loạt bài này gồm 18 câu truyện với đầy đủ hình ảnh, cho ta thấy đủ thứ bạo tàn khiến độc giả xúc động cùng cực và khôn nguôi. Nhưng tôn giáo đóng vai trò gì trong loạt bài này? Ta thử đọc phần tóm lược xem sao:

“Liên Hiệp Quốc và chính phủ tại các nước chứa chấp người tị nạn ước lượng rằng khoảng từ 2.3 triệu tới 2.8 triệu người Syria đã trốn khỏi quê hương họ. Liên Hiệp Quốc nói rằng con số này tăng lên gần 3,000 người mỗi ngày, và không hề dừng lại đối với một cuộc tranh chấp kéo dài gần 3 năm nay.

“Sự hao phí của cuộc nội chiến Syria tiếp tục vượt qua con số ước lượng 125,000 người bị giết và hàng chục ngàn người bị què cụt. Số lượng khổng lồ người tị nạn ùa vào các nước lân bang, nhất là Lebanon, Giócđăng và Thổ Nhĩ Kỳ, đang làm tê liệt các nền kinh tế yếu ớt và phá vỡ thế cân bằng hết sức tế nhị về chính trị và tôn giáo trong vùng.

“ ‘Những nơi này sẽ không bao giờ như cũ nữa’ Helen Clark, cựu nữ thủ tướng của Tân Tây Lan, người hiện dành phần lớn thì giờ của bà tại vùng này như người đứng đầu Chương Trình Phát Triền của LHQ. ‘Nhiều người trong số này sẽ không bao giờ được trở về quê hương’”

Các viên chức LHQ ước lượng rằng một phần ba hay hơn những người đang sống tại Lebanon chẳng bao lâu sẽ là người tị nạn Syria: 1.6 triệu tại một nước mà dân số trước chiến tranh chỉ là 4.4 triệu. Hay, như Clark nói, “tương đương với toàn bộ dân số Mexico đang tị nạn tại Hoa Kỳ”.

Nhưng còn “các thế cân bằng về tôn giáo” thì sao? Người ta hoàn toàn im lặng trong một bản văn dài tới hàng ngàn chữ.

Và nếu các lực lưởng nổi loạn đang đẩy hàng ngàn Kitô hữu ra khỏi nhà cửa họ (dĩ nhiên các lực lượng chính phủ cũng rời cư một số đông tương tự) và các Kitô hữu bị bách hại tại Syria theo truyền thống có thói quen chạy qua Labanon, thì bao nhiêu tị nạn Kitô hữu đã được nhắc tới trong loạt bài của tờ Post này? Câu trả lời là số không, trong loạt 18 bài!

Rõ ràng cuộc tranh chấp tại Syria là hoàn toàn một phía, dưới con mắt các chủ bút của Post và cuộc tranh chấp này chủ yếu chỉ là cuộc tranh chấp giữa phái Shiai và phái Sunni Hồi Giáo. Tất cả các nạn nhân đều ở bên này hay ở phía bên kia cuộc tranh chấp. Còn tác động ra sao đối với các nhóm thiểu số tôn giáo không một tấc sắt tự vệ trong tay bị dính cứng giữa chính phủ và người duy Hồi Giáo thì sao? Thì người ta hoàn toàn im lặng.

Theo Tim Mattingly, Ghosts in those one-sided reports about victims in Syria, 18 Dec 2013 http://www.patheos.com/blogs/getreligion/2013/12/ghosts-in-those-one-sided-reports-about-victims-in-syria/)