GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT

THƯ MỤC VỤ
Rao giảng Tin Mừng cho anh chị em dân tộc thiểu số


Mùa Chay 2009

Kính gởi: Các Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh,
Và cộng đoàn Giáo dân Giáo phận Ban Mê Thuột.

Anh chị em thân mến,

1. Giáo Hội Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mừng Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông Toà Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Việc cử hành Năm Thánh 2010 nhằm 3 mục tiêu:

• Nhìn laị lịch sử gần 500 năm truyền giáo để thể hiện lòng biết ơn đối với Hội Thánh và các bậc tiền nhân.
• Rút ra những bài học cho việc thực thi sứ vụ yêu thương và phục vụ mà Chúa Kitô đã giao phó cho Giáo Hội.
• Hướng tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội của thời đại chúng ta đang sống để làm mới hình ảnh Giáo Hội và phong phú hoá sức sống của Giáo Hội giữa lòng xã hội hôm nay.

Đồng hành với cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam, tôi kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Ban Mê Thuột cùng nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng cho anh chị em các dân tộc thiểu số trên vùng đất cao nguyên thân yêu.

I. NHÌN LẠI LỊCH SỬ:

2. Trước hết, xin anh chị em cùng tôi trở về với những ngày đầu của công cuộc rao giảng Tin Mừng để thể hiện lòng biết ơn đối với các nhà truyền giáo anh hùng dám xả thân gieo vãi hạt giống đức tin cho anh chị em các sắc tộc miền núi và quyết tâm tiếp nối những bước chân hào hùng của các ngài: các ngài đã can đảm vãi gieo, chúng ta xin cần cù tưới gội, để Chúa làm cho nẩy mầm (x. 1 Cr 3,6), hầu cánh đồng truyền giáo cao nguyên sẽ vàng rực những bông lúa tâm hồn quý giá.

3. Vào ngày Chúa Nhật II mùa Phục Sinh 2009 này, chúng ta kỷ niệm 50 năm Nhà Thờ Ban Mê Thuột, ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng (nay là Nhà Thờ Chính Toà Giáo phận), đánh dấu bước cơ bản xây dựng Giáo Hội địa phương. Để giáo xứ đầu tiên, giáo xứ Ban Mê Thuột (thuộc Giáo phận Mẹ Kontum) được thành lập (30.03.1937), để ngôi thánh đường đầu tiên được xây dựng trên vùng tây nguyên Đăklăk, bao nhiêu tiền nhân đã phải hy sinh. Xin đời đời nhớ ơn Đức Cha Tê-pha-nô Kuy-ê-nô Thể (1840 – 1861), Giám mục Đại Diện Tông Toà Địa phận Đàng Trong (Toà Giám mục đặt taị Gò Thị, Qui Nhơn) đã quan tâm tới các sắc dân anh em trên vùng đại ngàn Tây Nguyên và đã quyết tâm thực hiện cho bằng được chương trình gieo vãi hạt giống Tin Mừng cho vùng đất này. Xin ghi nhớ những dấu chân anh hùng của các nhà truyền giáo là linh mục, thầy giảng, chủng sinh và giáo dân, từ giữa thế kỷ 19, đã sẵn sàng ra đi theo tiếng gọi của Đức Kitô dấn thân lên vùng Tây Nguyên xa lạ. Xin tưởng nhớ với lòng biết ơn sâu xa Cha Phông-ten Khâm thuộc hội Thừa Sai Pa-ri, vị thừa sai đầu tiên, từ năm 1847 đã hiện diện, dù chỉ trong thời gian vắn vỏi, trên miền đất Đăklăk thân yêu. Xin biết ơn thầy giảng Phao-lô Hiền, đã từ họ đạo Mang Yang đến thiết lập họ đạo Ban Mê Thuột và đã cùng một số giáo dân lập nhà nguyện nho nhỏ đầu tiên. Ngôi Nhà Nguyện mái tranh vách đất nầy là tiền thân của Nhà Thờ Ban Mê Thuột, sau này là Nhà Thờ Chính Toà Ban Mê Thuột.

