Lời hứa 33 năm trước cuả một vị Giáo Hoàng.

Một sự kiện được đưa lên hàng đầu trong chương trình Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro (Rio), Brazil, từ 22 cho đến 29 tháng 7, là việc Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm viếng khu ổ chuột khét tiếng Varginha ở phiá Bắc Rio De Janeiro.

Người ta đặt câu hỏi liệu cuộc thăm viếng cuả vị được mệnh danh là 'Giáo Hoàng khu ổ chuột' sẽ mang lại ơn ích nào cho những khu xóm 'bị bỏ rơi và không có hy vọng' từ hàng chục năm qua?

Cách đây 33 năm, cố Giáo Hoàng và nay là Chân Phước Gioan Phaolô II đã có mặt tại một khu ổ chuột bần cùng có tên là Vidigal nằm ở phiá Nam Rio, ngài đã cửi chiếc nhẫn giáo hoàng cuả mình để làm quà tặng cho cư dân với lời khuyên là họ nên bán nó để gây vốn cải thiện điều kiện sinh sống. Khu Vidigal lúc đó bị chính quyền bỏ rơi và là bãi chiến trường triền miên cuả nhiều phe đảng 'xã hội đen'. Chân Phước Gioan Phaolô II lên tiếng an ủi người dân như sau:

"Cuộc chiến thực sự, cuộc chiến duy nhất mà Giáo Hội sẽ tham gia, đó là cuộc chiến cao quí nhằm tranh đấu cho sự thật và công lý, là cuộc chiến mà Giáo Hội sẽ hợp làm một với từng người một."

Những thành quả.

Nhiều năm tiếp theo, lời cuả Chân Phước Gioan Phaolô dần dà được thực hiện. Cuộc viếng thăm lôi kéo sự chú ý cuả giới truyền thông, những sự thật trắng trợn được phơi bầy và chính quyền đã bị ép buộc phải ghé mắt vào khu ổ chuột này. Đường phố được sửa chữa, đèn đường giữ sáng ban đêm.

Ngày nay, theo lời ông Carlos Rojas, hồi đó là một nhân viên trong ban tổ chức đón tiếp Chân Phước Gioan Phaolô và nay là 'ông từ' cuả một nhà thờ mới ở đây, nhà thờ Our Lady of Consolation (Đức Bà An Ủi), thì khu Vidigal đã có ống nước và hệ thống cống rãnh. Một con đường đặt tên là Gioan Phaolô II và một ngôi nhà thờ mới, được phép xây lên cách đây 8 năm để làm chỗ cho giáo dân dự lễ. Các linh mục từ đó không phải cử hành thánh lễ ở ngoài trời như vẫn còn thấy ở nhiều khu vực lân cận khác.

Chiếc nhẫn giaó hoàng không bị bán đi, người ta giữ làm kỷ vật tại phòng bảo tàng cuả nhà thờ chính toà.

Nhưng tuy mục tiêu 'Cho Sự Thật' cuả 'cuộc chiến' mà Chân Phước Gioan Phaolô hứa hẹn đã đem lại một số cải thiện vật chất, mục tiêu thứ hai 'Cho Công Lý' vẫn còn xa vời lắm bởi vì người dân ở đây đang phải vật lộn với một cái eo còn lớn hơn là cái eo nghèo khó.

Những mặt trận mới.

Khu Vigidal có một tầm nhìn ra biển rất đẹp và lại ở kề các khu đắt giá của Rio cho nên đã thu hút những con mắt thèm thuồng cuả giới con buôn bất động sản. Từ nhiều năm trở lại đây, khi an ninh khá hơn, người dân bị bọn đầu tư cấu kết với quan chức tham nhũng áp lực mua nhà giá rẻ và trong nhiều trường hợp đã có người bị đuổi nhà một cách ngang xương.

Những lý do đuổi nhà thì nhiều lắm, chỉ duy có một lý do 'chỉnh trang đường phố để chuẩn bị cho giải Túc Cầu Thế Giới 2014 và Thế Vận Hội Olympic 2016' không mà thôi cũng đủ gieo rắc kinh hoàng rồi.

Theo báo cáo cuả ông Robin Lustig cuả BBC ngày 30 tháng 6 năm 2011 thì sẽ có trên 3000 nhà trong các khu ổ chuột chung quanh Rio bị chính quyền giải toả.

