GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG BÀI SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC QUÝ III

NGÀY 1.10.2013

THEO CHỊ TÊRÊSA LẮNG NGHE VÀ SỐNG LỜI MẠC KHẢI

Buổi tĩnh tâm quý III của giám mục và linh mục đoàn giáo phận đúng vào ngày lễ kính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh, thành Lisieur, là dịp thuận tiện để suy niệm về mẫu gương thánh thiện, suốt đời chỉ biết dùng linh đạo tình yêu để sống cho Thiên Chúa và cho con người của vị thánh này.

Chị đã cộng tác với ơn Chúa bằng nhiều khả năng. Trong bài suy niệm, không thể kể hết nhân đức của Chị. Chúng ta chỉ nói đến KHẢ NĂNG LẮNG NGHE VÀ SỐNG LỜI MẠC KHẢI của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh.

I. LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA TRONG LỜI MẠC KHẢI.

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời là Chúa Trời hằng sống” (Tv 41, 2-3). Lời Thánh vịnh như diễn tả tất cả niềm thao thức, lòng đắm say, nỗi thèm thuồng ngụp lặn trong tình yêu của Chúa.

Đọc lại cuộc đời và nhân đức của Chị Têrêsa, ta thấy niềm đam mê được gần Chúa, niềm đam mê khao khát Chúa của Chị y như ý nghĩa Thánh vịnh. Chị tìm về Chúa, hồn Chị đón nhận Chúa như nai đang chết khát tìm thấy nguồn nước. Lòng Chị thỏa thuê trong Chúa như nai rừng chết khát thỏa thuê trong dòng nước nguồn.

Tắm mình trong Lời mạc khải sâu, đậm, nặng, mạnh mẽ, thiết tha…, Chị lắng nghe tiếng Người cách đầy đủ, trọn vẹn, lắng sâu. Bởi lắng nghe tiếng Chúa dữ dội, Chị đã:

1. Quyết chọn Chúa là gia nghiệp đời mình.

Từ nhỏ, Chị đã uống lấy niềm khao khát Chúa. Chị khám phá, chỉ có Chúa mới là gia sản quý giá mà cả đời Chị sẽ theo đuổi qua những lần Chị được cha mẹ và các chị đọc cho nghe những truyện thánh rút ra từ các trang Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước.

Thời gian sống tại Nhà Kín Lisieux, Chị càng được đào sâu Kinh Thánh. Nơi nhà nguyện, Chị tham dự nhiều giờ cầu nguyện bằng Thánh Vịnh và Phúc Âm. Ban tối, Chị cùng các chị em chuẩn bị cho phụng vụ ngày mai bằng những nguyện ngắm lấy từ Phúc Âm và sách các giáo phụ. Tại nhà cơm, Chị cùng các nữ tu nghe nhắc lại các bài đọc.

Thánh Kinh giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Từ đó, Thánh Kinh ngày càng chiếm lấy tâm hồn Chị Thánh. Thánh Kinh tiếp tục nhàu nặn Chị dần dà trở thành thụ tạo tốt đẹp của Chúa. Thánh Kinh ban tặng Chị một thói quen lắng nghe tiếng Chúa trong lời mạc khải của Chúa. Nhờ lắng nghe tiếng Chúa qua Thánh Kinh, Chị biết rằng, mình thuộc về Chúa. Còn Chúa, Người đã trở thành gia nghiệp riêng của Chị. Chúa và Chị là của nhau. Tương quan tình yêu tha thiết mà Chúa ban cho Chị, và Chị dành cho Chúa hết sức có thể, đã biến Chị tràn ngập trong Chúa và đưa Chúa đến cùng Chị. Người trở thành của cải, thành gia tài, thành sản nghiệp của Chị, riêng Chị mà thôi.

Lắng nghe tiếng Chúa từ Thánh Kinh, Chị ngày càng hiểu sâu xa rằng: “Thánh ý Chúa là gia nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con” (Tv 119, 111).