4. “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới…” (Lc 5,4)

Vùng Tây Nguyên ngày xưa qủa thực là một vùng đất đầy những hiểm nguy từ thiên nhiên và con người, với rừng thiêng nước độc, với những bộ tộc thiểu số luôn phải cảnh giác và chiến đấu để tự sinh tồn. Trong bối cảnh thiên nhiên và xã hội đó, những bước chân rao giảng Tin Mừng của các tiền nhân quả thực đáng chúng ta khâm phục và dõi theo. Khởi từ Công Đồng Gò Thị năm 1841, theo lệnh của Đức cha Tê-pha-nô Kuy-ê-nô Thể, nhiều đoàn truyền giáo đã tìm đường lên Tây Nguyên nhưng đều thất bại. Vào năm 1846, 2 linh mục người Việt đã đặt chân đến vùng Buôn Đôn …nhưng rồi cũng phải rút lui. Mãi đến năm 1848, thầy Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Do, một đại chủng sinh, được sai đi, đã khai mở một giai đoạn mới cho công cuộc thâm nhập và gieo rắc Tin Mừng cho đồng bào Tây Nguyên…Từ năm 1849, từ Quy Nhơn, nhiều đoàn truyền giáo với sự góp mặt của các linh mục thừa sai, các thầy giảng, các chủng sinh, giáo dân…gánh chịu bao thử thách cam go, đối mặt với những nguy hiểm chết người, tiếp tục ra đi, hiện diện và khôn khéo hoạt động giữa rừng núi quê hương của đồng bào các sắc tộc. Để có thể thiết lập 4 trung tâm truyền giáo tại vùng Gia Lai Kontum cho các sắc tộc khác nhau Ba-na, Xơ-đăng, Gia-rai…bao nhiêu mồ hôi và máu đã đổ ra, dọn đường và tưới gội vùng đất Tây Nguyên kỳ bí và hấp dẫn này, trong đó có máu đào tử đạo của thánh Giám mục Tê-pha-nô Kuy-ê-nô Thể, chết rũ tù ngày 11.11.1861 tại khám đường Bình Định. “Máu tử đạo là hạt giống phát sinh đức tin công giáo”, quả thực là như thế: sau 21 năm nỗ lực cắm thánh giá cứu đô trong lòng những anh em sắc tộc thiểu số Tây Nguyên (1848-1869), cánh đồng truyền giáo đã thu gặt những kết qủa không ngờ: 94 buôn làng dân tộc Ba-na, Xơ-đăng, Gia-rai và cả E-đê nữa đã trở thành các giáo buôn giáo sóc con cái Thiên Chúa.

II. NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ:

4. Những hoa trái bước đầu là thành quả của bao hy sinh nỗ lực của các nhà truyền giáo quyết tâm thực hiện Lời Thầy Chí Thánh: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới…”(Lc 5,4). Các ngài không mở ra một con đường nào mới mẻ mà là bước theo con đường cứu độ Đức Giêsu đã đi qua thế gian này, con đường chúng ta phải tiếp bước ra đi. Con đường này có những giai đoạn khác nhau:

• Tiếp cận và đối thoại
• Hiện diện và phục vụ
• Rao giảng và làm chứng

TIẾP CẬN VÀ ĐỐI THOẠI:

6. Đa số các giáo xứ trong Giáo phận chúng ta đều là những cộng đoàn chung sống giữa người kinh và anh em sắc tộc. Trong hoàn cảnh đặc thù của một Giáo phận truyền giáo, nhận thức rõ ràng về sứ mệnh của mình là những người được Chúa sai đến với anh chị em sắc tộc, chúng ta cùng nghe lại giáo huấn của Hội Thánh trong Sắc Lệnh về Truyền Giáo:

• “Giáo Hội phải thấm nhập vào tất cả những nhóm người theo cùng một chiều hướng như chính Chúa Kitô, Đấng đã nhờ việc nhập thể mà liên kết mình với những hoàn cảnh nhất định về xã hội và văn hóa của những người mà Chúa cùng chung sống” (SLTG số 10).