Lấy trường hợp cuả thiếu phụ Berenice Maria das Neves, bán hàng rong, sống 8 năm trong một căn nhà cạnh xa lộ, một hôm cô bị gọi lên toà Thị Chính cách đó khoảng 1 giờ xe buýt. Khi đến nơi người ta thông báo là ngôi nhà cuả cô bị 'kết án' phải phá đi. Họ phát cho cô một tấm ngân phiếu 8000 reais (US$5,000, VNđ104.7 triệu ) làm tiền bồi thường.

Khi trở về, cô đã thấy căn nhà bị ủi xập trong lúc vắng mặt. Họ chôn vuì tất cả, kể cả cái tủ áo là tài sản đáng giá nhất.

Ngồi trên đống gạnh vụn cô kêu gào giận dữ "Tôi làm gì được với 8000 reais này đây?"

Phải cần một số tiền lớn hơn 4 lần thì mới có thể tìm được một căn nhà 'nào đó' trong khu vực.

Và vì không biết chữ, cho nên khó khăn lắm cô mới tìm được một ngân hàng chịu xuất tiền cho tấm ngân phiếu.

Cả hai Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Ân xá quốc tế đều đã lên án chính sách trục xuất mạnh tay cuả Brazil.

Nhưng với trường hợp cuả cô Berenice thì các nhà chức trách tại Rio nói họ đền bù thoả đáng và còn có kế hoạch phá hủy thêm 3.000 ngôi nhà nữa.

"Chúng tôi đã tái định cư hàng ngàn người," theo lời ông Carlos Nuzman, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Rio.

"Có thể có một vài vấn đề nào đó, nhưng tôi nghĩ rằng có thể các bạn đã tới lầm chỗ để xem xét thực sự những gì đang xảy ra."

Không thể đi đâu khác, người thiếu phụ vẫn sống trên đống gạnh vụn, chịu cảnh muỗi cắn hằng đêm và đang có triệu chứng sốt rét.

Hoàn cảnh các khu ổ chuột.

Những người 'mù chữ' và 'thấp cổ bé họng' như thiếu phụ Berenice là những khuôn mặt bình thường cuả các xóm gọi là favela (favela có nghiã là 'thầu dầu tiá', là một loại cây thuộc họ 'đại kích', là họ cuả cây cao su và cây sắn, nhựa có chất ricine độc làm ngứa da.)

Những khu ổ chuột favela như thế này đã xuất hiện từ rất lâu chung quanh các thành phố lớn như Rio hoặc Sao Paulo. Khởi đầu là do sự kiện 20 ngàn binh sĩ cuả cuộc nội chiến Canudos (dân ở vùng Canudos đòi ly khai) bị giải giới sau năm 1897, vì không có nhà ở, họ rủ nhau 'cắm dùi' trên những ven đồi có cây thầu dầu mọc hoang.

Những khu như thế trên thực tế là những vùng ngoại ô nối các thành phố rộng thêm ra, nhưng không một chính quyền địa phương nào muốn kết nạp chúng dù rằng những cư dân ở đây là lực lượng lao động chính yếu góp phần vào sự thịnh vượng cuả toàn vùng. Sự khởi đầu với những binh lính bất mãn cũng có thể là một nguyên nhân mà các thành phố luôn luôn đối xử với những khu ổ chuột bằng một thái độ thù địch.

Khi Brazil đạt tới giai đoạn kỹ nghệ hoá (1940) thì hiện tượng nông dân từ bỏ cuộc sống lam lũ ở đồng quê, rủ nhau lên thành phố tìm một tương lai tốt đẹp hơn, đã bành trướng các khu ổ chuột thêm ra hàng chục dặm vuông. Vì đất bằng đã có chủ, cho nên người ta 'cắm dùi' lên các sườn núi 'bỏ hoang', chen chúc giành giật nhau từng phân vuông một, dù cho đó là một dốc đá chênh vênh. Sau nhiều năm, người ta thay vách ván bằng gạch thẻ, biến những khu sườn đồi trông giống như những tấm khảm kết bằng những mảnh vụn muôn màu muôn sắc.

Trên tấm khảm lung linh dưới ánh nắng đó, mỗi một điểm vuông là một câu chuyện trắc ẩn cuả cõi nhân sinh. Lấy thí dụ một căn nhà nhỏ 3 tầng cuả ông Jose Nazare Braga, cô Juliana Barbassa cuả hãng AP cho biết rằng căn hộ đó là biểu hiệu sức lao động cuả trọn một đời người lâu dài, 30 năm không ngừng xây dựng từ một căn chòi lá để trở thành một căn nhà xây, và nay nhờ chương trình 'sở hữu hoá' đã trở thành tài sản chính thức cuả 4 thế hệ sống chung: của ông, cuả các con, các cháu và các chắt.

