Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thoại trả lời phỏng vấn của Trang tin điện tử HĐGMVN

“Chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật” (2 Côrintô 4,2)

WHĐ (28.10.2009) – Qua thông tin* được biết ngày 24 tháng 10 năm 2009 vừa qua, lần đầu tiên cộng đoàn công giáo tại thành phố Sơn La được chính quyền chính thức cho phép cử hành Thánh Lễ Chủ nhật tại Thành phố Sơn La. Để tìm hiểu sự kiện này và sinh hoạt tôn giáo tại tỉnh Sơn La, Trang tin điện tử HĐGMVN đã có bài phỏng vấn linh mục Giuse Nguyễn Trung Thoại, phụ trách Văn phòng Tòa Giám mục Hưng Hóa, cha xứ giáo xứ Sơn Tây và Hòa Bình, phụ trách giáo dân tại tỉnh Sơn La, giáo phận Hưng Hóa. Sau đây là phần trả lời phỏng vấn của cha Nguyễn Trung Thoại (Lm. NTT).

1. Qua thông tin, được biết ngày 24 tháng 10 năm 2009 vừa qua, lần đầu tiên cộng đoàn công giáo tại thành phố Sơn La được chính quyền chính thức cho phép cử hành Thánh Lễ Chủ nhật tại Thành phố Sơn La sau nhiều năm cấm đoán?

Lm. NTT: Ngày 24 tháng 10 vừa qua, tôi lên thành phố Sơn La làm lễ chiều Thứ Bảy thay lễ Chủ nhật theo lịch bình thường từ gần 4 năm qua (2 tuần một lần, từ tháng 4 năm 2006 đến nay tháng 10 năm 2009). Riêng tuần qua, tôi được công an tỉnh và công an thành phố gọi điện thoại báo trước là các vị sẽ đến dự lễ và quay phim chụp ảnh. Sự việc đã xẩy ra đúng như thế. Trước khi cử hành Thánh Lễ, tôi đã ngỏ lời với khoảng 500 giáo dân như sau: “Trong Thánh Lễ hôm nay, có quý vị đại diện Công an tỉnh Sơn La, thành phố Sơn La và tổ 4 phường Quyết Thắng tham dự, yêu cầu được quay phim chụp ảnh để có tư liệu báo cáo với các vị lãnh đạo tỉnh và thành phố. Bà con giáo dân thấy đây là một tin vui vì hy vọng các vị lãnh đạo sẽ thấy thực tế nhu cầu sinh họat tôn giáo của chúng ta, và sẽ chính thức đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nhân dân trong Tỉnh theo Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ về tín ngưỡng, tôn giáo”.

2. Cộng đoàn công giáo tại thành phố Sơn La đã bị cấm đoán cử hành lễ Giáng Sinh năm 2008 và Phục Sinh năm 2009 ?

Lm. NTT: Đêm 24 tháng 12 năm 2008, ông chủ tịch phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, đã công bố lệnh giới nghiêm trong đêm Lễ Giáng Sinh; suốt đêm 24 và ngày 25 tháng 12, có đông đảo công an và dân phòng cản trở giáo dân đến nhà ông Trịnh Văn Thuỷ, nơi giám mục đã đăng ký từ năm 2006 làm điểm quy tụ giáo dân để sinh họat tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự theo đúng Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ về tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, sau đó, từ đầu tháng 1 năm 2009, tôi vẫn lên làm lễ bình thường cho giáo dân. Mùa Chay và Lễ Lá năm 2009, vẫn có Thánh Lễ tại thành phố Sơn La. Riêng sáng Chủ nhật Phục Sinh, ngày 12 tháng 4 năm 2009, tôi bị công an và dân phòng ngăn cản không cho vào nhà ông Trịnh Văn Thủy, nhưng giáo dân đã giải vây cho tôi vào. Tại nhà ông Thuỷ, ông chủ tịch Phường không cho tôi làm lễ, lấy lý do là Tỉnh chưa cho phép. Dịp đó, tôi đã lên tiếng trước cộng đoàn và chính quyền có mặt về sự kiện không tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại thành phố Sơn La. Tuy nhiên, sau đó, từ ngày 24 tháng 4 năm 2009, tôi vẫn lên làm lễ bình thường hai tuần một lần cho đến ngày 24 tháng 10 vừa qua. Thực tế, giáo dân tại đây cũng đã có nhiều dịp nói lên nguyện vọng chính đáng của họ.

