Lên tiếng với hơn 300 ân nhân thuộc tổ chức Trợ Giúp Giáo Hội Túng Thiếu họp tại Westminster Cathedral Hall, London, mấy hôm vừa qua, Thượng Phụ Gregorios III, đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Melkite Hy Lạp, cho biết “Syria đang trải nghiệm một Đàng Thánh Giá thật dài và thật đẫm máu, trên khắp mọi nẻo đường đất nước”.

Thượng phụ Gregorios, đồng thời cũng là chủ tịch Hội Đồng các Giáo Phẩm Công Giáo tại Syria, cho biết thêm: “qúy vị có thể nghĩ rằng tình hình yên ổn ở nơi này hay ở nơi nọ, nhưng bất cứ lúc nào, qúy vị cũng mất mạng vì bom, hỏa tiễn và đầu đạn, chưa kể bị bắt cóc hay bị bắt làm con tin để chuộc tiền, hay bị sát hại”.
Theo vị đứng đầu Giáo Hội Melkite này, các Kitô hữu bị nhắm vì họ được coi là các “phần tử yếu thế” và là nguồn mang lại tiền chuộc. Ngài bảo: “Khá nhiều linh mục, giáo dân, thân nhân và bằng hũu của chúng tôi đã bị bắt cóc”.

Nhắc đến các biến cố xẩy ra tại Maaloula tháng trước, trong đó, những người duy thánh chiến mưu toan buộc các Kitô Hữu phải cải đạo qua Hồi Giáo, thượng phụ cho hay một số làng mạc đã không còn, vì mọi cư dân dã bỏ trốn cả... Bốn người bị bắt cóc từ ngày 4 tháng Chín, chúng tôi không biết hiện họ ở đâu”.

Theo thượng phụ, 450,000 Kitô hữu đã rời Syria hay rời cư trong nước, trong đó, có trọn gia đình cha của ngài. Thượng phụ mô tả cảnh người duy thánh chiến đang khiến cuộc sống của thường dân ra khó khăn ra sao tại nhiều nơi.

Ngài bảo: “Yabroud bị kiểm soát không những bị lực lượng đối lập mà còn bởi người duy thánh chiến nữa, không phải chỉ bởi đối lập, đối lập được lắm, nhưng người duy thánh chiến có khác.

“Là Kitô hữu, họ phải nạp ‘thuế’ từ đầu năm 2012, mỗi tháng 35,000 đôla. Nhưng nay, dù vẫn phải trả món tiền hàng tháng ấy, ngày 16 tháng Mười vừa qua, nhà thờ cũ của Yabroud, tức nhà thờ Constantinô và Helena, vẫn bị đặt bom. Trước Kitô Giáo, nó là đền thờ Thần Jupiter sau đó trở thành nhà thờ Kitô Giáo đẹp đẽ và cổ xưa. Họ đặt bom bên trong nhà thờ... một trái ngay ở toà giải tội”.

Thượng phụ nhấn mạnh rằng nhiều người Hồi Giáo bình thường cũng là nạn nhân như Kitô hữu. Ngài nhắc lại lịch sử tôn giáo hài hòa xưa nay của Syria để nói thêm rằng phần lớn những người duy thánh chiến đến từ ngoại quốc để tham gia trận chiến.

Cùng lên tiếng trong dịp này là Nữ Tu Hanan thuộc Dòng Chúa Chiên Lành. Nữ tu thuật lại việc làm của hội dòng với người tị nạn tại Libăng, và John Pontifex, tác giả phúc trình “Persecuted and Forgotten” đăng trên nội san của cơ quan Trợ Giúp Giáo Hội Túng thiếu nói về việc bách hại Kitô Hữu.

Về tình hình tại Trung Đông và Nigeria, Pontifex ca ngợi sự can đảm và quyết tâm của Kitô hữu trong việc làm chứng cho đức tin bất chấp gian nguy và bách hại phải chịu. Nữ tu Hanan nói tới các trợ giúp dành cho “phụ nữ và trẻ em bị hoàn cảnh đời sống làm cho thương tổn” tại trung tâm y tế của hội dòng tại Beirut.