Nhìn lên quang cảnh những tấm khảm 'sống' cuả Rio trong một buổi chiều, nghe vẳng lại những tiếng đàn ca, giáo sư đại học Jacob Neusner, một giáo sư đại học Mỹ nổi tiếng là học giả cuả môn Do Thái Học, đã mô tả đây là một dân tộc đang sống trên mây.

Cái nhìn 'thi vị hoá' cuả giáo sư Neusner phát xuất ra từ lòng trắc ẩn khi ông biết có những cư dân tuy đói nhưng đã tìm xuống các trung tâm từ thiện, không phải để tìm ăn, nhưng để học hỏi những kỹ thuật sống ở xã hội như tập hát. Tuy nhiên không thiếu những người thi vị hoá cái nghèo cuả các khu ổ chuột vì một lý do hoàn toàn sai lệch. Nhiều hãng du lịch đang quảng bá những 'tour thám hiểm' để khách hàng 'được sống' những giây phút 'đặc biệt' cuả một favela thực sự. Sự an toàn được bảo đảm nhờ những 'móc nối ngầm' cho vấn đề an ninh. Một tour như thế không rẻ, nhưng số lượng 'khách ngoại đi tìm cảm giác lạ' đã làm cho việc kinh doanh trở thành rất phồn thịnh.

Những việc kinh doanh trên sự nghèo khổ như thế đáng bị kết án.

Có tới 11.4 triệu người 'sống trên mây' như thế, đó là tỷ lệ 6% dân số cuả Brazil (190 triệu). Tình cảnh cuả tỷ số đáng kể này phải được mô tả là 'mạt rệp' vì họ sống không điện nước, không cống rãnh, leo trèo từ mái nhà này xuống ngõ hẻm khác, có khi phải dùng dây chão để làm phương tiện di chuyển xuống núi.

Đây là 'đất' dụng võ cuả băng đảng, ma túy, đĩ điếm.

Một số phim bạo lực nổi tiếng như "Thành Phố cuả Thiên Chuá" ("Cidade de Deus", "City of God") và "Đội Quân Tinh Nhuệ" ("Tropa de Elite", "Elite Squad") đã được quay tại chỗ và được bình luận là phản ảnh rất trung thực thực trạng xã hội nơi đây.

Chính quyền không hiện diện ở đây.

Và vì không có chính quyền, những việc xây dựng trái phép đã làm suy yếu nhiều sườn núi, bất ổn định các con dốc và gây ra những nạn lở đất và tử vong bất ngờ.

Vào tháng 4 năm 2010, nhiều trận mưa lũ đã gây ra lở đất làm thiệt mạng cho 95 người ở các khu ổ chuột cuả Rio. Thị trưởng Eduardo Paes phải ra lệnh dân chúng di tản khỏi mọi sườn đồi, và những người ở những nơi khác thì không được ra ngoài, không đi học.

Vị tổng thống lúc bấy giờ là Luiz Inácio Lula da Silva cũng lên tiếng khuyên dân hãy "Cầu Nguyện cùng Chuá" cho cơn mưa được tạnh.

Sự kiện một chính quyền phải lên tiếng kêu van Thượng Đế không chứng tỏ đây là một chính quyền thân thiện với tôn giáo (ngược lại là khác), nó chỉ chứng minh một việc là chính quyền đã thất bại nặng nề trong phận sự tổ chức an sinh xã hội.

Những kế hoạch cải tiến

Vào những năm 1970, chính quyền quân phiệt độc tài đã thí nghiệm một chương trình 'gia cư cho dân nghèo' để giải toả các khu ổ chuột.

Chính quyền độc tài này đã thúc đẩy nhiều dự án phát triển kinh tế thành công, nhưng những kế hoạch nhân sinh lại không thích hợp và thiếu sự đầu tư ngân sách cho nên các vùng cuả 'kế hoạch gia cư' đã xuống cấp để trở thành những khu ổ chuột mới.