3. Như vậy, Thánh Lễ ngày 24 tháng 10 vừa qua không phải là Thánh Lễ đầu tiên được chính thức cho phép cử hành tại thành phố Sơn La ?

Lm. NTT: Đúng như vậy. Chúng tôi hy vọng một ngày gần đây sẽ được chính thức cho phép sinh họat tôn giáo bình thường như tại các tỉnh khác trong địa bàn giáo phận Hưng Hoá.

4. Cám ơn Cha đã cho biết rõ hơn về tình hình sinh họat tôn giáo tại thành phố Sơn La. Xin Cha cho biết thêm: ngoài cộng đoàn công giáo tại thành phố Sơn La, có cộng đoàn nào khác trong tỉnh Sơn La mà Cha đã cử hành Thánh Lễ? Nếu có, thì từ năm nào? Giáo dân và Cha có gặp khó khăn gì không? Hiện nay tình hình ra sao?

Lm. NTT: Tại tỉnh Sơn La, còn hai cộng đoàn khác tại huyện Mộc Châu và huyện Mai Sơn; số giáo dân tại mỗi nơi cũng tương đương với cộng đoàn tại thành phố Sơn La. Cả ba cộng đoàn đã được Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục giáo phận Hưng Hóa, đăng ký với chính quyền từ tháng 3 năm 2006 sau khi ngài tiếp xúc với các vị lãnh đạo tại Uỷ ban Nhân dân Tỉnh ngày 6 tháng 1 năm 2006. Một tháng sau khi đăng ký, chiếu theo Pháp lệnh và Nghị định tín ngưỡng, tôn giáo của Chính phủ, tôi đã lên làm lễ tại ba cộng đoàn. Thời gian đầu, hai cộng đoàn Mộc Châu và Mai Sơn cũng gặp khó khăn, nhưng tôi vẫn từ Sơn Tây lên Sơn La làm lễ theo lịch 2 tuần một lần vào chiều Thứ Bảy, chưa kể dịp lễ trọng và lễ an táng. Từ hơn hai năm nay, bà con giáo dân hai cộng đoàn này vẫn sinh họat tôn giáo bình thường. Tháng 5 năm 2008, Đức giám mục giáo phận Hưng Hóa đã đến thăm và làm lễ tại 3 cộng đoàn trong tỉnh Sơn La, cũng như tại các cộng đoàn trong tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

5. Ngoài giáo dân thuộc 3 cộng đoàn tại huyện Mộc Châu, huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La, còn có giáo dân ở các huyện khác không? Tại sao Cha không đến với họ? Cha đã hài lòng về những việc Cha làm cho giáo dân tại tỉnh Sơn La chưa? Cha mong ước điều gì?

Lm. NTT: Ngoài 3 cộng đoàn trên, trong tỉnh Sơn La còn có giáo dân sống rải rác tại các huyện như Mường La, Sông Mã, Phù Yên, trong đó có bà con giáo dân người dân tộc H’Mông. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thực hiện được hết những điều chúng tôi mong ước, chưa đáp ứng đuợc hết những khát vọng của giáo dân trong tỉnh Sơn La nói chung. Tuy nhiên, tôi vẫn nói với mọi người quan tâm đến Sơn La luôn hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh theo tinh thần của Thánh Phaolô. Đặc biệt, trong Năm Thánh Phaolô vừa qua, tôi có dịp đọc lại các thư của Thánh Phaolô, và tôi thấy thấm thía lời của ngài viết cho cộng đoàn Côrintô:

“Vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí. Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa…

Bởi chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu…

Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi. Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em….

Cho nên, chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn…

Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ không tự hào quá giới hạn. Trái lại, niềm tự hào của chúng tôi giới hạn trong phạm vi Thiên Chúa đã quy định cho chúng tôi, khi đưa chúng tôi đến với anh em… Chúng tôi hy vọng rằng: một khi đức tin của anh em lớn mạnh, công việc của chúng tôi ngày càng phát triển nơi anh em trong phạm vi đã quy định cho chúng tôi, thì chúng tôi có thể đem Tin Mừng xa hơn nữa, mà không tự hào về những thành tựu thuộc phạm vi người khác.” (2 Cr 4, 1-2.5.8-12.16- 18; 10, 14-16).

– Xin chân thành cám ơn Cha.

* Xem: http://www.vietcatholic.net/News/Html/72409.htm

và http://www.vietcatholic.net/News/Html/72455.htm