Theo tin AsiaNews ngày 18 tháng 12, các lãnh tụ của các đảng theo Mao, Mác-Lênin và bảo thủ của Nepal vừa gửi điện văn chúc mừng sinh nhật Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Họ cũng công bố ý định thắng vượt các đố kị và dị biệt từng làm xã hội Nepal điêu đứng mấy năm qua.

Tin trên xẩy ra một tháng sau cuộc bầu cử ngày 19 tháng 11 trong đó Đảng Quốc Đại Nepal (NC) thắng đa số với nhiệm vụ canh tân Quốc Hội Lập Hiến. Kể từ khi nền quân chủ cáo chung vào năm 2008, nước này không có hiến pháp.

Lãnh tụ NC là Ram Chandra Poudel tuyên bố rằng “trong năm nay, Đức Giáo Hoàng nhiều lần nói tới hòa giải giữa các nhà lãnh đạo các tôn giáo, các ý thức hệ và các nhóm. Chúng tôi sẵn sàng tiến hành các bước để dẹp bỏ các phân cách trong xã hội chúng tôi, thành lập một tân chính phủ và soạn một hiến pháp đem lại ổn định lâu dài cho xứ sở. Đây là lời cầu chúc và tôn kính chúng tôi ngỏ cùng Đức Giáo Hoàng, người mà chúng tôi đoan hứa sẽ hoàn thành các kết quả trước Lễ Giáng Sinh”.

Đảng Cộng Sản Đoàn Kết theo Mao của Nepal (UCPN-M) và Đảng Cộng Sản Nepal Đoàn Kết theo Mác và Lênin (CPN-UML) cũng hoan nghinh lời kêu gọi hòa bình và hòa giải của Đức Giáo Hoàng trong mấy tháng qua.

Mặc dù đảng của ông chịu một cú hơi đau trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, lãnh tụ của UCPN-M là Posta Bahadur Bogati vẫn nhấn mạnh nhu cầu phải “chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp của xứ sở bằng cách thắng vượt các dị biệt giữa các đảng với nhau”. Ông nói thêm “Ta nên tận dụng ngày sinh nhật của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để nhất trí làm việc với nhau trong diễn trình hoà giải”.

Nhân danh Đảng Cộng Sản Nepal (Đoàn Kết Mác-Lênin), phó tổng bí thư Bam Dev Gautam hôm nay tuyên bố rằng đảng của ông sẽ gửi thông điệp chúc mừng tới Đức Giáo Hoàng và mọi Kitô hữu ở trong nước cũng như ở ngoại quốc. Ông nhận định “Sinh nhật Đức Phanxicô đã đem mọi đảng phái lại với nhau quanh mục tiêu chung là đem lại cho đất nước một tân hiến pháp thế quyền”.

Cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức ngày 19 tháng 11, năm năm sau các hỗn loạn chính trị với 4 chính phủ liên minh. Năm 2006, Nepal thoát được cảnh nội chiến kéo dài cả một thập niên, một cuộc chiến đã lật đổ chế độ quân chủ theo Ấn Giáo. Tuy nhiên, việc lật đổ nhà vua không chấm dứt các chia rẽ trong xã hội Nepal.

Trong những năm gần đây, nước này bị xâu xé bởi nhiều cuộc đụng độ giữa các cựu du kích quân theo Mao, là đảng chiến thắng trong cuộc tuyển cử Quốc Hội Lập Hiến năm 2008, và các đảng bảo thủ, khiến xứ sở lâm vào thế liều mình gây ra cuộc nội chiến mới.

Sau cuộc tổng tuyển cử vừa rồi, đảng theo Mao từ chối không tham gia Quốc Hội mới, tố cáo Quốc Đại và chính phủ có âm mưu chống lại họ. Hy vọng với hình ảnh hòa giải và yêu hòa bình của Đức Phanxicô, thái độ của họ sẽ thực sự thay đổi như lời lãnh tụ của họ hứa hẹn.