• “Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người, để dẫn đưa họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống, và phải đối thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc Âm chiếu soi những ân huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế” (SLTG số 11).

Giáo huấn của Hội Thánh trên đây nhắc lại cho chúng ta những đòi hỏi cơ bản của công việc truyền giáo và dưỡng giáo đối với anh chị em sắc tộc thiểu số.

7. Việc truyền giáo và dưỡng giáo rất cần đến ngôn ngữ, vì thế, sự khác biệt ngôn ngữ đã tạo một khoảng cách rất lớn giữa chúng ta với anh chị em sắc tộc: sự hiểu biết lẫn nhau, sự cảm thông giúp đỡ bị hạn chế. Đàng khác việc học ngôn ngữ một dân tộc là dấu chứng sự tôn trọng quý mến chủng tộc và văn hoá truyền thống của họ. Đây là một đặc tính quan trọng của việc Rao Giảng Tin Mừng. Đức Giêsu đã tiếp xúc, đối thoại và rao giảng bằng chính ngôn ngữ của dân tộc Do Thái, ngôn ngữ con người, bởi vì ngài tôn trọng và yêu thương con người bằng cả tấm lòng. Đây là một sứ điệp được truyền đạt đặc biệt qua biến cố Ngũ Tuần: các tông đồ có thể nói bằng các ngôn ngữ khác nhau và chắc hẳn người nghe thuộc nhiều miền nhiều nước đã không chỉ ngạc nhiên sửng sốt nhưng còn xúc động sâu xa: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ?” (Cv 2,7).

HIỆN DIỆN VÀ PHỤC VỤ:

8. Các mục tử:

Như Đức Kytô đã đến trong nhà Người, gia đình nhân loại, gia đình con cái Thiên Chúa: “Người đã đến nhà mình” (Ga 1,11) – “…và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), các mục tử cũng phải tiếp cận và gần gũi anh chị em sắc tộc. Chỉ có gần gũi mới có thể cảm thông chia sẻ thực sự. “Xa mặt thì cách lòng”, câu ngạn ngữ này đúng cả trong lãnh vực truyền giáo và dưỡng giáo. Chúng ta có thể hiện diện gần gũi với anh chị em chúng ta bằng nhiều cách:

• Là mục tử, các linh mục không ngại đường xá cách trở, để cùng với Chúa Giêsu, đến với anh chị em chúng ta trong các thánh lễ tại gia và cử hành bí tích: bí tích Hoà giải và Thánh Thể cho người không thể đến Nhà Thờ, xức dầu cho các bệnh nhân. Đây cũng là dịp tốt để tình thương yêu và Tin Mừng được nói lên bằng ngôn từ và hành động.

• Là mục tử, các linh mục phải trở thành niềm ủi an, sự nâng đỡ cho anh chị em trong các buôn sóc chịu thử thách vì nghèo khổ, tật bệnh, tuổi già sức yếu, và tang chế. Chúa cần chúng ta và anh chị em đau khổ cần chúng ta.

• Là những mục tử công việc đa đoan, các linh mục không thể hiện diện thường xuyên bên cạnh anh chị em chúng ta. Nhưng như ngày xưa, Chúa Giêsu cũng phải chọn gọi các tông đồ, môn đệ và sai họ ra đi (x. Mt 10,1.5-14; Mc 6,7-13; Lc 9,1-6; Lc 10,1-3), và như các nhà truyền giáo Tây Nguyên thời đầu đã phải tuyển chọn và cắt cử các Yao Phu (là thầy giảng, giáo lý viên), các mục tử cần phải hiện diện gần gũi anh chị em các buôn sóc qua các Ban Hành Giáo buôn sóc, các Thừa tác viên ngoại thường, các Giáo lý viên, Ban Loan Báo Tin Mừng giáo xứ giáo họ và các cộng đoàn Hội Dòng trong các giáo xứ giáo họ.