Những thí điểm cuả chính phủ thất bại vì di dời dân chúng đi tới một nơi xa lạ không có tiện ích xã hội, người dân bị buộc phải xa rời lối xóm và những công việc quen thuộc. Nhiều người đã trốn về các khu ổ chuột cũ, trong một tình trạng còn thê thảm hơn là lúc ra đi.

Chỉ có hai chương trình cuả Giáo Hội Công Giáo do tổng giám mục Dom Hélder Câmara phát động năm 1955 với sự trợ giúp tài chánh cuả liên bang mang tên là Chiến Dịch Thánh Sebastinô (Cruzada São Sebastião) đã đạt được một vài thành quả đáng kể.

Chiến Dịch Thánh Sebastinô xây lên những cao ốc ngay giữa hai khu ổ chuột là Praia do Pinto và Rádio Nacional in Parada de Lucas. Mục đích là cung cấp những căn hộ 'cao cấp hơn' cho những cư dân nào sẵn sàng từ bỏ lối sống đồi bại gắn liền với xã hội ổ chuột lúc đó.

Chiến Dịch "gia cư" cuả Giáo Hội tuy thành công nhưng không phát triển ra bên ngoài hai khu vực nói trên vì thái độ xa lánh tôn giáo cuả các chính quyền sau đó. Một tổ chức phi tôn giáo và phi chính phủ (NGO) có tên là Tổ chức Bác ái bảo vệ Nhân Quyền Bento Rubiao (Foundation Center for Defense of Human Rights Bento Rubiao Charity) đã tách ra khỏi 'Chiến Dịch Thánh Sebastinô' từ năm 1896 để dựa vào các tiêu chuẩn thế tục mà thôi, nghiã là không dùng đạo lý làm kim chỉ nam nữa, nhưng trên thực tế thì các hoạt động như xây dựng chung cư, 'tư hữu hoá' đất đai và 'văn tự' nhà cửa, đều là những sáng kiến lấy ra từ những kinh nghiệm quí báu, thành công, thất bại hay dự kiến, cuả Chiến Dịch Thánh Sebastinô.

Chià khoá cuả thành công

Chiến Dịch Thánh Sebastinô khám phá ra rằng hai chữ 'Văn Tự' là cái chià khoá thành công cuả các khu ổ chuột.

'Văn Tự' làm cho một căn nhà trở thành một phần cuả thị xã, và cho phép những người cư ngụ được quyền sử dụng những lợi ích công cộng tại địa phương.

Có văn tự cũng có nghiã là có một địa chỉ trên bản đồ, có thể dùng để điền đơn xin việc hoặc mở một chương mục ngân hàng.

'Văn Tự' tạo ra một môi trường an toàn cho đô thị, theo ý kiến cuả luật sư Walter Borges Tavares, chuyên môn về quyền sử dụng đất, và đang là tư vấn pháp lý cho các cơ quan địa ốc. Khi một khu ổ chuột được chính thức đưa vào thị xã, thị xã có thể áp dụng các quy chuẩn xây cất và ngăn chặn những việc xây dựng rối loạn có thể làm suy yếu sườn núi, làm mất ổn định các con dốc và gây ra lở đất và tử vong.

'Văn tự' mở đường cho qui chế đại diện khu phố, tạo nên những tiếng nói có cân lượng để bảo vệ quyền lợi gia cư.

Vì thế để bảo vệ quyền lợi của người dân ở đây, Giáo Hội địa phương không ngừng xoay sở để giúp cho dân nghèo xin được văn tự.

Quyền có 'văn tự' trên những mảnh đất hoang được bảo đảm trong hiến pháp của Brazil. Về mặt pháp lý, sau 5 năm sử dụng, một người dân có thể nộp đơn xin quyền sở hữu. Nhưng trong thực tế, hệ thống tòa án chậm chạp của Brazil thường làm cho con số 5 năm này trở thành 20 năm. Ngoài ra đối với khu ổ chuột thì còn có một sự kỳ thị rõ rệt.

"Các quan chức nghĩ rằng nếu họ ban cho đám dân ở đây quyền sở hữu, thì nhiều người hơn sẽ kéo nhau đến", luật sư Tavares cho biết.

Chính quyền xâm chiếm lãnh thổ cuả chính mình.

Phương pháp an sinh mà chính quyền ưa chuộng vẫn là những kế hoạch 'gia cư' đã thất bại cuả những năm 1970 nhưng được khoác vào một cái áo mới là thực hiện một cách minh bạch và dân chủ hơn, nhưng chủ yếu vẫn là dẹp bỏ các khu ổ chuột, di dân đi nơi khác và ban quyền sở hữu. Muốn vậy phải có kiểm soát. Muốn kiểm soát các khu ổ chuột, phải 'xâm chiếm' bằng vũ lực.