Têrêsa tìm nhận được thánh ý Chúa từ Thánh Kinh. Thánh Kinh đào tạo Chị thành người chỉ biết Chúa làm gia nghiệp đời mình.

2. Nhận thấy mình hèn mọn.

Trước mặt Chúa, Chị không khoa trương, không khoe khoang công đức. Ngược lại, nhiều lần Chị thú nhận giới hạn của mình:

- Chị kể về cuộc cấm phòng ngày thứ sáu 29.8.1890: “Con chưa phải là một vị thánh đâu, chỉ bấy nhiêu đó cũng đã là một bằng chứng: thay vì vui mừng bởi sự khô khan nguội lạnh, đáng lẽ con phải coi đó là thiếu nhiệt thành và thiếu trung tín mà ra, đáng lẽ con phải buồn khổ vì các tính hay ngủ (suốt bảy năm nay) trong giờ nguyện ngắm và cám ơn; thế mà, con lại chẳng buồn khổ…”.

- Chị kể về “người hai lần làm mẹ” (cách Chị Têrêsa gọi chị ruột của mình. Người mẹ thứ hai này, sau này là Bề Trên Nhà Lisieux: Mẹ Agnès de Jésus, người mà Chị nhận làm mẹ sau khi thân mẫu qua đời) của Chị có thể rời nhà Lisieux: “Con sẽ không bao giờ quên ngày 2.8.1896, ngày các vị thừa sai lên đường, cũng là ngày bàn thật sự về vấn đề Mẹ Agnès de Jésus sẽ đi xứ truyền giáo. A! Con đã không muốn có một hoạt động nào để ngăn cản người ra đi, tuy nhiên con cảm thấy cõi lòng buồn vô hạn…”.

Dù sao, chính khi nhận mình hèn mọn, nhỏ bé, Chị dễ mặc lấy tâm hồn trẻ thơ, Chị dễ gần Chúa, Chị lắng nghe tiếng Chúa thấm thía hơn, như có lần Chúa dạy: “Thầy bảo thật các con, nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời” (Mt 18, 3). Lắng nghe tiếng Chúa càng rõ, Chị càng dễ khám phá những mọn hèn của mình. Nhờ đó, Chị dễ sống khiêm nhường, nghèo khó, đơn sơ, phó thác, chôn vùi…

Có thể nói, Chị đã hóa thân bé nhỏ tuyệt vời để càng lúc càng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi: “Nếu ai hết sức bé nhỏ, hãy đến cùng Ta” (Cn 9,4).

3. Nhận ra yêu mến là ơn gọi của chính cuộc đời Chị.

Có lần Chị Thánh cho biết: Chị từng đi tìm ơn gọi nào giúp mình phục vụ Chúa tốt nhất, và Chị đã phát hiện “Ơn gọi của tôi là yêu mến”. Chị yêu mến Chúa, yêu mến con người. Chị yêu mến Chúa trong những con người. Chị yêu mến những con người để bày tỏ lòng Chị yêu mến Chúa. Chị yêu mến Chúa để tự hiến mình cho Chúa. Chị yêu mến con người vì Chúa để chấp nhận hy sinh cho những con người. Chị dâng lên Chúa hoa hồng tình yêu của mình. Chị trao đóa hồng tình yêu sau khi đã tiến dâng lên Chúa về phía những thân phận con người đang cùng Chị song hành trong trần thế. Tắt một lời: ơn tình yêu là ơn gọi căn bản trong cuộc đời Chị Thánh Têrêsa. Vài bằng chứng cho thấy Chị sống ơn gọi lòng yêu mến ngay từ khi còn nhỏ tuổi:

a. Franzini là một tên sát nhân. Trong đêm 16 rạng ngày 17.3.1877, y giết hai người đàn bà và một em gái nhỏ 11 tuổi. Sau phiên tòa ngày 13.7.1877, y bị kết án tử hình. Nghe tuyên án xong, y không hề sợ hãi hay tỏ dấu ăn năn hồi hận. Biết thế, Chị Thánh rất xúc động. Chị so sánh hình ảnh Chúa Giêsu đã đổ máu trên thánh giá để cứu chuộc loài người với thái độ khước từ của Frazini không muốn Chúa cứu độ mình. Chị đã quyết tìm cách cứu linh hồn người đàn ông tội lỗi này. Vì nhỏ tuổi, Chị không dám gặp linh mục. Chị nhờ chị Céline xin cho mình một ý lễ như ý (chứ không nói rõ lý do xin lễ) để cầu nguyện cho Frazini ăn năn trở lại. Người đàn ông lưu manh và lỳ lợm vẫn tỏ ra cứng cỏi đến tận lúc đưa đầu vào máy chém, đột nhiên y quay đầu lại, cầm lấy thánh giá từ tay vị linh mục đang đứng gần đó và hôn các dấu thánh giá của Chúa ba lần. Từ đó, Têrêsa càng tỏ ra yêu mến các linh hồn, càng khao khát muốn đưa nhiều linh hồn về với Chúa hơn (nhiều tác giả, Đóa Hồng Tươi Nở trang 190-191, xuất bản 1997).

b. Lần khác, Chị viết: “Trong nhà có một chị thường lúc nào cũng làm con phật ý, từ cách cư xử, lời ăn tiếng nói cho tới tính khí của chị cái gì xem ra cũng khó chịu cả. Tuy nhiên, chị là một nữ tu đạo đức và có lẽ rất đẹp lòng Chúa, con không muốn chiều theo tính ác cảm tự nhiên đối với chị ấy, nên con nhủ thầm: bác ái không hệ tại ở cảm tình nhưng ở việc làm. Chừng ấy con ra sức đối xử với chị này như đối với một người thân yêu nhất. Mỗi khi gặp chị, con lại cầu nguyện cho chị, con dâng cho Chúa nhân lành mọi nhân đức và công nghiệp của chị ấy…” (Hương-Việt phiên dịch, Thủ Bản Tự Thuật Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trang 229).

Chị chọn cho mình ơn gọi tình yêu. Chị dâng mình cho tình yêu Chúa. Từ đó, Chị yêu mến Hội Thánh, yêu mến mọi con người, yêu mến mọi tác phẩm của Chúa. Chị tha thiết ước mong được đến với Chúa và Chị cũng tha thiết ước mong cứu rỗi các linh hồn.

III. BÀI HỌC NÀO CHO CHÚNG TA.

Khi được chiêm ngắm về khả năng lắng nghe và sống Lời mạc khải của Chúa nơi Chị Thánh, chúng ta rút ra bài học cần thiết cho sứ vụ giám mục và linh mục của mình.

Hơn ai hết, tác vụ của chúng ta là thánh hóa con người. Vì thế, do sứ vụ, việc lắng nghe, thấm thía, sống và rao giảng Lời mạc khải của Chúa là việc làm cấp bách, là việc phải đặt lên hàng đầu. Đó là việc không bao giờ được phép hy sinh, không bao giờ được phép thay thế, nhưng phải là việc ưu tiên trên hết mọi ưu tiên. Lắng nghe và sống Lời mạc khải không bao giờ được phép dừng lại để đổi lấy bất cứ việc gì khác, dù việc khác có mang lại lợi nhuận vật chất đến đâu. Đúng hơn, lắng nghe và sống Lời mạc khải đòi mọi thời gian, mọi việc, mọi công tác khác phải hy sinh cho nó.

Vì thế, để hoàn hảo hơn việc lắng nghe và sống lời mạc khải của Chúa, chúng ta hãy đặt bước chân mình vào dấu chân của thánh Têrêsa.