9. Ban hành giáo buôn sóc:

Ban Hành Giáo giáo buôn giáo sóc phải là cánh tay phải của các vị chủ chăn và Hội Đồng Giáo xứ, Giáo họ: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội không thể trở thành muối của thế gian” (HCTL về Giáo Hội, số 33).

Họ cần được đào luyện nghiệp vụ để trở thành những tông đồ giáo dân nhiệt thành, đạo đức và hiểu biết. Họ có bổn phận phải thực hiện những gì Hội Thánh đã truyền dạy:

• “Mục đích riêng của hoạt động truyền giáo này là rao giảng Phúc Âm và trồng Giáo Hội vào các dân tộc hay những nhóm người mà Giáo Hội còn chưa bén rễ” (SLTG.số 6).

• “ Vậy các nhà truyền giáo như những cộng sự viên của Thiên Chúa, phải gây dựng những cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của mình để họ có thể thi hành những chức vụ đã được Chúa trao phó cho họ: đó là chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả…

Do đó, ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu phải được thiết lập làm sao để tự mình có thể cung cấp cho mình những gì cần thiết, được phần nào hay phần nấy.

Cộng đoàn tín hữu này đã có sẵn nguồn phong phú về văn hóa của dân tộc, phải bén rễ sâu trong dân chúng: các gia đình đã thấm nhuần tinh thần Phúc Âm phải phát triển và phải được các trường học có giá trị nâng đỡ; phải tổ chức các hội đoàn và các nhóm người lo việc tông đồ giáo dân, để có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập toàn thể xã hội” (SLTG số 15).

10. Các thừa tác viên ngoại thường :

Cần phải lưu tâm đặc biệt đến nhừng anh chị em bệnh tật, già yếu trong các buôn sóc. Trong hoàn cảnh khổ đau nghiệt ngã của phận người, họ cần có Chúa nâng đỡ ủi an. Các Thừa tác viên cho Rước Lễ ngoại thường là người kinh và nhất là người sắc tộc phục vụ anh chị em đau khổ trong các buôn sóc rất quan trọng. Chúa Giêsu muốn thăm viếng họ như ngày xưa Người đã từng thăm viếng cứu chữa những người tàn tật yếu đau (x. Mt 8,14-17). Qua các vị mục tử và các thừa tác viên ngoại thường, Người luôn khát khao thực hiện lới ngôn sứ I-sai-a: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Is 53,4).

11. Các giáo lý viên:

Giáo Hội xác quyết trong Sắc Lệnh về Truyền Giáo như sau:

“Có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi muôn dân, đó là đạo binh các giảng viên giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.

Trong thời đại chúng ta, chức vụ của các giảng viên giáo lý rất quan trọng vì số giáo sĩ ít oi không đủ để rao giảng Phúc Âm cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành mục vụ” (SLTG số 17).

Cần phải liệu sao cho đủ con số các giảng viên giáo lý cho các cộng đoàn sắc tộc. Và bởi những đặc tính riêng biệt về môi trường tín ngưỡng cổ truyền, văn hoá, não trạng và ngôn ngữ, phải liệu sao cho các giáo lý viên được huấn luyện kỹ càng về giáo lý và phương pháp truyền thông giáo lý thích hợp cho một cộng đoàn sắc tộc bị giới hạn về tầm hiểu biết và về văn hóa. Phải giúp cho các giáo lý viên hiểu biết đầy đủ niềm tin và luật tục* của các sắc tộc để thanh lọc những niềm tin không phù hợp với giáo lý công giáo, thanh tẩy những luật tục* cổ xưa và giúp anh chị em tân tòng tránh được những mê lầm trên con đường sống đạo. Do đó, phải lo liệu tăng số các giáo lý viên sắc tộc chăm lo giáo lý cho các cộng đoàn sắc tộc.