Xâm Chiếm (occupy) là ngôn từ chính thức mà chính phủ dùng cho các chiến dịch giành lấy quyền kiểm soát các khu ổ chuột, chiến dịch được bắt đầu từ năm 2008 và dự trù sẽ Bình Định (pacify) tất cả trước Thế Vận Hội 2016.

Anh Santi Carneri, một phóng viên nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha, đang có mặt ở Rio vào tháng 10 năm 2012, đã tham dự một cuộc Xâm Chiếm vào 4 khu phiá bắc cuả Rio là Manguinhos, Jacarezinho, Mandela and Varginha. Varginha là khu ổ chuột mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm vào tháng 7 tới. Anh tường thuật như thế này:

"Phải mất 10 phút thì đội quân tiền phong gồm nhiều toán 'thủy quân lục chiến' và 'cảnh sát ưu tú' cuả Rio de Janeiro mới dẹp xong những rào cản bằng lửa (gồm nhiều xe bị đốt) và đá lớn do băng nhóm ma túy dựng lên, để cuộc hành quân được bắt đầu.

Giống hệt như một nước đang có chiến tranh, hàng tá xe tăng và hơn 1.500 nhân viên an ninh trang bị súng máy đứng đợi vào sáng sớm Chúa Nhật để xâm nhập vào những khu dân cư bị ô nhiễm ma túy của Rio.

Với máy bay trực thăng vần vũ liên tục ở trên không, những tiểu đoàn BOPE (Cảnh sát đặc biệt, Batalhão de Operações Policiais Especiais) di chuyển thận trọng vào khu vực, nơi mà những người dân, biết có sự xuất hiện của lực lượng an ninh, nằm lại ở trong nhà và tránh đi ra đường.

Đường phố hầu như trống rỗng, chỉ có một vài tên nghiện thuốc đi lang thang không mục đích, và đây đó là những đống lửa bập bùng được những tên tội phạm thiết lập để gây trở ngại cho việc xâm nhập cuả nhà chức trách.

Bùn, rác, heo, gà, chó hoang và kên kên là những dấu hiệu duy nhất chào đón binh sĩ và cảnh sát khi họ dựng lên các công sự phòng thủ trong những khu dân cư mà quang cảnh thì khác xa với các bãi biển du lịch hào nhoáng và nổi tiếng cuả Rio.

Một vài tiếng súng đã được nghe thấy khi cuộc xâm nhập bắt đầu, nhưng không phải là giao tranh, đó chỉ là những tiếng súng cảnh báo cuả băng nhóm báo động cho nhau, cuộc xâm nhập đã được chính phủ công bố từ ba ngày trước."

Sự việc không có giao tranh được chính quyền ca ngợi như là một thắng lợi lớn cuả chính phủ. Phát ngôn viên thành phố Rio là Jose Mariano Beltrame cho biết họ đã bắt giữ 51 nghi phạm 3 ngày trước khi có cuộc hành quân:

"Chúng tôi thực hiện 51 vụ bắt giữ trước khi chiếm đóng. Tôi không nghi ngờ rằng nếu chúng ta tiến vào mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào và không tìm thấy bất kỳ tay súng hay vũ khí nào trong lãnh thổ bị chiếm đóng thì đó phải là vì các băng đảng đã thực sự bị suy yếu."

Sau khi 'lực lượng ưu tú' đã thiết lập một 'lãnh thổ bị chiếm đóng' xong, tức là lúc các băng đảng vũ trang không còn tự do tung hoành nữa, thì chương trình 'bình định' bắt đầu.

Kế hoạch bình định

Anh Raphael Fabrés, một phóng viên nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha khác, làm việc tự do và thường sống trong những khu ổ chuột nhiều tháng trời mỗi lần đi công tác, đang được phép sống với các đoàn quân bình định UPP (Pacification Police Units), cho biết rằng các toán 'cảnh sát chống biểu tình' sẽ tuần tiễu liên tiếp trong vòng một tuần lễ rồi sau đó chính quyền sẽ thành lập những toán 'cảnh sát đô thị' với những đồn bót vĩnh viễn và bắt đầu những chương trình sức khoẻ và giáo dục cho quần chúng.