1. Chỉ chọn một mình Chúa là gia nghiệp đời mình.

Từ ngàn xưa, dân Chúa đã quen thói bất trung. Họ rước thần ngoại ban về. Họ tôn thờ ngẫu tượng, đi xa đường lối giáo huấn của Chúa. Các tiên tri đau khổ vì họ. Các ngài nhắc đi nhắc lại, đòi dân phải trở về, phải chỉ có một tấm lòng thần phục Chúa mà thôi:

“Trước Ta chẳng có thần nào khác được hình thành, và sau Ta cũng vậy. Chính Ta là Đức Chúa, ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ. Chính Ta đã báo cho biết, đã cứu độ và nói cho nghe, giữa các ngươi không có thần lạ nào…Chính Ta là Thiên Chúa, tự muôn đời, Ta vẫn là Ta: không ai cứu thoát khỏi tay Ta, Ta đã làm, ai dám làm ngược lại?” (Is 43, 10-13).

Càng theo Chúa trong ơn gọi, càng có bề dày thời gian khi sống ơn gọi, càng lãnh trọng trách bao nhiêu, dù là giám mục hay linh mục, mỗi chúng ta đều phải luôn ý thức chỉ có Chúa là gia nghiệp duy nhất của đời mình.

Bởi nếu không luôn luôn ý thức, nguy cơ ngẫu tượng không là chuyện xa vời. Ngày nay, ngẫu tượng có thể ngụy trang khéo hơn, khó nhận ra, dễ làm ta thỏa hiệp với nó hơn.

Chẳng hạn, khi ta chi xài hay cất giữ tiền của. Hay ta sử dụng những phương tiện cho riêng mình, từ những tiện nghi của phòng ở, phương tiện liên lạc, phương tiện lui tới, đến cái ăn, cái mặc, cái cần thiết cách cơ bản cho cuộc sống, cho việc phục vụ…

Hay khi ta chọn đối tượng để giao tiếp, để xác lập mối thân thiện cho riêng mình. Trong tương quan giữa người với người, ta dành ưu đãi, dành chỗ trang trọng, dành cái nhìn thiện cảm, dành tình cảm, dành sự thân thiện… với ai có lợi cho ta, có khả năng đáp ứng nhu cầu mà ta đang mong đợi…

Ngẫu tượng có thể là quyền mà ta lạm vào nó, để xử lý hoàn cảnh, con người theo tính toán cá nhân. Cũng có thể do tham quyền, ta chấp nhận bất công, nhắm mắt, bịt tai trước những thiệt hại cho công trình chung, cho việc nghĩa, cho sự hiệp nhất, cho tình yêu giữa những người đồng đạo, đồng lý tưởng…

Ngẫu tượng có thể là những a dua, xu thời có vẻ như tìm tân bốc một đối tượng mà ta cho rằng có lợi cho mình, có lợi cho những tính toán của bản thân…

Nói chung, ngẫu tượng có thể nhẹ nhàng thoáng qua, có thể nguy hiểm, vì dễ biến ta thành người tráo trở, đáng sợ, nham hiểm. Nếu để xảy ra như thế thì thật khủng khiếp, thật kinh hãi, thật vô phúc. Càng bất hạnh hơn, bị đe dọa nhiều hơn cho những ai chịu sự hướng dẫn, lãnh đạo của ta…

Hãy nhớ: Chúng ta là chính những tiên tri. Như các tiên tri, hãy đánh phá ngẫu tượng. Trận chiến nguy hiểm nhất, cần phải đối đầu trước tiên, kiên trì trong từng ngày sống, là trận chiến chống ngẫu tượng nơi chính tâm hồn ta. Đó là trận chiến đòi phải xông pha can đảm, không trừ ai, dù là cấp cao hay cấp thấp trong Hội Thánh Chúa Kitô.