12. Ban Loan Báo Tin Mừng giáo xứ giáo họ:

Mỗi giáo xứ giáo họ cần phải thành lập Ban Loan Báo Tin Mừng (Ban Truyền Giáo), gồm những người đạo đức và nhiệt thành, sẵn sàng hy sinh phục vụ phần rỗi anh em. Họ cần phải được đào tạo và hướng dẫn, để ngoài việc loan báo Tin Mừng cho anh chị em lương dân, thì trong các giáo xứ giáo họ có giáo dân sắc tộc, họ còn là những người bạn, những cố vấn nhiệt tâm luôn đồng hành với các Ban Hành Giáo và các giáo lý viên sắc tộc.

* Luật tục: toàn bộ những nguyên tắc ứng xử không thành văn được hình thành trong xã hội, sau một thời gian dài áp dụng đã trở thành truyền thống và được mọi người tuân thủ (Từ Điển Bách Khoa Việt Nam tập 2, trang 770).

13. Các cộng đoàn hội dòng

“Trong khi tận tụy hoạt động để gieo trồng Giáo Hội và hoàn toàn thấm nhuần những ơn phước huyền nhiệm đã từng làm vẻ vang truyền thống tu trì của Giáo Hội, các hội dòng phải cố gắng diễn tả và thông ban những ơn phước đó tùy theo tinh thần và đặc tính của mỗi dân tộc”(SLTG số 18).

Các cộng đoàn chiêm niệm góp phần vào công cuộc chung của Giáo phận bằng kinh nguyện, chiêm niệm và khổ hạnh để Lời Chúa được loan báo và sinh hoa kết quả trong các cộng đoàn anh em sắc tộc. Các cộng đoàn hoạt động phải nhiệt thành và khôn ngoan cộng tác với các linh mục và các tổ chức trong các giáo xứ giáo họ hướng tới anh chị em sắc tộc mà họ được sai tới. Khi hết lòng cống hiến khả năng và thời giờ cho những người nghèo khổ, họ sống Đức Ai Kitô giáo trọn vẹn và hiệu quả hơn.

RAO GIẢNG VÀ LÀM CHỨNG:

14. Đức Giêsu ngày xưa nơi vùng đất Israel đã luôn lên đường rao giảng Tin Mừng và phục vụ tình yêu thương. Đối với Người, rao giảng là phục vụ và phục vụ là lời rao giảng trung thực nhất về tình thương cứu độ đồng thời là chứng cớ hùng hồn về tình yêu của Cha trên trời. Thập giá là dấu chứng hiện thực và hùng hồn nhất của Lời Chúa phán: “Không ai có tình yêu cao cả hơn người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Hôm qua hôm nay và ngày mai, qua Giáo Hội và mỗi Kitô hữu, Chúa luôn luôn lên đường rao giảng và làm chứng. Lời rao giảng thiếu chứng cứ là lời rỗng tuếch như thánh Phaolô đã khẳng định trong bài ca của lòng yêu mến, 1 Cr 13. Mẹ Giáo Hội, trong Sắc lệnh về Truyền Giáo đã dạy rằng:

“Sự hiện diện của các Kitô hữu giữa các nhóm người phải được tác động bằng chính tình bác ái mà Thiên Chúa đã yêu chúng ta và muốn chúng ta cũng thương yêu nhau bằng tình bác ái đó... Do đó, như Chúa Kitô đã trải qua khắp các thị thành và làng mạc, chữa lành mọi kẻ tật nguyền, bệnh hoạn, làm dấu chỉ Nước Chúa đã đến, thì Giáo Hội cũng nhờ con cái mình mà liên kết với mọi người thuộc mọi hoàn cảnh, nhất là với những người nghèo hèn đau khổ, và tình nguyện hy sinh cho họ. Thực vậy, Giáo Hội chia vui sẻ buồn với họ, nhận biết những ước vọng và những vấn đề nhân sinh của họ, cùng chịu khổ với họ trong những lo âu về sự chết” (SLTG.số 12).

15. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm được gì để thực sự là con cái của Chúa tình yêu và là những môn đệ của Cứu Chúa tình yêu ? Ở đây tôi muốn gởi đến cộng đoàn giáo dân trong Giáo phận những lời tâm huyết:

• Xin anh chị em nhớ lại Giáo Huấn của Giáo Hội:

“Tất cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào công việc rao giảng Phúc Âm” (SLTG số 36).

• Anh chị em hãy làm chứng cho lòng bác ái Kitô giáo bằng quan tâm đến đời sống tâm linh và phần rỗi anh chị em sắc tộc nghèo khổ: chia sẻ đức tin và niềm hy vọng cho họ, sẵn sàng trở thành những người cha người mẹ thiêng liêng cho anh chị em dự tòng và cho con cái các tân tòng để luôn đồng hành với họ trong cuộc sống mỗi ngày.

• Anh chị em hãy làm chứng cho tình yêu Chúa bằng một tương quan đầy lòng tôn trọng và yêu thương anh chị em sắc tộc. Phải loại bỏ những biểu hiện kỳ thị sắc tộc nơi ngôn từ, trong hành động, trong công việc giao thương buôn bán làm ăn. Phải tránh xa những lời dụ dỗ ngọt ngào lợi dụng anh chị em sắc tộc.

• Chúng ta cùng nhớ lại lời thánh Phao-lô: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư dả là để giúp đỡ những người túng thiếu...” (2 Cr 8,14). Đừng vì lợi nhuận mà để anh chị em sắc tộc thất nghiệp. Tạo công ăn việc làm cho họ là giúp đỡ họ trong hoàn cảnh ngặt nghèo, đồng thời lại có dịp gần gũi để chia sẻ niềm tin và niềm hy vọng cho họ.

III. VỚI CỘNG ĐOÀN GIÁO DÂN SẮC TỘC

16. Tôi muốn dành phần cuối của Thư Mục Vụ này để ngỏ lời với anh chị em giáo dân sắc tộc, những người con được yêu thương của đại gia đình Giáo Phận:

Anh chị em thân mến, anh chị em hãy luôn vui mừng cảm tạ Thiên Chúa Đấng đã giải thoát anh chị em khỏi nô lệ tội lỗi mê lầm để trở thành những người con tự do: ‘Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em” (1 Cr 7,23).

• Để có thể trung thành sống thân phận con cái Thiên Chúa, anh chị em hãy tiếp tục học hỏi và sống Lời Chúa dạy, đào sâu đạo lý công giáo. Nhờ đó anh chị em có thể tránh được tình trạng bất trung mà thánh Phao-lô, vị tông đồ dân ngoại đã đề cập tới:

“Xưa kia, không biết Thiên Chúa, anh em làm nô lệ cho những thứ theo bản tính không phải là thần. Nhưng nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn quay trở lại với những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy, còn muốn làm nô lệ cho chúng một lần nữa?” (Gl 4,8-9).

• Bằng các sinh hoạt đức tin, bằng sự đoàn kết yêu thương, bằng những tương quan đầy tình bác ái đối với mọi thành phần anh em trong buôn làng, anh chị em hãy trồng Giáo Hội vào môi trường anh chị em sống để đức tin và lòng bác ái, lẽ công bình và dạ công chính của anh chị em luôn được nuôi dưỡng và phát huy, hầu anh chị em có thể thực hiện Lời Chúa phán: ”Chính anh em là muối cho đời”(Mt 5,13), “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14).

• Anh chị em cũng đừng để bị mê hoặc bởi người đời: “Đừng trở nên nô lệ cho người phàm!”(1 Cr 7,23). Hãy lánh xa cách suy nghĩ, lối sống, cách cư xử không tốt, không đúng với giáo lý Chúa nơi nhiều người. Tệ nạn rượu chè say sưa, phá thai, sống chung không hôn phối, vợ chồng bỏ nhau, ly dị... những điều tệ hại này dẫn dụ anh chị em trở lại tình trạng nô lệ tội lỗi, đem lại cho xã hội và gia đình những hậu qủa xấu xa. Trong nếp sống gia đình, trong các sinh hoạt liên hệ đến hôn nhân, tang chế: anh chị em hãy sống như những người con tự do, biết tin và biết yêu của Thiên Chúa. Hãy từ bỏ những tập tục không phù hợp với niềm tin và đạo lý công giáo.