Rồi thì những tiện ích như điện, nước, đường lộ và việc thu dọn rác rưởi cũng sẽ tới sau.

Như vậy, anh cho biết công cuộc bình định không chỉ đơn giản là khai quang thành phố mà thôi.

"Mục đích cuả tôi không phải là phán đoán xem những giai đoạn thi hành thì xấu hay tốt" anh nói. "Nhưng tôi phải nói rằng những sự việc xảy ra thì không trắng cũng không đen, nó có màu xam xám."

Anh phóng viên 30 tuổi này cho biết anh đã thấy có nhiều hiệu quả tích cực 'cách nhãn tiền' qua chương trình bình định, nhưng chưa biết rõ hậu quả lâu dài sẽ như thế nào.

"Thật khó mà phủ nhận phần tích cực cuả công cuộc (bình định) vì có nhiều người cảm thấy hạnh phúc bởi vì họ cảm thấy an ninh hơn." Anh Fabrés giải thích. "Nhưng cũng có nhiều thiệt hại phụ (collateral damage) đi kèm theo".

Anh Fabrés không kể ra những thiệt hại phụ là gì, nhưng anh Marcio Meneses một phóng viên và cũng là một cư dân sống trong khu ổ chuột Morro da Providência, từng bị đặt dưới chế độ cuả một đoàn quân bình định UPP, cho biết quân đội đã lộng hành.

Anh từng bị bắt vì chống đối họ, anh kể:

"Sự cố bắt đầu khi có một số binh lính bắn vào các bồn nước trên các mái nhà để tiêu khiển. Một số thanh niên xông ra gây sự với bọn họ liền bị bắt ngay. Quân đội đưa 3 thanh niên vất sang một khu ổ chuột khác đang có một băng đảng thù địch tung hoành, và cả ba đã bị hành hung cho đến chết. Vì thế tôi viết khẩu hiệu đòi phải đuổi quân đội đi, dùng lời cuả một bài hát cuả ban nhạc U2. (một ban nhạc Anh quốc)"

"Họ liền bắt tôi vì tội khuyến khích băng đảng. Nhưng khi tới đồn cảnh sát, họ biết rằng tôi là một phóng viên, không dễ dàng chứng minh tôi có tội cho nên họ thả tôi ra"

Trường hợp cuả anh Meneses là một may mắn, theo tin cuả tổ chức phi chính phủ (NGO) Justiça Global thì có trên 1000 cuộc hành quyết các thường dân vô tội do quân đội gây ra để duy trì trật tự an ninh trong năm tranh giải thể thao Pan Am 2011.

Hỏi ý kiến về vấn đề ấy, ông Atila Roque, giám đốc hội ân Xá Quốc Tế Brazil (Amnesty International in Brazil) cho biết một cách miả mai rằng:

"Các bạn phải hiểu rằng cảnh sát Brazil được lập ra để kiểm soát người nghèo và bảo vệ thiểu số ưu tú. Những gì mà các bạn đang thấy ở Rio là một sự bắt đầu có đổi thay. Dù thế thì cũng có đến 560 người bị cảnh sát giết chết trong năm 2011."

Ông giải thích thêm, "Nhưng con số chết chóc như thế là đã giảm được 50 phần trăm so với 5 năm trước...mà phần lớn là do các đơn vị UPP. Cho nên tôi nghĩ rằng UPP không phải là viên đạn bằng bạc cho vấn đề an ninh vì họ tạo ra nhiều vấn đề quá..."

'Ông Roque không liệt kê 'Nhiều vấn đề' là những gì, nhưng rõ ràng ông ám chỉ những tai tiếng cuả ngành cảnh sát Brazil. Trước năm 2000, có nhiều vị Cảnh Sát Trưởng đã bị khám phá và kết án tù vì hợp tác và kinh doanh với băng đảng. Sau năm 2000, một hiện tượng mới xuất hiện, đó là các cảnh sát được phép làm thêm trong những đội 'dân quân tư' (militia) bảo vệ các khu phố, thế thì hiện tượng mới xảy ra là các khu phố sang trọng đã được giữ gìn an ninh tuyệt đối nhưng các khu ổ chuột thì vẫn bị nạn băng đảng hoành hành. Người ta đặt câu hỏi tại sao một nhân viên công lực, khi làm việc 'thuê' trong giờ nghỉ thì hữu hiệu thế, mà khi 'thi hành công vụ' thì lại kém cỏi thế?