Chúng ta hãy lắng nghe Lời mạc khải của Chúa, để chỉ có Chúa là gia nghiệp đời mình mà thôi. Chúng ta chọn một mình Chúa, để Lời Sấm xưa không trở thành lời lên án đáng sợ: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ. Vì thế, Ta sẽ tiếp tục làm cho dân này phải sững sờ kinh ngạc vì bao nhiêu dấu lạ điềm thiêng. Bấy giờ sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan sẽ chuốc lấy thất bại, và trí thông minh của người thông minh sẽ tan thành mây khói” (Is 29, 13-14).

Lời Chúa càng gay gắt, giận dữ, kinh khiếp hơn: “Chúng còn là lũ chó đói, ăn chẳng biết no. Thế mà chúng lại là mục tử, thứ mục tử chẳng biết phân biệt gì. Cả bọn, chẳng trừ ai, mạnh ai theo đường nấy, chỉ mưu tìm lợi lộc cho riêng mình” (Is 56, 11).

2. Nhìn nhận mình hèn mọn.

Muốn nên nghĩa thiết với Chúa, phải tắm mình trong Lời Mạc khải của Chúa. Chỉ có lời mạc khải mới thánh hóa chúng ta, mới cho chúng tacàng ngày càng trở nên mới, trở nên thánh thiện như Chúa muốn.

Chính Chúa Giêsu cho thấy Người yêu thích lối sống khiêm nhường nhận mình hèn mọn. Người dạy: “Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: “Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa”, mà trái lại không bảo nó rằng: “Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống”? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không. “Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm” (Lc 17, 7-10).

Nhờ Lời mạc khải, chúng ta dễ soi mình hơn. Có soi mình, mới nhận ra mình hèn mọn. Có biết mình hèn mọn mới dễ dàng tự nhận ra khuyết điểm, dễ dàng “cải tà quy chánh”. Thánh Vịnh 25,11 cũng giúp chúng ta ý thức sự yếu đuối lỗi phạm của mình: “Lạy Chúa, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con”.

Lời Mạc khải sẽ giúp chúng ta đứng vững trong đau khổ, trung thành trong thử thách, vượt thắng trong cám dỗ, bền chí trong thất bại, khiêm nhường trong thành công, mạnh mẽ trong hạnh phúc, yêu nhiều hơn trong giây phút an bình…

Dối trá, hay để mình dính vào những mối dây dối trá, chạy theo hay làm bạn với những gì là khuất tất, bất minh, thiếu trong sạch, thiếu rõ ràng…, đều cho thấy sự thấp kém của bản thân. Nhưng thay gì thấy mình nhỏ bé thấp hèn, thì lại trí trá, tìm cách “đánh bùn sang ao” hòng che đậy sự mọn hèn của bản thân.

Hãy nhớ, mọi sự gian dối đều là con đường của tội lỗi, chí ít cũng là con đường dẫn đến tội lỗi. Chỉ nhờ Lời mạc khải, nhờ ngoan ngoãn soi mình trong Lời mạc khải, ta mới có thể sáng suốt tiến về phía ánh sáng của chân lý, của tình yêu đúng nghĩa. “Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Ðấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu” (Cl 3, 9-10).

Bởi “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105), nên chỉ có một cách để đưa mình tiến tới hoàn bị, là để Lời mạc khải của Chúa ngấm thật sâu, thấm thật bền trong mỗi nếp nghĩ, nếp sống của từng giây phút đời ta.

Nhờ Lời mạc khải, ta dễ lách mình khỏi những gì mà tiên tri Isaia đã từng nặng lời: “Khốn thay ai hành động trong bóng tối và tự nhủ: ‘Ai thấy được, ai biết được ta?’” (Is 29, 15). Là mục tử nhân danh Chúa Kitô, là hình ảnh, là hiện thân của Chúa Kitô, ta cần lách mình khỏi những gian dối, chọn cho mình đường đi đúng nhờ Lời mạc khải của Chúa, để nhận ra sự mọn hèn và hư hèn của bản thân. Nhờ chân nhận chính mình, ta có thể tung mình vào khung trời của chân lý, khung trời của yêu thương và hiệp nhất.