• Không có một dân tộc nào từ khởi thủy đã là dân tộc văn minh phát triển. Tất cả các dân tộc đều phải đi lên từ thực trạng nghèo đói, chậm tiến…Anh chị em đang đi trên con đường tiến bộ: hãy khát vọng và nỗ lực tự giải thoát mình khỏi tình trạng chậm tiến. Biết nâng cao trình độ kiến thức, biết chăm sóc sức khỏe, biết sống vệ sinh, biết cần cù chịu khó, biết tiết kiệm và tận dụng mọi hoàn cảnh để làm kinh tế…đó là những bước cơ bản trên con đường phát triển của anh chị em.

• Hãy trân trọng những gia tài tinh thần của ông bà tổ tiên bao đời để lại. Những tập tục tốt lành phù hợp với giáo lý công giáo, hãy lo gìn giữ. Phải bảo vệ và phát huy ngôn ngữ cùng các truyền thống văn hoá nghệ thuật của cha ông. Chúa Giêsu đã đến để nâng cao và thánh hoá các giá trị nhân văn của loài người và dẫn họ bước đi trên con đường cứu độ. Và Giáo Hội đến lượt mình đã khẳng định: “Việc phải làm là cứu rỗi con người và canh tân xã hội loài người” (HCMV số 2c). Anh chị em hãy đồng hành với Chúa Giêsu và Giáo Hội người trên con đường sống đạo trong chính buôn sóc và trong lòng dân tộc mình.

KẾT LUẬN

17. Anh chị em thân mến,

Mùa Chay 2009 đã gần đến. Mùa Chay là mùa trở về với Chúa và với chính mình. Con đường trở về này đi qua nhiều ngõ ngách dẫn chúng ta vào mọi lãnh vực của cuộc sống kitô hữu. Trong tinh thần chung của lá thư mục vụ này, để trở về với Chúa cách trọn vẹn hơn, tôi tha thiết mời gọi mọi người cũng hãy trở về với Mẹ Giáo Hội địa phương là Giáo Phận.

Giáo phận chúng ta đã lên tuổi 42. Trên hành trình 42 năm, từ con số 56.719 giáo dân trong 33 giáo xứ vào năm 1967, nay đã có trên 293.718 anh em người kinh và trên 67.408 anh em sắc tộc cùng song hành trên con đường đức tin, chung sinh hoạt trong trong 88 giáo xứ, 58 giáo họ (Số liệu theo thống kê mới nhất 02/ 2009.).

Trong 42 năm qua, mỗi người, mỗi cộng đoàn chúng ta đã góp phần thế nào, đã làm được gì giúp Giáo phận tiếp cận, yêu thương phục vụ anh chị em mọi sắc dân để Giáo phận thực sự trở thành Bí Tích cứu độ cho mọi người ? Trả lời được câu hỏi này, chúng ta có thể hoàn thiện con đường đã đồng hành với Mẹ Giáo phận và mở ra những đường hướng mới mẻ giúp mỗi cộng đoàn và mỗi người có thể tích cực sống ơn gọi kitô hữu trọn vẹn hơn trong lòng Giáo phận, hầu mọi anh chị em chúng ta, đặc biệt anh chị em các sắc tộc được yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bổn mạng của Giáo phận, nguyện xin bình an và ân sủng của Chúa ở cùng anh chị em. Thân chào anh chị em trong Chúa Kytô.

Ban Mê Thuột ngày 20.02.2009

Giám Mục Giám Quản Tông Toà Giáo Phận:
(Đã ấn ký)