Hai loại đời sống mới.

Mục đích đề ra cuả chương trình bình định là chỉnh trang các khu ổ chuột cho được đẹp hơn ra, nhân dân được giáo dục hơn về các vấn đề xã hội, an ninh được bảo đảm và giúp một đời sống thịnh vượng hơn.

Brazil là một nền Dân Chủ đồng thời là một nền kinh tế đang tiến lên vị thế siêu cường. Có nghiã là họ có sự hợp pháp, sự ủng hộ cuả đa số và có tiền bạc để thực hiện những chương trình như thế.

Nhưng vấn đề là sự thay đổi đang xảy ra ở đâu và cho những ai?

Cũng theo ông Robin Lustig cuả BBC thì trong một thị trấn nhỏ có tên là Campo Grande, khoảng một giờ rưỡi đường xe từ trung tâm Rio, có 800 căn nhà đã được xây lên cho những người dân bị đuổi nhà trong chương trình làm đường.

Anh Cleyton Martins, một nhân viên nhà hàng 27 tuổi, đã tới đây được 7 tháng cùng với mẹ và con gái, nhưng thật là khó khăn cho anh để có thể làm quen với sự cô đơn trong một môi trường mới.

"Ngôi nhà tôi đang sống thì tốt hơn nhiều so với ngôi nhà cũ," anh thừa nhận. "Nhưng ở đây không có cửa hàng, không có sân chơi cho trẻ em, và con đường đi xuống phố làm việc thì dài quá."

Anh lo lắng làm sao có thể đưa bà mẹ đi bệnh viện khi hữu sự, và anh than phiền rằng các viên chức làm việc quá lâu để giải quyết một khiếu nại về một ống cống bị rò rỉ tạo ra một hồ nước thối tha ngay giữa những dãy nhà gọn gàng.

Trở về khu ổ chuột ở Rio, một ông Mỹ tóc vàng, mắt xanh tên là Glaser đang làm một du khách cuả một tour du lịch táo bạo dẫn người nước ngoài đi đến những nơi mà hầu hết người dân Rio sợ không dám tới, gọi là tour dành cho những người muốn nhìn thấy "bộ mặt thực sự" cuả Rio vượt ra ngoài khu vực bãi biển Copacabana và chuyến đi đến tượng Chúa Cứu thế.

Doanh nhân 52 tuổi này, làm giàu nhờ kinh doanh tiền tệ, đang dự tính xây dựng khoảng 10 biệt thự trên đỉnh Vidigal, là nơi du khách sẽ có thể thưởng thức sự sang trọng và cùng một lúc nhìn thấy cuộc sống gai góc của một khu ổ chuột ổ phiá dưới.

Ông ta vừa đặt tiền một nửa triệu mỹ kim để đầu tư ở đây, và điều này làm cho nhiều người lo ngại rằng sẽ có thể châm ngòi cho một phong trào đầu cơ bất động sản ở vùng này, dẫn tới việc nhiều người dân ngây thơ sẽ bị lừa đảo hoặc bị áp lực bán nhà và di chuyển đến các khu ổ chuột khác.

Cho nên ông Ủy viên hội đồng tỉnh là Eliomar Coelho đã tố cáo rằng các nhà chức trách đang đối xử với người nghèo như là những "tội phạm", và họ đang sử dụng World Cup và Thế vận hội làm một cái cớ để thu hồi đất đai mà bán lấy lời.

"Một cơ hội lớn đã bị bỏ qua. Thay vì người dân được thụ hưởng những lợi ích do kết quả của sự bùng nổ kinh tế, thì họ sẽ bị kết thúc còn tồi tệ hơn." ông nói.

"Đây là một hành vi vi phạm nhân quyền."

Vậy ai sẽ là người được hưởng lợi?

"Du khách nước ngoài ở lại dài hạn, có lẽ một số quan lớn về hưu, là những khách hàng cho các biệt thự trên đỉnh đồi," ông tin như thế.

Cùng một loại ý tưởng như thế, ông Jorge Luis Borges Ferreira là một nhà chuyên môn về kế hoạch xây cất đô thị cũng nói rằng rõ ràng có một quy trình đang được thi hành, trong đó người nghèo bị đẩy ra xa khỏi thành phố để mở đường cho tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và là những người có thể trả giá cao nhất cho sự phát triển các căn nhà cao cấp ở những khu ổ chuột.