3. Yêu mến là ơn gọi đặc thù của tác vụ thánh chức.

Như thánh Têrêsa, nhờ lắng nghe và sống Lời mạc khải, đã nhận ra tình mến chính là ơn gọi của Chị, chúng ta cũng phải luôn khắc ghi sâu đậm rằng, yêu mến là chính ơn gọi đặc thù của tác vụ thánh chức nơi mình.

Lòng yêu mến nhờ lắng nghe Lời mạc khải, trước hết là lòng yêu mến đối với Thiên Chúa như Chúa Giêsu dạy: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,30).

Để tích lũy lòng mến luôn luôn; để lòng mến trở thành nếp sống; để lòng mến thể hiện mọi nơi mọi lúc như thể hiện chính bản tính của mình, ta phải ngập chìm trong Lời mạc khải. Đó chính là điều Chúa đã phán: “Hỡi con người, tất cả những lời Ta phán với ngươi, hãy ghi lòng tạc dạ và nghe cho tỏ” (Ez 3, 10).

Đồng thời ghi khắc và thâm tín Lời mạc khải của Chúa là chính lẽ sống của từng anh em chúng ta: “Phúc thay người bước theo đường lối Ta chỉ bảo. Muốn nên khôn phải nghe lời nghiêm huấn, đừng bao giờ gạt bỏ. Phúc thay người lắng nghe Ta dạy, ngày ngày canh thức trước cửa nhà Ta, túc trực ở ngay lối ra vào. Vì gặp được ta là gặp sự sống, và hưởng ân lộc Đức Chúa ban cho. Còn ai phạm đến Ta là làm hại chính mình, mọi kẻ ghét Ta là yêu cái chết” (Cn 8, 32-36).

Yêu Chúa là đầu mối của mọi động lực, mọi nghĩa cử, mọi nỗ lực trong đời dâng hiến của chúng ta. Từ lòng mến mà ta có đối với Đấng mình tôn thờ, sẽ dẫn ta đến lòng mến với con người, với phận vụ mà chính Đấng ấy đã trao cho ta.

Chỉ có lòng mến mới giúp ta hết sức tận tâm trong đường phục vụ; tận tình hy sinh cho lẽ sống; tận tụy trong từng giây phút để trao ban sự tương thân tương ái; tận lực đến không còn kể bản thân, mà chỉ là vinh danh Chúa, và lợi ích con người (x. 1Cr 13)!

Ngược lại, nếu không có lòng mến, tất cả những gì ta sống, ta cử hành, ta thực hiện dễ sáo mòn, nhàm chán, thậm chí có thể dẫn đến lấp liếm, tính toán, chèo kéo, che đậy, dối trá, thủ đoạn, nham hiểm, độc ác, giã tâm…

Chúng ta, từng giám mục và linh mục quy tụ về đây, trước nhan Chúa. Chúng ta hãnh diện, vì khi ta sống lòng mến, thì lòng mến của ta có chính gương tình yêu của Thiên Chúa làm kiểu mẫu:

- Ta học nơi tình yêu hiến trao đến cùng của Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16), để có thể tích lũy lòng mến cho mình, và chiếu tỏa không ngừng lòng mến ấy trên tất cả mọi bước đường phục vụ của ta.

- Ta cũng học nơi lòng mến của Chúa Giêsu, mục tử kiểu mẫu cho đời mục tử của ta: “Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13), để trong khi sống, thì trong từng nhịp thở của đời ta, ta chỉ sống vì chân lý, vì sự bình an, vì thịnh vượng của con người, vì lý tưởng hiến thánh trọn đời mình mà thôi.

- Và ta còn học nơi Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12), để ta yêu con người. Yêu say sưa như chính tình yêu mà ta nhận từ nơi Chúa.