Những hy vọng

Đó cũng là thực trạng mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chứng kiến vào tháng 7 tới.

Trở lại câu hỏi liệu cuộc thăm viếng cuả vị được mệnh danh là 'Giáo Hoàng khu ổ chuột' sẽ mang lại ơn ích nào cho những khu xóm 'bị bỏ rơi và không có hy vọng' từ hàng chục năm qua?

Với sự hiện diện cuả 4 triệu người tham dự tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, trước ống kính cuả hàng ngàn ký giả khắp mọi nơi đổ về, với viễn ảnh sẽ có những duyệt xét tiếp theo vào những dịp World Cup và Olympic sắp tới, với tư cách là vị Giáo Hoàng đầu tiên cuả châu lục Nam Mỹ Châu, và với một tư cách đã suốt đời tận tuỵ sống giữa và sống cho dân nghèo, sự hiện diện cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn sẽ là một tiếng vang chưa từng nghe thấy và là một áp lực vĩ đại mà chính quyền Brazil chưa từng trải nghiệm qua.

Hãy thử tưởng tượng ĐTC sẽ ôm vào lòng một con người xanh xao đang lên cơn xốt rét vì bị đuổi nhà như cô Berenice, trước tất cả những con mắt đẫm lệ cuả toàn thế giới?

Chỉ một cử chỉ đó thôi thì mục tiêu thứ hai 'Cho Công Lý' cuả cuộc chiến mà Chân Phước Gioan Phaolô hứa hẹn đã giành một phần lớn thắng lợi rồi.

Mà hình như các quan chức cuả Brazil không muốn một sự kiện khó lòng như vậy xảy ra, họ đang chuẩn bị để cho những việc đó được giải toả một cách thanh thản.

Áp dụng một đạo luật mới, thành phố Rio vừa loại bỏ những rào cản pháp lý và quan liêu để cho phép đăng ký sở hữu tất cả các khu đất công cho các gia đình đang chiếm giữ. Tính ra có khoảng 37.000 gia đình sẽ lãnh văn tự trong bốn năm tới.

Tổ chức Bác ái bảo vệ Nhân Quyền Bento Rubiao cũng cho biết họ đang kết thúc hồ sơ cho 30.000 gia đình trên toàn Tiểu Bang.

Và hơn nữa mới đây toà án đã ra một phán quyết chưa từng thấy là cho phép toàn bộ một cộng đồng nộp chung một hồ sơ đất. Trường hợp đầu tiên sẽ áp dụng cho 100 gia đình cùng khai một mẫu đơn, và như vậy thì các cộng đồng khác cũng có thể sử dụng thể thức tương tự trong tương lai.

Rõ ràng, cái khó không phải là tự hoàn cảnh, nhưng tự lòng người mà thôi. Một chính quyền chiều theo công lý thì sẽ đạt thành công lý.

Nhưng ông Carlos Rojas, 'ông từ' cuả nhà thờ Our Lady of Consolation từng là một nhân viên đón tiếp Chân Phước Gioan Phaolô, thì còn đặt hy vọng nhiều hơn thế nữa, ông tự hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô và trên 2 triệu thanh thiếu niên Công Giáo sẽ tạo ra những tác động gì trên thành phố Rio. ở Rio, ông nói, đám thanh niên thường bị coi là bọn gây rối và trộm cắp, và các sự kiện Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ rất quan trọng trong việc chứng tỏ cho họ là thế hệ trẻ là một tương lai.

Đức Ông Portela cuả nhà thờ Our Lady of Consolation thì nhắc nhở rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới không chỉ dành riêng cho một cộng đồng hay một giới tuổi nhưng là cho tất cả Rio de Janeiro. Trong khi một số sự kiện chính sẽ được tổ chức trong những khu vực nổi tiếng của thành phố, như bãi biển Copacabana và tượng Chúa Cứu thế, nhưng tổng giáo phận và các Ban tổ chức địa phương cũng đã trù định những sự kiện ở khắp mọi nơi trên toàn thành phố.

"Đây là thông điệp mà Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ gửi ra" Đức Ông Portela nói. "Giáo Hội Công Giáo ở khắp mọi nơi và bao gồm tất cả mọi người."

Đó là thái độ mà ông Rojas hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ mang đến cho Rio.

"Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Giáo Hội phải đi tới nơi mà mọi người ở", ông Rojas nói. "Người ta không đến với Giáo Hội, Giáo Hội phải đến với họ."