VẤN TÂM

Chúng ta đã nói khá nhiều trong phần suy niệm về việc lắng nghe và sống Lời mạc khải. Giờ đây, chúng ta nên dành thời gian để thinh lặng. Thinh lặng là cách hay nhất để mỗi người tự tra vấn lương tâm mình (nếu cần, chúng ta có thể tự đọc lại phần II của bài suy niệm, để giúp mình kiểm điểm, xét mình và ăn năn tội).

Vậy, bây giờ, chúng ta cùng nhau dành một khoảng thời gian thinh lặng.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

Hãy chỉ hiến dâng lên Chúa sự thánh thiện và tình yêu của chính bản thân ta. Nếu chưa được như thế, hãy dâng lên Chúa nỗ lực và phần đấu từng ngày đi về phía sự thánh thiện và tập tành sống đức mến. Chúa chỉ cần sự thánh thiện và lòng mến. Người không cần bất cứ công trình trần thế nào của chúng ta.

Bởi: “Bò của ngươi Ta nào có thiết; chiên của ngươi chẳng lẽ Ta ham! Vì thú rừng là của Ta hết thảy, cả ngàn muôn loài vật núi đồi. Mọi thứ chim trời, Ta đều biết rõ, động vật nơi hoang dã thuộc về Ta. Ta mà đói, Ta đâu cần nói ngươi hay, vì trái đất với mọi loài, chính Ta làm chủ. Thịt bò há là thức Ta ăn? Máu chiên há là đồ Ta uống? (Tv 50, 9-13).

Chúa chẳng cần vật chất từ tay con người, vì thế Chúa đòi: “Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn điều khấn nguyền cùng Đấng Tối Cao” (Tv 50, 14).

116 năm trước, lúc 19 giờ 20 phút ngày 30.9.1897, Đan nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh, thành Lisieur qua đời. Người nữ tu qua đời ở tuổi 24 này đã mau chóng chiếm lĩnh triệu triệu con tim trên thế giới. Têrêsa đã trở thành người nổi tiếng ngay sau cái chết của mình.

Chị nổi tiếng vì cả một đời thánh thiện và quyết sống đến cùng cho tình yêu, đã biến Chị thành Đóa Hồng tuyệt đẹp, thắm cả trần gian lẫn thiên đàng.

Buổi tĩnh tâm linh mục của giáo phận, cũng là ngày mừng Chị Thánh, chúng ta xin Chị cầu nguyện cho chúng ta nên thánh thiện và sống trọng đức mến như Chị.

Đặc biệt, ơn gọi của dòng Kín là chuyên cầu nguyện cho các linh mục. Được khám phá ơn gọi Tình Yêu và được nên thánh từ linh đạo đặc trưng chiêm niệm của dòng Kín, và nay được ở bên nhan thánh Chúa, như chính mầu nhiệm Nhan Thánh mà Chị nhận làm tên gọi của mình, sẽ là lý do vững chắc để Chị càng cầu nguyện nhiều hơn cho chúng ta.

Phần chúng ta, dù giám mục hay linh mục, hãy tìm sự thánh thiện, hãy bắt chước Chị sống trọn đức mến của mình. Chúa không đòi chúng ta bất cứ điều gì ngoài sự thánh thiện và tình yêu. Có nhiều thứ, nhưng không có sự thánh thiện, không có tình yêu, tất cả chỉ là xấu xa, là đáng vất bỏ, đáng khinh chê.

Hãy nhớ đinh ninh: “Nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa? Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số? Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49, 8-13).

Nhớ đinh ninh lời Thánh vịnh, sẽ giúp chúng ta khôn ngoan chỉ tìm hiến dâng tình yêu lên Thiên Chúa. Khôn ngoan trọn một đời đi về phía sự thánh thiện của Thiên Chúa. Vì Chúa chỉ cần tình yêu. Người cần sự thánh thiện.

Lm JB Nguyễn Minh Hùng